Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Chân dung 7 nhà báo đại thụ (27/04/2018-7:19)
    Cổng Thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam trân trọng giới thiệu loạt bài chân dung của nhà báo Nguyễn Uyển giới thiệu 7 nhà báo đại thụ của Báo giới Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng: Hoàng Tùng, Đỗ Đức Dục, Hồng Chương, Lưu Quý Kỳ, Trần Công Mân, Phan Quang, Hữu Thọ.

Hoàng Tùng - Nhà báo, nhà chính  trị sắc sảo, sâu sát

HOÀNG TÙNG - Niềm ngưỡng mộ trong tôi

Nhà báo sắc sảo, sâu sát

Tôi, một người làm báo địa phương Vĩnh Phú từ 1966, về HNBVN từ 1990 (sau khi được bầu vào Thường vụ HNBVN tại Đai hội V), may mắn có gần 50 năm gắn bó, cộng tác đều đặn với Báo Nhân Dân qua rất nhiều Tổng biên tập như Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Hồng Vinh, Đinh Thế Huynh và Thuận Hữu... Kỷ niệm công việc với mỗi Tổng biên tập Báo Đảng đọng mãi trong ký ức tôi cho dù năm tháng cứ lặng lẽ trôi vào dĩ vãng.

Rất khó quên, ấy là với nhà báo Hoàng Tùng. Bởi ông không chỉ là Tư lệnh trưởng của tờ báo Đảng uy tín, đĩnh đạc, mà còn là Chủ tịch HNBVN giỏi giang liên tục từ khóa III cho tới khóa IV (Khóa I và II, ông là Phó Chủ tịch); nghĩa là ông có tới 36 năm làm công tác Hội, với 25 năm làm Chủ tịch.

Những năm tháng đất nước đánh giặc ngoại xâm, đặc biệt là "Chống Mỹ cứu nước" và "Chống chiến tranh Biên giới phía Bắc" tên tuổi ông như đồng nghĩa với tên của tờ báo. Nói đến Hoàng Tùng là bạn đọc nhớ đến Báo Nhân Dân - Nói đến Báo Nhân Dân là người ta nghĩ đến Hoàng Tùng. Nghĩ như thế bởi danh tiếng của ông tạo nên từ sự sắc sảo trong chỉ đạo định hướng sự lãnh đạo của Đảng qua tờ báo sát thực với thời cuộc và thời đại. Nghĩ như thế còn vì những bài xã luận ông viết trên Nhân Dân được phát trên Chương trình Thời sự Đài tiếng nói Việt Nam thời chúng ta đánh giặc ngoại xâm, hừng hực khí phách, như lời hịch, thôi thúc giục giã chúng ta xung trận.

Ngày ấy ông Hoàng Tùng là niềm ngưỡng mộ của các nhà báo địa phương chúng tôi. Ngày ấy, tên tuổi đội ngũ dưới trướng ông đào luyện cũng rất danh tiếng luôn vang lên trong tôi với những cái tên rất khó quên như: Hữu Chỉnh, Quang Đạm, Hồng Hà, Thép Mới, Hà Đăng, Nguyễn Sinh, Hữu Thọ, Phan Quang, Lê Bình, Đặng Minh Phương, Lê Điền...Ngày ấy ở Báo Vĩnh Phú, tôi vô cùng biết ơn Báo Nhân Dân đã sôi nổi tuyên truyền  Vĩnh Phú thực hiện "Khoán sản phẩm" thành công (nghĩa là "khoán chui" được thừa nhận; rồi những lần I, lần II và đặc biệt là lần thứ III Vĩnh Phú lên đồi với một loạt bài của nhà báo Hữu Thọ...như định hướng, như gợi mở cho chúng tôi tuyên truyền đậm đà trên Báo Vĩnh Phú...Ngưỡng mộ nhà báo Hoàng Tùng cùng  uy danh của ông - Bí thư TW Đảng (Nhiệm kỳ V của Đảng 1982 - 1986), Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nên kỷ niệm 20 năm Báo Vĩnh Phú ra số đầu tiên (1962 - 1982), Ban Biên Tập chúng tôi quyết định gửi thư mời ông dự Lễ Kỷ niệm báo. Thấp thỏm mong chờ rồi òa vui vì ông tới dự đúng ngày hẹn. Ngần ấy chức danh quan trọng đầy người nhưng ông lên duy nhất chỉ có lái xe đưa đi. Lễ Kỷ niệm với hàng trăm quan khách và cộng tác viên tham dự. Chúng tôi xếp ghế mời ông và đồng chí Lê Huy Ngọ, Chủ tịch UBND tỉnh ngồi chủ trì nghi lễ. Ông gọi, rồi kéo ghế giục tôi lên cùng ngồi. Giọng hóm hỉnh: - Tổng biên tập Báo Vĩnh Phú là chủ. Phải ngồi đúng chỗ. Chúng tôi là khách. Thế này là oách rồi! Hội trường cười vui. Họ rỉ rẩm: Quan to mà không quan cách! Đêm hôm ấy ông nghỉ lại ở Nhà khách Tỉnh ủy, sáng ngày sau đúng giờ, ông và đồng chí Lê Huy Ngọ xuống tòa soạn đón tôi cùng đi thăm cách làm vườn rừng ở xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương. Trên đường trở về, ông nói với tôi: Như thế này là Báo Vĩnh Phú có đất để dựng võ rồi. Phải tuyên truyền thật đậm các điển hình tập thể và cá nhân làm vườn rừng giỏi. Viết về họ thì phải nói thật rõ cách làm dẫn đến thành công để nơi nơi làm theo. Điển hình, mô hình, nhân tố mới là "ngôn ngữ" của báo chí. Nhờ nó mà nuôi và nhân ra diện rộng. Đây chính là phương cách của báo chí, là trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà báo!... Vỗ vai tôi, ông bảo: - Báo Vĩnh Phú, Báo Hà Tây và Hải Phòng tuyên truyền nông nghiệp khá tốt. Các cậu dược trao giải "Bông lúa vàng" về xã luận là xứng đáng, nhưng mình lưu ý: Xã luận nên viết ngắn, chữ nghĩa phải lay động được lòng người, lập luận cho thật chặt chẽ. Tổng biên tập hay ai viết thì cũng phải nhập vai: Đây là tiếng nói của Đảng, của Tỉnh ủy! (Chính những lời này của ông là gợi ý, để tôi có bài viết "Trách nhiệm xã hội của nhà báo" đăng trang nhất Báo Quân Đội Nhân Dân và phát trong Buổi thời sự ĐTNVN vào hôm Khai mạc Đại Hội lần thứ V-HNBVN).

Tối ấy, ông vui vẻ nhận lời ăn bữa cơm thân mật với Ban biên tập Báo Vĩnh Phú ngay tại phòng khách đơn sơ của Tòa soạn. Bữa cơm quê nhưng có món ông từng "khoai khẩu" nên Chủ tịch Lê Huy Ngọ cũng bất ngờ. Ông nói vui: Loại này là cứ phải: "7 món". Các cậu bớt món, vì ngại mình chứ gi? Chánh Văn phòng Cao Quang Triệu ấp úng: - Dạ. Vâng. Nhưng...(ý muốn nói vì tôi bảo như thế). Ông cười vui. Chuyện trong nhà với nhau thôi nhé!...Sau ngày ấy chuyện về ông loan truyền đến từng thành viên trong tòa soan, họ bảo: - Nhà báo uyên thâm; cây đa cây đề; chức vị cao sang, ấy vậy mà giản dị, thân gần đến lạ lùng, không phân biệt cao thấp, thân sơ!...Ấy là chuyện nghề, là cái tình của ông với chúng tôi, những người làm báo "Nhà quê" thuở ấy!

Hoàng Tùng - Chủ tịch Hội Nhà báo - Dân chủ, chịu nghe và quyết đoán.

Chưa xa. Mới 25 năm. Một chiều Hà Nội (cuối năm 1983), tại Hội trường nhà cấp 4 lúc ấy, kề bên gốc đa cổ thụ trong khuôn viên Tòa soạn Báo Nhân Dân ở 71 Hàng Trống, diễn ra Hội nghị trù bị Đại Hội lần thứ IV- HNBVN. Phiên trù bị do đích thân Chủ tịch Hội- Hoàng Tùng chủ trì. Buổi họp sắp kết thúc thì bỗng đâu một con vịt mái bay vào, nhảy lên tận sàn kỳ đài, miệng càm cạp liên hồi (cả hội trường ồn ã)...Xua vịt ra. Ông Hoàng Tùng hóm hỉnh, giọng cắt khúc, cắt nhát: - Điềm lành...hay... gở đây! Vừa dứt lời thì cô văn thư hới hả bước vào đưa cho ông một tờ thư. Ông giơ cao: - Điện khẩn à! Rồi cất giọng đoc: "Tỉnh chúng tôi đề nghị Ban nhân sự Đại hội, rút danh sách nhà báo Nguyễn Uyển, Tổng biên tập báo kiêm Chủ tịch HNB Vĩnh Phú ra khỏi nhân sự dự kiến bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà báo VN kỳ này!". Ký tên. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. (Xin miễn nhắc tên, vì sau đó ông này đã bị Thường vụ Tỉnh ủy kiểm điểm. Ông nói vì ông nhận được thư "nặc danh" của 1 người nói không hay về Nguyễn Uyển - Hơn nữa nhân vật gửi bức điện này nay đã quá cố").... Cả Hội trường ồ lên. Nhà văn Xuân Cang ngồi trên, ngoái lại bảo tôi: - Kỳ nhỉ. Thế là thế nào? Nhà văn Lê Lựu thụi lưng tôi, giọng hằn học, chửi đổng: - Chuyện chỉ gặp ở hàng huyện. Nay lại thấy tận TW! Rồi giục tôi phải nói đi chứ. Ngồi yên sao được! Cùng lúc, ông Hoàng Tùng lớn giọng: - Hơi lạ đây. Việc này thì Ban nhân sự Đại Hội phải vào cuộc ngay. Phải xem xét kỹ đã. Ông cất giọng, hỏi: - Ý kiến của đại biểu Nguyễn Uyển thế nào? Tôi đáp: - Kính thưa đồng chí Hoàng Tùng. Kính thưa Đại Hội. Tôi được Đại Hội Nhà báo tỉnh bầu là đại biểu về dự Đại H-HNBVN kỳ này với 100% số phiếu tán thành. Tôi cũng không rõ nguyên do gì (Nhưng bụng thầm nghĩ do báo Vĩnh Phú của chúng tôi hồi ấy quyết liệt chống tiêu cực nên họ phản kích)!...

Vào Đại Hội chính thức. Trước ngày bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Hội, đích danh ông công bố bức điện khẩn của Ban Thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Phú đề nghị Đại hội giữ nguyên danh sách dự kiến để Đại hội bầu tôi vào Ban Chấp hành Hội Khóa IV. Nhờ đó mà tôi đã đắc cử. Không có sự cẩn trọng như thế của ông Hoàng Tùng thì tôi đã thành người chẳng ra gì từ xưa ấy!

Với công việc, tôi quý trọng cách chủ trì hội họp của ông. Hầu như ông không mấy để tâm đến lễ tân. Ngay cả tin tức trên báo chí ông thường nhắc nhở: Phải giảm lễ tân. Tôi chưa khi nào thấy ông lên giọng quan cách. Chức cao, quyền lớn nhưng rất khiêm nhường, chịu nghe. Gần giữa những năm thập kỷ 80 của thế kỷ trước, thông tin báo chí bắt đầu bắt nhịp với sự đổi mới do Đảng ta khởi xướng, một số vụ việc tiêu cực, trong đó có cả những cán bộ hàng đầu của tỉnh ( như ông Trọng Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa) bị công luận phanh phui, gây nên những ý kiến trái chiều, thậm chí gay gắt trong nhiều kỳ họp của Ban Chấp hành Hội khóa IV. Không ít ý kiến trì triết trách nhiệm của Chủ tịch Hội với vụ việc chống tiêu cực này. Nhưng không, ông rất dân chủ, để ai đó nói hết những bức xúc của mình. Ông chăm chú nghe, rồi sau đó mới kết luận những cái chung và cũng bày tỏ ý kiến riêng của mình, không áp đặt, không lẫn lộn chung riêng làm một...

Hoàng Tùng - Minh mẫn, cẩn trọng tới tận cuối đời!

