Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Cán bộ then chốt không phải là người địa phương - những cách làm thực tiễn (03/10/2018-7:43)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng năm 2018 - Giải Búa liềm vàng

Bài 1: Khắc phục tình trạng cục bộ địa phương

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII và đến nay là sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quán triệt, triển khai, chỉ đạo mạnh mẽ việc điều động, luân chuyển (ĐĐLC) cán bộ không phải người địa phương, từng bước khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở các địa phương.

 

Đồng chí Bùi Đặng Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Thành Tân (Thạch Thành) trao đổi với người
dân thôn Bái Đang về mô hình cánh đồng mía mẫu lớn áp dụng cơ giới.  

 

Tạo chuyển biến từ “vùng khó”

Thạch Thành là huyện “tiên phong” trong việc triển khai công tác ĐĐLC cán bộ từ huyện xuống xã, thị trấn và luân chuyển ngang. Trong quá trình triển khai, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Thạch Thành đã chú trọng đến việc bố trí cán bộ ở các xã, thị trấn không phải là người địa phương ở những đơn vị vai trò lãnh đạo cấp ủy yếu kém, tình hình đơn, thư khiếu kiện kéo dài, mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung, dân chủ...

Nhớ lại thời kỳ được điều động từ xã Thạch Tân về làm Bí thư Đảng ủy xã Thành Mỹ, đồng chí Vũ Hồng Sơn, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Thành Trực, không khỏi bồi hồi: Những năm trước 2015 tại xã Thành Mỹ diễn ra nhiều vấn đề rất phức tạp, do đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã là người địa phương mất tập trung dân chủ, việc cấp phát tiền hỗ trợ, hàng cứu trợ cho người dân bị thiệt hại do lũ lụt gây ra có nhiều sai phạm, dẫn đến làm mất lòng tin của nhân dân. Trước tình hình đó, tôi được BTV Huyện ủy ĐĐLC từ xã Thạch Tân sang xã Thành Mỹ. Mới “chân ướt chân ráo” về cơ sở, không phải là người địa phương, nên thời gian đầu tôi gặp không ít khó khăn. Nhiều cuộc họp của xã được triển khai nhưng cán bộ đi họp không đầy đủ, trong thực thi nhiệm vụ được giao, nhiều cán bộ có biểu hiện phá ngang, không có tinh thần xây dựng. Vẫn còn tình trạng một số cán bộ “sáng cắp cặp đến, tối cắp cặp về”, cả ngày ngồi trà lá tán gẫu, bỏ bê công việc. Qua quá trình trò chuyện với cán bộ, đảng viên và được sự chia sẻ của quần chúng nhân dân, tôi đã tìm ra “nút thắt” của vấn đề. Sau khi báo cáo với BTV Huyện ủy và cấp ủy triển khai những biện pháp “mạnh” để sắp xếp lại vị trí việc làm đúng với khả năng chuyên môn của từng người, không để tình trạng cán bộ không có chuyên môn thì được làm chỗ nhàn hạ, thu nhập cao, trong khi người vững chuyên môn, nghiệp vụ lại không có cơ hội cống hiến, tôi đã cùng đảng ủy xã xây dựng quy chế làm việc theo hình thức chấm điểm công việc từng tuần đối với cán bộ, công chức. Nếu cán bộ, công chức nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ đưa ra cuộc họp kiểm điểm, xếp loại lao động... Từ đó công việc của xã có nhiều tiến triển, những người có năng lực chuyên môn đã phát huy được hiệu quả. Sau 1 năm, tình hình địa phương đã trở lại ổn định, cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, tạo “sức bật” mới về mọi mặt: Kinh tế, chính trị, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng. Năm 2016, đồng chí Vũ Hồng Sơn lại được BTV Huyện ủy Thạch Thành ĐĐLC về làm bí thư đảng ủy xã Thành Trực để tập trung lãnh đạo xây dựng nông thôn mới và sau hơn 1 năm thực hiện nhiệm vụ, đồng chí đã cùng với đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng thành công xã nông thôn mới.  

