Nhà báo Lê Quốc Trung trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí VN.
58 tập thể và cá nhân từ nhiều vùng miền của đất nước đã đóng góp tại Lễ hiến tặng khoảng 1.300 hiện vật tư liệu (trong đó có nhiều hiện vật thể khối, hiện vật tư liệu ảnh và giấy có giá trị), nâng tổng số hiện vật hiến tặng cho Bảo tàng từ gần 1,3 lên 1,4 vạn hiện vật tư liệu.
Một con số đáng tự hào
Tham dự buổi lễ có đồng chí Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN; đồng chí Mai Đức Lộc và đồng chí Nguyễn Bé- Phó Chủ tịch HNBVN; các nhà báo lão thành, các nhà báo nguyên là Lãnh đạo cấp cao của HNBVN; các nhà báo, đại diện gia đình nhà báo, cơ quan báo chí, đại diện một số Hội Nhà báo các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Thừa Thiên Huế…
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch HNBVN, Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các cá nhân, tập thể nhà báo và công chúng báo chí trong và ngoài nước. Lễ hiến tặng hiện vật, tài liệu cho Bảo tàng hôm nay chính là minh chứng cụ thể, trực tiếp nhất cho những tấm lòng và tâm huyết dành cho bảo tàng của chúng ta.
Mở đầu chương trình Lễ hiến tặng, các đại biểu đã được xem những thước phim tư liệu ngắn do những cán bộ Hội được phân công làm công tác Bảo tàng ở HNBVN thực hiện với mong muốn nhìn lại những bước đi ban đầu với nhiều khó khăn, thách thức và những kết quả khiêm tốn đã đạt được của sự nghiệp xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Cùng chia sẻ tại buổi Lễ về những thách thức và quyết tâm của những người làm báo trước nhiệm vụ xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, đồng chí Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN cho biết: “Công việc xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam là tâm huyết của nhiều nhiệm kỳ Ban Chấp hành HNBVN. Ban Chấp hành khóa IX và khóa X nhận vinh dự và trách nhiệm lớn lao trong việc xây dựng và triển khai Đề án. Ngày 21/8/2014, Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt và Bảo tàng Báo chí Việt Nam được bổ sung vào hệ thống bảo tàng quốc gia. Cách đây một tuần, ngày 10/3/2017 vừa qua, sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn xác nhận Bảo tàng Báo chí Việt Nam đủ tiêu chuẩn thành lập theo luật định, đồng chí Thuận Hữu- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký Tờ trình và gửi hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ra quyết định thành lập Bảo tàng”.
Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN nhấn mạnh: “Bảo tàng Báo chí Việt Nam là bảo tàng của tất cả các thế hệ nhà báo Việt Nam, của nhân dân. Vì vậy, sự hiến tặng hiện vật của các nhà báo, các gia đình nhà báo, các cơ quan báo chí là hết sức quan trọng. Chúng tôi vô cùng cảm phục và biết ơn đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ nhà báo đi trước, mà những kỷ vật quý báu của các thế hệ nhà báo đi trước để lại cho đời sau, không chỉ giúp làm giàu hơn kho tư liệu báo chí của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, mà còn góp phần quan trọng làm nên sức sống, sự sinh động và phong phú của bảo tàng”.
“Nhận thức sâu sắc điều đó, hơn 2 năm qua, HNBVN đã nỗ lực sưu tầm, triển khai 5 cuộc phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Miền Trung và Tây Nguyên. Đây là lần thứ 6 HNBVN tiếp nhận các hiện vật, tư liệu. Tổng hiện vật mà Bảo đã tiếp nhận được tính đến thời điểm này đã xấp xỉ 1,4 vạn hiện vật, tư liệu. Một con số đáng tự hào“, nhà báo Hồ Quang Lợi xúc động.
