Phóng viên Báo Lao động tác nghiệp
Đặc biệt, với việc xác định phương châm xuyên suốt trong hoạt động nghiệp vụ là “Bản lĩnh- Trí tuệ- Phát triển”, Chi hội luôn coi đó là điểm mấu chốt trong việc đề cao đạo đức người làm báo.
Với hơn 70 hội viên, Chi hội nhà báo Báo Lao Động đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tờ báo để có những hoạt động thiết thực hướng đến hội viên. Trong đó, Chi hội đã chú trọng đến việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ bằng nhiều hình thức như thông qua việc giao ban nghiệp vụ, toạ đàm, các cuộc thi báo chí…
Chi hội đã tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt về Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam tới từng hội viên – nhà báo bằng nhiều cách khác nhau… góp phần xây dựng môi trường báo chí lành mạnh, đúng pháp luật và yếu tố đạo đức luôn được đề cao.
Nhà báo Hoàng Lâm – Thư ký Chi hội nhà báo, Tổng Thư ký toà soạn Báo Lao Động cho biết, trước bối cảnh xã hội và tình hình báo chí hiện nay, Báo Lao Động càng thấy rõ được vai trò và trách nhiệm của mình để thực sự đảm nhiệm được chức năng quan trọng hàng đầu là dòng thông tin chính thống, chính xác, tin cậy, để tạo ra những tác phẩm báo chí có ích cho xã hội. Việc gắn với kỷ cương và đồng thuận xã hội trong bối cảnh thông tin như hiện nay cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng để những người làm báo Báo Lao Động giữ vững và nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong toà soạn mình.
Vì vậy, để làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, phóng viên và những người làm báo Báo Lao Động luôn xác định phương châm xuyên suốt trong hoạt động nghiệp vụ là: Bản lĩnh – Trí tuệ – Phát triển.
Trí tuệ để thẩm định thông tin đúng sai, để xác định đâu là thông tin trôi nổi trên mạng xã hội, đâu là thông tin cần đưa kịp thời tới bạn đọc. Cụ thể, một là Báo Lao Động tiếp tục khẳng định vai trò của tờ báo chính thống trong vai trò định hướng dư luận, làm cầu nối cung cấp thông tin, phản ánh chính xác tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, cũng như toà soạn, mỗi phóng viên, hội viên của Chi hội càng cần phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ luật pháp, phát huy tính chủ động và năng động trong mọi hoạt động chuyên môn nghiệp vụ hướng đến việc bảo đảm thông tin nhanh, chính xác, đầy đủ đến công chúng; Hai là, để đảm bảo tính đồng thuận cũng cần phải phản ánh những thông tin đa chiều, những thông tin mang tính phản biện xã hội; và trong cuộc cạnh tranh thông tin thì phải đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật, kỷ cương mới là cơ sở để mỗi tờ báo đóng góp cao nhất cho xã hội. Vì khi được quản lý chặt chẽ, đồng bộ thì tờ báo mới không bị sa vào sự tìm kiếm lợi ích xô bồ qua thông tin câu khách, tầm thường.
Bản lĩnh để đứng vững trong mặt trận đấu tranh chống tiêu cực, đấu tranh với cái xấu trong xã hội. Trong đó, mỗi phóng viên, hội viên trong Chi hội phải phân biệt được ranh giới giữa cái đúng, cái sai, giữa cái nên làm và không nên làm, cân nhắc liều lượng, mức độ thông tin trong từng hoàn cảnh cụ thể. Để tránh mất phương hướng phóng viên Báo Lao Động thì phải luôn có tư duy đạo đức nghề nghiệp tỉnh táo để hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo, để tạo ra những tác phẩm báo chí có ích cho xã hội.
“Trí tuệ và bản lĩnh phải hướng đến sự Phát triển. Ngay cả việc đứng trước những hiện tượng tiêu cực, mục tiêu không phải là “đánh” một tổ chức hay cá nhân, mà phải góp phần để xã hội phát triển. Đó chính là những điểm mấu chốt mà những người làm báo Báo Lao Động đã và đang thực hiện để xây dựng, đề cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong toà soạn của mình, góp phần quan trọng để Báo Lao Động luôn xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới…”, nhà báo Hoàng Lâm – Thư ký Chi hội nhà báo Báo Lao Động nhấn mạnh.
Theo Ngọc Lành/Báo Công Luận