Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Câu chuyện lời hứa và văn hóa từ chức (12/01/2018-9:54)
    (NLBTH) - Lời hứa được nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua. Đó là những lời hứa lúc cao hứng hoặc hứa vì động cơ, và những lời hứa như thế thường bay theo gió.
Ông Đoàn Ngọc Hải trong một lần thực thi nhiệm vụ (ảnh từ Internet)

Nhưng có một lời hứa đang cho thấy sự chân thành và nghiêm túc, cũng chính là vấn đề được nhắc nhiều nhất từ đầu tuần tới giờ: Lời hứa của Phó Chủ tịch UBND Quân 1, thành phố Hồ Chí Minh Đoàn Ngọc Hải.

Khi mà dư luận xã hội đang tập trung theo dõi việc xét xử những vụ đại án tham nhũng trong nước bằng sự xót xa, mất niềm tin vào một số cán bộ lạm dụng chức vụ, quyền hạn, sự tín nhiệm để tư lợi, thì lá đơn từ chức Phó Chủ tịch UBND Quận 1 của ông Đoàn Ngọc Hải được xem như làn gió xua đi sự u tối.

Việc từ chức của ông Hải có thể còn có những lý do khác cần phải tìm hiểu, và phụ thuộc vào Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh có đồng ý hay không, nhưng chí ít trước mắt thể hiện lòng tự trọng của một đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân.

Ông Hải từng hứa sẽ lập lại trật tự vỉa hè trên địa bàn Quân 1, nhưng sau nhiều nỗ lực, sự đơn độc của ông đã khiến vỉa hè thất thủ, hàng quán tái chiếm.

Nếu trách, cũng khó trách ông, bởi trong việc này còn thiếu cơ chế, thiếu con người và sự đảm bảo lâu dài về nguồn lực tài chính. Nhưng ông vẫn nhận trách nhiệm về mình, và buồn vì lời hứa, sự quyết tâm của mình đã không thành hiện thực. Đó là con người nói đi đôi với làm, biết tôn trọng lời hứa, danh dự của mình, điều ít gặp hiện nay.

Trong cuộc sống chúng ta chứng kiến có cán bộ dù đã được gợi ý, thậm chí tổ chức cấp trên mời lên trao đổi về việc từ chức hoặc chuyển công tác khác, nhưng lại tìm ra đủ lý do để xin tại vị.

Có những người không hoàn thành nhiệm vụ vẫn bao biện, thậm chí không thừa nhận sai sót, hạn chế do đồng chí, đồng nghiệp chỉ ra.

Mỗi một đợt kiểm điểm cuối năm chúng ta chứng kiến có khá nhiều lãnh đạo cơ quan, đơn vị được cấp trên gợi ý vấn đề để kiểm điểm vẫn né tránh, không thừa nhận, thậm chí còn tự nhận mức hoàn thành suất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những tập thể lãnh đạo, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị cấp trên yêu cầu tổ chức kiểm điểm lại mỗi năm không phải ít. Điều đó cho thấy lòng tự trọng của cán bộ quá thấp, không giữ lới hứa khi nhậm chức.

Ở ta việc từ chức còn nặng nề, nó chưa gắn liền với danh dự, mà việc từ chức thường bị người ta gán cho những câu từ đại loại như: “Bỏ ghế chạy lấy người”  hay “Bị thất sủng”, mà ít nghĩ đến điều tích cực.

Văn hóa từ chức rất phổ biến ở nước ngoài, còn ở ta thì rất hiếm. Cần nhìn vào ông Đoàn Ngọc Hải để thấy đó là một tấm gương, tạo hình ảnh đẹp cho nhân dân về sự tiết tháo.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Việc làm cũ, quyết tâm mới (09/01/2018-23:18)
  • Căn bệnh... “anh hùng” (08/01/2018-9:01)
  • “Vắc xin” để phòng bệnh (05/01/2018-8:56)
  • Thân phận những tờ giấy... (02/01/2018-9:54)
  • Đến hẹn lại lên và căn bệnh hình thức (29/12/2017-8:18)
  • Đi bộ không phải là đi dạo (26/12/2017-7:59)
  • Đón chờ “làn gió mới” (24/12/2017-21:23)
  • Tạo hình ảnh mới, sức mạnh tấn công tội phạm (22/12/2017-8:46)
  • Vượt “lằn ranh” tín ngưỡng (19/12/2017-14:30)
  • Giảm chi phí phải gắn với thay đổi ý thức (18/12/2017-14:44)