Đồng thời, thay mặt lãnh đạo HNBVN, đồng chí Hồ Quang Lợi đã cảm ơn các nhà báo, gia đình và thân nhân nhà báo, các Hội Nhà báo địa phương, các cơ quan báo chí, các nhà sưu tầm đã tích cực ủng hộ, tin cậy hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam những hiện vật gắn bó với cuộc đời hoạt động của mình, mang dấu ấn lịch sử và có ý nghĩa giáo dục; giúp cho việc trưng bày của Bảo tàng báo chí Việt Nam tái hiện được lịch sử vẻ vang của báo chí nước nhà- một nền báo chí anh hùng, nhân văn và tiến bộ.
Những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ
Những hiện vật, tư liệu mà các nhà báo và thân nhân nhà báo hiến tặng hôm nay đã cho thấy một phần lịch sử vinh quang và oanh liệt của đất nước ta trong chiến đấu và lao động sáng tạo. Có thể nói, đây chính là những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ, là lời kêu gọi, nhắc nhớ các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh xây đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà.
Đó là sự hiện diện của NB lão thành Nguyễn Trần Thiết, năm nay tròn 90 tuổi. Ông nguyên là phóng viên chiến trường- Báo Quân đội Nhân dân. Với vai trò một nhà báo, ông từng có mặt và tham gia viết bài tại chiến trường Điện Biên Phủ- 1954, chiến dịch Hồ Chí Minh- 1975 và là người phỏng vấn nội các Tổng thống Dương Văn Minh ngay sau khi ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ngoài một số sách, tập lưu báo cắt, dán và một số tư liệu ảnh, ông đã tặng Bảo tàng Báo chí một kỷ vật rất quý của ông, đó là phần thưởng giải Nhất một cuộc thi báo chí (loạt bài điều tra vụ án tên gián điệp Võ Đại Tôn trên báo QĐND) do HNBVN trao tặng- là 1chiếc máy ảnh!
Tiếp đến là những hiện vật, tư liệu quý của nhà báo Hồng Chương. Gia đình ông đã tin cậy trao cho bảo tàng Báo chí VN nhiều tư liệu, bút tích, bản thảo quý. Trong đó, đặc biệt phải kể đến Bản in litô (in trên đá): “Tuyên ngôn của các đại biểu đã thoát ly hội tịch ở toàn quốc đại biểu đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Thanh niên Cách mệnh (tức là Việt Nam Cách mệnh đồng chí Hội)” ngày 1/6/1929; một số bản thảo viết tay, đánh máy của Nhà báo Hồng Chương tại các sự kiện báo chí trong nước và quốc tế; chiếc lọ hoa kỷ niệm tại Hội nghị lần thứ 17, Ban Chấp hành OIJ Việt Nam năm 1979; tờ báo Nhân Dân số ra ngày 18/05/1969… do bà Trần Thị Hồng Hạnh con gái của Nhà báo lên trao tặng.
Đó là nhà báo Lê Quốc Trung- nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã VN, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN, hiện vừa là cố vấn của Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí, vừa là cố vấn cho đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ông đến với buổi lễ với 3 trong số nhiều tư liệu hiện vật của ông: đó là cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí Cách mạng Việt Nam” do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành năm 2004; một trong những số báo đầu tiên báo Dân tộc và miền núi số… và bản ma két số báo đầu tiên Dân tộc và miền núi.
Nhà báo Hà Minh Huệ – nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã VN, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HNB VN- vị lãnh đạo Hội rất tâm huyết với đề án Bảo tàng Báo chí VN, người đã vạch ra những bước đi ban đầu cho công tác bảo tàng –lĩnh vực chuyên môn quá mới mẻ và không sở trường của những nhà báo làm công tác Hội. Những kết quả hôm nay có được của Đề án Bảo tàng Báo chí VN, có một phần lớn công sức của ông. Ngoài bộ sưu tập thẻ nhà báo mà ông có được từ những năm thường trú tác nghiệp tại Ấn Độ năm 1983; tại Mỹ từ những năm 1989- 1991; Kỷ niệm chương của Đại hội đồng Liên đoàn các nhà báo ASEAN năm 2014 cùng 123 tài liệu sách, ảnh khác…, NB Hà Minh Huệ còn mang tặng Bảo tàng một số kỷ vật báo chí có giá trị liên quan đến vai trò Đại biểu Quốc hội khóa XI như Tấm thẻ ĐBQH, Huy hiệu và tấm ảnh ông phát biểu tại nghị trường về Luật Báo chí!
