Cảnh sát đường thủy kiểm tra xà lan vận chuyển cát (ảnh chỉ có tính minh họa)
Việc cát tặc lộng hành, can thiệp vào bộ máy chính quyền đã xảy ra ở nhiều địa phương, với những mức độ khác nhau, không chỉ gây ra những phức tạp xã hội, còn mất lòng tin của nhân dân.
Trên địa bàn Thanh Hóa, ở nhiều huyện ven sông Chu, sông Mã cũng đã xảy ra việc khai thác, tập kết cát trái phép, thậm chí sự việc chỉ được phát giác và xử lý cán bộ liên quan khi lãnh đạo tỉnh phát hiện sai phạm.
Rõ ràng đằng sau những vụ việc này là không ít uẩn khúc.
Đấu tranh với nạn khai thác, vận chuyển cát trái phép là yêu cầu đặt ra, và cũng đã có nhiều địa phương, cơ quan chức năng thực hiện. Tuy nhiên, bởi những lý do khác nhau như thiếu lực lượng, thiếu kinh phí, thiếu cả quyết tâm, cũng khó tránh khỏi những lý do được dư luận cho là tế nhị, đã dẫn đến việc bỏ dở giữa chừng, các đối tượng khai thác cát trái phép trở nên “miễn dịch” hơn.
Việc xử lý các vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép cơ bản cũng mới chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính mà chưa thể khởi tố điều tra được dù mức độ vi phạm là nghiêm trọng, dẫn đến các đối tượng vi phạm nhờn luật.
Rõ ràng để đấu tranh quyết liệt với vấn nạn này phải cần đến một sự quyết tâm và có sự định lượng cụ thể, cơ quan chức năng trong quản lý, xử lý vi phạm về tài nguyên cát phải thực hiện có kết quả, chứ không chỉ là một yêu cầu định tính và khi lỗi xảy ra thường là lỗi tập thể.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa yêu cầu Tổng cục Cảnh sát điều tra, xác minh việc các đối tượng nhắn tin đe dọa lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, đồng thời yêu cầu Công an một số địa phương tập trung đấu tranh, truy quét tội phạm trên lĩnh vực khai thác, vận chuyển cát.
Một yêu cầu không chỉ để dẹp yên sự bức xúc của dư luận hiện tại, mà còn là một mệnh lệnh yêu cầu lực lượng Công an tuyên chiến với nạn cát tặc để lập lại trật tự thật sự trong lĩnh vực nóng bỏng này.
Bởi sự cấp thiết, yêu cầu này cần được thực hiện nghiêm túc để bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, răn đe những người vi phạm, củng cố niềm tin của nhân dân.
Anh Vũ