Đồng chí Bùi Đặng Hùng, nguyên phó bí thư Đảng ủy xã Thành Tâm cũng là một trong số cán bộ được luân chuyển về vùng khó để gây dựng phong trào. Theo anh Hùng cho biết, tháng 4-2015, khi được BTV Huyện ủy ĐĐLC về giữ cương vị bí thư Đảng ủy xã Thành Tân, anh cũng gặp không ít khó khăn, đó là tình trạng cán bộ chưa nhiệt tình với công việc, một số vấn đề thời kỳ trước để lại, tính cục bộ địa phương vẫn còn nhiều, xã còn gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, việc đầu tiên anh Hùng phải làm là “sốc” lại tinh thần của đội ngũ cán bộ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng. Anh Hùng đã dành nhiều thời gian tiếp xúc, đối thoại với dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và từng bước tháo gỡ khó khăn cho người dân. Với thái độ cầu thị, hết lòng phục vụ nhân dân, anh đã dần tạo được niềm tin đối với cán bộ, nhân dân, công việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và hoạt động của MTTQ, các tổ chức đoàn thể của các thôn đi vào nền nếp, tập trung cho phát triển sản xuất, trong đó đáng chú ý là chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng mùa vụ đạt hiệu quả cao hơn. Tỷ lệ hộ nghèo từ 27% (năm 2015) đến nay giảm xuống còn 8,6%; xã phấn đấu năm 2020 đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.

Đồng chí Phạm Trọng Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thạch Thành, cho biết: Từ năm 2005 đến nay, BTV Huyện ủy Thạch Thành đã tổ chức ĐĐLC được gần 300 lượt cán bộ. Qua quá trình triển khai thực hiện, BTV Huyện ủy Thạch Thành đã rút ra bài học kinh nghiệm, đó là: Trước mỗi đợt thực hiện ĐĐLC cán bộ, BTV đều xây dựng phương án cụ thể, lựa chọn tiêu chuẩn, đối tượng, chức danh và lựa chọn đơn vị để bố trí cho phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời, tổ chức gặp mặt động viên, giao nhiệm vụ cho cán bộ và các đơn vị có cán bộ đi, cán bộ đến. Việc ĐĐLC cán bộ đã tạo nên những bước đột phá trong công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Công tác ĐĐLC cán bộ không phải là người địa phương đã khắc phục tư tưởng trì trệ, cục bộ, dòng họ, làng xóm, địa phương, khắc phục tình trạng “phép vua thua lệ làng” ở một số đơn vị, từng bước xóa bỏ tâm lý trì trệ, bảo thủ, trông chờ, ỷ lại của một bộ phận cán bộ, đảng viên; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, tăng cường đoàn kết nội bộ ở cơ sở. Các cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương đến đơn vị mới đã cùng tập thể cải tiến lề lối, tác phong, phong cách làm việc, chấn chỉnh giờ giấc, kỷ luật lao động của cán bộ, công chức ở cơ sở. Có đơn vị nhiều năm không có sự đổi mới, không có bước đột phá nhưng sau khi có cán bộ ĐĐLC đã có sự chuyển biến rõ nét như: Thành An, Thành Công, Thành Thọ, Thạch Bình, Thành Yên, Thành Vân... Có đơn vị khi chưa ĐĐLC, nội bộ có biểu hiện thiếu thống nhất, sau khi điều động đã khắc phục rõ nét, giải quyết các mâu thuẫn, tạo ra khí thế mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc thực hiện ĐĐLC cũng góp phần khắc phục tâm lý thỏa mãn, chủ quan “sống lâu lên lão làng” của cán bộ địa phương, xử lý vấn đề khách quan, tháo gỡ những vướng mắc do lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao để “thâu tóm quyền lực”, vi phạm những vấn đề liên quan đến đất đai, ngân sách Nhà nước, làm trái quy định pháp luật.

