Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Căn bệnh... “anh hùng” (08/01/2018-9:01)
    (NLBTH) - Cách đây 10 năm, khi đội bóng đá Việt Nam vô địch Đông Nam Á, nhiều người hâm mộ đã đổ ra đường, có người khởi xướng trèo tường vào Nhà máy bia Thanh Hóa để lấy bia uống mừng, nhưng không ai hưởng ứng, vì họ biết như thế là phạm pháp.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Bây giờ công tác giáo dục phổ biến pháp luật được tăng cường hơn, nhưng vẫn còn khá nhiều người ngộ nhận về lời nói, việc làm dẫn đến vi phạm pháp luật, nhất là trong giới trẻ.

Chỉ vì một phút giây được đám đông “tung hô” hoặc thỏa máu... “anh hùng” trên thế giới ảo, cái giá phải trả là rất đắt.

Mới đây nhất, 9 đứa trẻ vị thành niên ở Phù Ninh, Phú Thọ trong lúc phấn khích đã rủ nhau chặn xe khách để xin tiền. Chúng còn tổ chức quay Clip phát tán lên mạng xã hội để thiên hạ biết đến mình là ai.

Những đứa trẻ ngông cuồng đã bị bắt, nhưng đằng sau việc chúng tra tay vào còng là nước mắt, sự lo lắng về căn bệnh đang bùng phát trong xã hội: Bệnh ảo tưởng về hành động “anh hùng”!

Nếu như những đứa trẻ vị thành niên kia có sự giáo dục đúng cách từ nhỏ, sự quản lý kịp thời từ những người có trách nhiệm, có thể đã khác.

Đọc báo, xem ti vi mỗi ngày chúng ta không quá bất ngờ vì những thông tin về trẻ vị thành niên phạm tội. Thậm chí chúng còn phạm tội theo cái cách rất ngây ngô là, xem phim rồi hành động theo.

Con số thống kê mà Ngành Công an đưa ra là có tới hàng nghìn trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật mỗi năm, và có chiều hướng gia tăng.

Xem những hình ảnh phạm pháp của chúng tán phát trên mạng xã hội cảm nhận rõ chúng không hề có chút ý thức nào về pháp luật, nếu không muốn nói là chưa hề được giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật. Một sự lo lắng không hề nhỏ, tiếc rằng lại đang có không ít người cổ vũ cho điều đó. Họ chia sẻ những Clip bạo lực trên các trang cá nhân, thậm chí còn bình luận cổ súy.

Lứa tuổi vị thành niên khát khao chứng tỏ cái tôi dễ dẫn đến ngồng cuồng. Bớt đi lời tung hô không đúng lúc, sự chia sẻ không đúng cách, là bớt đi nguy cơ.

Chúng ta cũng cần đối diện cái sai của để khắc phục, tiếc rằng có những gia đình con cái hư vẫn cố che giấu, nhà trường vì bệnh thành tích nên ít thừa nhận học sinh của mình xuống cấp về đạo đức, vi phạm pháp luật.

Khi chúng ta còn nặng nề suy nghĩ theo kiểu đẹp đẽ phơi ra, xấu xa đậy lại, thì sẽ còn nhiều những “anh hùng” như những đứa trẻ vừa bị bắt ở Phù Ninh.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • “Vắc xin” để phòng bệnh (05/01/2018-8:56)
  • Thân phận những tờ giấy... (02/01/2018-9:54)
  • Đến hẹn lại lên và căn bệnh hình thức (29/12/2017-8:18)
  • Đi bộ không phải là đi dạo (26/12/2017-7:59)
  • Đón chờ “làn gió mới” (24/12/2017-21:23)
  • Tạo hình ảnh mới, sức mạnh tấn công tội phạm (22/12/2017-8:46)
  • Vượt “lằn ranh” tín ngưỡng (19/12/2017-14:30)
  • Giảm chi phí phải gắn với thay đổi ý thức (18/12/2017-14:44)
  • Làm “nóng” kỳ họp thứ tư HĐND TP Thanh Hóa khóa XXI (15/12/2017-9:19)
  • Lay thức trách nhiệm giữ gìn (12/12/2017-8:12)