Cốt cách nhà báo - nhà chính trị của ông  thể hiện rất rõ ngay cả khi ông đã nghỉ hưu tại tư gia ở số 6B - Đường Thành, Hà Nội... Tôi nhớ rất rõ, khi Ban Thư ký Hội NBVN (nay là Ban Thường vụ) soạn thảo Dự thảo "Quy chế" tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí (1991), (nay là Kỷ niệm chương) cho các nhà báo lâu năm có cống hiến vào sự nghiệp báo chí cách mạng. Sau nữa, là Dự thảo "Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam"; Phó Chủ tịch Thường trực Hội, Thiếu tướng Trần Công Mân giao tôi trực tiếp xin ý kiến cựu Chủ tịch Hoàng Tùng. Ông đọc rất kỹ càng rồi nói với tôi: - Mình thấy những việc này là rất hay. Cần thiết lắm. Về Kỷ niệm Chương thì ông bảo: - Thời gian 25 năm... dài quá. Nên rút xuống 20 năm thôi...Về Quy ước đạo đức, ông nói: - Các Điều nên ngắn gọn để người ta nhớ!...Vẫn chất giọng hóm hỉnh, ông nói: - Ý kiến của mình là tham khảo. Quyết định là tập thể Ban Chấp hành, là Đại Hội!...Ấy là việc chung.

Việc riêng cũng khiến tôi vô cùng khâm phục ông.  Tháng 4, năm 2003, Tổng biên tập Nguyễn Đoàn báo Bưu Điện VN, đặt tôi viết (để đăng nhiều kỳ) về tấm gương cố Trưởng ban Giao thông Liên lạc Trung ương; Tổng Cục trưởng Bưu điện VN đầu tiên của Việt Nam là Trần Quang Bình (tức Nguyễn Văn Dĩ), người học trò, người cán bộ tận tụy, liêm khiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Trần Quang Bình là người Nang Sa, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa quê tôi. Đọc lịch sử địa phương, tôi reo thành tiếng khi thấy ông Bình và ông Hoàng Tùng cùng chà tuổi, cùng bạn tù ở nhà tù Sơn La. Hai ông cùng vượt ngục về Chiến khu Hiền Lương quê tôi nơi nhà cách mạng Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt), Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, về quê tôi năm 1944 bắt liên lạc với anh Dĩ, giao nhiệm vụ cho anh cùng đồng chí  Bình Phương (tức Nguyễn Đức Vũ) xây dựng Nang Sa, Hiền Lương thành cơ sở đón tù chính trị vượt ngục ở Sơn La về tạm trú, và cũng là nơi trú chân cho các cán bộ Đảng và Mặt trận Việt Minh bị khủng bố truy lùng ở miền xuôi lên. Đồng thời xây dựng nơi đây thành căn cứ du kích để chuẩn bị Khởi nghĩa dành chính quyền ở Yên Bái, Phú Thọ...Ông Hoàng Tùng trong số 50 người vượt ngục đợt 2 về đây vào tháng 2/1945...

Lựa ngày chủ nhật cuối tháng 4/2003, tôi đến nhà số 6B, Hàng Đường thưa chuyện với ông về việc tôi sẽ viết về cuộc đời nhà cách mạng Trần Quang Bình. Ông Hoàng Tùng vui vẻ: " Ờ...ờ...Tốt...Tốt lắm. Trần Quang Binh (Nguyễn Văn Dĩ) một người tù, một quan chức cao cấp, trước sau như một - một con người cộng sản, một nhân cách cao quý, trong sáng, một lối sống đạo đức"! Ấy là những lời quy nạp và rồi ông tỷ mẩn kể theo lối diễn giải, chứng minh: "Nào là, Dĩ có đức tính rất đáng quý, nói ít, làm nhiều; đối với công việc và đồng chí thì chu đáo từng ly từng tý. Ngoài công việc của người tù thì Dĩ sửa chữa cơ khí cùng với anh em biết nghề. Dĩ để nhiều công sức dùng sắt tây làm bát, gamen, lập là cho tập thể những người tù...Nào là anh được tập thể anh em cử làm người đứng đầu "giữ trật tự". Tại nơi tù, anh em cử anh làm người cứu tế, chăm sóc người ốm đau. Đêm đêm ở góc này gọi Dĩ ơi, cho mình viên thuốc...cứ thế rồi ông Hoàng Tùng kể đến việc Dĩ vượt tù về xây dựng cơ sở chuẩn bị Tổng khởi nghĩa...Đến việc Dĩ (Trần Quang Bình) được cử làm Tổng Cục trưởng Bưu điện đầu tiên của Việt Nam...Và ông Hoàng Tùng gói lại theo cách quy nạp: -Đây là trường hợp dùng người rất đúng, vì Dĩ có đầy đủ đức tính cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ: Trung thành, tận tụy, có ý thức trách nhiệm cao. Phong cách làm việc, lối sống của anh giúp đoàn kết được mọi người. Dĩ luôn vì người mà quên mình"! (Lời kể của ông đã góp phần giúp tôi hoàn tất bài viết "Còn mài với thời gian" đăng trong tập bút ký Cuối đất-đỉnh giời, do NXB HNV ấn hành -2008)

Ngày ấy, tôi thầm reo lên: Trời ơi, một nhà báo lão thành tuổi cận kề 90 mà minh mẫn đến lạ lùng. Phải chăng đức tính đẹp, phong cách đẹp "Bút sắc, lòng trong" như chữ nghĩa của nhà báo Hữu Thọ, nên quý nhân phù trợ sự minh tuệ cho đến ngày biền biệt ra đi!.. Để chúng tôi, thế hệ hậu sinh mãi mãi tôn quý, tiếc thương ./.

ĐỖ ĐỨC DỤC - Người lãnh đạo nhiệt huyết với nghề!

Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950- 21/4/2016), nói về cội rễ tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, không thể không nhắc tới tên tuổi nhà báo- nhà văn Đỗ Đức Dục. Sinh thời, ông từng đảm nhận trọng trách Phó Chủ tịch Đoàn báo chí Việt Nam, khởi thủy của Hội Nhà báo Việt Nam; Phó Chủ tịch HNBVN, khóa I, nhiệm kỳ 1950 - 1960; Giám đốc trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng.

Đỗ Đức Dục - "Con dao pha của làng báo".

Nhà báo - Nhà văn gắn kết với thời cuộc

Cách đây một năm, ngày 21/4/2015, lên Điềm Mặc, chị Đỗ Hồng Lạng con gái ông Đỗ Đức Dục và bà Lý Thị Chung, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô đã chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm đẹp về sự đam mê nghề báo của cha mình, của thầy giáo mình. Bà Lý Thị Chung rưng rưng kể: "Tôi là số ít nhà báo nữ, và là một trong 2 học viên trẻ nhất trong số 60 học viên của lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng mở tại thôn Bờ Rạ, Đại Từ, Thái Nguyên. Với tôi, ông Đỗ Đức Dục không chỉ là người quản lý, mà còn là người thầy truyền nghề báo chí giầu sức thuyết phục, bởi vốn văn hóa uyên thâm, trải nghiệm với nghề làm báo, viết báo; bạo lời, nói thẳng nói thật".

Trong Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Đỗ Đức Dục tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ngày 28/12/2015, giáo sư Phong Lê và GS NGND Hà Minh Đức dốc lòng dẫn dụ, minh chứng, phân tích bày tỏ sự ái mộ về tính cách mạng trong nghiên cứu lý luận chính trị, nghiên cứu văn học Việt Nam và Pháp, trong chọn lựa tác phẩm để dịch thuật; trong phong cách viết văn viết báo của nhà văn- nhà báo Đỗ Dức Dục mà lớp đồng nghiệp hậu thế cần phải noi theo!…Ngồi bên, tôi nói với GS Hà Minh Đức:- "Đình đám không kém với văn học của Đỗ Đức Dục chính là báo chí"! Giáo sư đáp ngay: - Đúng đúng. Một cây viết năng nổ. Chủ nhiệm báo Độc lập. Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từ thời khởi lập!..Giáo sư nhỏ lời, giọng hóm hỉnh:- Nhưng hôm nay, Hội Nhà văn làm kỷ niệm…phải nghiêng hết về bên đây!…Tuy thế, kết thúc Lễ kỷ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vẫn khẳng định: "Trong suốt cả đời mình, Đỗ Đức Dục luôn là người có trách nhiệm cao đối với xã hội và đất nước. Những đóng góp của ông với nền báo chí và kho tàng nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam mãi mãi là vốn quý của nước nhà"!… Những lời như thế khiến tôi miên man nghĩ về Đỗ Đức Dục, sợ lớp hậu thế quên đi một nhà báo, nhà lãnh đạo Hội tầm cỡ của báo giới Việt Nam.

Ấy là sự thiển nghĩ, chứ công lao và tài trí của Đỗ Đức Dục thì đâu dễ quên. Không ít nhà phê bình chẳng hề kiệm lời khẳng định: Đỗ Đức Dục là nhà báo nhà văn có trách nhiệm rất cao với xã hội ngay từ ngày đầu cầm bút viết báo! Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tổ chức sinh hoạt sử học tưởng niệm Đỗ Đức Dục-Nhà trí thức cách mạng dấn thân; với hàng trăm trí thức nhập cuộc, "tham luận" nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Cô lại trong các phát biểu, dẫn dụ vẫn là: Nhà báo- nhà văn Đỗ Đức Dục luôn thể hiện rất rõ bản lĩnh của người cầm bút đau đáu đấu tranh cho nền dân chủ của đất nước!

Làm báo, Đỗ Đức Dục bám rất chắc thời cuộc, cập nhật sự kiện, thông tin tổng hợp, truyền bá tư tưởng, phổ biến kiến thức, phục vụ thiết thực sự nghiệp cách mạng. Ngay bài báo đầu tay "Án Tết" đăng trên báo Thanh Nghị tháng 3/1942, ông đã nhằm hẳn đích giúp người đọc thông hiểu pháp luật. Hoặc cắt nghĩa, phân tích, lý giải vấn đề, sự kiện đặt ra, với cả loạt bài đăng trên báo Độc Lập, như: Giải thích bản Hiệp định sơ bộ Việt- Pháp (1946); Quan hệ giữa chính trị và chuyên môn (1949); Chính sách khôi phục kinh tế (1955); Mặt trận nhân dân trong cách mạng dân chủ mới Việt Nam (1949); Hai tác dụng lớn của việc thực hiện chính sách ruộng đất (1953)… Nhà báo Mai Kiều Sơn đã ví ông là "Con dao pha của làng báo".

Nhà báo - Nhà văn đa tôn hiệu

Đỗ Đức Dục thực sự là nhà báo- nhà văn có nhiều thành tựu với nghề. Nói chính xác, ông là người có đóng góp thiết thực với xã hội, với đất nước ở thời điểm quan trọng nên mới có nhiều tôn hiệu (được phong, được bầu, được bổ nhiệm). Mọi tôn hiệu của ông đều phát sáng. Gốc rễ tạo nên tôn hiệu chính là kiến thức uyên thâm từ dòng dõi Nhà nho; từ nhà giáo, nhà văn, nhà báo, nhà luật học và tư duy sắc sảo của ông nên được Đảng, Nhà nước trọng dụng vào các công việc quan trọng ngay ở thời khắc khởi lập. Bởi thế, báo giới mới có cơ nói về ông với niềm hãnh diện lịch sử của hội nghề. Có cơ nhắc về ngày 27/12/1945, tại trụ sở Hội Văn hóa Cứu quốc, gần 100 nhà báo ở Hà Nội, thay mặt báo giới cả nước lập ra "Đoàn báo chí Việt Nam". Ở đó ông Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm tạp chí Tri tân giữ chức Chủ tịch.