Đồng bộ từ chủ trương đến triển khai thực hiện

Từ thực tiễn triển khai ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, thông qua  những lần hội nghị rút kinh nghiệm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu với BTV  Tỉnh ủy ban hành Kết luận 60 về việc thực hiện chủ trương bố trí chức danh bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, phó bí thư – chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương. Theo tinh thần Kết luận 60, BTV Tỉnh ủy đề ra mục tiêu phấn đấu thực hiện bố trí các chức danh bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, phó bí thư - chủ tịch UBND không phải người địa phương ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Những nơi có điều kiện có thể bố trí cả 3 chức danh hoặc 2 chức danh hoặc ít nhất có một chức danh không phải người địa phương. BTV Tỉnh ủy cũng quy định đối với cán bộ cấp tỉnh ĐĐLC về cấp huyện là giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, còn đủ tuổi công tác từ 1 nhiệm kỳ trở lên về làm bí thư cấp ủy cấp huyện. Đối với phó giám đốc sở, phó thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các chức danh tương đương còn đủ tuổi công tác từ 1 nhiệm kỳ trở lên về làm phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND cấp huyện. Nếu cán bộ là phó giám đốc sở, phó thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các chức danh tương đương được quy hoạch giám đốc, quy hoạch cấp trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, còn đủ tuổi công tác từ 2 nhiệm kỳ trở lên về làm bí thư cấp ủy cấp huyện. Trường hợp là trưởng, phó phòng cấp sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các chức danh tương đương được quy hoạch giám đốc, phó giám các sở; quy hoạch cấp trưởng, cấp phó các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, còn đủ tuổi từ 2 nhiệm kỳ trở lên, được xem xét về làm phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND cấp huyện. Về cán bộ cấp huyện ĐĐLC sang huyện khác nếu là bí thư cấp ủy cấp huyện, còn đủ tuổi công tác từ 1 nhiệm kỳ trở lên sang làm bí thư cấp ủy huyện khác. Phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND cấp huyện, còn đủ tuổi công tác từ 1 nhiệm kỳ trở lên sang làm phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND huyện khác. Trường hợp bố trí ở chức danh cao hơn phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND được quy hoạch bí thư cấp ủy cấp huyện, còn đủ tuổi công tác từ 2 nhiệm kỳ trở lên được xem xét sang làm bí thư cấp ủy huyện khác. Các đồng chí ủy viên BTV, phó chủ tịch HĐND, UBND được quy hoạch phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND cấp huyện, còn đủ tuổi từ 2 nhiệm kỳ trở lên được xem xét sang làm phó bí thư thường trực, phó bí thư - chủ tịch UBND huyện khác.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Kết luận 60, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương tại 22/27 huyện, thị xã, thành phố, trong đó bí thư: 12 đồng chí; phó bí thư thường trực cấp ủy huyện: 13 đồng chí; phó bí thư - chủ tịch UBND cấp huyện: 15 đồng chí. Có 421 xã, phường, thị trấn bố trí 1 trong 3 chức danh: Bí thư đảng ủy: 233 đồng chí; phó bí thư thường trực đảng ủy: 103 đồng chí; phó bí thư, chủ tịch UBND cấp xã: 182 đồng chí, không là người địa phương.

Đồng chí Vũ Đức Soãn, Trưởng Phòng huyện - cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhận xét: Công tác ĐĐLC cán bộ thời gian qua đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức; từng bước khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, góp phần đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, có phương pháp lãnh  đạo, chỉ đạo, sâu sát, toàn diện hơn. Đối với những địa phương, đơn vị có cán bộ luân chuyển đến, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có sự chuyển biến tiến bộ; công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành từng bước được chấn chỉnh đi vào nền nếp, kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo dân chủ, nhất là những nơi trước đó còn trì trệ, chậm phát triển, phức tạp kéo dài thì được khắc phục, tình hình chuyển biến tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước.                                                                               

Thanh Hóa là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ, diện tích 11.133,4 km2 (đứng thứ 5 cả nước); có 102 km bờ biển, 213,6 km biên giới giáp nước bạn Lào; dân số hơn 3,6 triệu người (đứng thứ 3 cả nước), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,6% và đồng bào có đạo chiếm 7,3% dân số toàn tỉnh; có 27 huyện, thị, thành phố (24 huyện, 1 thị xã, 2 thành phố); 635 xã, phường, thị trấn (573 xã, 34 phường, 28 thị trấn). Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa có 33 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy (27 đảng bộ cấp huyện, thị, thành phố và 6 đảng bộ trực thuộc), có 1.727 tổ chức cơ sở đảng (635 đảng bộ xã, phường, thị trấn; 417 đảng bộ cơ sở và 675 chi bộ cơ sở; 28 đảng bộ bộ phận; 11.448 chi bộ trực thuộc với 222.608 đảng viên).

Minh Hiếu – Phan Nga/Báo Thanh Hoá





Bài 2: Tăng cường cán bộ về cơ sở để đào tạo, thử thách

Thời gian qua, việc điều động, luân chuyển cán bộ và bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương được triển khai ở nhiều huyện trên địa bàn. Hầu hết số cán bộ sau khi được luân chuyển đều thể hiện tốt khả năng, chuyên môn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát thực tế hơn.

Từ Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa được điều động, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, đồng chí Vũ Văn Đạt (mặc áo trắng bên tay trái) thường xuyên xuống cơ sở và dự họp với chi bộ để nắm bắt tình hình đời sống nhân dân.  

