Bí thư - Chủ tịch không phải người địa phương
Đến với xã Quảng Nham, cán bộ, nhân dân trong xã đang góp sức đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình thiết yếu nhằm hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Gánh vác trọng trách Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, ông Hà Thế Anh sâu sát cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cùng tập thể Đảng ủy, HĐND, UBND xã rà soát các tiêu chí tiệm cận, thảo luận, thống nhất phương án bố trí nhân lực, vật lực thực hiện các tiêu chí chưa đạt, nhằm cán đích NTM. Quảng Nham xây dựng 2 km kênh bên trục đường chính; 12 thôn triển khai xây dựng nhà văn hóa có mức đầu tư 300- 400 triệu đồng/nhà; khởi công xây dựng trường THCS dự toán hơn 3 tỷ đồng; khánh thành, đưa vào sử dụng công sở làm việc khang trang. Phó BT Thường trực Lê Quốc Bích bộc bạch: Trưởng thành từ thôn, từng làm Phó CT HĐND xã, rồi Thường trực Đảng ủy, anh chú trọng nghiên cứu, học hỏi nhằm tham mưu tốt trong công tác xây dựng Đảng, cùng Bí thư, tập thể Đảng ủy, Chủ tịch, các thành viên UBND xã tập trung lãnh đạo, điều hành thực hiện hiệu quả các chương trình công tác. Hơn 230 đảng viên góp sức, đồng lòng, đội ngũ các cán bộ chuyên trách, không chuyên trách từ xã đến các thôn tận tụy, trách nhiệm, cùng Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quảng Nham đã giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp khai thác nguồn lợi hạ lưu sông Yên, thành lập HTX nuôi ngao với gần 90 xã viên; hơn 50 ha đồng triều được quản lý, tổ chức nuôi thả thủy hải sản hiệu quả.
Các cán bộ tham quan mô hình trình diễn lúa chất lượng
cao ở xã Quảng Hòa, huyện Quảng Xương.
Bí thư Huyện ủy Quảng Xương Nguyễn Văn Chính cho hay: Xuất phát từ tình hình đảng bộ cơ sở, yêu cầu đào tạo, bố trí cán bộ xã không phải người địa phương, nhiệm kỳ này BCH Đảng bộ huyện thực hiện nhất thể chức danh Bí thư Đảng ủy xã đồng thời là Chủ tịch UBND các xã: Quảng Lộc, Quảng Nham, Quảng Chính. Không chỉ khắc phục biểu hiện trì trệ, phức tạp trong công tác cán bộ ở đảng bộ cơ sở mà năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các xã có chuyển biến tích cực. Quảng Lộc phát huy hiệu quả vai trò chủ thể, nguồn lực trong nhân dân kiến thiết nông thôn, lắp hệ thống đèn chiếu sáng ở các khu dân cư; phát triển đa dạng ngành, nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, gia tăng giá trị và xã đã đạt chuẩn NTM. Tại xã Quảng Chính nhân dân hiến đất, mở rộng đường giao thông, khai thác hiệu quả diện tích nuôi thủy sản, thâm canh cây thuốc lào. Các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều việc làm thiết thực, chung sức xây dựng NTM. Nhất thể hai chức danh gắn với điều động, luân chuyển, bố trí lãnh đạo xã không phải người địa phương đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành, giảm sức ỳ trong cán bộ đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền.
Đảng bộ TP Thanh Hóa hiện có 12 phường, xã thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Ông Nguyễn Việt Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đông Vệ cho hay: Một người gánh công việc “hai vai”, trách nhiệm nặng nề hơn nhưng giảm được khoảng 40% thời gian họp, xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương của cấp ủy, giải quyết các thủ tục hành chính. Đảng bộ phải bố trí được nhân sự đồng bộ để khi giao ban với các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường có thể tổng hợp được công tác đảng, chính quyền, đoàn thể, tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Từng có 4 năm làm Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường Đông Cương, ông Lê Đình Mão - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Điện Biên chia sẻ: Nhất thể hai chức danh phát huy uy lực trong lãnh đạo, điều hành nhưng đòi hỏi phải chọn được người tâm huyết, trách nhiệm, có trình độ, năng lực, sức khỏe, biết phân vai bí thư khi lãnh đạo, chủ tịch khi điều hành, đề cao trách nhiệm nêu gương, phục tùng nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Mới về phường Điện Biên công tác theo chủ trương bố trí lãnh đạo phường không phải người địa phương, ông Mão dành thời gian xuống 16 khu phố nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân; cùng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bàn giải pháp phát triển kinh tế, khích lệ phong trào khởi nghiệp, tự giác chỉnh trang công sở, khu dân cư, thiết lập trật tự đô thị; hướng hoạt động nhân đạo từ thiện của các cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp trợ giúp hộ dân thoát nghèo.
Các cán bộ tham quan mô hình trồng hoa thay cỏ dại ven đường của phụ
nữ huyện Quảng Xương.
