Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Trả lại vỉa hè cho người đi bộ (23/03/2017-7:58)
    (NLBTH) - Vỉa hè dành cho người đi bộ là quy định của pháp luật, nhưng từ lâu vỉa hè ở nhiều đô thị đã không còn phát huy được công năng này.
Vỉa hè bị lấn chiếm, người đi bộ phải đi dưới lòng đường (ảnh chỉ có tính minh họa)

Trả lại không gian vỉa hè cho người đi bộ đang là một chiến dịch, không chỉ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ra quân thực hiện quyết liệt, mà nhiều đô thị khác trong cả nước cũng đã nhận thức rõ sự cấp thiết.

Vỉa hè không thể là “chiếc bánh” để ai mạnh thì tranh phần nhiều, càng không phải là nơi để mưu sinh tùy tiện, thậm chí muốn mưu sinh phải mất tiền. Tài sản chung đang trở thành sở hữu riêng của nhiều người, là sự bất công, cần lên án và đấu tranh quyết liệt.

Dẫu biết rằng bài toán việc làm, sự thiếu hụt hạ tầng đô thị đang là gánh nặng, nhưng một đất nước có pháp luật, một đô thị văn minh, thì không có chỗ, càng không thể chấp nhận sự tùy tiện đó.

Trả lại vỉa hè cho người đi bộ chưa bao giờ trở nên bức bách như bây giờ, khi mà người đi bộ phải đối mặt với ẩn họa về tai nạn giao thông, bị xâm hại tinh thần, còn đô thị phải mang một “khuôn mặt” xấu xí và hỗn tạp. Trả lại vỉa hè để người đi bộ được bình đẳng khi tham gia giao thông vì thế không chỉ là “mệnh lệnh”, còn là sự ứng xử “có tâm” vì cộng đồng của chính quyền đô thị.

Đã nhiều năm xây dựng đô thị văn minh - công dân thân thiện, đang hướng tới thành phố anh hùng, thành phố Thanh Hóa không thể đứng ngoài cuộc trong việc lập lại trật tự vỉa hè. Những con phố thương mại, những khu dân cư đông đúc ở Hạc Thành sẽ trở nên đẹp hơn không chỉ với du khách, mà ngay cả với những người dân trên những tuyến phố ấy.

Trong số họ nhiều người mong muốn về đường thông, hè thoáng đúng nghĩa, nhưng họ lại không muốn trở thành thiểu số trước những nhóm lợi ích từ vỉa hè. Họ cần một chiến dịch đủ mạnh từ chính quyền đô thị để họ góp sức, góp công.

Vẫn biết rằng đấu tranh với nhóm lợi ích từ vỉa hè là câu chuyện không dễ nếu thiếu đồng bộ và quyết tâm. Đó là điều dễ hiểu vì sao đã không ít lần thành phố Thanh Hóa ra quân lập lại trật tự đô thị nhưng kết quả chỉ nhất thời, giống như một thứ “kháng sinh” chưa đủ mạnh để trị tận gốc rễ của bệnh.

Đấu tranh với nhóm lợi ích nhỏ từ vỉa hè để trả lại quyền cho lợi ích lớn hơn là số đông người đi bộ phải cần đến một “phác đồ” điều trị phù hợp và dài hơi.

Trong câu chuyện này cũng không thể chỉ là một chiều của việc dẹp bỏ, mà bên cạnh đó, phải tạo ra một kênh việc làm khác đảm bảo sinh kế cho những người đang bám vỉa hè mưu sinh để họ không tái chiếm. Cũng cần tạo ra những bến bãi, điểm trông giữ xe cho khách hàng khi họ tham gia vào những tuyến phố thương mại này, để những con phố thương mại không bị xáo trộn trong kinh doanh. Chỉ có thế mới đảm bảo sự bền vững cho trật tự vỉa hè, để vỉa hè đô thị trở về vẹn nguyên hình hài, giá trị của mình.

Phạm Minh


 

Các tin khác:
  • Mệnh lệnh đấu tranh với “cát tặc” (21/03/2017-15:15)
  • Cẩn trọng với bàn phím (20/03/2017-8:39)
  • Rượu và quyền của người tiêu dùng (16/03/2017-22:44)
  • Con người, súc vật và pháp luật (14/03/2017-8:23)
  • Tập quán của rác! (14/03/2017-15:07)
  • Giữ gìn hình ảnh “công bộc” (11/03/2017-7:21)
  • Tạo môi trường sống cho nghệ thuật (08/03/2017-21:51)
  • Một sự ước ao… (07/03/2017-14:26)
  • Để đô thị thực sự có “chiều sâu” (03/03/2017-10:47)