 

Tạo nguồn cán bộ “chiến lược”

Nhiều năm qua, Ðảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã điều động, luân chuyển (ĐĐLC) một số cán bộ trẻ về giữ vị trí chủ chốt ở những địa phương trọng điểm nhằm thử thách và đào tạo cán bộ. Điển hình như ở TP Sầm Sơn - nơi trọng điểm về phát triển du lịch, các đồng chí: Trịnh Tuấn Sinh, Mai Xuân Liêm, nguyên Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải được ĐĐLC làm Bí thư Thành ủy; đồng chí Võ Mạnh Sơn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh được điều về làm Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HÐND thành phố; đồng chí Trịnh Huy Triều, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, được ĐĐLC về làm Chủ tịch UBND thị xã, nay là TP Sầm Sơn (hiện nay đồng chí đã được điều về làm Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy). Với trách nhiệm được giao, từ một điểm du lịch có nhiều “tai tiếng” các đồng chí đã thiết lập lại công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động du lịch, dịch vụ, trật tự đô thị, cải thiện phong cách giao tiếp, ứng xử; khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, người dân trong gây dựng thương hiệu du lịch biển, cụ thể hóa phương châm “Sầm Sơn - Sức khỏe - Kinh tế - Bạn bè” thành hiện thực. Hiện cả 3 chức danh bí thư, phó bí thư thường trực, phó bí thư, chủ tịch UBND TP Sầm Sơn đều là cán bộ từ tỉnh luân chuyển về. Những cán bộ được ĐĐLC về đều được nhân dân, cán bộ địa phương ủng hộ, tín nhiệm, làm tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, các đồng chí đã cùng tập thể ban thường vụ (BTV) tập trung chú trọng vào việc phát triển thế mạnh của vùng kinh tế biển, kinh tế du lịch, nghỉ dưỡng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra các điều kiện thuận lợi để đưa phong trào của địa phương ngày càng phát triển, đi lên. Các đồng chí đang cùng nhân dân thành phố nỗ lực phấn đấu xây dựng Sầm Sơn trở thành điểm du lịch trọng điểm quốc gia...

Năm 2013, đồng chí Lê Sỹ Nghiêm, đang là Trưởng phòng Tài chính, Văn phòng Tỉnh ủy được ĐĐLC về làm Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, tháng 5-2015 được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Như Xuân. Với cương vị được giao, đồng chí Nghiêm đã cùng tập thể BTV Huyện ủy Như Xuân có nhiều cách làm mới trong xóa đói, giảm nghèo, tổ chức đưa cán bộ xã, cán bộ huyện về thôn, bản giúp dân cải tạo vườn tạp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đến đầu năm 2018, huyện Như Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát ra khỏi huyện nghèo. Tháng 9-2018, đồng chí Lê Sỹ Nghiêm lại một lần nữa được BTV Tỉnh ủy điều động về làm Phó Bí thư Huyện ủy Hoằng Hóa và được HĐND huyện bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện.

TP Thanh Hóa là địa phương sớm triển khai việc thực hiện công tác ĐĐLC cán bộ. Đến nay, 100% xã, phường trên địa bàn thành phố có cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương. Theo đánh giá của Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đàm Văn Thê, để đạt được kết quả trên, BTV thành ủy đã xây dựng đề án chi tiết, cụ thể và thực hiện thí điểm; đồng thời chọn cán bộ thực hiện  phải là cán bộ quy hoạch nguồn chủ chốt của thành phố, có năng lực, phẩm chất và uy tín; chọn phường đang có vấn đề phức tạp trong nội bộ để đưa cán bộ xuống. Trong công tác luân chuyển, phải làm cho cán bộ thuộc đối tượng luân chuyển thay đổi nhận thức, từ “bị” luân chuyển, “phải” luân chuyển thành “được” luân chuyển, “muốn” luân chuyển.

Ðó là những thí dụ sinh động minh chứng cho hiệu quả của việc thực hiện chủ trương của Ðảng về luân chuyển cán bộ, nhất là luân chuyển cán bộ đến những nơi khó khăn. Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy: Việc luân chuyển cán bộ về cơ sở không chỉ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những yếu kém, khó khăn, điểm nóng ở cơ sở mà còn giúp địa phương được luân chuyển kiện toàn, củng cố, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tại chỗ; phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác; đồng thời, giúp đội ngũ cán bộ được luân chuyển trưởng thành nhanh hơn và bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận có chất lượng, có kinh nghiệm từ thực tiễn.

Đánh giá năng lực cán bộ luân chuyển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định công tác cán bộ là một trong bốn khâu đột phá nhằm “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020”. Để có hiệu quả, BTV Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí chức danh bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, phó bí thư - chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương theo tinh thần Kết luận số 60 của BTV Tỉnh ủy. Đối với những địa phương mặc dù đã bố trí chức danh bí thư hoặc chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương, nhưng phong trào vẫn cầm chừng, không có sự đột phá, thiếu sáng tạo, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, có biểu hiện thiếu đoàn kết, thống nhất... thì tiếp tục nghiên cứu bố trí theo tinh thần điều chuyển cho phù hợp.

