Thứ tư, ngày 08/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Trò chuyện cùng tác giả đoạt 3 “Giải thưởng Báo chí về trẻ em” (09/04/2018-8:16)
    Phóng viên Nguyễn Thị Huyên (bút danh Nguyễn Huyên) hiện công tác tại Báo Lao Động đã xuất sắc giành 3 “Giải thưởng Báo chí về trẻ em” do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em tổ chức. Chắc chắn Nguyễn Huyên sẽ có những chia sẻ thú vị về câu chuyện tác nghiệp cũng như suy nghĩ về việc bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay.
Nguyễn Huyên là PV năng nổ, nhiệt huyết của Báo Lao Động (Ảnh: NVCC)

 Trò chuyện cùng tác giả đoạt 3 “Giải thưởng Báo chí về trẻ em”

Phóng viên Nguyễn Thị Huyên (bút danh Nguyễn Huyên) hiện công tác tại Báo Lao Động đã xuất sắc giành 3 “Giải thưởng Báo chí về trẻ em” do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em tổ chức. Chắc chắn Nguyễn Huyên sẽ có những chia sẻ thú vị về câu chuyện tác nghiệp cũng như suy nghĩ về việc bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay.

Liên tiếp nhận 3 “Giải thưởng Báo chí về trẻ em” ở cả tác phẩm viết chung và riêng, dường như bạn là người có duyên với giải thưởng này? 

PV Nguyễn Huyên:Tôi khá bất ngờ khi biết mình có tên trong 3 tác phẩm đoạt giải của cuộc thi. Đây không phải là phần thưởng của riêng cá nhân tôi hay bất cứ phóng viên nào của Báo Lao Động, nơi tôi đang công tác mà là phần thưởng dành chung cho tất cả phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo Ban và Ban Biên tập Báo Lao Động. Nhân đây tôi xin gửi lời cám ơn đến các anh chị biên tập viên, lãnh đạo Ban và Ban Biên tập đã góp rất nhiều công sức cho các tác phẩm đoạt giải lần này.

Còn đối với cá nhân, giải thưởng này giống như một món quà kì diệu dành cho những nỗ lực và cố gắng của mình trong suốt năm 2016, 2017. Nhận được giải thưởng này sẽ là động lực nhưng cũng là áp lực lớn hơn để tôi tiếp tục thực hiện những tác phẩm tiếp theo.

Bạn có thể chia sẻ câu chuyện đằng sau về quá trình thực hiện tác phẩm đoạt Giải Nhất “Hãy lên tiếng vì trẻ em!” và tác phẩm đoạt Giải Nhì “Bố mẹ ly hôn, trẻ em đối diện với nạn bạo hành”?

PV Nguyễn Huyên: Là một phóng viên chuyên trách mảng giáo dục, tôi có nhiều cơ hội để tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn của trẻ em, được lắng nghe chia sẻ của các phụ huynh và bài học của các chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý về cách dạy và chăm sóc cho trẻ em. Vì thế, mỗi một nhân vật, một câu chuyện tôi đều dành hết tình cảm và coi nhân vật như chính người thân của mình, câu chuyện, hoàn cảnh của nhân vật như chính câu chuyện, hoàn cảnh của mình.

Về tác phẩm được Giải Nhất là loạtbài “Hãy lên tiếng vì trẻ em!” (viết riêng) viết về sự việc cô giáo Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) trong sự việc đâm ô tô vào học sinh Trần Chí Kiên. Thực tế, đây là loạt bài kéo dài kì để đòi lại công bằng cho cháu bé, đồng thời “bóc mẽ” sự dối trá, vô trách nhiệm của 2 vị lãnh đạo nhà trường trong sự việc này.

Để có thể đem lại sự thật, giành được chân lí, phải kể đến sự tham gia của đông đảo báo chí và công luận. Trong đó, tôi cũng là một trong số nhiều nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí theo đuổi sự việc. Tôi có một chút may mắn hơn khi đoạt được giải thưởng này, có lẽ là do chọn được 5 trong tổng số vài chục bài viết đã đăng tải để kể được xuyên suốt các câu chuyện, vấn đề của sự việc. Không chỉ nỗ lực theo đuổi câu chuyện từ đầu theo đơn tố cáo của gia đình học sinh, rồi 18 giáo viên lên tiếng phản đối Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nam Trung Yên, giáo viên sợ bị “trù” khi khai sự thật cho đến bài học dân chủ trong học đường....Tôi cũng theo sát em Kiên cho tới câu chuyện ứa nước mắt ở vài tháng sau khi cháu bé hằng ngày phải cắn răng chịu đựng những cơn đau do phải tập luyện để chân đỡ teo, cứng cơ, vừa tập vừa khóc...

