Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Toạ đàm Nhận diện suy thoái và “tự chuyển hoá” qua báo chí truyền thông:
Trăn trở về những cốt lõi diệt trừ “giặc nội xâm” (10/11/2017-8:07)
    Tọa đàm “Nhận diện suy thoái và “tự chuyển hoá” qua báo chí truyền thông” do Cổng Thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tạp chí Người Làm Báo, Báo Nhà báo và Công luận đồng tổ chức đã chuyển tải được nhiều nội dung thông tin, nhiều thông điệp đến với lãnh đạo các cấp và công chúng.
Toàn cảnh Tọa đàm

Những giải pháp quan trọng để diệt trừ tệ nạn tham nhũng, quét “giặc nội xâm”, đồng thời đề cao việc sửa lỗi hệ thống, kiên quyết xoá bỏ cơ chế “xin – cho”, sửa sai triệt để công tác cán bộ, xoá bỏ vấn nạn mua chức, bán quyền, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là cần đột phá triệt để thực thi dân chủ đã được các đại biểu đã đề xuất.

Tại buổi Tọa đàm, nhà báo Nguyễn Hòa Văn- Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam thẳng thắn chỉ ra rằng:

-Ba mươi năm đổi mới, mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng chúng ta chưa tạo được bước tiến bền vững của quá trình đi lên. Bức tranh tổng thể về kinh tế xã hội của nước ta bên cạnh nhiều kết quả tươi sáng của công cuộc đổi mới tỏa khắp muôn nơi còn nhiều mảng tối ảm đạm. Nợ công quá lớn. Tham nhũng tràn lan. Số lượng doanh nghiệp thua lỗ, đổ bể nhiều. Tài nguyên bị khai thác cạn kiệt. Môi trường bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng. Đất đai bị xẻ thịt, bị băm nát nhiều nơi. Bệnh viện không đủ giường. Trường học không đủ phòng. Khắp cả nước có hàng trăm, hàng ngàn dự án treo, công trình bị bỏ hoang. Người giàu ở nước ta phần nhiều nhờ vào kinh doanh bất động sản, khai thác tài nguyên, khác với người giàu ở các nước tư bản, họ nhờ vào tài sản thừa kế và sản xuất kinh doanh các ngành nghề mang hàm lượng chất xám cao”.diều đáng nói là đạo đức của cán bộ công chức,viên chức bị suy thoái nghiêm trọng,tạo nhiều bất công xã hội,nhiều giá trị thật bị nhấn chìm,giá trị giả lên ngôi.

- “Sửa lỗi hệ thống, sửa đổi công tác cán bộ, phát huy dân chủ và truyền thông là ba giải pháp đồng bộ diệt trừ tham nhũng, quét “giặc nội xâm”. Để thực hiện thắng lợi Chủ trương xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ cần phải nghiên cứu, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và có bước đi phù hợp. Vấn đề gì làm được ngay và nên làm ngay phải làm quyết liệt, vấn đề gì chưa làm được ngay cũng phải xác định lộ trình cụ thể.

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn

Trong vấn đề sửa đổi công tác cán bộ, nhà báo Nguyễn Hòa Văn đưa ra 3 giải pháp cơ bản để sửa đổi công tác cán bộ đó là:

 Thứ nhất, cần thực hiện ngay các giải pháp tuyển chọn, xây dựng nguồn phát triển Đảng, bổ sung nguồn cán bộ, công chức, viên chức,… Thi tuyển là một hình thức hay, nhưng làm thế nào để có kết quả thực chất. Cần phải có qui định cán bộ không được tìm cách đưa người vào biên chế, nếu không đủ tiêu chuẩn, không có nhu cầu. Người nhà thi vào biên chế, thực hiện các thủ tục vào biên chế bình đẳng như các đối tượng khác.

Thứ hai, sắp xếp bố trí cán bộ không được bố trí nhầm người, sai người, nhầm chỗ, sai chỗ, nhất là người đứng đầu. Cần kết hợp với thực hiện chức trách nhiệm vụ để tiến hành kiểm tra, giám sát qua đó thanh lọc đưa được cán bộ xấu ra khỏi các cơ quan công quyền.

