Từ chủ trương đúng
Về huyện Quảng Xương, đến các xã Quảng Chính, Quảng Khê, Quảng Nham, Quảng Giao, Quảng Phúc là những xã cuối cùng về đích NTM, hầu hết đang đẩy mạnh hoàn thiện nốt các tiêu chí còn lại để đạt chuẩn. Tại xã Quảng Khê được chứng kiến người dân cùng ban quản lý thôn giám sát và hoàn thiện các hạng mục của nhà văn hóa thôn 7. Ông Lê Thế Quyến cho biết: nhà văn hóa thôn 7 có kinh phí dự toán 705 triệu đồng, dân đóng góp mỗi khẩu 300 nghìn đồng trong 4 vụ. Chủ trương do chi bộ và thôn đưa ra, người dân bàn bạc và nhất trí, hưởng ứng 100%. Vì thế kế hoạch nộp tiền là 3 ngày nhưng thực hiện chỉ có 1 buổi sáng là xong. Không những thế, đường sá, cống rãnh của thôn đều được mở rộng tới 5m (trước đây chỉ 1,8m chật chội và khó đi). Nhiều hộ dân đã tích cực hiến đất mở rộng đường như: gia đình ông Lê Xuân Duyên 31m, ông Nguyễn Tiến Nhân 50m. Thực tế thu nhập của bà con trong thôn không cao, chủ yếu dựa vào đồng ruộng, chỉ có một số nhà dân phát triển kinh tế tốt thì thu nhập khá hơn và cũng chính họ đóng góp cao hơn so với các hộ khác. Cái được trong xây dựng NTM, theo ông Duyên là lòng dân được nhân lên bởi “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các thôn được công nhận NTM phải hoàn thành 14 tiêu chí, xã 19 tiêu chí. Các tiêu chí này đều gắn liền với người dân, làm cho làng xã văn minh, hạ tầng hiện đại, sản xuất phát triển bền vững, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, an ninh - an toàn xã hội được giữ vững...
Người dân xã Quảng Khê (Quảng Xương) tích cực tham gia xây dựng nhà văn hóa thôn.
Tại xã Quảng Chính, chúng tôi bắt gặp người dân đang thi đua đẩy nhanh các tiêu chí còn lại. Nhà hội trường của xã đã đổ xong trần, đang làm mái, hoàn thiện khối lượng còn lại, sân vận động đang thi công. Người dân tích cực mua thẻ BHYT để đạt 85% theo quy định. Nhà văn hóa thôn Phú Lương của xã được xây dựng khá đẹp mang nhiều dấu ấn của đình làng cổ, trước sân có ao sen, giếng làng. Theo bí thư chi bộ Nguyễn Công Tòng thì: khuôn viên cũ của Đình hẹp nên thôn đã vận động được 2 gia đình nhường đất để mở rộng nên diện tích được nâng lên 1.700m2. Kinh phí xây dựng hơn 3 tỷ đồng, chủ yếu do nhân dân đóng góp và sự tự nguyện ủng hộ của con em xa quê, ngân sách huyện, xã hỗ trợ một phần nên công trình được xây nhanh. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Chính Lê Đình Khoa tâm sự: trong lãnh đạo xây dựng NTM Đảng bộ gặp nhiều khó khăn bởi kinh phí nhà nước đầu tư xây dựng các công trình hạn chế. Nhờ có sự đồng thuận và vào cuộc của người dân nên xã sẽ đạt được mục tiêu về đích NTM năm 2017.
Về các vùng quê Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hà Trung... khí thế thi đua xây dựng NTM khá sôi nổi. Nga Sơn có 4 xã công giáo toàn tòng thì đã có xã Nga Phú về đích năm 2015, Nga Liên, Nga Thái đang phấn đấu hoàn thành năm 2017, Nga Điền năm 2018. Huyện đang phấn đấu về đích NTM năm 2020. Bí thư Huyện ủy Mai Văn Hải chia sẻ: huyện đang tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, xây dựng cánh đồng mẫu lớn nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời rà soát nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với những xã đã hoàn thành; triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trên cơ sở đảm bảo nguồn vốn, không để nợ phát sinh, quan tâm xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và luôn lấy xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền. Bên cạnh đó, ban hành cơ chế động viên khuyến khích các xã sớm về đích NTM...
Có thể nói chưa bao giờ phong trào xây dựng NTM lại có sức lan tỏa mạnh mẽ từ đồng bằng đến miền núi, ven biển, xã đảo như bây giờ. Quyết định số 800 ngày 4/6/2010 giai đoạn 2010 - 2020 là sự cụ thể hóa Nghị quyết 26 của BCH TƯ Đảng khóa X về: nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng NTM sẽ tạo được bước đột phá làm cho kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lí, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Thành tựu và hạn chế
Là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp xã nhiều so với các tỉnh thành trong cả nước, địa bàn rộng, điểm xuất phát về kinh tế thấp, nguồn lực khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách trong khi có tới 7 huyện miền núi đang thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ. Để thực hiện có hiệu quả chương trình MTQG xây dựng NTM phù hợp với thực tế điều kiện của địa phương, ngay khi chương trình ra đời, Thanh Hóa đã thành lập BCĐ từ tỉnh đến cơ sở do bí thư cấp ủy làm trưởng ban. Các xã thành lập ban quản lý xây dựng NTM xã do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Các thôn, bản thành lập ban phát triển thôn do bí thư chi bộ làm trưởng ban. Hằng năm, BCĐ các cấp được kiện toàn, củng cố kịp thời để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM.
