Thứ bảy, ngày 11/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Tìm đề tài cho báo xuân (31/01/2019-7:55)
    Với người làm báo, có lẽ hai từ “báo xuân” thường gắn với nhiều câu hỏi. Chẳng hạn như, đi đâu và viết gì cho mới lạ, hấp dẫn, độc đáo và khác biệt? Bởi, để có thể “chen tên” mình dưới một bài viết trên trang báo ngày xuân là không dễ, khi mà đòi hỏi về chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu.
Ảnh chỉ có tính minh họa, từ TTXVN

Một trong những vấn đề mấu chốt cho bài viết đăng trên ấn phẩm ngày xuân đó là đề tài. Câu hỏi hóc búa này vốn không dễ trả lời ngay cả với những người cầm bút lâu năm, chứ đừng nói đến những người mới bén duyên nghề vài năm. Tuy nhiên, cũng sẽ có quan điểm khác cho rằng, đề tài cho báo xuân không hẳn là vấn đề khó, khi nhiều bài viết đăng trên các ấn phẩm đặc biệt hiện nay, thường tập trung đánh giá thành tựu phát triển ở các lĩnh vực. Có “mới” chăng là cách viết, lối dùng từ đặt câu, cách sử dụng các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, nhân hoá khác lạ… Để từ đó biến những con số khô khan, những đánh giá chung chung trở nên “có cánh”, giàu hình ảnh, sức gợi, sức biểu cảm, nhằm mang lại ấn tượng sâu sắc, cũng như thoả mãn nhu cầu đọc và thưởng thức báo xuân của công chúng.

Vậy là, để có một tác phẩm báo xuân, người cầm bút có thể tiếp cận bằng 2 hướng. Hoặc là “xách ba lô lên và … đi”, nghĩa là cứ rong ruổi khắp các cung đường, khắp các làng mạc, thôn bản, để hít đầy lồng ngực cái hơi xuân và nhịp sống ngày xuân đang căng tràn mọi nẻo. Và, cứ để cho đôi mắt làm việc của nó là quan sát, đôi tai được lắng nghe và dùng trái tim để cảm nhận những điều mới mẻ đang cựa quậy mầm sống, những con người bỗng dưng gặp mặt khiến ta ấn tượng về cuộc sống, về công việc của họ… Và rồi, hãy “nhốt” tất cả cảm xúc cùng ấn tượng ấy vào con chữ, để ngôn ngữ làm cái nhiệm vụ cuối cùng của nó là hoàn thiện nên tác phẩm - có thể đầy mùi bùn đất nhưng tràn trề nhựa sống, niềm hân hoan cùng sự tin tưởng trên trang báo xuân.

Hoặc, dựa trên đánh giá tổng kết của ngành chức năng hay chính quyền địa phương về những thành tựu phát triển trên các lĩnh vực, nhiệm vụ của người làm báo là “chuyển hoá” những con số thành bài viết sinh động, hấp dẫn. Nghĩa là, có thể không “xách ba lô lên và… đi” như quy luật thông thường mà người làm báo đã mặc nhiên thừa nhận; song, thông qua “lao động quá khứ”, bằng vốn kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn được đúc kết trong quá trình lao động và cả kỹ năng phân tích số liệu, người làm báo vẫn có thể khai thác, đánh giá thông tin, để “lẩy” ra được những vấn đề hay, tạo điểm nhấn cho bài viết. Nếu là những cây bút giàu kinh nghiệm, có vốn liếng đủ dày về lĩnh vực và gia tài ngôn từ đủ để thể hiện hay nâng tầm những ý tứ vốn dĩ rất thông thường trở nên giàu sức gợi; thì khi ấy bài viết không những có thể đạt yêu cầu về chất lượng, mà còn có thể để lại ấn tượng nhờ khả năng “làm mới” bản chất con số và câu chữ, ngôn từ giàu hình ảnh của nó.

Không phải ngẫu nhiên mà báo xuân trước đây được gọi bằng cái tên hết sức văn chương: “giai phẩm xuân”. Đơn giản, bởi những tác phẩm đăng trên báo xuân thường là những tác phẩm hay, đặc sắc, ấn tượng về nội dung và đẹp, hấp dẫn, độc đáo về hình thức. Điểm nhấn của những trang báo xuân, như chính tên gọi của nó, là những bài viết đậm chất xuân, hơi xuân, khí xuân và phơi phới tình xuân. Song, dù có “dạt dào xuân” đến mấy thì những bài báo, trang báo ngày xuân cũng không thể xa rời tính định hướng, mục đích, tôn chỉ của nó. Thậm chí, yêu cầu này đối với một bài báo trên ấn phẩm đặc biệt càng phải cao hơn, rõ hơn, sâu sắc hơn. Nói đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói của cố nhà báo Hữu Thọ, rằng “là người làm báo thì đừng cầm bút khi yêu quá hay ghét quá”. Hãy giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo, một trái tim nóng hổi và cầm bút khi con mắt nhìn mọi việc một cách khách quan và trung thực nhất. Điều đó càng đúng với những bài viết có tính đúc kết thực tiễn, định hướng dư luận của báo xuân.

Và rồi, suy cho cùng thì mục đích lớn nhất, cơ bản và quan trọng nhất cho sự ra đời những tác phẩm và ấn phẩm báo chí ngày xuân, là nhằm mang đến cho độc giả một món ăn tinh thần đậm đà chất văn hoá, thấm đẫm tinh thần nhân văn. Tôi nhớ có một nhà báo lão thành từng nói về ý nghĩa của những trang báo xuân ngày xưa như thế này. Tết đến, thường mỗi nhà không chỉ có 1 tờ, mà có thể mua đến 3 - 4 tờ báo xuân các loại, đặt trang trọng trên bàn tiếp khách. Khách đến chơi nhà, chúc tết, uống trà, nhâm nhi chút rượu, ăn vài miếng mứt gừng cay cay ngọt ngọt hay cắn hạt dưa và đọc báo xuân. Báo xuân lúc bấy giờ được nâng tầm trở thành một văn hoá phẩm ngày tết! Cái truyền thống tốt đẹp ấy, có lẽ, đã không còn tìm thấy nhiều trong lối sống hiện nay, khi mà công nghệ sẵn sàng giúp con người mọi việc, kể cả lựa chọn thông tin hay đọc báo. Tuy nhiên, sự thay đổi trong cách thức hưởng thụ thông tin của độc giả, chắc hẳn không thể làm đổi giá trị của những “giai phẩm xuân”!


Hoàng Xuân

 

Các tin khác:
  • "Quả đấm thép" của ảnh báo chí (29/01/2019-7:48)
  • Năm 2019 tiếp tục nỗ lực, tạo môi trường báo chí phát triển lành mạnh (19/01/2019-16:31)
  • Một sự chuyển dịch không thể khác được (17/01/2019-5:03)
  • Ảnh báo chí phải có nội dung, khơi gợi cảm xúc (16/01/2019-10:46)
  • Nhà báo có phong cách chính là một thứ tài sản của tòa soạn (16/01/2019-10:44)
  • Phải đổi mới và đổi mới liên tục, đó là điều cốt lõi trong truyền hình hiện đại (16/01/2019-10:42)
  • Báo chí thời số hóa - thách thức báo chí địa phương (14/01/2019-12:10)
  • Nữ nhà báo áo lính và "'túi kinh nghiệm" về nghề (10/01/2019-11:23)
  • Phóng sự và Đỗ Doãn Hoàng (07/01/2019-1:22)
  • Khẳng định vai trò và trách nhiệm của người làm báo (02/01/2019-11:35)