Qua câu chuyện này, cảm phục nhất chính là ý chí kiên cường, sự vô tư, gây thơ của cháu. Bên cạnh đó chính là sự hiểu biết, đấu tranh đến cùng vì lẽ phải của gia đình em. Có lẽ đây là sự việc mở màn cho việc lên tiếng mạnh mẽ của gia đình để bảo vệ con cái, bảo vệ môi trường học tập trong sáng, lành mạnh.

Về tác phẩm đoạt Giải Nhì là câu chuyện “Bố mẹ ly hôn, trẻ em đối diện nạn bạo hành” (viết chung). Loạt bài này tổng kết những trải nghiệm của các câu chuyện về nước mắt hậu ly hôn “đòn thù” đổ đầu trẻ của cả tôi cùng phóng viên Ngô Cường đã từng trải nghiệm thực tế qua rất nhiều tuyến bài. Sau những trận đòn roi ấy, là biết bao hệ quả, đặc biệt các em nhỏ dễ bị dị tật về tâm lý, những vết thương lòng khó lành. Loạt bài này, chúng tôi rất muốn kêu gọi những ông bố, bà mẹ hãy quan tâm, sống và nghĩ về sự tổn thương của những đứa trẻ khi bố mẹ phải ly hôn. Một khi bố và mẹ không thể chung sống thì vẫn phải luôn quan tâm và tạo môi trường tốt nhất cho trẻ phát triển chứ không phải là những trận đòn roi kinh hoàng. Bên cạnh đó, bài viết cũng thẳng thắn đề cập tới tâm lý “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng” của các cụ ta ngày xưa.

Nhìn vào thực tế có thể thấy rằng số lượng các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam. Theo bạn nguyên nhân gốc rễ của nó nằm ở đâu và cần những giải pháp gì?

PV Nguyễn Huyên:Trong các tác phẩm của mình, chúng tôi cũng đã đưa nhiều nhận định của các chuyên gia lập pháp, chuyên gia tâm lí, giáo dục, câu chuyện của những người trong cuộc hay thậm chí cả những người mang nghĩa vụ cao cả là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em về các nguyên nhân của thực tế các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam.

Có thể điểm qua một số nguyên nhân nổi bật như: Cha mẹ không quan tâm hoặc ít có thời gian quan tâm tới con; cha mẹ quan tâm đến con chưa đúng cách, chưa biết cách xử lý tình huống hay nắm bắt được tâm lí của trẻ; cả cha mẹ hay người bạo hành đều còn thiếu hiểu biết về pháp luật, nhiều người vi phạm luật mà không hề hay biết. Một lí do tác động không nhỏ đến vấn đề này là hình phạt chưa nghiêm và sự vào cuộc yếu ớt của các cơ quan chức năng.

Dưới góc nhìn của người làm báo, bạn có nhận xét gì về số lượng cũng như chất lượng của những bài báo viết về trẻ em trên các tờ báo ở Việt Nam hiện nay?

PV Nguyễn Huyên:Trên các mặt báo mỗi ngày đều đề cập đến rất nhiều những thông tin, bài viết liên quan tới trẻ em. Từ những bài viết có thông tin tích cực gương tốt về trẻ em, tuyên truyền và bảo vệ quyền lợi và chính sách về trẻ em đến những bài viết phản ánh, điều tra về những góc tối trong nạn bạo hành, xâm hại, bóc lột sức lao độngtrẻ em. Báo chí ngày càng có nhiều những tác phẩm đến gần hơn với cuộc sống của trẻ phản ánh đa dạng, phong phú và khách quan. Tuy nhiên do trình độ của công chúng ngày càng cao nên các nhà báo phải luôn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để tạo ra được những sản phẩm báo chí hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, người xem.

Xin trân trọng cám ơn bạn!./.

Theo Ngô Khiêm/Cổng TTĐT Hội Nhà báo Vệt Nam

 

Các tin khác:
  • Tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền công tác tổ chức xây dựng đảng cho phóng viên truyền hình (06/04/2018-23:11)
  • Tôi thích chọn thông tin văn hóa có ảnh hưởng tích cực tới công chúng (30/03/2018-21:53)
  • Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến thăm, làm việc tại Báo Thanh Hóa (29/03/2018-20:58)
  • Duyên với nghề (29/03/2018-20:46)
  • Báo chí với công cuộc phòng, chống nạn mua bán người (26/03/2018-20:17)
  • Luật chưa đủ mạnh (26/03/2018-10::29)
  • Bài báo ít giá trị thông tin không trở nên xuất sắc nhờ “phụ kiện” đi kèm (21/03/2018-16:12)
  • Đặt tiếp những “viên gạch hồng” cho sự phát triển Báo Thanh Hóa (20/03/2018-9:19)
  • Cụm HNB các tỉnh Bắc miền Trung đoạt giải B gian trưng bày ấn tượng đặc sắc (18/03/2018-21:53)
  • Bế mạc Hội báo Toàn quốc 2018 (18/03/2018-20:47)