Xác định vị trí, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM, Đảng bộ Thanh Hóa đã đưa chương trình này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kì 2010 - 2015 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kì 2015 - 2020 là trong 5 chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh. Bên cạnh đó còn tập trung xây dựng, ban hành các chính sách kích cầu hợp lí, động viên các huyện, xã đẩy nhanh tiến độ về đích NTM. Tại các huyện, thành phố, thị xã, các xã chủ trương xây dựng NTM cũng đưa vào chương trình thực hiện nghị quyết của các Đảng bộ theo nhiệm kì và nhiều đơn vị có cách làm hay, sáng tạo huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp cùng chung sức hướng về quê hương xây dựng NTM.
Mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ cho thu nhập cao ở xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa).
Sau 6 năm xây dựng NTM Thanh Hóa đã huy động được một nguồn lực đáng kể đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Nhiều người dân đã tự nguyện hiến hàng ngàn m2 đất mở rộng đường giao thông thôn xóm, làm nhà văn hóa, xây dựng trường học, nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều tổ chức cá nhân đã giành những đồng lương hàng tháng cùng đơn vị xây dựng các công trình phúc lợi, trạm xá cho các xã đảm bảo yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân... Không ít mô hình kinh tế cho thu nhập cao, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế rõ rệt. Vì thế, thu nhập người dân đã được nâng lên, từ 8,9 triệu đồng (năm 2010), 20,5 triệu đồng (năm 2015) đến 23 triệu đồng (năm 2016). Tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhiều xã chỉ còn dưới 3%...
Một trong những nguyên nhân đạt được là vai trò của cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh chỉ đạo, có những quyết sách hợp lí cho từng đơn vị cơ sở tổ chức thực hiện. Đồng thời đã biết khơi dậy sức mạnh toàn dân, tinh thần dân chủ, lòng tự hào dân tộc, vượt qua tính tự ti của mỗi địa phương để vươn lên. Bí thư Huyện ủy Yên Định Nguyễn Tiến Hiệu khẳng định Yên Định là huyện đầu tiên về đích NTM của tỉnh là do cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ đó huy động được sức mạnh từ lòng dân xây dựng thành công NTM. Do thời gian ngắn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên không khỏi nợ đọng xây dựng NTM. Số nợ đọng này ở một số xã, huyện đã chỉ đạo để sớm giải quyết. Huyện đang chỉ đạo một số chương trình tiếp theo, hỗ trợ lò đốt cho các xã xử lí môi trường, đẩy mạnh sản xuất nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân, tăng cường công tác quản lý hành lang lòng lề đường, ATVSTP và tập trung lãnh đạo 3 xã về đích NTM 2017.
Từ thực tiễn xây dựng NTM ở Thanh Hóa thấy rằng: một số cấp ủy trách nhiệm chưa cao, cá biệt có nơi cấp ủy không quan tâm, có cấp ủy còn lãnh đạo chung chung, không cụ thể hóa triển khai thực hiện. Nhiều khi ban chỉ đạo xây dựng NTM được thành lập trên giấy tờ, ít xuống cơ sở, do đó hiệu quả công việc không cao. Ông Trần Đức Năng - Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết: Quảng Xương, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Như Thanh là những đơn vị tích cực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả trong xây dựng NTM. Còn TP Thanh Hóa có nhiều lợi thế nhưng tiến độ chậm, công tác lãnh đạo của thành ủy về xây dựng NTM chưa cao. Riêng năm 2016 có 1 xã Quảng Đông về đích, theo quy định 2 tháng sau đó kể từ ngày được công nhận phải tổ chức lễ đón nhận NTM nhưng nay đã 8 tháng mà vẫn chưa tổ chức được. Có những đồng chí bí thư Đảng ủy được tăng cường xuống cơ sở (xã Hà Lan - TX Bỉm Sơn) 6 tháng nhưng khi hỏi các tiêu chí xây dựng NTM còn lại không nắm bắt được thì không thể chỉ đạo tốt công tác xây dựng NTM của xã mình. Đặc biệt cho đến thời điểm xây dựng NTM, Thanh Hóa vẫn còn có 79 xã mới đạt từ 5 - 9 tiêu chí, có 4 xã còn đạt dưới 5 tiêu chí. Như vậy những nơi đó, Đảng lãnh đạo trong xây dựng NTM còn mờ nhạt, thiếu trách nhiệm đối với dân.
Xây dựng NTM là cả một quá trình, cuộc cách mạng lâu dài mang tính chiến lược. Vì khi đạt được NTM còn phải giữ vững và nâng cao các tiêu chí. Do đó xây dựng NTM đã trở thành công việc hằng ngày của mỗi cấp ủy, chính quyền, trong đó Đảng lãnh đạo toàn diện, người dân đóng vai trò chủ đạo. Cho nên đòi hỏi người cán bộ phải có năng lực, nhiệt tình và tâm huyết, từ đó mới có bước đi, quyết sách đúng đắn dẫn dắt phong trào đến thắng lợi. Đã đến lúc sản xuất phải theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu đổi mới của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, vì thế cấp ủy Đảng phải không ngừng đổi mới tư duy, có tinh thần cách mạng tiến công thì mới thành công.
Trước yêu cầu đổi mới của đất nước và xây dựng NTM, người dân rất kì vọng vào Đảng, theo Đảng và tinh thần luôn sẵn sàng. Chương trình MTQG xây dựng NTM ở Thanh Hóa đã tạo nhiều sức bật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chắc chắn sẽ vất vả, gian khó song sẽ thành công.
Theo Thúy Hòa/Báo VH&ĐS