Ông Nguyễn Tấn Ghi Trọng, Tổng Giám đốc Nha thông tin tuyên truyền của Chính phủ cùng ông Đỗ Đức Dục, Chủ nhiệm báo Độc Lập làm Phó Chủ tịch. Tổng Thư ký là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng… Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ, "Đoàn báo chí Việt Nam" đổi tên thành "Đoàn báo chí kháng chiến". Tại an toàn khu Việt Bắc, nhờ sự giúp đỡ của Tổng Bộ Việt Minh, Đoàn báo chí kháng chiến đã mở lớp "Báo chí Huỳnh Thúc Kháng" do nhà báo Đỗ Đức Dục làm Giám đốc. Tiếp đó, ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên, Đại hội Hội những người viết báo đã diễn ra (nay là Hội Nhà báo Việt Nam). Kháng chiến chống Pháp kết thúc, trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam đặt tại 59 Lý Thái Tổ cho đến nay. Đây chính là nơi lui tới của Hội trưởng Xuân Thủy cùng 2 Phó Hội trưởng là Hoàng Tùng, Đỗ Đức Dục và Tổng Thư ký Nguyễn Thành Lê trong nhiệm kỳ (1950 - 1960)…

Tôn hiệu của nhà báo- nhà văn Đỗ Đức Dục còn mãi với những chức vị: Phó Tổng thư ký Đảng dân chủ Việt Nam (1945 - 1960); Đại biểu Quốc dân Đại hội Tân Trào; Đại biểu Quốc hội khóa I; Ủy viên Dự thảo Hiến Pháp 1946; Thứ trưởng Bộ Giáo dục 1946; Thứ trưởng Bộ Văn hóa (1955 - 1960)… Ông nghỉ hưu năm 1975, qua đời ngày 24/9/1993.

Ghi nhớ những đóng góp quan trọng suốt chặng đường gian nan của cách mạng, Nhà nước truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng Nhất. Các Bộ, Ngành, đoàn thể đã truy tặng danh hiệu cao quý nhất cho ông, với: Huy chương vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng; Huy chương chiến sĩ văn hóa… Hai thành phố lớn nhất đất nước là Hà Nội và TP.HCM đều có con đường mang tên Đỗ Đức Dục. Báo giới Việt Nam hãnh diện về Đỗ Đức Dục- Một cây bút "Nổi đình đám", năng nổ, đa năng- Một người lãnh đạo Hội nhiệt huyết với nghề./.

HỒNG CHƯƠNG - Mẫu mực, bản lĩnh...

Nhà báo Hồng Chương

Tôi thuộc thế hệ sinh sau, đến muộn. Khi ông Trần Hồng Chương (Hồng Chương) là Thư ký tòa soạn Tạp chí Cộng sản (1960) thì tôi mới chỉ là giáo sinh theo nghề sư phạm. Khi ông là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (1982) thì tôi mới vào nghề báo ở tỉnh lẻ vỏn vẹn 15 năm...Trải nghiệm với nghề mới vỡ ra, nghề báo rất khắt khe, nghề của nhiều hiểm nguy. Tôi đã thốt lên bằng ấn phẩm: "Báo chí - Nghề nghiệt ngã"!

Thời xa ấy, những nhà báo làm công tác Hội như: Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Hồng Chương, Hồng Hà, Trần Lâm, Đào Tùng, Huỳnh Văn Tiểng, Lý Văn Sáu, Lưu Quý Kỳ, Phan Quang, Hữu Thọ, Trần Công Mân...thực sự là thần tượng nghề nghiệp của chúng tôi. Thời ấy, cho dù báo chí đã rất phát triển, nhưng những phương tiện để đọc, nghe, xem, nhìn lấy đâu dồi dào, phong phú như thời nay để dễ bề tiếp nhận, rèn rũa, ấp ủ, tích lũy...Cho nên, báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Bản tin TTXVN, Đài TNVN... vô cùng quan trọng trong công việc Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phú của tôi vào những năm (1981 - 1989). Bởi lẽ, tờ báo của Đảng bộ tỉnh luôn phải thể hiện đậm nét sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và Tỉnh Ủy...Nhờ các tờ báo chính thống cùng các nhà báo danh tiếng kể trên giúp tạo nên sinh khí tiếp sức tiếp lực cho chúng tôi (những người làm báo Đảng địa phương xa xôi).
Những năm làm Tổng biên tập, kiêm Chi Hội trưởng (sau đổi là Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh), Tạp chí Cộng Sản và Báo Nhân Dân thực sự là người dẫn đường chỉ hướng cho tôi vận dụng tinh thần chỉ đạo của báo, tạp chí cùng với sự chỉ đạo của Tỉnh Ủy để xây dựng kế hoạch tuyên truyền tháng, quý và của năm sát thực (theo như cách nói thời nay là đúng định hướng). Thêm nữa, tôi có may mắn được tham gia Ban Chấp hành Hội NBVN từ Khóa IV, nhiệm kỳ (1983 - 1989) do nhà báo Hoàng Tùng làm Chủ tịch và 6 nhà báo làm Phó Chủ tịch, trong đó nhà báo Hồng Chương đứng ngôi đầu của hàng Phó, sau đó ông làm Chủ tịch Hội (tháng 1 -1987, khi ông Hoàng Tùng thôi chức)...

Ngày ấy, Hội Nhà báo Việt Nam chưa có Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ như bây giờ, Ban nghiệp vụ cũng chưa thật rõ nét, nên việc bồi dưỡng nghề báo chủ yếu vẫn do cấp hội cơ sở tự lo, mà vai chính là Tổng biên tập kiêm lãnh đạo Chi hội nhà báo đảm nhiệm. Cho nên, các Ủy viên ban chấp hành HNBVN chúng tôi khóa ấy (có tới 30 Tổng biên tập báo địa phương trong số 53 Ủy viên Ban Chấp hành Hội) rất chăm chú lĩnh hội, nhập tâm, ghi chép tỷ mỉ phương hướng tuyên truyền trên báo chí do lãnh đạo Hội truyền đạt. Phần việc này chủ yếu do Phó Chủ tịch Hội- Hồng Chương đảm nhiệm...

Nhắc đến ông, nói về ông, tự dưng tôi thấy bóng hình ông như vẫn đâu đây. Vầng trán vuông và rộng, tai cao, đôi mắt sáng, thần thái thanh thoát, uy nghiêm tràn đầy nghị lực. Tôi kính trọng ông bởi tầm tư tưởng, bởi bản lĩnh chính trị, bởi lòng kiên nhẫn trong công việc. Ông đúng là nhà báo đi lên bằng công việc. Với nghề báo - tuần tự từ phóng viên, lên Thư ký tòa soạn, lên Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập. Với việc Hội - ông tham gia Ban Chấp hành Hội từ khóa II; khóa III là Ủy viên Ban Thường vụ, từng giữ cương vị Trưởng ban Lịch sử và Trưởng ban Kiểm tra Hội; tới khóa IV là Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội...nên việc báo, việc Hội với ông đều chắc bền từ gốc rễ. Phong thái đàng hoàng, đĩnh đạc như nét rất đặc trưng của một nhà báo chính luận, thư thái, cẩn trọng. Giọng trầm ấm như chuông ngân, tràn đầy âm điệu, ông nhắc chúng tôi, đại thể như:

- Báo chí phải tập trung tuyên truyền điển hình và nhân tố mới. Phải chú trọng tổng kết, đúc rút kinh nghiệm về các điển hình tiên tiến, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp để nhân ra diện rộng, nhưng cũng chú trọng chỉ rõ những khuyết điểm, những tồn tại phải khắc phục. Dẫn lại ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông  nhắc nhở chúng tôi cần nằm lòng: "Báo chí phải góp phần tích cực vào việc xây dựng tư tưởng mới, con người mới...Các cơ quan báo chí phải phối hợp thật chặt với nhau, cùng các cơ quan tư tưởng để đạt hiệu quả cao"! ...Trong mỗi kỳ họp, khi định chương trình công tác Hội gắn với thời điểm chính trị, giọng âm âm như sấm dền, ông bảo: - Báo chí phải coi trọng mục tiêu kinh tế và xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại Hội lần thứ V của Đảng. Hết sức chú tâm vào các đích: Đảm bảo ổn định và cải thiện một bước đời sống cho nhân dân- Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất của CNXH - Giữ vững an ninh trật tự - quốc phòng...Hết sức coi trọng công tác tư tưởng: Chống bảo thủ, trì trệ...Tẩy trừ tư tưởng tiểu tư sản, tư bản chủ nghĩa, vô tổ chức, vô kỷ luật. Báo chí rất cần phải có những bài lý luận chuyên sâu về XHCN và dây dựng CNXH, về cuộc đấu tranh giữa hai con đường, về sử dụng sức mạnh tổng hợp... Cuối năm 1985, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghi TW 8, trong chương trình công tác Hội và nghiệp vụ báo chí, ông mạnh mẽ, nhưng chất giọng chan chan khích lệ:

- Báo chí phải xung trận. Quyết liệt đấu tranh, quyết liệt xóa bỏ tệ quan liêu bao cấp, giải quyết một số vấn đề về giá-lương-tiền nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, làm chủ thị trường XHCN!....Thời điểm này, báo chí Vĩnh Phú tập trung tuyên truyền về phát triển kinh tế đồi rừng, kinh tế gia đình. Vĩnh Phú cũng là vùng công nghiệp tập trung... đem ý chỉ đạo của ông Hồng Chương, chúng tôi tập trung tuyên truyền đổi mới quản lý xí nghiệp quốc doanh; khoán sản phẩm tập thể trong sản xuất công nghiệp, mở rộng quyền tự chủ sản xuất kinh doanh!...

Khi đảm nhận chức Chủ tich Hội NBVN (1987-1988) cũng là thời điểm toàn Đảng toàn dân đang sôi nổi quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986), Đại Hội khởi xướng đổi mới. Truyền đạt nội dung cần quán triệt tuyên truyền sâu rộng trên báo chí, ông nói cười rất tự nhiên, giọng âm vang tràn đầy tin tưởng: - Đây là thời điểm các cấp Hội nhà báo phải thôi thúc báo chí dồn sức vào chiến lược đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trọng tâm là lĩnh vực kinh tế, như: Bố trí lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần....sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế trong kế hoạch hóa và quản lý kinh tế!....Về tư tưởng và tổ chức, ông nói như không thể khác đươc: - Báo chí nhất thiết phải góp sức phát huy mọi khả năng của con người, lấy việc phục vụ con người làm mục tiêu cao nhất!...Về đổi mới tư duy, ông cười, giọng hóm hỉnh: - Muốn đổi mới trước hết cán bộ đảng viên phải đổi mới tư duy; đổi mới công tác tổ chức cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo mới mong thành công đổi mới cơ chế quản lý!...Mỗi lần nghe ông định hướng công việc, lại thêm lần chúng tôi nghĩ về tổ chức của Hội nhà báo Việt Nam, rằng Hội chính là điểm tựa vững chắc cho báo giới Việt Nam. Khi mà những người lãnh đạo chủ chốt của Hội đích danh là nhà báo, có chức có quyền trong cơ quan báo chí. Bởi xương sống của tổ chức Hội, sợi chỉ đỏ xuyên suốt tạo nên chất lượng và vị thế của Hội không gì khác chính là chất lượng nghiệp vụ báo chí của mỗi hội viên nhà báo....Hẳn là thế, nên suốt thập niên 80 của thế kỷ trước, báo chí Vĩnh Phú chúng tôi luôn quán triệt sự chỉ đạo của Đảng, góp sức tạo nên điển hình của tỉnh trung du, rất thành công với lần thứ 3 tiến quân lên đồi lên rừng; bằng những mẫu hình trang trại, vườn rừng, vườn đồi...gọi khách bốn phương tham quan học hỏi...Ngày ấy, ông Phan Quang trong vai Vụ trưởng Vụ Báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương đã dẫn hầu hết Tổng biên tập các báo địa phương và một số báo ngành lên thăm và chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyên với báo Vĩnh Phú của chúng tôi...

Ngày ấy, mỗi thành công trong công việc tuyên truyền, chúng tôi thường thầm cảm ơn, thầm tri ân sự chỉ đạo của Vụ, của Hội, của nhà báo Hoàng Tùng và Nhà báo Hồng Chương!...Ngày ấy, nghe tin ông về với thế giới người hiền, cả tòa soạn chúng tôi bàng hoàng. Viếng ông tại 12 Lý Đạo Thành, tôi nấc nả gọi tên ông:

- Nhà báo Hồng Chương ơi. Sao ông vội vã ra đi./.

LƯU QUÝ KỲ - Cây bút giàu "thần lực" với thể tùy bút!