Thứ ba,  chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục rèn luyện cán bộ để cán bộ không chạy, không tranh giành quyền chức,không tranh giành danh lợi góp phần làm sai lệch bản chất chế độ.

Bên cạnh đó, nhà báo Nguyễn Hòa Văn cũng khẳng định, cần phải coi khai thác, sử dụng triệt để tính tích cực của báo chí và truyền thông xã hội là một giải pháp rất quan trọng và hiệu quả trong công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, bản lĩnh, đạo đức con người, đồng thời cần khuyến khích toàn dân phát hiện tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thông qua báo chí và truyền thông xã hội.

TS Trần Bá Dung

TS Trần Bá Dung - Trưởng Ban Nghiệp vụ, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho biết:  

- “ Báo chí luôn đi đầu trong tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Với Nghị quyết TW 4 khóa XII cũng vậy. Cuộc đấu tranh chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” theo nội dung Nghị quyết TW 4 khóa XII, được thể hiện kịp thời trên diễn đàn báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu tuyên truyền của Đảng, đúng tinh thần Nghị quyết, đúng đối tượng tuyên truyền, theo phương thức tuyên truyền phù hợp với từng loại hình báo chí, từng cơ quan báo chí...”

- “Cá nhân tôi, tôi tin tưởng rằng cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chống những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” … được cán bộ, đảng viên, được đông đảo nhân dân hưởng ứng và thực hiện. Bởi vì nó cho thấy sự cầu thị của Đảng trước nhân dân trước những suy thoái về tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ đảng viên - nguyên nhân làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng. Một khi Đảng đã tự “sửa mình” một cách nghiêm túc và cầu thị, chắc chắn lấy lại được lòng tin của nhân dân và cuộc đấu tranh tư tưởng này sẽ thành công, dù còn nhiều khó khăn, trở ngại.”- TS Trần Bá Dung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Danh Giáp

Ông Nguyễn Danh Giáp - Cán bộ hưu trí huyện Mỹ Đức, Hà Nội nhận xét:

 “Những bài báo có tầm trí tuệ, công tâm, dũng cảm đã chỉ ra được nhiều thủ đoạn, mánh khóe tinh vi của những hành vi suy thoái, tham nhũng, nhất là những biểu hiện suy thoái, tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến vận mệnh sống còn của Đảng, của cách mạng đã thực sự có sức lay động, khơi dậy tính tích cực chính trị trong đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đã "tiếp lửa" và thực sự là chỗ dựa cho quần chúng trong cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm", củng cố thêm niềm tin của mỗi người vào Đảng, vào chế độ và con đường đi lên CNXH vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Phòng chống tham nhũng trên báo chí trở thành trung tâm của cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống," tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố vững chắc niềm tin của quần chúng vào cách mạng. Đó chính là những nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước đi lên CNXH ở nước ta hiện nay.

                                          Theo Minh Thư/Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam

 

Các tin khác:
  • VietnamPlus ra mắt chuyên trang đặc biệt về APEC Vietnam 2017 bằng 3 ngôn ngữ (10/11/2017-8:06)
  • Trao giải cuộc thi viết về tam nông lần thứ sáu (10/11/2017-8:03)
  • 20 tác phẩm báo chí xuất sắc viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (09/11/2017-1:38)
  • Báo chí tuyên truyền và xúc tiến đầu tư, thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam 2017 (07/11/2017-10:23)
  • Báo điện tử Công an Nhân dân chạy thử nghiệm phiên bản tiếng Trung Quốc (07/11/2017-10:20)
  • Tọa đàm “Nhận diện suy thoái, ‘tự chuyển hóa” qua báo chí truyền thông” mang đậm tính lý luận và thực tiễn về con đường đi lên CNXH (07/11/2017-10:19)
  • Tiếp tục “thổi lửa” đam mê cho các nhà báo nữ trên địa bàn (04/11/2017-21:24)
  • Hội thảo 'Báo chí làm gì để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII' (02/11/2017-11:42)
  • Thủ tướng phê duyệt phát triển VietnamPlus là báo đối ngoại quốc gia (01/11/2017-8:09)
  • Báo điện tử Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử dừng hoạt động (31/10/2017-8:04)