Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Lòng tin đang bị đánh cắp... (08/08/2017-8:05)
    (NLBTH) - Đang có nhiều người mua phải “cục tức”, và rất nhiều người bị lừa khi mua hàng hóa, nhất là nông, thổ sản.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa

Đồng nghiệp của tôi kể câu chuyện trong chuyến đi thực tế ở một huyện miền núi gặp mế già bán mèo và mật ong rừng ở bến sông. Hỏi mèo có bắt được chuột không, mế hồn nhiên bảo chuột thì tao không biết, nhưng gà con thì phát một.

Mèo để bắt chuột, còn gà để nuôi, mèo bắt gà thì nuôi làm gì. Mế già thật thà có gì nói vậy, đáng để tin. Mế đã đánh đúng tâm lý khách mua, đó là sự  chân chất của người miền núi.

Đi công tác mấy ai mua mèo, chỉ hỏi cho vui miệng, muốn mua quà thì mật ong rừng sẵn có, vì tin mế già nên chị mua hết, về nhà đem biếu như đồ quý. Chỉ sau khi dùng gần hết chai mật mới thấy đường đóng ở đáy chai. Ong rừng lấy đâu ra đường để ăn, chỉ có thể là ong nuôi, thậm chí nước đường pha chế đội lốt mật ong rừng.

Lòng tin luôn cần ở mỗi người, và vì tin tôi từng là nạn nhân. Lần ở Sa Pa gặp mấy đứa trẻ người Mông bán vòng bạc. Tôi hay cảm mạo nên thường cạo gió, nghe mách dùng bạc của người dân tộc cạo gió công hiệu lắm, vì thế tôi hỏi mua, những vẫn gặng hỏi phải bạc thật không, chúng quả quyết bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ rằng đó là bạc Sinh Căng chính hiệu, chúng phải vào tận bản xa để mua mới có. Thấy chúng thật thà nên tôi không tính chuyện đắt rẻ, hăm hở đeo vào tay. Mấy ngay sau thấy bạc xỉn màu, tôi nghĩ do sức khỏe yếu, thêm ít ngày nữa tạp chất lộ diện nguyên hình chiếc vòng giả. Tiếc tiền thì ít, nhưng tôi thấy lòng tin của mình bị xúc phạm thì nhiều. Một đứa trẻ người dân tộc chỉ tuổi con mình đã lừa tôi, giống đồng nghiệp bị mế già lừa bán mật ong rừng.

Bình tĩnh lại, tôi nghĩ nếu cứ áp đặt bà mế bán mật ong và đứa trẻ bán vòng bạc là người dân tộc thì mang tiếng cho người dân tộc thiểu số quá. Có lẻ họ giả dạng để tạo lòng tin bán hàng.

Chuyện tương tự bây giờ xảy ra ở nhiều nơi, trên mạng xã hội, trên đường phố. Những tờ giấy nghuệch ngoạc những dòng chữ bán hàng, những cam kết về nông thổ sản chính hiệu hay những bài thuốc gia truyền của người dân tộc... Sự ngu ngơ giả vờ được chính người thành phố, những người chuyên lừa đảo viết ra để lừa khách hàng. Nhiều người mua phải đồ giả, bực mình, bất bình, và mất tiền. Nhưng thế là đủ, mỗi người khách họ chỉ cần lừa một lần.

Xem ra lòng tin đang bị đánh cắp một cách thô bạo. Người ta cài bẫy nhau bằng lòng tin, lừa nhau bởi niềm tin. Sự nhốn nháo của thị trường khiến những sản phẩm chính hiệu, nông sản sạch phải chịu tiếng, chịu thiệt. Và vì thế, nông sản thật ở nhiều nơi giờ cũng phải khôn khéo, mánh lới để dễ tiêu thụ, chứ không phải sòng phẳng cạnh tranh bằng chất lượng của mình. Người bất lương đóng kịch trên thị trường khiến người sản xuất chân chính buộc lòng làm theo.

Vì sao người ta cứ phải đem lòng tin ra làm bùa phép, mà không phải là thứ khác, như chất lượng hàng hóa chẳng hạn.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Tháo “nút thắt” cho kinh tế tư nhân (07/08/2017-7:47)
  • Mạng xã hội và thông tin hữu ích (02/08/2017-7:36)
  • Bình đẳng trong tham gia giao thông và câu chuyện người quê, người phố... (31/07/2017-14:23)
  • Đằng sau con dấu (29/07/2017-6:18)
  • Giữ gìn hình ảnh công bộc của dân (24/07/2017-18:41)
  • Mùa khoa bảng và sự chạnh lòng (22/07/2017-15:44)
  • Cần chữa căn bệnh chủ quan (21/07/2017-7:52)
  • Lối sống và nỗi niềm ngôn ngữ (18/07/2017-9:53)
  • Trước tiên cần “thông tắc” ý thức (17/07/2017-7:40)
  • Góc khuất du lịch và vấn đề tăng trưởng (14/07/2017-8:47)