Nhà báo Lưu Quý Kỳ

Lưu Quý Kỳ là nhà văn - nhà báo nổi đình đám suốt thập niên 50, 60, 70 và những năm đầu 80 của thế kỷ trước. Ông là thần tượng của chúng tôi về thể tùy bút. Một cây viết rất giầu "thần lực", cứ như có trường năng đặc biệt kết nối tất cả thực thể sức mạnh mà trời ban cho:

Mãnh liệt một tình yêu với nước, với dân, với Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Hình như tình yêu da diết với dân, với nước, với Đảng và Bác khiến Lưu Quý Kỳ nhập lực thể loại khoáng đạt vốn dĩ giao thoa sinh động, uyển chuyển giữa văn với báo, báo với văn để trải lòng mình bằng ngôn ngữ biểu cảm nhất. Là một nhà chính trị, trách nhiệm cao với công việc được tổ chức giao, nhưng văn và báo gắn bện với ông như cái nghề cái nghiệp, như phương tiện tất yếu để làm cách mạng. Bởi thế, tác phẩm nào của ông sáng tạo ra cũng đậm dấu ấn của người truyền tin từ nơi đầu nguồn sự kiện. Ví như các tùy bút: Chân cứng đá mềm (hay là đường mòn Hồ Chí Minh); Vui lớn buổi giao thừa; Hà Nội của chúng ta; Sông núi vào xuân; Đón xuân cả nước lên đường...v.v...(*). Đọc ông, tôi nhận ra sự tài tình trong những suy nghĩ, cảm xúc, hồi tưởng sâu sắc, lắng đọng về những vấn đề, những sự kiện, sự việc...viết lên, nói ra tùy theo dòng cảm xúc nên ngôn từ phóng khoáng, trữ tình, thâm trầm, riêng tư hòa quyện khơi khơi trong dòng chảy từ liên tưởng này đến liên tưởng khác...khiến người đọc, người nghe bị hút theo, để yêu, để tin, ngẫm ngợi, để hành động, để tự căn chỉnh. Ấy chính là "thần lực" tùy bút của Lưu Quý Kỳ. "Sông núi vào xuân", bối cảnh là xuân Kỷ Dậu đã tới. Xuân Mậu Thân đã cười chào chúng ta để trở vào lịch sử, như một năm vẻ vang. Nhưng hoa xuân Mậu Thân còn tiếp nở, trời xuân Mậu Thân còn kéo dài, tình xuân Mậu Thân còn nóng hổi. "Chúng ta sẽ tiến đến một xuân vui nhất: Xuân Bắc - Nam sum họp. Đó mới là xuân trọn vẹn của lòng ta". Đây là điểm đến của bài viết, là chặng đích của cuộc chiến. Giọng văn hào sảng, cảm xúc mãnh liệt, tự tin hết liên tưởng nọ tới liên tưởng kia, so sánh này tới so sánh kia; ngôn từ luyến lánh, điệp khúc mỗi lúc một hùng tráng trong mạch nối quấn quýt tình non nước một giải, tình dân tộc sắt son, với ý chí cách mạng hừng hực do Đảng và Bác khơi nguồn. Vâng, ở thời điểm đón xuân Kỷ Dậu ấy, chúng tôi hãnh diện và tự hào biết bao, khi ông viết: "Vì một mùa xuân còn vui hơn xuân cũ, hàng triệu người con yêu quý của dân tộc ta, hôm nay, chẳng màng tới "thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ", đang "vui tết" ở khắp các nẻo đường của Tổ quốc. Hàng triệu thanh niên ưu tú ấy đang vui tết ngoài đồng ruộng, giữa nhà máy, trong đơn vị, ngoài công trường, bên rừng, dọc biển. Hàng triệu thanh niên đang vui tết giữa chiến trường hay trong sào huyệt địch, trên mặt đất hay dưới hầm sâu, bên bờ lộ hay giữa dòng kinh rạch, dưới gầm cầu hay trước mũi súng quân thù......Cả dân tộc ta đang vui xuân với một tình xuân vĩ đại: "tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa"... Mạnh mẽ, chân tình, hãnh diễn, hùng tráng, lãng mạn cách mạng biết bao khi tuỳ bút "Vui lớn buổi giao thừa" giọng văn róng riết: "Ta cao hơn kẻ thù một cái đầu và giàu hơn chúng nó một quả tim. Trí tuệ của ta hơn hẳn chúng. Chân ta "chân cứng đá mềm". Cuộc sống và cơn thử thách đã tôi luyện ta, dạy cho ta ngày càng khôn, càng khéo. Kẻ địch thiếu hẳn một điều mà ta sẵn có: Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cả dân tộc ta anh hùng. Cả nước ta là một rừng hoa, hoa nào cũng đẹp".  Năm 1969, khi "Sông núi vào xuân", đau đáu nỗi lòng thương nhớ miền Nam, mong ngày thống nhất, tình Bắc - Nam trào lên: "Lộc xuân ngày nay đâu chỉ ở trên ngọn cây. Lộc xuân đang ở tuyến đầu của Tổ quốc. Một thế hệ trẻ đang hiên ngang đạp núi trèo non, băng ngàn vượt suối, tìm lộc xuân cho cả nước, cả nhà. Hậu phương sát cánh kề vai, chia ngọt sẻ bùi cùng tiền tuyến. Dành một hạt gaọ, một củ khoai cho người anh em ruột thịt, tình xuân thêm ấm áp mặn mà". Dân, nước, Đảng, Bác quấn quyện, kết bện trong hầu hết các tác phẩm của Lưu Quý Kỳ để lan tỏa, vang xa, lưu giữ bền sâu trong lòng người. Cũng còn bởi văn của Lưu Quý Kỳ giầu 'thần lực" thăng hoa.

Thăng hoa nhất quán trong các áng văn tùy bút

Đằm thắm, đau thương, thổn thức...và hãnh diện biết bao...trong tùy bút "Nước về biển cả sông núi còn đây" (**) của Lưu Quý Kỳ khi Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta. Bác với dân, với Đảng như máu và thịt. Máu chảy ruột mềm. Tình tiết tùy bút cuộn trôi theo dòng cảm xúc từ đáy lòng kính yêu chân thành của ông với Bác. Sự thực đó, nhưng tác giả không thể tin, không muốn tin...rồi đặt ra bao điều tự vấn, tự đáp...Rằng: Bác "từ trần ư"?...Bác "nằm xuống ư"?...Bác "lên thiên đường", Bác 'về tiên cảnh"ư?...Thế thì Bác đi đâu mà vĩnh biệt chúng ta? "Cho đến khi đồng chí Lê Duẩn đọc lời Di chúc của Bác, chúng ta mới có câu trả lời. Bác nói: Bác đi gặp Cụ Các-mác, Cụ Lê-nin và các bậc đàn anh khác. Bác nói cho ta vui. Bác nói cho chúng ta khỏi buồn. Nhưng chúng ta hiểu được một sự thật. Bác vĩnh biệt chúng ta để đi vào cõi tuyệt đối. Với ba mươi mốt triệu đồng bào ta, Hồ Chí Minh là chân lý"...Tiếp nối dòng chảy cảm xúc từ cảm tính đến lý tính đến niềm tin khoa học như một lẽ đương nhiên...Lưu Quý Kỳ cho ta nhận sâu sắc thêm đạo đức, tư tưởng, phong cách, bản lĩnh cách mạng, suốt đời vì dân vì nước...và uy tín quốc tế lớn lao của Bác kính yêu, làm rạng ngời non sông đất nước ta. Bác mãi là nguồn mạch sức mạnh của chúng ta. Cảm xúc thăng hoa cao độ, chân thành và nhất quán trôi về những dòng kết đầy sức khái quát, lưu sâu vào tâm thức người đọc, người nghe: "Núi sông là nguồn của nước. Nước làm cho lúa thêm bông, hoa thêm thắm. Nước có thể trôi đi, nước có thể về biển cả, nhưng núi sông còn lại, ngàn đời xanh tươi. Mặt trời tỏa ra ánh nắng. Nắng có thể xế tà, nhưng mặt trời vẫn sáng chói, mỗi ngày mỗi mang lại chúng ta ánh bình minh". Hình tượng cảm xúc về Bác cao đẹp biết bao. Thăng hoa mà nhất quán biết bao, gợi ta suy ngẫm về vận hội, tương lai tươi sáng của đất nước Việt Nam.

Đọc tùy bút của nhà văn-nhà báo Lưu Quý Kỳ, dễ dàng nhận ra: Ông viết bằng lương tâm, chân thành; bằng tấm lòng trung kiên, trung thực, kiên định, vững chãi,   với thái độ tích cực, bản lĩnh. Tùy bút của ông giàu liên tưởng nhưng rất nhất quán về chủ đề tư tưởng, bài nào cũng găm lại những điểm nhấn. Giàu liên tưởng, nhưng ông không hề mượn ngôn từ để "đánh bóng" cho cái tôi riêng tư của mình. Tùy bút của ông luôn tràn đầy tự tin và tự nhận thức về bản thân mình, là chính mình. Tùy bút đấy, nhưng Lưu Quý Kỳ luôn tỉnh táo, bản lĩnh, chân thành; chỉ rõ lẽ phải, điều hay. Tùy bút của ông không hề tô hồng, không dày công trau chuốt ngôn từ; mà nói bằng lòng mình, viết bằng lòng mình, bằng tâm can của mình, bằng cuộc đời từng trải đầy gian nan thử thách của mình...Đọc ông, tôi có cảm giác, hạnh phúc của đời ông không phải là chức tước, cho dù ông có rất nhiều vai quan trọng trong bộ máy chính trị và báo chí, nhưng văn và báo luôn cho ông được rãi bày tâm đức, ý chí, việc làm, tình cảm chân thành với dân, với nước, với Đảng và Bác Hồ kính yêu, với nhân loại yêu chuộng hòa bình...Vì thế nên, tùy bút của ông có sức thấm sâu, lan xa, lưu đọng mãi trong tâm trí của lớp lớp nhà văn-nhà báo chúng tôi!

Rạng danh diện mạo văn học và báo chí Việt Nam

Sinh thời, Lưu Quý Kỳ không trực tiếp luận lý, dạy bảo chúng tôi nhân cách, đạo đức của người cầm bút. Thế nhưng, với tác phẩm "Khi nhà văn trở thành lính phỉ biệt kích", ông xỉ vả thậm tệ, lời lẽ cay độc với nhà văn Mỹ - Giôn Sten-béc rắp tâm phản bội hòa bình, phản bội nhân dân. Rắp tâm tô son trát phấn cho bọn xâm lược, bọn gây chiến, bọn giết người và lũ tay sai. Còn đối với nhân dân yêu nước, yêu hòa bình, dân chủ thì Sten-béc vu khống, xuyên tạc, thóa mạ và hết lời chửi rủa. Ông hỏi: - Sten-béc đang ở đâu đây? Đáp: - Hắn đang ngụp lặn trong cái hố xí dơ bẩn, thối tha nhất mà thế gian này có thể có! Vâng. Đúng vậy. Những kẻ cầm bút như thế ông không hề tiếc lời. Đó là bản lĩnh. Ông xả cả chuỗi lời phỉ nhổ Sten-béc là "kẻ côn đồ; trâng tráo; ngu xuẩn; ngập mình trong đống bùn thối tha nhơ bẩn"...Bởi vì: "Hắn đã đứng về phía bên kia của chiến lũy, của lương tri con người, phía bên kia của nhân đạo, phía bên kia của cuộc đấu tranh cho lý tưởng cao cả của loài người, cho độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội". Đối lại, báo chí Việt Nam luôn kiên định lý tưởng cách mạng, một lòng thủy chung đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Là nhà lãnh đạo chính trị, quản lý báo chí kiêm nhà văn - nhà báo, từng gắn bó mật thiết, sát sao với thời cuộc; từng trực diện cảnh dã man, tàn khốc của chiến tranh với thủ đô Hà Nội, có khu phố: "...Hố bom chen hố bom, ngói gạch chèn lên gạch ngói. Không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Báo chí cháy xém nằm vung vãi bên cạnh một tủ sách bị bật bung ra. Bản nháp của những bản nhạc đang sáng tác dở dang nằm cạnh một chiếc ghi ta vỡ mặt, đứt dây. Mấy mâm cơm còn bị tung tóe, đũa bát còn dính cọng rau và thức ăn"...Mới càng thấy tính tráng ca hùng vĩ trong tùy bút; "Đây là tiếng nói Việt Nam", âm vang đĩnh đạc từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa...Ông viết, lời văn như reo lên đầy hãnh diện: "Ôi! Tiếng nói sao mà thân yêu, trìu mến. Nó mang theo lời Cha, tình Mẹ, nghĩa bè bạn anh em. Nó đem tin vui đến cho mọi gia đình, cho mỗi đồng bào đồng chí......Tiếng nói thân yêu ấy đã hòa trong hơi thở, trong cuộc sống của gần bốn mươi triệu đồng bào quyết sống với độc lập, tự do, quyết tâm xây dựng con người mới, xã hội mới"! Giàu tình với dân, với nước, với nghề lắm lắm mới có sự cảm nhận tinh tế, mới có cảm xúc trào dâng đến thế. Cảm nhận của riêng ông mà cứ như nói thay cho hết thảy chúng ta, cho những nhà báo-nhà văn sống chết với nghề.