Để cán bộ được luân chuyển yên tâm công tác, BTV Tỉnh ủy đã quan tâm giải quyết về chế độ chính sách đối với cán bộ luân chuyển. Đối với cán bộ cấp tỉnh luân chuyển về huyện được hỗ trợ 1 lần là 25 triệu đồng/người/đơn vị (thực hiện từ tháng 4-2012). Cán bộ cấp huyện luân chuyển về xã thì được giải quyết theo hoàn cảnh của từng nơi. Ví dụ như huyện Hoằng Hóa, ngoài hưởng nguyên lương ở đơn vị, cán bộ luân chuyển được hỗ trợ thêm 100% mức lương tối thiểu. Các huyện: Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Yên Định, Như Thanh, Cẩm Thủy...  hỗ trợ thêm mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng. Huyện Đông Sơn hỗ trợ một lần 5 triệu đồng và cấp công tác phí 500.000 đồng/người/tháng; các huyện: Quan Hóa, Lang Chánh nếu cán bộ luân chuyển về các xã 30a thì thực hiện theo Quyết định 70/TTg; các huyện: Hậu Lộc, Thọ Xuân, Bỉm Sơn mỗi cán bộ hỗ trợ 1 lần 5 tháng lương tối thiểu... Bên cạnh đó, BTV Tỉnh ủy đã ban hành quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, các nội dung đánh giá trong quy chế được xây dựng thành các bảng tiêu chí để chấm điểm. Đối với tập thể theo 5 bảng, tương ứng với 5 nhóm, mỗi nhóm tính 100 điểm. Riêng nhóm tập thể BTV các huyện, thị, thành ủy, tính 200 điểm, trong đó 100 điểm do UBND tỉnh đánh giá đối với UBND cấp huyện. Đối với cá nhân theo 14 bảng, tương ứng với 14 nhóm chức danh, mỗi nhóm tính 100 điểm. Nội dung, quy trình và phương pháp đánh giá được mở rộng dân chủ hơn. Đối với tập thể và ủy viên BTV huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã tổ chức lấy ý kiến đánh giá, nhận xét của cán bộ chủ chốt, của ban chấp hành đảng bộ, trên cơ sở đó tập thể BTV tự kiểm điểm đánh giá, chấm điểm, xếp loại. Đối với  các sở, ban, ngành, các đoàn thể cấp tỉnh lấy ý kiến đánh giá, nhận xét của cán bộ chủ chốt, của đảng ủy cơ quan, đơn vị, trên cơ sở đó tập thể lãnh đạo tự kiểm điểm, đánh giá, chấm điểm, xếp loại. UBND tỉnh đánh giá, chấm điểm đối với UBND cấp huyện và các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các ban của Tỉnh ủy, MTTQ, các đoàn thể cấp tỉnh thẩm định, đánh giá, nhận xét các đơn vị và tham mưu, đề xuất trình BTV Tỉnh ủy xem xét, quyết định xếp loại. Kết quả đánh giá, xếp loại của các đơn vị được công bố, công khai làm cơ sở để xét thi đua khen thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí cán bộ. Công tác đánh giá, nhận xét, xếp loại tập thể và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có sự đổi mới, mở rộng dân chủ, mở rộng đối tượng để lấy ý kiến nhận xét, đánh giá; quy trình, thẩm định chặt chẽ khách quan; xây dựng và lượng hóa được các tiêu chí theo nhóm tập thể, nhóm các chức danh cán bộ, giúp cho việc đánh giá, nhận xét chính xác hơn. Chất lượng đánh giá, xếp loại đã có chuyển biến tích cực so với trước khi thực hiện nghị quyết.

Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ tháng 6-2012 đến tháng 4-2018, toàn tỉnh đã ĐĐLC 1.772 lượt cán bộ các cấp, các ngành; trong đó, cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý từ tỉnh về huyện 47 đồng chí; huyện lên tỉnh 43 đồng chí; huyện này sang huyện khác, ngành này sang ngành khác 8 đồng chí. Cán bộ thuộc diện BTV cấp ủy cấp huyện và tương đương quản lý được ĐĐLC từ huyện về xã là 301 đồng chí, từ xã lên huyện là 151 đồng chí, từ xã này sang xã khác là 382 đồng chí và giữa các cấp, các ngành là 840 đồng chí. 

