Gian nan chặng đường kết nạp đảng viên mới
Từ năm 2010 trở về trước Trung Lý là một trong những xã nghèo, xa xôi, lạc hậu nhất tỉnh Thanh Hóa. Tại đây cả 12/12 bản của đồng bào Mông của xã Trung Lý nơi đây đều trắng đảng viên. Với tâm huyết phải nâng cao đời sống của đồng bào thì việc trước tiên phải làm là đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến được với đồng bào. Để làm được điều này Thiếu tá Phạm Văn Tôn xác định dù khó khăn đến mấy cũng phải xóa được các bản trắng đảng viên, bởi khi Đảng đã vào được với cuộc sống của đồng bào, thì chính những đảng viên là người dân tộc Mông sẽ là các hạt nhân tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo đồng bào dân tộc nơi đây. Từ suy nghĩ đó, anh đã bắt tay vào tìm nhân tố để bồi dưỡng, kết nạp đảng viên.
Tuy nhiên, anh Tôn đã gặp phải vô vàn khó khăn bởi những năm 2010 trở về trước, đồng bào Mông chưa mặn mà với việc kết nạp đảng. Hơn nữa 100% đồng bào người Mông ở 12 bản của xã Trung Lý đều di cư từ phía Bắc vào. Khi đến Trung Lý một thời gian, họ lại tiếp tục di cư tự do đến các vùng miền khác, gây nhiều khó khăn cho công tác tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Thêm nữa theo điều lệ Đảng, các đối tượng kết nạp đảng phải học hết bậc THCS, không vi phạm chính sách dân số (không sinh con thứ 3) trong khi hầu hết người Mông ở đây trình độ văn hoá còn thấp, người học cao cũng chỉ đến lớp 6 lớp 7 và đa phần đều có từ 3-4 con trở lên... Để tháo gỡ những khó khăn kể trên, anh Tôn và Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã làm tờ trình gửi Trung ương và Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị giảm tiêu chí kết nạp đảng đối với đồng bào Mông và đã được Trung ương và Tỉnh ủy Thanh Hóa chấp thuận.
Khi đã có chủ trương, anh Tôn trực tiếp về các bản cùng tham gia sinh hoạt cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với đồng bào. Tại đây anh cùng các tổ chức đoàn thể của xã, huyện và Đồn Biên phòng Trung Lý hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước, kỹ thuật sản xuất chăn nuôi, trồng trọt và cùng đồng bào sửa sang nhà cửa, bản làng. Từ những buổi làm việc, tiếp xúc với đồng bào đó, anh Tôn đã tâm sự gợi mở cho đồng bào về ý nghĩa, vinh dự và cả những hy sinh, cống hiến của người đảng viên. Mưa dầm, thấm lâu đồng bào dân tộc Mông nơi đây cũng đã hiểu và tin theo Đảng. Từ sự tin yêu, mến trọng của đồng bào, anh Tôn cùng chính quyền xã xây dựng các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Thông qua hoạt động của các tổ chức và các phong trào thi đua, anh Tôn đã phát hiện được những nhân tố tích cực. Từ những nhân tố này, anh dày công bồi dưỡng, giao nhiệm vụ, giúp đỡ họ để họ rèn luyện, phấn đấu nâng cao nhận thức chính trị, tính tiền phong gương mẫu của mình. Trên cơ sở đó anh Tôn đã lựa chọn, giới thiệu những hạt nhân tích cực cử đi học lớp cảm tình Đảng để đưa vào nguồn phát triển đảng viên mới.
Khi đã có các nhân tố tiêu biểu và đã được đào tạo, bồi dưỡng thử thách và xứng đáng được đứng vào hàng ngũ của Đảng, anh Tôn lại trực tiếp đi xác minh lý lịch của các quần chúng ưu tú này. Nhưng để xác minh được lý lịch cho các quần chúng nơi đây là cả một hành trình gian nan, vất vả bởi đồng bào Mông ở đây đều có quê gốc ở các tỉnh phía bắc như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La... Để xác minh được lý lịch, đích thân anh Tôn đã phải trèo đèo, lội suối đi hàng trăm km về tận các bản của đồng bào Mông ở các tỉnh phía bắc. Anh Tôn cho biết: Đồng bào Mông di cư theo gia đình từ bé nên nhiều khi họ cũng không biết chính xác mình ở bản làng nào. Rất nhiều trường hợp anh đã phải đi ba, bốn lần lên các tỉnh phía Bắc để xác minh lý lịch cho một quần chúng do họ khai sai về tên, tuổi, sai địa chỉ quê quán... Điển hình là trường hợp xác minh lý lịch cho anh Lùa A Chụ ở bản Suối Học (xã Trung Lý, huyện Mường Lát). Theo lý lịch anh Tôn đã lặn lội từ huyện Mường Lát đi hơn 300 km về TP Thanh Hóa rồi bắt xe lên tận Lào Cai để về xã Lùng Cải để xác minh lý lịch. Nhưng khi đến nơi, xã Lùng Cải không xác nhận được trường hợp anh Lùa A Chụ bởi không tìm thấy tên của anh này. Vậy là anh Tôn phải về xã Trung Lý để điều tra, đối chiếu lại lý lịch của anh Chụ. Lần thứ 2 anh lại đích thân lên tận huyện Xí Mần tỉnh Hà Giang để xác minh lý lịch, nhưng lần này cũng không được bởi anh Chụ mới ở Xí Mần được 3 tháng. Không nản chí, anh Tôn lại trở về xã Trung Lý để xác minh lại địa chỉ của anh Chụ. Và phải đến lần thứ 3 anh lại cất công lên tận Mường Khương, tỉnh Hà Giang mới xác minh được lý lịch cho anh Chụ.