Sự nghiệp cách mạng của Lưu Quý Kỳ, những tác phẩm và ấn phẩm của ông, đặc biệt thể loại tùy bút đã góp phần làm rạng danh diện mạo văn học và báo chí Việt Nam ở thời điểm cách mạng gian nan và ác liệt nhất; truyền cảm hứng cho chúng ta mãi mãi yêu say với nghề./.

(*) Tên tác phẩm, chữ "nghiêng" dẫn từ "Lưu Quý Kỳ Tuyển tập tác phẩm ký" của GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Hội NBVN ấn hành 2004.
(**) "Nước về biển cả" - NXB Thanh niên 1972. 

TRẦN CÔNG MÂN - Người cầm trịch đổi mới báo chí

Nhà báo - Thiếu tướng Trần Công Mân

Một vị Tướng bình dị, chân tình.

Là cộng tác viên thời còn ở tỉnh lẻ (những năm 70 - 80 của thế kỷ trước) tôi biết Thiếu tướng Trần Công Mân bởi những bài báo mà tôi viết về những tấm gương chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc gửi tới Báo Quân đội nhân dân khi ông là Tổng biên tập. Những năm 90 mươi, may mắn trực tiếp làm việc dưới quyền ông khi ông là Phó tổng Thư ký Thường trực HNBVN (nay là Phó Chủ tịch Thường trực), tôi là Ủy viên Ban Thư ký (nay là Ủy viên Ban Thường vụ) chuyên trách Công tác Hội - Hội NBVN.

Hội viên đông, công việc nhiều, cán bộ chuyên trách ở Hội mỏng, tôi với ông và anh em thường phải kiêm nhiệm, đồng thời phải đến với các Hội địa phưởng ở khắp các miền vùng đất nước...Quý trọng ông - Một vị Tướng từng chinh chiến  trận mạc hồi kháng chiến 9 năm - một "Tư lệnh" của báo giới và Hội Nhà báo Việt Nam thời khởi lập đổi mới hiền hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, cao gầy, mảnh mai, ẩn chứa thần lực của sự hòa hợp giữa tâm hồn và trí tuệ; đĩnh đạc, đàng hoàng thu tụ nhân viên bằng sự gần guị, chân tình. Trong cuộc sống thường nhật, ông bình thản dân dã. Cùng ngồi vỉa hè ăn bún đậu chấm mắm tôm, nhanh nhẩu kéo ví nhận phần trả tiền. Lên Tây Bắc cũng vui vẻ ngả nghiêng chén đầy chén vơi với dân bản, cũng đung đưa trong vòng xòe rộng mở theo nhịp chiêng trống bập bùng quanh đống lửa hồng, hào hởi với dân bản Thái, bản H,Mông...

Tâm phục, khẩu phục, chúng tôi ngầm học ông tính cần mẫn, mẫu mực trong công việc; chịu nghe, biết chia sẻ, biết truyền cảm hứng cho cán bộ mỗi khi giao việc....Năm 1990, nhiều lần ngồi xe cùng ông đến với hội viên nhà báo ở Tây Bắc, Việt Bắc non cao trập trùng hay dằng dặc dải đất miền Trung...tôi đều có đề tài mới mẻ do ông gợi cho để suy ngẫm, để soạn thảo, để thực hiện trong chức trách và khả năng của mình...Ông nói: Thời nay Hà Nội đã có vi tính, in ấn khá hiện đại, phải làm thẻ hội viên nhà báo thật tươm tất! Ấy là lời ông bàn với tôi, nhưng tôi hiểu đó là việc tôi phải làm đúng ý ông...Cũng năm đó, trên đường vào Hội Nhà báo Quảng Bình, ông bảo tôi: Tổng thư ký Phan Quang cho ý kiến: Phải tổ chức Giải báo chí toàn quốc của Hội NBVN vào năm 1991! Quan trọng là phải định cho rõ thế nào là một bài báo hay. Dựa vào đó để xây dựng Quy chế và Điều lệ giải... Khi đi vào cũng như lúc trở ra tôi và ông không ngơi bàn luận quanh chủ đích mà ông đã đề cập. Vỡ lẽ, ông thản nhiên nói: - Người chắp bút Quy chế và Điều lệ Giải chính là Trưởng ban Nghiệp vụ & Công tác Hội (ngày ấy 2 Ban nhập một). Phải làm ngay để Tổng thư ký cùng ông xem xét, trình Ban thư ký trước khi trình Ban Chấp hành Hội (Khóa V) quyết định!... Tết Tân Mùi-1991, Tổng Bí thư Đỗ Mười tới thăm Hội Nhà báo VN trưng bầy báo Xuân, nhất trí để Hội hàng năm mở Hội Báo Xuân toàn quốc. Sau buổi ấy, ông luôn trao đổi và khích lệ tôi cùng viết bài cho các báo nói về báo Tết, Báo Xuân nét đẹp văn hóa riêng có của Việt Nam. Đồng thời nhắc tôi soạn Quy chế chấm giải báo Tết-Báo xuân, tập trung vào 2 tiêu chí cái hay và cái đẹp. Trong cái hay phải chứa đựng cái đúng, trúng, đậm đà tính dân tộc; trong cái đẹp thể hiện trên bìa cũng như các trang ruột phải đậm đà sắc thái Ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt, nhưng vẫn thể hiện tính hiện đại, đổi mới của đất nước và thời cuộc...Tới việc soạn Quy chế xét tặng Huy Chương vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam (nay là Kỷ niệm chương) cho các nhà báo lâu năm trong nghề có đóng góp thiệt thực vào sự nghiệp báo chí VN. Thời gian làm báo để được xét tặng lúc ấy tôi ghi 25 năm làm báo chuyên nghiệp. Ông sửa lại và bảo: Nam nữ bình quyền là đúng, nhưng xét việc phải quan tâm đến giới tính; cho nên nữ nhà báo được xét tặng chỉ 20 năm. Sửa song, ông giục tôi tới nhà riêng trực tiếp xin ý kiến cựu Chủ tịch Hội Nhà báo Hoàng Tùng. Sự kỹ càng, cẩn trọng, chịu nghe, chịu lấy ý kiến tham góp ở ông, khiến cho các văn bản (Dự thảo) có tính pháp quy của Trung ương Hội nhanh chóng được tập thể Ban Chấp hành Hội NBVN khóa V thông qua....Tương tự, chuẩn bị Đại Hội nhiệm kỳ Khóa VI (1995 - 2000), ông nhiều lần trao đổi sau khi đã giao việc cho tôi: Phải xây dựng thật tốt "Quy ước đạo đức nghề nghiệp của người làm báo VN"; nhấn mạnh, người làm báo phải có bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với mục tiêu độc lập, tự do và CNXH; gắn bó mật thiết với nhân dân; thông tin trung thực, khách quan...Đây là việc khó nhưng phải hoàn tất (Dự thảo) để Ban Chấp hành Hội khóa V cho ý kiến trước khi trình Đại Hội đại biểu HNBVN Khóa VI xem xét quyết định. Nhằm tạo dư luận, ông phân công tôi viết bài gửi báo Nhân dân, Quân đội nhân dân. Riêng ông viết cả loạt bài trên tạp chí Nhà báo & Công luận (nay là T/C Người làm báo VN)...

Một "Tư lệnh" chuẩn mực, sắc sảo

Giải báo chí toàn quốc của Hội lần thứ 2 (năm 1992) vừa kết thúc, ông có ngay bài trên tạp chí của Hội đầy tính khích lệ, chỉ hướng cần đi tới: "Giải báo chí lần này hầu hết các báo đều "hướng nội", phản ánh nhiều mặt, từ chiến lược kinh tế-xã hội đến những chuyện đời thường, những điều bức xúc trong cuộc sống. Ngòi bút chiến đấu của các nhà báo đã không ngần ngại nêu lên những nỗi day dứt, những điều chưa được hài lòng, đề xuất, kiến nghị giải pháp để đưa đất nước tiếp tục tiến lên, đồng thời cũng rất ưu ái đối với những tấm gương người tốt, việc tốt, những tấm lòng vị tha, nhân hậu, những con người bất hạnh mà không chịu cuộc sống bất hạnh, tự làm cho mình thành con người có ích cho xã hội"...Kỷ niệm ngày thành lập Đảng (2/2/ 1990) ông có bài trên Báo QĐND "Chỉnh đốn Đảng, vấn đề thời sự" với một loạt luận điểm sâu sắc: "Muốn chỉnh đốn Đảng, trước hết cần đổi mới cách xem xét đảng viên; đổi mới cán bộ, đổi mới công tác cán bộ; đổi mới phong cách, phương pháp lãnh đạo của Đảng"! Theo đó, ông có cả xêri bài bàn về công tác Đảng, công tác cán bộ trong đổi mới: (Chất lượng đảng viên hôm nay; Nghĩ về đổi mới; Dân biết, dân bàn, dân bầu; Cần nhiều dân chủ cho sinh hoạt chính trị; Nghĩ về dân chủ; "Mở cửa" và việc khẳng định những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa"; Quyền con người: Ước mơ, đấu tranh và hiện thực; Quyền con người: Điều sơ đẳng nhưng cơ bản của dân chủ; Chống tham nhũng phải bắt đầu đổi mới mạnh mẽ và đúng hướng cơ chế quản lý kinh tế-xã hội;...). Chỉ đọc tiêu đề của những bài báo đủ thấy tầm nhìn và tư duy minh tuệ của ông không dễ nhà báo nào cũng có được!...Cũng dịp này, trên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông cho đăng bài: "Thanh niên - Đối tượng cần được sự quan tâm hàng đầu trong công tác vận động quần chúng". Ông lập luận: Thanh niên là đội ngũ có kiến thức, năng động, nhạy cảm nhất với cái mới. Cho nên cần chú ý đáp ứng những nhu cầu của họ: "Một là, quyền được thông tin và mong muốn được thông tin. Hai là, sự khao khát cái mới của tuổi trẻ là điều không thể bỏ qua. Ba là, quan tâm đến điều day dứt của thanh niên: Việc làm! Bốn là, phải kiên quyết chống bất công xã hội, chống đặc quyền, đặc lợi. Năm là, cần cán bộ thanh niên mà không cần "quan thanh niên". Giải trình những đề mục của bài viết kể trên ông phân tích, dẫn dụ hết sức sát thực. Mấy mươi năm qua rồi, đọc lại mà tính thời sự như vẫn vẹn nguyên; kiên định, dũng cảm, sắc sảo, thẳng thắn, minh bạch về tư duy đổi mới nói chung cũng như đổi mới thông tin báo chí nói riêng.

Suốt nhiệm kỳ ông giữ vai "Tư lênh", báo chí sôi động bởi nhiều cuộc Hội thảo từ Trung ương đến miền vùng và cơ sở. Bàn thảo về đổi mới, ông nêu vấn đề: "Ai có thể đổi mới tư duy?". Phân tích rồi kết lại: "Đổi mới tư duy không phải là việc riêng của một số người, mà của tất cả mọi người thì dân chủ, công khai là điều không thể thiếu. Không có tự do thông tin để thường xuyên nhận được thông tin mới và phong phú; không có tự do tư tưởng, tự do bàn bạc, thảo luận tranh luận để phân rõ đúng, sai, tìm ra chân lý, thì thực tế không có tự do chân chính. Đổi mới tư duy là cả một cuộc đấu tranh tư tưởng, quan điểm, nhằm phát huy cái tiên tiến, khắc phục cái lạc hậu, nhằm phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Do vậy, nó phải là một phong trào dân chủ có định hướng"! Ông khẳng định: "Đổi mới, quy luật muôn đời mà thời sự"!  Bàn thảo về "Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo"; về "Tự do báo chí"; "Về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo'....là vấn đề mà vai trò điều hành và chỉ đạo báo chí và hoạt động của tổ chức Hội của ông thể hiên rõ nhất qua Hội thảo, qua báo chí xoay quanh một vấn đề lớn: "Báo chí với sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc". Ông luôn nhấn mạnh: "Tính chính xác của thông tin báo chí là lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút. Rằng, uy tín báo chí bắt nguồn từ phẩm chất nhà báo...Đã là nhà báo thì điều trước tiên phải thông tin một cách chính xác, kịp thời, cụ thể các sự kiện xẩy ra (trong nước, địa phương, thế giới) trên các lĩnh vực kinh tế-chính trị-xã hội-văn hóa-khoa học-kỹ thuật...mà quần chúng muốn biết, cần biết!".