Nhà báo Hà Minh Huệ- nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN trao tặng cho Bảo tàng nhiều hiện vật quý.
Hay như nhà báo Nguyễn Xuân Lương- nguyên Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam. Ông không chỉ giỏi làm công tác Hội, ông còn viết báo và làm thơ, làm sưu tầm cũng rất có nghề. Nhân dịp này, ông đã kỳ công tập hợp, lựa chọn và trao tặng Bảo tàng Báo chí VN gần 100 tài liệu và ảnh tư liệu, trong đó có sưu tập ảnh: Đoàn Đại biểu HNBVN viếng Lăng Bác; Mẫu chứng chỉ học nghiệp vụ báo chí và Điều lệ của Tổ chức OIJ tháng 5/1990 … Tất cả đều là bản gốc, là những tư liệu rất quý gắn liền với hoạt động của HNB VN.
Và còn là một món quà đặc biệt cho Bảo tàng của NB Mai Sông Bé- nguyên là GĐ Đài PT-TH Đồng Nai. Là người làm báo hình mê viết, mê sưu tầm, mê nặn tượng bởi vậy mà ông đã có ý tưởng đặc biệt: làm tượng các nhà báo tiền bối, như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Chí Minh, Sương Nguyệt Anh… Tại buổi Lễ, nhà báo Nguyễn Bé- Phó Chủ tịch HNBVN (phụ trách phía Nam) đã đại diện cho NB Mai Sông Bé (vì điều kiện sức khỏe nên không ra Hà Nội dự được) trực tiếp trao tặng cho Bảo tàng bức tượng nữ chủ báo đầu tiên của báo chí Việt Nam- nữ ký giả Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, TBT tờ báo nữ đầu tiên Nữ giới chung năm 1918. NB Mai Sông Bé đã gửi bức tượng gốm nung màu nâu đồng này để kịp trưng bày tại triển lãm “Báo chí Việt Nam – Một thế kỷ đề tài nữ, tác giả nữ” khai mạc ngày 6/3 vừa qua.
Lãnh đạo Hội Nhà báo VN nhận bức tượng nữ chủ báo đầu tiên của báo chí Việt Nam – nữ ký giả Sương Nguyệt Anh.
Bảo tàng còn nhận được một tư liệu quý liên quan đến NB Xuân Thủy- Chủ tịch đầu tiên của HNB VN, nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia Ban Chấp hành OIJ và nhận được giải thưởng của tổ chức này. Đó là Giấy chứng nhận của Tổ chức quốc tế các Nhà báo (OIJ) trao tặng Nhà báo Xuân Thủy, ngày 08/3/1960 – dành cho tặng những nhà báo có nhiều đóng góp cho sự phát triển hợp tác và đoàn kết, do NB Nguyễn Gia Thụy- Chánh Văn phòng HNBVN gửi đến trao tặng.
Tiếp đến, là những hiện vật, tư liệu của gia đình cố NB Huỳnh Lý- nguyên chủ bút tờ báo đối ngoại đầu tiên in hai thứ tiếng Anh, Pháp của Chính phủ lâm thời MTDT GPMNVN trước 1975. Ông có một gia đình đặc biệt với 9 thành viên trong nhà theo nghề báo. Con trai ông, NB Huỳnh Dũng Nhân rất tâm huyết với Đề án xây dựng Bảo tàng, đã bay từ TP. HCM ra dự buổi Lễ và mang theo nhiều kỷ vật quý của cha mình như một số tờ báo gốc đối ngoại, cùng nhiều tư liệu quý khác…, Trong đó phải kể đến, chiếc Huy hiệu từ những ngày đầu mới thành lập báo Nhân Dân cùng cuốn sách được coi là “gối đầu giường” của thanh niên miền Nam trước đây của tác giả Huỳnh Lý, sách được tái bản nhiều lần và được con trai, NB Huỳnh Dũng Nhân viết tiếp… cùng nhiều hiện vật, tư liệu khác.