Theo đánh giá của đồng chí Trần Quốc Huy, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thì công tác ĐĐLC cán bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua đã tạo ra sự gắn kết trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị có cán bộ ĐĐLC. Qua luân chuyển đã từng bước khắc phục được tình trạng cục bộ, địa phương, mở ra cơ hội để thử thách, rèn luyện, đào tạo cán bộ trong môi trường thực tiễn. Đại bộ phận cán bộ được luân chuyển đều phát huy được trách nhiệm, năng lực, phẩm chất, hòa nhập nhanh được với địa phương, đơn vị mới để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tại những địa phương cán bộ về giữ vị trí chủ chốt như bí thư, chủ tịch, nhất là những nơi luân chuyển và bố trí cả 3 chức danh chủ chốt là người địa phương khác thì càng có nhiều thuận lợi trong việc lãnh đạo, điều hành công việc, dễ dàng tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới, phát triển.  Mối quan hệ giữa nơi cử cán bộ luân chuyển và nơi có cán bộ luân chuyển đến đều hài hòa, cởi mở, đoàn kết, từ đó đã cùng nhau chung sức đưa phong trào ở địa phương, đơn vị ngày càng có chuyển biến. Các mặt về sản xuất, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đều  phát triển, tiến bộ. Công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành từng bước được chấn chỉnh theo hướng đi vào nền nếp, kỷ cương, đảm bảo tập thể, dân chủ, kỷ luật. Ở những nơi có tình hình phức tạp, trì trệ, chậm phát triển cũng được dày công xây dựng để có đà thay đổi, vươn lên. Vì vậy, đại bộ phận cán bộ luân chuyển khi hết hạn trở về đều có bước trưởng thành tiến bộ, nhiều người được đề bạt lên chức vụ cao hơn, không ít người được vào cấp ủy, giữ trọng trách bí thư, phó bí thư, chủ tịch huyện và xã, có đồng chí được tín nhiệm bầu vào BTV Tỉnh ủy.

Minh Hiếu – Phan Nga/Báo Thanh Hoá




Bài cuối: Bài học kinh nghiệm và giải pháp

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện điều động, luân chuyển (ĐĐLC) cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Đó là chất lượng của không ít cán bộ luân chuyển còn hạn chế nên chậm tiếp cận, hòa nhập, thích ứng với môi trường mới. Có người còn làm việc theo lối giữ mình, sợ va chạm, thiếu tính xông pha, quyết liệt, mong hết thời gian để quay về. Một số cơ quan, địa phương vẫn còn giữ thói cục bộ, khép kín, chưa thật sẵn sàng trong việc tiếp nhận cán bộ luân chuyển, sợ mất “ghế”, mất cơ hội thăng tiến...

Các học viên lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 được đào tạo tại Trường Chính trị tỉnh. 

Tiếng nói của người trong cuộc

Là người trong cuộc, từng giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, luân chuyển về làm phó bí thư huyện ủy rồi được tín nhiệm giữ chức Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân, hiện đang giữ cương vị Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, đồng chí Lê Anh Xuân cho rằng: “Bốn cái được” lớn nhất đối với người được luân chuyển là có môi trường làm việc thuận lợi để thể hiện khả năng lãnh đạo, chỉ đạo; xác định được mục tiêu luân chuyển để phấn đấu, trưởng thành; có được mối quan hệ tổng hòa hơn; có kinh nghiệm trong xử lý công việc từ thực tiễn. Còn đối với đồng chí Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công Thương, trước đây được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND Thiệu Hóa, rồi Bí thư Huyện ủy Lang Chánh, thì việc luân chuyển cán bộ không chỉ giúp người được luân chuyển trưởng thành, có kinh nghiệm thực tiễn, mà còn giúp đảng bộ, chính quyền nơi cán bộ luân chuyển đến khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước củng cố đội ngũ cán bộ theo hướng chuẩn hóa; lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đảng bộ, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh. Từ kinh nghiệm bản thân khi được điều động làm Bí thư Huyện ủy Hà Trung, đồng chí Đào Xuân Yên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, khẳng định: Qua thực tế tại cơ sở, tôi đã “thu hoạch” được rất nhiều kinh nghiệm, giúp bản thân trưởng thành nhanh hơn, nhất là trong vai trò người đứng đầu cấp ủy. Thực hiện nhiệm vụ luân chuyển, phải chịu thiệt thòi về tình cảm do xa nhà, xa gia đình, nhưng tôi luôn xác định quyết tâm vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ðảng đã tin tưởng, giao phó.