"Đôi điều về tự do báo chí" là bài viết ông truyền thông điệp tới các nhà báo VN: "Chúng ta không coi tự do báo chí là một thứ tự do tuyệt đối của cá nhân đồng nghĩa với chủ nghĩa vô chính phủ. Tự do báo chí chân chính là tự do bày tỏ mọi ý tưởng phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho mưu cầu hạnh phúc của nhân dân, cho sự giải phóng của con người, làm cho con người ngày càng thêm năng động, sáng tạo. Dân qua báo chí mà được biết, được bàn những gì liên quan đến lợi ích của mỗi người và của cả đất nước. Dân cũng qua báo chí mà nói lên tiếng nói chiến đấu của mình, chiến đấu chống lại các thế lực xâm lược, nô dịch dưới mọi màu sắc, thủ đoạn cũng như chống chọi mọi thói hư, tật xấu, chống quan liêu, chống tham nhũng, hối lộ, đặc quyền, đặc lợi...để lành mạnh hóa xã hội. Nhưng chúng ta không thể coi tự do báo chí là thứ tự do bôi nhọ lịch sử, quá khứ vinh quang qua nhiều thế kỷ đấu tranh cho độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Và cũng như nhiều nước, kể cả phương Tây, luật pháp Việt Nam không bao giờ chấp nhận luận điệu nhân danh tự do báo chí để kích động dư luận, gây rối, làm mất trật tự xã hội, an ninh chính tri"!...

Bao việc lớn với báo giới và Hội Nhà báo VN nhiệm kỳ kế tiếp vẫn bộn bề dang dở thì ông lâm bệnh...rồi biền biệt ra đi (vào ngày 25/3/1998). Nhưng Thiếu tướng-Nhà báo Trần Công Mân vẫn là thần tượng tỏa phát, bền mãi với thời gian: Một người "cầm trịch" báo chí và Hội NBVN ở thời khởi lập đổi mới; giữ cữ, giữ nhịp chính chuẩn, không lệch, không sai bắt nhịp với thời đại, thông tin đa dạng, trung thực, nhiều chiều, nhịp nhàng, trôi trẩy./

Phan Quang - Cuộc đời tràn đầy năng lượng với nghề

Nhà báo Phan Quang

Tôi đọc Phan Quang từ khi chưa được tiếp xúc với ông. Mê mẩn với "Nghìn lẻ một đêm" do ông dịch thuật, xuất bản từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Thán phục thiên bút kí "Đồng bằng sông Cửu Long" xuất bản ngay sau khi non sông Nam-Bắc liền một dải...Mến mộ, nể trọng, tin và yêu hơn khi biết ông là nhà văn-nhà báo làm việc ở Báo Nhân Dân từ 1954 và có chân trong Bộ biên tập của báo...

Nhập nghề báo ở tỉnh lẻ (Vĩnh Phúc - Vĩnh Phú), tôi may mắn sớm gắn bó với ông. Khi nhà báo Nguyên Thao phóng viên thường trú Báo Nhân Dân (bạn thân của tôi) xây dựng gia đình, Phan Quang đại diện Bộ Biên tập lên dự, ghé thăm nhà tôi nơi hẽm đồi mấp mô sỏi đá pha đất gan gà ở xóm Gia Cẩm, Việt Trì. Nhà tôi ở tường trình, cửa liếp, ghế đôn mọt rượp, Phan Quang hòa nhập rất đỗi tự nhiên...Khi tôi nhập vai Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phú, tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập báo, Phan Quang lên dự trong cương vị Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương (1982) dáng nhanh nhẹn, trẻ trung, thư sinh, lịch lãm, thân gần như người trong nhà trong cửa phát biểu chào mừng...Công việc, nghề nghiệp tạo cơ may cho tôi gắn bó với ông suốt mấy chục năm liền (từ 1990 cho tới tận hôm nay - 2017). Gắn với ông, giúp ông trong công việc tổ chức Hội - Hội Nhà báo VN. Đi cùng ông, tới cùng ông, chăm lo "Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam" ở hầu khắp các tỉnh, thành của đất nước...Ông luôn nhắc nhở các nhà báo chúng tôi: Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải đổi mới, phải sáng tạo; báo chí phải đổi mới thông tin mới mong đáp ứng quyền thông tin của công chúng, bạn đọc! Tôi kính trọng, quý mến thấy ông như một tấm gương trong:

Phan Quang là nhà văn-nhà báo tài năng, làm giỏi và sáng tạo thực hiện công việc trong cương vị và trọng trách của mình. Từ 1954 đến năm 1958 ông cho in tới 5 tập truyện ngắn ở các nhà XB danh giá. Hơn 70 năm cầm bút, tạm gói lại ông cho in và phát hành tới 40 đầu sách thuộc nhiều thể loại. Một số đầu sách tái bản nhiều lần, như bút kí "Đồng bằng sông Cửu Long" in lần thứ 5, "Một mình giữa đại dương" in lần thứ 5... Dịch và giới thiệu 12 đầu sách, trong đó tập truyện Ả Rập"Nghìn lẻ một đêm" tính tới nay in tới 37 lần; tập tùy bút của nhà thơ Nga Olga Bergholtz "Những ngôi sao ban ngày" in lần thứ 5; tập truyện Ba Tư " Nghìn lẻ một ngày" in lần thứ 12...Tài năng và đức hạnh của Phan Quang luôn được Đảng, Nhà nước, xã hội và đồng nghiệp trọng dụng, giao gánh nhiều việc lớn: Ủy viên Bộ Biên tập Báo Nhân Dân; Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương; Thứ trưởng Bộ Thông tin; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc Hội (3 khóa liên tiếp); Bí thư Đảng - Đoàn, Tổng thư ký-Chủ tịch Hội Nhà báo VN (khóa V & VI); Phó Chủ tịch Liên đoàn Tổ chức các nhà báo Quốc tế (0IJ); tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Liên hiệp các Hội Hữu nghị Việt Nam; Tổng Giám đốc kiêm Tổng biên tập Đài tiếng nói VN (1988 - 1999)....Nay ở tuổi 90, chính thức nghỉ hưu đã 15 năm nhưng xã hội và đồng nghiệp vẫn thấy Phan Quang luôn đúng nghĩa với danh xưng nhà văn - nhà báo. Vẫn viết báo, viết văn; vẫn đều đều tham gia nhiều sự kiện chính trị-văn hóa, báo chí của đất nước...

- Chuyện nghề với nhà báo Phan Quang.

Tài năng Phan Quang với Hội Nhà báo VN thì lớp lớp hội viên Hội Nhà báo Việt Nam nối tiếp nhau ghi nhận. Họ nói về ông, kể về ông, tri ân công lao của ông với niềm hãnh diện, chân tình. Bởi ông chứ không ai khác đã cùng với Thường trực Ban Thư ký HNBVN (Khóa V) định ra và triển khai cấp Huy Chương vì sự nghiệp Báo chí VN (nay là Kỷ niệm Chương) cho các nhà báo có đóng góp lớn vào sự nghiệp báo chí cách mạng. Chính ông chứ không ai khác, đã cùng lãnh đạo Hội triển khai mở Hội Báo Xuân ngày một hoành tráng theo ý kiến của Tổng Bí thư Đỗ Mười khi ông tới thăm phòng trưng bày Báo Tết tại Trụ sở Hội năm 1991. Phan Quang là người đề xướng Giải Báo chí Toàn quốc của Hội NBVN, mở màn từ 21/6/1991 liên tục cho tới nay là Giải Báo chí Quốc gia, góp sức đáng kể vào việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng tài năng, khích lệ đam mê nghề nghiệp báo giới. Trong cương vị Chủ tịch Hội Nhà Báo VN, Phan Quang đề xướng và cổ vũ Thường trực Hội cùng các Ban chuyên môn soạn thảo "Quy ước đạo đức Báo chí Việt Nam) một cách bài bản, kỹ lưỡng trước khi trình Ban Chấp hành để Đại Hội thông qua, (nay là "10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo VN")...

Ngày xa ấy Hội Nhà Báo Việt Nam duy nhất chỉ một nơi làm việc ở 59 Lý Thái Tổ, liền ngách bên 12 Lý Đạo Thành là Trung tâm Văn hóa của Hội ở Hà Nội, điều kiện về cán bộ, tài chính đều hết sức eo hẹp . Nghèo đấy nhưng chúng tôi thương yêu nhau, chung sức, đồng lòng vì công việc... cũng là do Phan Quang khích lệ. Tài năng của Chủ tịch Hội, phong thái đĩnh đạc dồn hết tâm sức cho công việc (dù kiêm nhiệm) nhưng sát sao, cụ thể, biết chia sẻ, biết cách tạo cảm hứng cho thuộc cấp, nói đi đôi với làm nên ông như ngọn đèn thần đẫn dắt chúng tôi chỉ một hướng vươn lên và đi tới. Với ông, tôi không cố ý vơ vào, nhưng công bằng để nói thì nhiệm kỳ Quốc Hội bàn thảo và thông qua Luật Báo chí năm 1998, thì ông là người góp công, góp sức sát thực nhất. Bởi khi ấy ông là Đại biểu Quốc Hội. Bởi tài năng, và cũng bởi khi ấy ông có cương vị trong Tổ chức Đảng, Nhà nước và Hội Nhà báo VN, chủ trì việc sơ thảo dự luật Báo chí trước khi trình Quốc hội, có tiếng nói trách nhiệm tại chính trường...Tài năng Phan Quang là ở công việc. Công việc ghi nhớ, gợi nhớ, lưu dấu mãi trong cán bộ công nhân viên nơi ông lãnh đạo và chỉ đạo. Tài năng Phan Quang ở thời điểm ông làm Chủ tịch Hội Nhà báo VN (1989 - 1999) đã góp sức thực sự cùng cơ quan Chỉ đạo báo chí, cơ quan Quản lý báo chí và Hội nhà báo Việt Nam tăng sức, tăng lực để báo giới cả nước phấn đấu "Vì sự nghiệp đổi mới và Hiện đại hóa đất nước" như mục tiêu Đại hội V & VI của Hội định ra. Bên cạnh sự trưởng thành, lớn mạnh và hoàn thiện tổ chức Hội Nhà báo các cấp, cơ quan Trung ương Hội cũng được củng cố từ nhiệm vụ, chức năng đến đội ngũ tham mưu giúp việc và cơ sở vật chất kỹ thuật. Dù còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng đã là thời Hoàng Kim nếu nhìn về phía sau, và tạo đà quan trọng cho chặng đường tương sáng, rạng rỡ phía trước...