Nhất thể chức danh chủ chốt đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát
Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên, cùng với việc tiêu chuẩn hóa chức danh lãnh đạo, thu hút người có trình độ đại học chính quy về phường, xã công tác, từ năm 2008 Thành ủy TP Thanh Hóa điều động các đồng chí trong nguồn quy hoạch hoặc bố trí nhân sự tại cơ sở làm Bí thư Đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND các xã, phường. Nhất thể hóa phát huy hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành, đào tạo, đánh giá cán bộ, tạo chuyển biến rõ nét ở các phường, xã nên thành phố tiếp tục thực hiện nhất thể hai chức danh gắn với bố trí cán bộ chủ chốt ở xã, phường không phải người địa phương. Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Thanh Hóa Đàm Văn Thê ghi nhận: Các đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND các xã, phường phát huy rõ trách nhiệm cá nhân, thực hiện tốt quy chế làm việc, quy tụ được sự đoàn kết thống nhất trong cấp ủy, Đảng bộ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khắc phục biểu hiện thiếu thống nhất giữa lãnh đạo với tổ chức thực hiện cùng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm hoặc tình trạng mất đoàn kết ảnh hưởng đến phát triển chung ở địa phương. Đảm nhiệm hai cương vị chủ chốt trách nhiệm càng cao, kết quả thực hiện chủ trương, quyết định của cấp ủy đề ra luôn gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND càng phải đề cao trách nhiệm tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, điều hành, phát huy trình độ, năng lực, khả năng tư duy toàn diện, tính quyết đoán, chịu trách nhiệm trước tập thể; tạo môi trường cho cán bộ rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng. Nhất thể hóa còn góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm một phần ngân sách, nâng cao nhận thức, kỹ năng thực tiễn, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Từng “gánh nhiệm vụ trên hai vai”, ông Lê Thanh Tùng - Phó trưởng Ban tổ chức Thành ủy thông tin thêm: Một người đảm nhiệm hai chức danh chủ chốt khối lượng công việc nhiều nếu cá nhân đó không có năng lực, trình độ, phương pháp làm việc khoa học sẽ “sa lầy” với công tác chính quyền, không dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng Đảng. Thực tế có nơi công tác Đảng chủ yếu giao cho đồng chí Phó Bí thư thường trực; có đơn vị họp nhiều nên Bí thư đồng thời là chủ tịch UBND ít có thời gian xuống cơ sở nắm tình hình. Nhất thể hai chức danh đòi hỏi phải lựa chọn, xem xét kỹ, cân nhắc cẩn trọng để bố trí cán bộ; phải đánh giá, lựa chọn những đồng chí có năng lực, phẩm chất đạo đức trong sạch, gương mẫu, nói đi đôi với làm, lôi cuốn, thuyết phục bằng hành động. Cấp trên quan tâm, đội ngũ có trình độ, năng lực thực tiễn, tạo điều kiện cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tập trung trí tuệ, thời gian, đề ra chủ trương, giải pháp sâu sát phát triển KT - XH, xây dựng Đảng. Mặt khác phải tăng cường kiểm tra, thường xuyên tự phê bình, phê bình; duy trì lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt theo quy định, nâng cao vai trò giám sát, phản biện của MTTQ, các tổ chức quần chúng và nhân dân, làm tốt công tác đánh giá cán bộ. Vẫn có địa phương nảy sinh bất đồng trong nội bộ, đòi hỏi cơ quan cấp trên nắm chắc tình hình cơ sở, kịp thời có giải pháp điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ kịp thời.
Thanh niên xã Quảng Lộc kiểm tra hấp sấy, thanh trùng nguyên liệu hữu
cơ để làm nấm ăn.
Thanh Hóa hiện có hơn 20 phường, xã đang được bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường. Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Khi chọn cán bộ, địa phương dự kiến thực hiện nhất thể hai chức danh, các huyện, thị, thành ủy đều báo cáo với cơ quan cấp trên, nhất là việc đánh giá, quy hoạch cán bộ, rõ nguồn luân chuyển, bố trí. Các đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND có năng lực, uy tín, trình độ chính trị, chuyên môn cao, được cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhân dân tín nhiệm. Nhất thể hai chức danh phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trong công việc, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, sử dụng hiệu quả hai hệ thống tham mưu, giúp việc; giảm báo cáo, xin ý kiến, bớt các khâu trung gian. Việc tổ chức hội nghị, giao ban, triển khai các chủ trương, nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền được lồng ghép, từng bước khắc phục chồng chéo, tiết kiệm thời gian, công việc triển khai nhanh hơn, nghị quyết của cấp ủy sớm đi vào cuộc sống. Dù vậy không có quy chế mẫu nên việc xây dựng, đề ra các quy chế, quy định về quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ và lề lối làm việc của đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND với Đảng ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong hệ thống chính trị còn lúng túng. Quyền lực tập trung vào một người dễ nảy sinh tư tưởng chủ quan, độc đoán, biểu hiện né tránh khi góp ý tự phê bình, phê bình với đồng chí lãnh đạo cao nhất ở địa phương.
Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa Trần Quốc Huy cho rằng: Đây là mô hình mới, nhiều ưu điểm, nhất là phát huy hiệu quả lãnh đạo tập trung nhưng cần có quy định phân định quyền, nghĩa vụ cụ thể gắn với bổn phận công vụ, thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Nhất thể hai chức danh thực hiện diện hẹp ở cấp xã, phường, Thanh Hóa hiện chỉ đạo thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản với những nơi có điều kiện nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên cần có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng, tạo điều kiện cho cán bộ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Theo Mai Luận/Báo VH&ĐS