Phải kể đến nhà báo Nguyễn Văn Tông- TBT Báo Truyền thống và Phát triển – bao nhiêu năm mày mò, cần mẫn thu lượm, tích lũy để hôm nay nhà báo Nguyễn Văn Tông tin cậy trao lại cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam một khối lượng đầu báo có giá trị lớn, bao gồm trên 100 số báo gốc, trong đó có 07 tờ báo phát hành 1946- 1954, tất cả đều là số đầu tiên. Đó là tờ Báo Sự thật năm 1949, 1954. Báo Việt Nam Độc lập; Báo Tiền phong số 1, Báo Việt Bắc diệt giặc dốt; Báo Tiến mạnh…
Cũng tại buổi lễ này, nhà báo Phan Hữu Minh- Ủy viên Ban Thường vụ- Trưởng Ban Kiểm tra HNBVN, nguyên Giám đốc Đài PT-TH Thái Nguyên, đã được tin tưởng, giao phó đem đến hiến tặng cho Bảo tàng chiếc máy quay nhãn hiệu M9000 của Đài PT- TH Bắc Thái đã từng cùng PV của Đài thực hiện nhiều phóng sự về nạn lâm tặc. Bên cạnh đó là tờ báo Sự thật xuất bản năm 1948, và 02 tờ báo Việt Nam độc lập số 713 và 714 ra ngày 1-12/2/1959. Người hiến tặng là NB Nông Quang Hoạt – nguyên PV báo Việt Nam độc lập, năm nay đã 90 tuổi. Đây là sự gửi gắm đầy tâm huyết của ông sau khi được NB Phan Hữu Minh phát động hiến tặng trực tiếp. Bản thân NB Phan Hữu Minh cũng có hiện vật hiến tặng của riêng ông: 2 đĩa phim tài liệu Bác Hồ với báo Việt Nam độc lập, cùng rất nhiều tư liệu quý mà chính ông là tác giả.
Tiếp đến là kỷ vật của nhà báo, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn- nguyên phóng viên chiến trường, phóng viên Báo Hànộimới, Người Hà Nội- tác giả bài thơ “Hương thầm” nổi tiếng… Bà đồng thời cũng là một nữ nhà báo xông xáo, một ngòi bút có duyên. Ở tuổi xưa nay hiếm, bà vẫn không ngừng đi và viết và được nhiều tờ viết tín nhiệm đặt bài. Bà đến với buổi lễ này với những kỷ vật báo chí của mình như Bức thư trao đổi về công việc nghề báo của nhà báo, nhà văn Tô Hoài; của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Khoa Điềm, tất cả đều là bản gốc, được nữ nhà thơ giữ gìn cẩn thận nhiều chục năm qua….
Và đó còn là những hiện vật, tư liệu quý của nhà báo- Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, nhà báo Vũ Mão- hai nhà báo thông gia- họ đều là phóng viên TTXVN; Nhà báo, nhà quay phim, NSƯT Phạm Việt Tùng; nhà báo Nguyễn Văn Thúy – nguyên Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Báo Văn phòng Quốc hội; Hiện vật, tư liệu của cố nhà thơ, NB Trần Hòa Bình; TS Sử học Đặng Thị Vân Chi; nhà báo lão thành Thái Duy. Đặc biệt, còn là rất nhiều hiện vật, tư liệu quý đến từ các HNB và cơ quan báo chí địa phương như: HNB Sơn La, HNB Lào Cai, HNB Hưng Yên, HNB Hà Nam, HNB Thái Bình, HNB Quảng Bình, Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế, HNB Quảng Trị: HNB Pleiku & NB Mai Chí Vũ, Báo Phú Thọ, Báo Bắc Giang và NXB Chính trị Quốc gia…
Theo Ngọc Lành Ảnh - Nguyễn Mạnh/Báo Nhà báo và Công luận