Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Quy định đạo đức người làm báo
Diễn đàn “Đạo đức Người làm báo Việt Nam”:
Phải khơi dậy được ý thức nghề nghiệp, đạo đức, trách nhiệm của người làm báo (18/08/2016-7:13)
    Trước đây người dân rất tin yêu báo chí thì bây giờ niềm tin ấy đã giảm đi. Trước đây, người dân không sợ báo chí mà đến với báo chí thì bây giờ ở chỗ này, chỗ kia người ta lại sợ, không muốn tiếp báo chí. Điều này chính là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức người làm báo.

 “Về Quy định đạo đức báo chí (hay nói cụ thể là đạo đức người làm báo Việt Nam) thì chúng ta đã có từ lâu, nhưng vấn đề là vì sao nó chưa phát huy hiệu lực mạnh mẽ trong thực tế, cho nên việc sửa đổi, điều chỉnh nội dung là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, khi đời sống báo chí thay đổi thì quy định về đạo đức báo chí cũng cần phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới, những yêu cầu mới và nhiệm vụ mới”. Đây chính là khẳng định của nhà báo lão thành Phan Quang khi ông đánh giá về tầm quan trọng của việc xây dựng, sửa đổi Quy định đạo đức người làm báo trong bối cảnh hoạt động báo chí ngày nay.

Ông nêu rõ: Như chúng ta đã biết, sự phát triển rất nhanh của công nghệ làm báo đang khiến báo chí phải ganh đua để giành công chúng cho nên dẫn đến việc một bộ phận nhà báo chưa quan tâm đầy đủ đến đạo đức nghề nghiệp trong khi tác nghiệp. Trên thực tế, bên cạnh việc ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn của báo chí thì cũng còn không ít người dân bức xúc trước hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

Trước đây người dân rất tin yêu báo chí thì bây giờ niềm tin ấy đã giảm đi. Trước đây, người dân không sợ báo chí mà đến với báo chí thì bây giờ ở chỗ này, chỗ kia người ta lại sợ, không muốn tiếp báo chí. Điều này chính là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức người làm báo. Vì vậy, hơn ai hết, Hội Nhà báo Việt Nam với vai trò là tổ chức Chính trị - Xã hội - Nghề nghiệp của giới báo chí Việt Nam sẽ chính là người có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng, nâng cao đạo đức người làm báo hiện nay.

Tôi được biết, hiện nay Hội Nhà báo Việt Nam đang phát động một cuộc sinh hoạt chính trị học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và góp ý, sửa đổi, bổ sung Quy định đạo đức người làm báo. Hưởng ứng phong trào này, các cấp Hội Nhà báo trên toàn quốc đang tích cực, tham gia mạnh mẽ đóng góp ý kiến và trong thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến rất phong phú.

Tuy nhiên, vấn đề khó là làm thế nào để những quy định ấy dù hoàn thiện đến bao nhiêu thì phải đi được vào thực tế. Bởi nếu nói chế tài thì cũng không đúng vì đây không phải là luật pháp, mà nói về Quy định đạo đức thì nó là quan hệ dân sự, là sự thoả thuận với nhau. Vậy Quy định đó phải làm thế nào để có những yêu cầu ràng buộc (ngoài chuyện tự giác tham gia) những nhà báo phải tuân theo quy ước hay quy định về đạo đức báo chí nghề nghiệp- đây là vấn đề lớn và vô cùng quan trọng.

Do vậy, tôi đề nghị chúng ta cần phải bàn cả hai vấn đề, đó là nội dung của quy định ấy và cách đưa quy định ấy đi vào thực tiễn, chứ không phải chỉ trên giấy tờ, văn bản. Làm sao để Quy định đạo đức nghề nghiệp do Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng sẽ tạo ra cơ sở quan trọng để các nhà báo suy xét đặt ngòi bút của mình khi đứng trước một hiện tượng, vấn đề cần phản ánh… Với nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam là cơ quan chủ trì, tôi cho rằng, bên cạnh việc xin ý kiến góp ý của các hội viên Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí, những người quan tâm đến báo chí truyền thông thì việc xin ý kiến rộng rãi của nhân dân là vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi nhân dân chính là người hiểu báo chí hơn bao giờ hết, chính điều này sẽ góp phần không nhỏ để Quy định đạo đức người làm báo  đi được vào cuộc sống, phát huy hiệu lực trong thực tiễn. Làm sao để khơi dậy ý thức nghề nghiệp, đạo đức trách nhiệm người làm báo trong một “thế giới phẳng” về thông tin và với không ít khó khăn, thử thách, cám dỗ như hiện nay.

Ngọc Lành (ghi)
Theo Báo Nhà báo và Công luận

 

 

Các tin khác:
  • Cần một quy định chặt chẽ và cụ thể (11/08/2016-16:26)
  • Quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016; triển khai góp ý sửa đổi Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam (06/08/2016-4:02)
  • Đề nghị góp ý sửa đổi Quy định đạo đức Người làm báo Việt Nam (29/07/2016-9:41)
  • Nhận diện phi đạo đức trong hoạt động báo chí (28/07/2016-7:15)
  • Nhận diện phi đạo đức trong hoạt động báo chí (22/07/2016-19:59)
  • Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và dân chủ trong báo giới (22/07/2016-7:44)
  • Bổ sung quy định về đạo đức nghề nghiệp cho phù hợp với Luật Báo chí hiện hành (21/07/2016-22:28)
  • Xây dựng bộ quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp pháp luật và hoạt động báo chí (21/07/2016-22:18)