Tài năng Phan Quang là ở công việc. Tư duy mới mẻ, công việc sát thực, hiệu quả. Đồng nghiệp Đài tiếng nói VN viết về ông trong tuyển tập "Kí ức người và nghề" rằng: "Với Phan Quang - Viết là tồn tại", nhưng lại dành tới nhiều ngàn từ để nói về tài năng đích thực của ông trong công việc quản lý và phát huy sức mạnh tiếng nói Quốc gia. Rằng, mùa hè năm 1988, nghĩa là sau 40 năm gắn bó với báo viết, giờ theo quyết định của Trung ương Phan Quang giữ chức Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài tiếng nói Việt Nam thay nhà báo Trần Lâm nghỉ hưu. Công việc thực sự mới mẻ với ông, nhưng bản tính khiêm tốn và ý chí vươn tới, ông xin Ban Bí thự cho thôi chức Thứ trưởng để tập trung vào việc mới. Noi gương Trần Lâm, theo cách nói của Phan Quang "Một đời tận tụy với làn sóng điện" và viết về người tiền nhiệm của mình: "Người chỉ có hai từ cho một đời cống hiến:"Phát thanh". Qua gần nửa thế kỉ đồng hành cùng dân tộc, hai từ ấy đã biến anh cùng Đài tiếng nói Việt Nam thành tượng đài trong ngành truyền thông Nhà nước". Ấy cũng là đức hạnh Phan Quang. Luôn biết trước, biết sau. Luôn nhìn tới ngọn nguồn, lạch sông để nối bước, để bắt nhịp, để sẻ chia, để đi lên khi chặng đường đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đòi hỏi báo chí phải nhanh chóng bắt nhịp. Bản lĩnh chịu nghe, biết nghe; biết chia sẻ; biết truyền cảm hứng cho thuộc cấp; sâu sát, nói đi đôi với làm, nhờ đó Phan Quang đã tạo nên "bước đột phá" của Đài Tiếng nói Việt Nam....Phan Quang quan niệm: Báo chí theo loại hình nào cũng chỉ một chức năng: phục vụ con người! Quan niệm ấy thôi thúc ông thực hiện "hai nghe". Nghe thính giả và nghe cán bộ công nhân viên nhà Đài. Kết cục Tổng Giám đốc Phan Quang rút ra: Bạn nghe Đài đã chỉ lối cho chúng ta! "Hai nghe" giúp Phan Quang nhận ra: Đài Quốc gia chỉ có hai hệ Đối nội và Đối ngoại. Thính giả ít được lựa chọn...Lập tức các Ban chức năng được thành lập hướng tới đích đổi mới, sáng tạo, vì người nghe. Và, việc tách hệ được thực hiện, kéo theo việc đổi mới toàn hệ thống, đổi mới nội dung, phát triên đa hệ chương trình. Là người đam mê nghe Đài. Đã vào phòng ngủ và làm việc là mở Đài nên tôi dễ nhận ra những gì Phan Quang đã đổi mới Đài ở thời ấy. Đại thể vào quý III, năm 1994 (trước đó, cuối năm 1990 sản phẩm "đột phá" khai trương Đài FM âm nhạc & tin tức của Phan Quang với sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, là tiền đề nâng cao chất lượng làn sóng sau này) "Đài Tiếng nói VN phát 2 hệ chương trình Đối nội song song hàng ngày từ 4h55 đến 23h. Hệ 1 - Thời sự Chính trị Kinh tế. Hệ 2 - Văn hóa Xã hội Khoa giáo cùng Ban Bạn nghe Đài, bên cạnh Ban Văn học Nghệ thuật (có trước). Ban Biên tập Đối ngoại riêng hệ...tạo bước chuyển lớn về chất để phát triển hiện đại. Hàm lượng thông tin tăng nhanh, diễn đàn, giao lưu, tư vấn mở rộng. Người nghe lựa chọn tùy thích...Thời ấy đánh dấu mốc đổi mới toàn diện của Đài Tiếng nói VN. Thời của Tổng Giám đốc Phan Quang đa tài! Ấy là lời đồng nghiệp nhà Đài thường bộc bạch với tôi!

Đời ngả chiều. Phan Quang tự bạch: - "Ta viết, tức là ta tồn tại"! Vậy là Phan Quang vẫn tràn đầy năng lượng, bởi bút lực của ông vẫn rất dồi dào, sung mãn. Không tuần nào, tháng nào vắng bài viết của ông trên các báo và tạp chí. Thấy báo đăng bài của Phan Quang là tôi đọc. Thấy Phan Quang nói trên Đài hay trên Truyền hình là tôi chăm chú nghe và xem. Nét thân quen, đĩnh đạc, lịch lãm; tư duy sắc sảo, kiến thức sâu rộng...chung quy là sự uyên bác của ông...Nhớ lần tôi cùng với ông lên Tây Bắc thăm chiến trường Điện Biên, tới nhà Bảo tảng Lịch sử Điện Biên Phủ, tình cờ gặp mấy cựu binh da trắng có da mầu có thuộc quân đội viễn chinh Pháp thuở xưa; nhà báo Phan Quang và mấy viên cựu binh xấp xỉ tuổi nhau xoắn xuýt chuyện cũ, chuyện mới bằng ngôn ngữ Pháp; khi chia tay, đôi mắt viên cựu binh đỏ hoe!...Tôi không mấy lạ. Tôi nhớ một lần, họp nội bộ cơ quan Hội Nhà báo, bàn công việc thường ngày, nhưng anh em có người thẳng tính phát biểu có khi gay gắt, dù không cố tình xúc phạm ai. Chủ trì hội nghị, Phan Quang khuyên mọi người nên cân nhắc lời lẽ khi phát biểu, dù chỉ là cuộc trong nội bộ với nhau, nên nhớ lời ông cha chúng ta dạy: Dao đâm có lúc lành thương tích/ Lời nói đâm nhau hận suốt đời. Ấy là tài giao tiếp của Phan Quang; biết lắng nghe, biết sẻ chia; trí tuệ uyên bác và phong cách bình dị thu phục lòng người!...Những ngày cùng ông, đi dọc miền Trung tới Hội Nhà báo các tỉnh; ghé thăm quê nhà bên bờ sông Thạch Hãn, tôi mới hiểu ông sinh ra trên vùng đất khó, đất anh hùng, đất của những chiến công. Nơi đây, bố mẹ sinh ra ông, Đảng kết nạp ông vào đội ngũ cách mạng cũng từ đây. Phan Quang rủ tôi tới thăm trưởng Tiểu học của xã, trường xây mới trên nền đất xưa ông từng học. Thầy cô giáo đều rất trẻ, vui vẻ đón ông thân thiết như ông nội ông ngoại. Quà ông tặng trường là 5 - 7 hộp sách đủ các thể loại, nhưng đều là sách quý phần nhiều do ông viết và dịch mà trẻ rất ưa chuộng như: Nghìn lẻ một ngày và Mười hai sử thi huyền thoại...Tâm đức ấy, tình cảm thế ấy của ông với quê cứ ở mãi trong tôi...Cũng dịp ấy tôi thêm nhận ra, Phan Quang là người có trí nhớ đặc biệt. Trên đường ghé thăm di tích Kinh thành Huế, ông kể vanh vách với tôi về 13 đời vua Triều Nguyễn nối tiếp nhau tồn tại suốt 143 năm (1802 - 1945)...Về các vua bị phế đế, các vua bị Pháp đẩy ra khỏi nước; các vua yêu nước thương dân như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Ông lộ vẻ hãnh diện khi vua Hàm Nghi xuất bôn (5/7/1885), lập căn cứ chống Pháp ở vùng thượng lưu sông Gianh trong suốt 3 năm (10/1885-10/1888) đã lưu nghỉ ở quê ông bên bờ Thạch Hãn.  Ông sôi nổi nói về sự đóng góp máu xương của biết bao sĩ phu, quan lại và nhân dân Quảng Bình. Nhiều thủ lĩnh nghĩa quân ở Quảng Bình đã xả thân giúp vua, cứu nước, bảo vệ Sơn Triều dẫn tới sự phát triển rầm của phong trào Cần Vương ủng hộ vua Hàm Nghi và Sơn Triều kháng Pháp, biến Quảng Bình thành "Kinh đô kháng chiến"...Phan Quang kể lai lịch dòng tục Hàm Nghi rồi gợi cả đề cương, thôi thúc tôi viết tiểu thuyết lịch sử. Điều ấy thật quá hoang tưởng đối với tôi vì trí còm, lực thấp nhưng lại là điểu khiến tôi phải nhớ. Nếu đời được tái sinh, chắc hẳn tôi sẽ phải học ông lắm lắm...

Với nghề báo, người viết phải tự tạo ra cảm hứng, cần kịp thời, đúng lúc; luôn khát khao vì một xã hội tốt đẹp. Hẳn vì thế nên"50 năm hoạt động báo chí qua nhiều giai đoạn, Phan Quang có mặt và là thành viên tích cực trong những bước chuyển biến quan trọng của phong trào. Điều này thật không dễ dàng với những người viết lâu năm. Và quan trọng hơn ông đã kết hợp được giữa công tác quản lý và sức viết đều đặn, chín chắn và mới mẻ. Bởi thế con số thành của một đời hoạt động qua tác phẩm và cho phong trào là phong phú, đáng trân trọng"(GS Hà Minh Đức - Nhà báo, nhà văn Phan Quang).  Hẳn vậy nên "Trong thời gian làm việc ở báo Nhân Dân, Phan Quang là một trong mấy đồng chí đi nhiều nhất, viết nhiều nhất. Đi bằng xe đạp dưới sự gầm rú của máy bay và tiếng nổ của bom Mỹ...Anh viết nhiều thể loại: xã luận, bình luận, phóng sự, điều tra, bút kí. Phong cách làm việc và viết của anh rất nghiêm chỉnh, khoa học" (Hoàng Tùng nguyên Bí thư Trung ương Đảng - Một phong cách làm việc).

Với nghề văn - nghề nhọc nhằn (theo cách nghĩ của tôi), thì Phan Quang vượt lên tất cả. Sức sáng tạo trong ông thật đáng nể trọng. Tôi luôn cảm nhận trong văn của ông có báo vì sát thực với đời sống. Trong báo của ông luôn có văn bởi nghệ thuật chuyển tải rất nhân văn, rất uyên bác của ông. Điều này rất đậm đà trong văn dịch của ông, vì "Dịch văn học là một công việc sáng tạo ngôn ngữ, là sáng tác. Dịch chẳng qua là lấy hiện thực từ một tác phẩm đã có, diễn đạt lại bằng ngôn ngữ mẹ đẻ" (Thúy Toàn, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch - Sáng tạo thì không thể trùng lặp).

Phan Quang uyên bác thể hiện trong trí nhớ, trong công việc, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn, trong báo. Điều này thì không chỉ chúng tôi nghĩ mà rất nhiều nhiều những bậc danh tiếng đã viết (như viện dẫn kể trên). Và, "Phan Quang là một nhà báo có uy tín lớn, một trong ba, bốn cây bút đại thụ của giới tân văn... Bằng kinh nghiệm riêng của đời mình, bằng quan sát nhận xét từ cuộc đời đồng nghiệp trong và ngoài nước, Phan Quang đã có được cái nhìn thấu tầm thấu đáo về nghề báo" (Vũ Quần Phương - Viết giữa dòng đời). Bởi thế, tôi có cảm nhận Phan Quang rất dồi dào năng lượng - "Có khả năng thay đổi trạng thái hoặc thực hiện công năng lên một hệ vật chất tạo nên nhiệt động lực học" thôi thúc những nhà báo chúng ta luôn vì một xã hội tốt đẹp./.

 

Nhà báo Hữu Thọ - Trọn đời để tâm, để đức cho nghề

Nhà báo Hữu Thọ

Mùa thu năm 2010, tôi có chuyến lên Tây Bắc dài ngày với nhà báo Hữu Thọ theo lời mời của ông Trịnh Long Biên, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên. Nơi đón, muốn chúng tôi tới bằng máy bay cho đỡ nhọc nhằn, (vì tai nạn giao thông từ mấy Tết trước, sức khỏe của nhà báo Hữu Thọ có phần suy giảm). Hữu Thọ nhất mực từ chối, ông nói với tôi: - Nghỉ hưu cả rồi, đi bằng đường xe mà chiêm nghiệm non nước hữu tình!

Đường dài, nhà báo Hoàng Văn Thành (khi ấy là Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ) đưa xe đón chúng tôi, cố ý kéo giãn thời gian để khách mời đỡ mệt, rong ruổi suốt mấy ngày đường núi, nghe cơ man chuyện đời, chuyện nghề của Hữu Thọ. Chẳng cần nhắc lai lịch của ông thì thiên hạ cũng quá biết: Hữu Thọ sinh1932 tại Hà Nội. Tên thật là Nguyễn Hữu Thọ, tham gia cách mạng từ Tháng 8/1945, giữ nhiều trọng trách trong lãnh vực tư tưởng của tổ chức cách mạng. Từng là Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc huyện Thư Trì...Từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Tổng biên tập Báo Nhân Dân; Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Ủy viên Đảng Đoàn Hội Nhà Báo Việt Nam....Suốt dặm dài Tây Bắc, chúng tôi ghé vào đâu, ngồi nghỉ ở quán xá nào thì người xứ núi vẫn nhận ra Hữu Thọ - Nhà báo! Tới Đỉnh đèo Pha Đin, Hữu Thọ chà vào hàng táo mèo của đồng bào H,Mông hỏi han chuyện làm ăn, chụp ảnh lưu niệm. Chàng trai H,Mông tuổi 19 - 20, len ngang, giọng ồm ồm:

- Ông. Ông là nhà báo Hữu Thọ. Con xin được chụp hình với ông! Hữu Thọ kéo chàng trai H,Mông vào lòng, vẻ mãn nguyện, đưa máy ảnh giục tôi chớp! Tôi gạn chuyện:

- Xa xôi thế, làm sao cháu biết đây là Nhà báo Hữu Thọ?

