Cần hạn chế những “hạt sạn” để Sầm Sơn mãi đẹp trong lòng du khách
(ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)
Nhưng dường như chiếc “áo mới” vẫn còn quá rộng với một số người làm du lịch ở đây. Họ chưa thể từ bỏ ngay cách làm du lịch theo kiểu chụp giựt, thể hiện sự manh mún trong tư duy, hạn chế về tầm nhìn.
Đó chính là vấn đề được bàn nhắc nhiều nhất tại Hội nghị tổng kết du lịch năm 2017 do thành phố Sầm Sơn vừa tổ chức.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện Công an thành phố và Đội Quản lý thị trường số 2 đứng chân trên địa bàn thành phố Sầm Sơn đều khẳng định có những khách sạn ở đây vừa bị xử phạt cuối tuần trước đầu tuần sau đã vi phạm. Có cơ sở kinh doanh du lịch bị phạt tới 10 triệu đồng một lần mà vẫn không làm giảm nhiệt lòng tham của họ.
Một con số khác, qua tin báo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 80 cơ sở kinh doanh du lịch thì phát hiện 71 cơ sở sai phạm, một tỷ lệ quá lớn chỉ trong một mùa hè.
Lẽ ra trước vận hội mới họ phải biết tận dụng, biết nhân lên thời cơ để tiếp tục tạo ra sức hút nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài, thì lại vẫn đi theo lối mòn của sự chụp giựt, tư duy tiểu nông riêng mình. Việc làm không chỉ gây thiệt hại tiền bạc trước mắt, mà uy tín cũng mất, cuối cùng là mất hết khi du khách quay lưng.
Câu chuyện một số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Sầm Sơn “treo đầu dê bán thịt chó” mới đây chắc chắn sẽ để lại sự thiếu thiện cảm lâu dài. Những cơ sở này lấy hình ảnh phòng ốc ở những khách sạn sang đưa lên trang Web của mình để “câu” khách. Sau khi khách đặt phòng, vào Sầm Sơn thì họ lấy lý do hết phòng rồi ép khách ở trong những phòng chất lượng thấp, nếu không sẽ mất tiền đặt cọc. Những chiêu trò chỉ có những người bất lương mới nghĩ ra, mới dám làm.
Trong kinh doanh du lịch phần lớn nhà nghỉ, khách sạn đều suy nghĩ về mối quan hệ giữa ăn và nghỉ rất đơn giản. Ăn ở đâu là quyền lựa chọn của khách, thì lại có những cơ sở lưu trú ở Sầm Sơn yêu cầu khách phải ăn cơm do mình nấu với chất lượng kém, nếu không ăn thì tăng phụ phí, cự cãi thì bị đuổi ra ngoài.
Những hình ảnh đang kéo lùi lịch sử hoặc khiến liên tưởng đến những quán “cơm tù” trước kia khi xe vào quán lập tức bị rào lại, khách trên xe bắt buộc phải ăn cơm dù muốn hay không.
Đáng ra phải cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, lợi thế của riêng mình để đảm bảo sự bền vững, thì thay vào đó là cách ứng xử thể hiện sự lọc lừa, thiếu văn hóa.
Khi số lượng cơ sở lưu trú vi phạm nhiều mà lực lượng chức năng chưa xử lý ngay và hết được thì dễ tạo ra sự nhờn, tiếp tục làm liều, khiến hình ảnh đô thị du lịch biển Sầm Sơn có nguy cơ xấu đi khi mà nó vừa được khoác lên một “tấm áo” mới.
Lam Vũ