Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Nhìn vào án phạt để điều chỉnh (03/11/2017-7:52)
    (NLBTH) - Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo vừa tiến hành xử phạt Trường Tiểu học xã Yên Thịnh, huyện Yên Định do vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, mức phạt 12.000.000 đồng.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Trường Tiểu học Yên Thịnh đã có hành vi tổ chức trái phép hoạt động Câu lạc bộ Toán học và Câu lạc bộ Tiếng Việt trong giờ học chính khóa. Mỗi học sinh theo học phải nộp mỗi tuần 18.000 đồng.

Theo quyết định phạt, Trường Tiểu học Yên Thịnh đã phải dừng tổ chức hoạt động các Câu lạc bộ kể từ ngày 1/11/2017, trả lại số tiền đã thu của học sinh trái quy định chậm nhất vào ngày 10/11/2017.

Đây là mức phạt tiền không quá nặng, nhưng về danh dự và biện pháp khắc phục thì không hề nhẹ. Nhà trường sẽ không được xem xét các danh hiệu thi đua ít nhất trong năm học này, lớn hơn là mất niềm tin của phụ huynh. Ngành Giáo dục huyện Yên Định cũng bị ảnh hưởng do không phát hiện kịp thời sai phạm của cơ sở giáo dục trên địa bàn để có biện pháp ngăn chặn.

Lâu nay dư luận xã hội khá bức xúc với việc tổ chức các lớp học thêm, học ngoại khóa tại nhiều trường học. Về danh nghĩa đây là những lớp học tự nguyện, nhưng nhiều giáo viên chủ nhiệm triển khai đến học sinh không rõ ràng, thậm chí có sự gợi ý khiến nhiều phụ huynh có cảm giác như là bắt buộc. Nhiều người rất khó xử bởi việc học hay không học lại liên quan đến thái độ, ứng xử của giáo viên, của nhà trường với con mình. Một số học sinh thấy bạn trong lớp đi học cũng đòi theo, thành ra không muốn người lớn cũng phải chiều lòng con trẻ, dẫn đến vừa mất thời gian, vừa mất tiền.

Dường như một số nhà trường đang cố tình tạo ra một “khoảng trời riêng” trong khuôn viên nhà trường, trong đó có việc “ép” học sinh tham gia vào nhiều khóa học chưa cần thiết. Đây là diều dễ hiểu, bởi thông thường số học sinh càng nhiều thì nhà trường được trích phần trăm càng lớn. Hình thức liên kết giáo dục này không mới, đã bị cấm ở nhiều địa phương, nhưng khi mà điều kiện kinh tế của nhiều gia đình trở nên khá hơn, việc quản lý giáo dục ở nhiều nơi có phần lỏng lẻo hơn, thì nó trở nên rất phát triển.

Liên kết giáo dục trong nhà trường không phải không tốt, nhưng lạm dụng, biến nó thành một công cụ để tăng thu nhập là điều cần lên án và sớm loại bỏ khỏi các cơ sở giáo dục.

Từ án phạt này, rõ ràng các trường học cần nhìn vào để có sự điều chỉnh phù hợp, dù biết rằng ma lực đồng tiền từ những liên kết này rất khó để từ chối.

Anh Vũ

 

Các tin khác:
  • Xin đừng chạy theo thứ phú quý phù du (31/10/2017-8:09)
  • Siết lại việc kiểm tra kê khai tài sản (29/10/2017-19:25)
  • Vụ công dân nhắn tin đe dọa nhà báo: “Mù” luật và hệ lụy (27/10/2017-7:52)
  • Mong làn gió mới sớm lan tỏa (24/10/2017-8:03)
  • Tháo “ngòi nổ” từ cơ sở làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” (23/10/2017-8:03)
  • Phải xem là việc của mình, trách nhiệm của mình (20/10/2017-8:54)
  • Giảm bộ máy, giảm áp lực - “Làn gió mới” từ Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) (16/10/2017-7:43)
  • Đằng sau bức ảnh (14/10/2017-22:21)
  • Không để rượu, bia đi vào “vết xe đổ” của thuốc lá (09/10/2017-8:07)
  • Từ những giọt nước mắt, mong có thêm nhiều giọt nước mắt để nhen lên nụ cười (07/10/2017-21:59)