- Biết. Biết mà. Nhà cháu có tivi. Ông là người "nổi tiếng"...Đôi mắt ông sáng thế kia...đôi tai thế kia, vầng trán cao đẹp thế này làm sao mà không biết, không nhớ! Nói rồi chàng trai cười khoái trá cứ như vớ được của nả giữa đỉnh trời Pha Đin. Giọng đặc quánh:

- Ông ấy là nhà báo. Nổi tiếng nhà báo. Nhà báo phải như thế!...

Hữu Thọ với dân bản Mông trên đỉnh đèo Pha Đin, Tây Bắc

Lời nhẹ bâng từ cửa miệng chàng trai người dân tộc nơi đỉnh đèo Pha Đin khuấy đảo cách nghĩ của tôi về Hữu Thọ: "Nhà báo phải như thế"! Tôi biết Hữu Thọ làm báo chuyên nghiệp từ tháng 8/1957. Tên tuổi Hữu Thọ cùng Nguyễn Sinh nổi như sóng cồn trên Báo Nhân Dân với hàng loạt bài phóng sự điều tra về nông nghiệp-nông dân từ những năm đầu chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Tôi tự hiểu, Hữu Thọ trọn đời đam mê làm cách mạng; dùng báo chí làm phương tiện vận động cách mạng, làm công tác tư tưởng cho Đảng, cho Dân, cho các Nhà báo Việt Nam. Ngay cả khi giữ các trọng trách quan trọng như Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân, Trưởng Ban Tư Tưởng Văn hóa Trung ương; hoặc khi là Trợ lý Tổng Bí thư thì ông vẫn viết báo đều đặn. Ông viết (dưới nhiều bút danh: Nhân Nghĩa, Nhân Chính, Hữu Thọ...). Viết đa thể loại: Chính luận, bình luận, tiểu luận, bút kí, phóng sự, phóng sự điều tra, tiểu phẩm thế sự...Các bài viết của ông dù ở thời điểm nào đi nữa đều găm dấu ấn không thể nhạt phai với người đọc, người nghe...Nghỉ hưu (2007) ông vẫn viết báo đều đặn, vẫn giúp giữ chuyên mục "Chuyện làm ăn", "Bàn góp sự đời" đều đặn trên Báo Nhân Dân; "Chuyện đời" trên tạp chí Thế giới mới...Nhiều năm lại đây, ông giúp làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi "Sự hy sinh thầm lặng" do Báo Sức khỏe & Đời sống của Bộ Y tế tổ chức, để dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Ông nổi danh là cây viết ngồn ngộn lượng thông tin. Viết chân thực, chắc chắn, sắc sảo. Tuổi cao, sức mọn nhưng ông vẫn là "Cây cao bóng cả" vẫn góp lời tâm huyết, thiết thực trong nhiều sự kiện của đất nước và báo giới. Tập tiểu luận "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc" nói rất sâu, rất bắt lòng về bản lĩnh, đạo đức, lương tâm, nghề nghiêp cần có của người làm báo trước những vấn đề của xã hội, của thời đại. Khi ấy "Đối thoại" và "Đối thoai 2" lại nhắc nhở trách nhiệm cao cả của nhà báo "nơi đầu nguồn sự kiện" thông tin phải góp sức tháo gỡ để xã hội phát triển hài hòa, bền vững. Thực hiện trách nhiệm cao cả đó, đòi hỏi nhà báo phải có "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc"! Đó là những ấn phẩm đậm dấu ấn Hữu Thọ, ở đó ông bộc lộ tâm đức của mình với nghề báo, với những gì ông muốn xây đắp, vun vỗ cho các thế thệ nhà báo Việt Nam....

Suốt dặm dài ngược - xuôi Tây Bắc, tôi luôn để tâm "khai thác tâm đức của nhà báo Hữu Thọ" để "khai sáng cho mình". Nói về tính cẩn trọng của nghề nghiệp, ông cười khà khà kể về một nhà báo lớn tuổi nhờ bạn chí cốt viết sẵn Điếu văn cho mình trước khi qua đời tới cả thập niên. Ông bảo, mình hỏi: Sao anh lại làm "điều gở" ấy? Lão nhà báo thản nhiên: Phải chính xác! Cả đời làm báo luôn chí cốt với 2 từ: Chính xác! Cho nên cũng phải nói chính xác cái mình có, tránh nói quá khi nhắm mắt xuôi tay!...Hữu Thọ đắc ý kể thêm: Lê Huyền Thông là "Cây viết chuyên về xây dựng Đảng" của Báo Nhân Dân. Khi lâm bệnh hiểm nghèo, biết thân phận chỉ tồn tại đôi ba ngày; anh yêu cầu mình (khi ấy là Tổng biên tập) viết sẵn "Tin buồn" để được xem trước. Mình soạn vẻn vẹn 300 từ, rồi chuyển cho anh ấy trên gường bệnh. Đọc đi đọc lại, anh ấy khẽ nhoẻn miệng cười, rồi cầm bút điền thêm một dấu phẩy (,)....Âu cũng là đức tính cẩn trọng sinh ra từ cái nghề cái nghiêp! Nói rồi Hữu Thọ dõi đôi mắt sáng quắc về phía chúng tôi: Đó là sự nghiêm túc của nghề báo!...

Điện Biên mời Hữu Thọ cốt nhờ ông bồi bổ thêm cho đội ngũ cán bộ Tỉnh ủy, cán bộ làm Công tác Tư tưởng chủ chốt từ tỉnh tới huyện, thành phố, thị xã và báo chí...học tập và tuyên truyền sâu rộng hơn "Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Mấy ngày liền ở Điện Biên, hôm nào ông cũng phải đăng đàn ít nhất 2 buổi. Buổi nào khán phòng cũng chật ních người nghe. Hữu Thọ có khiếu truyền đạt "Diễn giải rồi quy nạp", "Quy nạp rồi diễn giải" nên sâu sắc, chủ đề, lý, tình quấn bện đến lạ lùng. Ông nói: Bác Hồ quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, như gốc của cây, ngọn nguồn của dòng sông. "Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"! Đức tạo ra sức mạnh, quyết định thắng lợi trong mọi công việc. Nhưng đức và tài phải luôn kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng!...Từ luận điểm bao quát ấy, Hữu Thọ phân tích, cắt nghĩa, chứng minh, lý giải, cổ vũ người nghe học và làm theo gương Bác về đạo đức cách mạng: - Trung với nước hiếu với dân; Yêu thương con người; Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; Tinh thần quốc tế trong sáng!...

Hữu Thọ trao đổi với Hoàng Văn Thành TBT Báo Điện Biên Phủ về nghệ thuật  trình bày báo. 

Trao đổi nghề báo với chúng tôi và đồng nghiệp ở Điện Biên, Hữu Thọ bảo: Ông không thích đăng đàn mà muốn đối thoại. Trao đổi, đối thoại để học nhau, để mọi người sẽ sáng tạo hơn!...Vì thế cuộc 'đối thoại" tập trung vào chủ đề "Cái tâm, cái đức của người làm báo" sôi động, sáng rõ như phẩm chất riêng có của Hữu Thọ mà chúng tôi cụm đầu chia sẻ. Nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề đặt ra, nào là: "Tâm đức" là gì? "Tâm đức" có ý nghĩa như thế nào với nghề báo? Nhà báo rèn tâm rèn đức bằng cách nào?v.v... Hữu Thọ ghi chép từng ý lục vấn của đồng nghiệp rồi lần lượt giải đáp. Ông nói: Tâm là phần hồn của con người. Theo Phật học, tâm là tâm thức là trung tâm của cảm giác, của tình cảm, của ý thức và hành động. Tình cảm và ý thức của con người là gốc sinh ra tâm. Cho nên tất cả mọi điều đều do tâm tạo ra, tâm làm chủ. Tâm sinh ra những điều tốt đẹp, đồng thời cũng sinh ra những điều tệ hại. Bởi thế, mỗi nhà báo phải nhận ra tâm của mình và làm chủ cái tâm của mình. Đi theo cái hay, cái tốt, cái thiện là tâm sáng, lòng trong. Là nhà báo, chúng ta đều mong muốn giầu có về năng lực. Mà năng lực của con người lại thể hiện ở tâm ở tầm, có chuyên môn sâu, có tấm lòng đẹp. Cho nên, làm báo cũng vậy phải có nghề, phải có tấm lòng mới mong mang đến những điều tốt đẹp cho mình, cho xã hội va đất nước...Đạo đức là gì ư? Đó là tổ từ Hán Việt chỉ giá trị và tính cách của một con người. Đạo là đường, đức là tính tốt. Chung quy đạo đức là con người có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn; thể hiện nét đẹp trong phong cách sống và hành động của con người. Khi có đạo đức, con người sẽ làm chủ, sẽ hiểu mình phải làm gì trong cuộc sống với xã hội. Cho nên, muốn có đạo đức thì phải rèn luyện. Trước hết chúng ta phải học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác kính yêu. Luôn luôn nêu gương về đạo đức, nói đi đôi với làm; xây đi đôi với chống. Nghĩa là suốt đời phải tu dưỡng đạo đức, kể cả đạo đức nghề nghiệp của người làm báo!...Buổi đối thoại không dài, nhưng dư âm từ đó tới nay vẫn đọng mãi trong tôi về một Hữu Thọ - Nhà báo sâu sắc, róng riết với những gì ông muốn truyền đạt cho lớp lớp đồng nghiệp...Lại nhớ, Hội thảo Quốc gia (90 năm Báo chí cách mạng Việt Nam truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm) dịp 21/6/2015 tại Trụ sở  Báo Nhân Dân 71 hàng Trống; nhà báo Hữu Thọ tham luận đầu tiên với tiêu đề "Mấy vấn đề về đạo đức người làm báo". Tham luân ngắn gọn 1.500 từ nhưng chữ nghĩa cứ như chưng cất đặc quánh. Ông nói bo, giọng róng riết cảnh báo tình trạng lợi dụng báo chí để làm những điều phi pháp; và một số nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi...Rồi chốt lại: "Thực sự, theo tôi thì đạo đức người làm báo, nói rộng ra là văn hóa báo chí đang có những vấn đề không nhỏ. Tôi nghĩ tại Đại Hội Nhà báo sắp tới nên có thời gian thỏa đáng từ đại hội cơ sở để bàn sâu sắc trên tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm khắc theo tinh thần lời dạy của Bác Hồ - Người thầy của Báo chí cách mạng Việt Nam..."! Kết thúc, ông rãi bày: "Với tâm huyết của một người có nửa thế kỷ cầm bút, rất yêu quý cái nghề này và rất quý trọng các bạn đồng nghiệp, chỉ trải lòng tâm sự một vài điều, có gì nói quá mong các đồng chí thông cảm"! Vâng. Đó là phong cách. Là nỗi lòng đau đau của Hữu Thọ - Cây cao bóng cả của báo giới, suốt đời vun xới để tâm, để đức cho các thế hệ nhà báo Việt Nam! 

Nào ngờ ít ngày sau, Hữu Thọ biền biệt về thế giới người hiền (12/8/2015), để lại nỗi nhớ thương vô hạn với chúng tôi và báo giới Việt Nam./.

Theo Nhà báo Nguyễn Uyển/Cổng Thông tin điện tử của Hội Nhà báo Việt Nam

 

 

Các tin khác:
  • Ảnh báo chí thế giới 2018: Đậm hơi thở thời cuộc (27/04/2018-7:15)
  • Bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ ngôn ngữ hình ảnh trong truyền hình (13/04/2018-14:08)
  • Công lý vẫn tồn tại, sự thật vẫn là sự thật (12/04/2018-10:44)
  • Vinh quang song hành cùng hiểm nguy (11/04/2018-8:46)
  • Phóng viên mảng nội chính “đất” rộng để tác nghiệp (11/04/2018-8:43)
  • Tập huấn nghiệp vụ về ngôn ngữ hình ảnh trong truyền hình (10/04/2018-16:21)
  • Trò chuyện cùng tác giả đoạt 3 “Giải thưởng Báo chí về trẻ em” (09/04/2018-8:16)
  • Tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền công tác tổ chức xây dựng đảng cho phóng viên truyền hình (06/04/2018-23:11)
  • Tôi thích chọn thông tin văn hóa có ảnh hưởng tích cực tới công chúng (30/03/2018-21:53)
  • Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến thăm, làm việc tại Báo Thanh Hóa (29/03/2018-20:58)