Y tế tư nhân đem lại sự tiện lợi những cũng không ít bất an (ảnh chỉ có tính minh họa)
Khi hệ thống y tế công lập quá tải, thì các cơ sở y tế ngoài công lập được xem như “cứu cánh”, đem lại tiện ích cho người bệnh, nhất là bệnh nhân có điều kiện về kinh tế.
Tuy nhiên bởi lòng tham cũng như sự thiếu quản lý nghiêm của cơ quan chức năng, nhiều chuyện làm liều đã xảy ra ở một số cơ sở y tế ngoài công lập.
Việc đánh vào điểm yếu về kinh tế được nhiều người cho là đòn đau, biện pháp mạnh, có tính răn đe, nhưng trên thực tế việc làm này gần như chỉ là sự “ngắt ngọn”, sau mỗi lần xử phạt sai phạm lại mọc ra.
Những sai phạm ấy cần nhổ tận gốc, mà muốn làm được việc đó phải cần đến cách thức khác. Chính ngành Y tế cũng đã phải thừa nhận phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra y tế diễn ra đầu tuần, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ ra sự yếu kém trong công tác quản lý hệ thống y tế này, và thừa nhận thanh tra dù có mạnh mấy cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Năm 2016 Thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước đã hoàn thành trên 90% các cuộc thanh tra theo kế hoạch. Đặc biệt trong lĩnh vực khám, chữa bệnh có hơn 1.500 cơ sở vi phạm đã được phát hiện qua công tác thanh tra.
Trong các con số về xử lý các cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm trong năm vừa qua, có nhiều cơ sở hành nghề y dược tư nhân hoạt động không phép hoặc giấy phép hết hiệu lực. Năm 2016, thanh tra y tế địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 8,5 tỷ đồng - một con số không hề nhỏ, tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tính răn đe từ việc xử phạt này là chưa cao.
Để ngăn ngừa sai phạm có tính hệ thống của nhiều cơ sở y tế ngoài công lập, công tác thanh tra y tế cần phải tập trung giải quyết thanh tra phần gốc nhằm làm thay đổi tư duy, nhận thức của người làm sai, chứ không chỉ là chuyện khi xảy ra sai phạm mới đến thanh tra, và xử phạt xong đâu lại vào đấy. Muốn vậy, đòi hỏi trách nhiệm rất cao của cơ quan quản lý Nhà nước về y tế ở cơ sở trong việc giám sát, phát hiện sai phạm - một việc mà theo dư luận là khá yếu trong thời gian qua.
Đã đến lúc phải từ bỏ cách làm theo kiểu “ngắt ngọn” trong xử lý sai phạm về y tế, để đi sâu vào việc phòng bệnh hơn chữa bệnh như phương châm nghiệp vụ mà ngành Y tế đề ra. Có thế mới hy vọng hạn chế được sự lộn xộn từ các cơ sở y tế, nhất là y tế ngoài công lập.
Anh Vũ