Anh Tôn (phía ngoài cùng bên phải) cùng các đảng viên do chính anh kết nạp Đảng.
Hay cũng có trường hợp anh Tôn đi xác minh lý lịch cho quần chúng Sùng A Say ở bản Pa Púa (xã Trung Lý) anh Tôn đã chèo đèo lội suối lên tận bản Kim Bông, xã Chiềng Ân, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Anh Tôn phải đi mất 2 ngày mới đến được bản thì đã vào thứ 7. Vậy là anh Tôn phải về nhà Bí thư chi bộ xã Chiềng Ân để xác minh lý lịch cho anh Say. Nhưng đến nơi người nhà cho biết ông Bí thư đã lên nương làm rẫy rồi. Anh Tôn lại trèo đèo lội suối hàng chục km đường rừng để tìm ông Bí thư này. Khi tìm được thì ông Bí thư đang trồng luồng. Vậy là anh Tôn lại xắn tay áo cùng trồng luồng cho nhà Bí thư xã bởi nếu về thì toàn bộ số luồng giống sẽ bị chết hết và phải đến ngày hôm sau 2 người mới trồng xong hết số luồng. Sau đó 2 người mới về xã để làm thủ tục xác minh lý lịch cho anh Say.
Đổi thay ở 12 bản người Mông khi có Đảng
Với sự nhiệt tình, tâm huyết, không quản ngại khó khăn, gian khổ của người đảng viên - Phó Bí thư Đảng ủy Phạm Văn Tôn, đến nay 106 quần chúng ưu tú ở 12 bản người Mông của xã Trung Lý do anh dìu dắt, bồi dưỡng đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Mới đây nhất là các anh Vàng A Cở ở bản Khằm 2, Sùng A Thể ở bản Pa Púa, Sùng A Dự ở bản Sa Lao… vừa mới được kết nạp đảng. Đặc biệt có những đảng viên do anh Tôn đào tạo, dìu dắt kết nạp đảng nay đang đảm nhận những chức vụ chủ chốt của xã như anh Giàng A Lâu đảm nhận chức vụ Trưởng Công an xã, anh Sùng A Páo đảm nhận chức vụ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, anh Giàng A Lênh làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trung Lý nhiệm kỳ 2015 - 2020… Hiện tại anh Tôn cũng đang trình danh sách kết nạp đảng cho 5 quần chúng ưu tú do chính anh đào tạo, bồi dưỡng. Đây cũng chính là những hạt nhân tiêu biểu của đồng bào Mông ở xã Trung Lý.
Anh Tôn trao đổi công việc với Chủ tịch Mặt trận xã.
Khi nhận xét về anh Phạm Văn Tôn, ông Lương Văn Bường - Phó Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: Thời điểm tôi làm Chủ tịch UBND huyện ở Mường Lát công tác phí cấp cho những người đi xác minh lý lịch rất ít nhưng với tâm huyết, anh Tôn đã tự bỏ kinh phí, công sức của mình để đi xác minh lý lịch cho đảng viên. Qua đó anh không chỉ giúp xã xóa bản trắng đảng viên mà còn giúp cho huyện, cho tỉnh thực hiện thắng lợi Kết luận 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kết nạp đảng viên ở các vùng đồng bào dân tộc. Cũng từ tấm gương của anh Tôn, tôi cũng đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt các Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy các xã để học tập, rút kinh nghiệm từ cách làm của anh Tôn nhằm nhân rộng trên địa bàn huyện Mường Lát.
Các đảng viên ở các bản của Trung Lý đã thực sự phát huy tính tiên phong gương mẫu đi đầu trong các phong trào lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới. Nhờ đó mà tình hình kinh tế, chính trị, an ninh xã hội tại đây cũng có bước chuyển biến khởi sắc. Cái đói, cái nghèo nơi đây cũng được đẩy lùi.
Ông Quách Văn Mỵ - Chủ tịch UBND xã Trung Lý cho biết: Từ khi các bản người Mông có chi bộ Đảng, tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn bán, vận chuyển ma túy giảm hẳn. Nhiều bản trở thành khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đạt danh hiệu bản trong sạch, vững mạnh toàn diện như bản Nà Ón, Ma Hác, Xa Lao… Đây là những bản 3 không: không có tội phạm, không có người nghiện, không uống rượu bia say khi có đám cưới.
Trong công tác vận động, tuyên truyền đồng bào Mông không di cư tự do, không tái trồng cây thuốc phiện, thì các đảng viên ở 12 bản này cũng là những người tích cực nhất. Theo đó việc di cư tự do của đồng bào Mông giảm mạnh, trong năm 2013 chỉ có 10 hộ di cư vào các tỉnh Tây Nguyên, thì đến năm 2016 có 3 hộ di cư tự do và 9 tháng đầu năm 2017 có 1 hộ di cư tự do vào các tỉnh Tây Nguyên.
Với nỗ lực cố gắng hết mình để đưa Đảng vào cuộc sống tại 12 bản đồng bào người Mông, Thiếu tá, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý Phạm Văn Tôn đã được tặng nhiều Bằng khen của Tỉnh ủy Thanh Hóa và của Tư lệnh Biên phòng về thành tích phát triển đảng viên và chi bộ thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
Theo Trịnh Duy Hưng/Báo VH&ĐS