Cái “được” của công tác ĐĐLC không thể phủ nhận, tuy nhiên, qua thực tế triển khai, đã xuất hiện một số hạn chế cần sớm được nghiên cứu, khắc phục, đó là: Một số cán bộ ĐĐLC chưa phù hợp với chuyên môn được đào tạo nên tiếp cận công việc chậm, phương pháp làm việc chưa khoa học, quá trình làm việc mang lại hiệu quả chưa cao. Trong quá trình triển khai, có địa phương đã bộc lộ khuyết điểm do chủ quan vội vàng trong khâu chọn cán bộ, như huyện Quảng Xương là ví dụ điển hình. Trong khoảng thời gian ngắn, một số cán bộ từ huyện được luân chuyển về làm bí thư, chủ tịch, hoặc bí thư kiêm chủ tịch UBND xã đã sớm bộc lộ thói hư, tật xấu, vi phạm kỷ luật, thậm chí vướng vòng lao lý. Từ đó cho thấy, công tác ĐĐLC chỉ đem lại “hoa thơm trái ngọt” khi khâu đánh giá, lựa chọn cán bộ thực sự tinh tường, dân chủ, khách quan. Mặt khác, phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán, từ tỉnh tới huyện, từ huyện tới xã và phải kịp thời điều chuyển cán bộ khi không đáp ứng được yêu cầu của tổ chức. Công tác quy hoạch cán bộ cần sự đổi mới, liên thông - động - mở, quy hoạch giữa các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, đã gắn với các khâu trong công tác cán bộ.

Theo đồng chí Trần Quốc Huy, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhận xét: Việc thực hiện bố trí cán bộ chủ chốt (bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND) không phải là người địa phương là một giải pháp tốt, nhưng cũng cần tính toán, cân nhắc thận trọng để đảm bảo hài hòa giữa mục đích rèn luyện, đào tạo đối với cán bộ được luân chuyển với cơ hội thăng tiến của cán bộ tại chỗ. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò trách nhiệm và trình độ năng lực, tham mưu cho các cơ quan, các cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ để đáp ứng nhu cầu của công tác cán bộ nói chung và công tác luân chuyển cán bộ nói riêng. Đặc biệt, phải đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ của tập thể ban chấp hành, ban thường vụ (BTV) cấp ủy các cấp. Chống mọi biểu hiện cá nhân, gia trưởng, bảo thủ, cục bộ địa phương khép kín, nhất là đối với những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Đề phòng những trường hợp vì không ưa, không hợp nên lấy cớ luân chuyển để đẩy cán bộ đi, hoặc vì sợ mất chỗ nên không muốn tiếp nhận người được luân chuyển đến.

Bài học kinh nghiệm và giải pháp 

Tại các buổi lễ công bố quyết định của BTV Tỉnh ủy về công tác cán bộ, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thường nhấn mạnh: Trong tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Những năm gần đây, việc ĐĐLC cán bộ là một trong hai khâu đột phá của công tác cán bộ đã được BTV Tỉnh ủy xác định và thực hiện thường xuyên, tạo chuyển biến mới trong thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị, được quần chúng nhân dân đánh giá tích cực. Nhiều cán bộ được luân chuyển, điều động đã nỗ lực rèn luyện bản thân trong môi trường và cương vị công tác mới, có bước trưởng thành. Việc BTV Tỉnh ủy quyết định ĐĐLC cán bộ ở nhiều địa phương, đơn vị, nhằm tạo điều kiện cho các đồng chí rèn luyện, phát triển toàn diện về năng lực lãnh đạo, quản lý và chuẩn bị một bước về công tác cán bộ cho nhiệm kỳ tới.

Từ thực tiễn công tác ĐĐLC, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là: Để thực hiện tốt công tác ĐĐLC cán bộ, trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng, các địa phương, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải thực sự quan tâm, quán triệt, nâng cao nhận thức trong đảng bộ, cơ quan, đơn vị về quan điểm, chủ trương của Đảng đối với công tác ĐĐLC cán bộ, nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trưởng thành trong thực tiễn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị. Việc ĐĐLC cán bộ phải được bàn bạc thống nhất trong cấp ủy, tập thể lãnh đạo, phải trên cơ sở quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phải đảm bảo chế độ, chính sách, thời hạn luân chuyển... và phải tạo sự công bằng đối với cán bộ luân chuyển giữa các cấp. Việc lựa chọn địa bàn và cán bộ đi luân chuyển phải đảm bảo quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực, trình độ, sở trường, thời hạn rõ ràng, cụ thể, đồng thời phải căn cứ thực tế của địa phương, đơn vị để bố trí cán bộ phù hợp, vừa đào tạo, rèn luyện, thử thách, vừa đóng góp cho phong trào của địa phương, đơn vị, không vì luân chuyển cán bộ làm ảnh hưởng đến phong trào, nhất là đối với những địa phương, đơn vị đang ổn định. Để tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển khẳng định và phát huy được năng lực, sở trường, dám nghĩ, dám làm, đóng góp cho phong trào của địa phương nơi đến công tác thì nên bố trí cấp trưởng và ít nhất từ 2 chức danh trở lên (bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND...) về cùng một địa phương, đồng thời không phải người địa phương thì sẽ thuận lợi hơn. Công tác ĐĐLC cán bộ phải được tiến hành thận trọng, đồng bộ, khoa học, phải tạo được sự thống nhất trong nội bộ và đồng thuận của địa phương, đồng thời khích lệ được cán bộ yên tâm phấn đấu. Không để việc ĐĐLC cán bộ từ nơi khác về làm ảnh hưởng đến phong trào và tâm lý phấn đấu vươn lên của cán bộ có tiềm năng ở địa phương.

Qua khảo sát tại các địa phương, chúng tôi thấy, công tác luân chuyển cán bộ hiện còn một số vấn đề nổi lên. Một số nơi thực hiện luân chuyển cán bộ chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch. Việc luân chuyển cán bộ trong một ngành, giữa các ngành với nhau, giữa cán bộ làm công tác Đảng, mặt trận, đoàn thể với quản lý Nhà nước nhìn chung còn ít, còn khép kín, chưa phát huy được sức mạnh của cả đội ngũ cán bộ, còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ... Vì vậy, để đẩy mạnh việc luân chuyển cán bộ trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cần xóa bỏ tư tưởng cục bộ địa phương, bởi trên thực tế, không ít cán bộ và người dân sở tại không ngại ngần bày tỏ: Chả nhẽ một xã mấy nghìn dân không chọn được cán bộ mà phải cử cán bộ từ nơi khác về? họ cũng không dễ thừa nhận trình độ, sự nhiệt huyết của người trẻ và cũng chẳng quan tâm, giúp đỡ để người trẻ hoàn thành nhiệm vụ và từng bước trưởng thành. Ngoài biểu hiện “không chấp nhận người ngoại lai”, “bệnh cục bộ địa phương” còn thể hiện ở thái độ không quan tâm đến lợi ích chung, chỉ nhăm nhăm tìm cách mang lợi cho dòng họ mình, cho dù việc làm đó không hợp lý. Nó còn được thể hiện trong cách nghĩ “một người làm quan cả họ được nhờ”. “Căn bệnh” này đã được Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đó là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau... sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ... kèn cựa địa vị, cục bộ...”. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các địa phương, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải thực sự quan tâm, quán triệt, nâng cao nhận thức trong đảng bộ, cơ quan, đơn vị về quan điểm, chủ trương của Đảng đối với công tác ĐĐLC cán bộ, nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trưởng thành trong thực tiễn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị.

Các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên cần xác định rõ việc ĐĐLC cán bộ, nhằm đào tạo, rèn luyện và hoàn thiện các kỹ năng, kinh nghiệm công tác cho cán bộ, đồng thời thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải người địa phương hoặc không giữ chức vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị là việc làm thường xuyên, nhằm tạo nguồn cán bộ cho cả trước mắt và lâu dài. Việc luân chuyển cán bộ từ cấp tỉnh về cấp huyện, cấp huyện về cấp xã phải có thời gian ít nhất từ 3 năm (36 tháng) trở lên mới xem xét điều động trở về. Đối với những cán bộ được bổ nhiệm hoặc bầu giữ chức vụ cao hơn trong thời gian luân chuyển thì có thể kéo dài hơn. Phấn đấu từ đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, cán bộ tham gia ứng cử vào các chức danh chủ chốt ở cấp tỉnh phải kinh qua chức vụ từ phó bí thư cấp ủy cấp huyện trở lên; ứng cử vào các chức danh chủ chốt ở cấp huyện nói chung phải kinh qua các chức vụ người đứng đầu cấp xã. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương. 

Minh Hiếu – Phan Nga/Báo Thanh Hoá

 

Các tin khác:
  • Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế (16/09/2018-9:17)
  • Phát triển Đảng viên là học sinh, sinh viên còn đó những khó khăn (16/09/2018-8:57)
  • Phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp (16/09/2018-8:45)
  • Phát huy hiệu quả từ việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá (08/05/2018-7:18)
  • Nâng tầm Giải báo chí về xây dựng Đảng trên địa bàn Thanh Hóa (04/03/2018-21:16)