Du llch dựa vào cộng đồng đang phát triển ở nhiều địa phương
(ảnh chí có tính minh họa, từ Báo Thừa Thiên Huế)
Đó là một cách để cảm nhận đầy đủ nhất cuộc sống, sinh hoạt, các giá trị văn hóa, ẩm thực của cộng đồng nơi có điểm du lich.
Tôi đã nhiều lần tham gia vào những buổi kéo lưới đầu giờ sáng trên bãi biển cũng ngư dân, hòa vào chợ cá để mua những thứ mình thích, giá cả vừa phải, lại tươi ngon. Điều thú vị hơn là được thưởng thức những thứ hải sản ấy khi nó vừa được đưa lên từ biển, không cấp đông, không ướp hóa chất. Một vị giác ngon lành, tin tưởng.
Nhiều lần đến bãi biển Hải Tiến, biển Quảng Lợi, tôi được chính những ngư dân ở đây nấu cho ăn với mức phí rất rẻ. Thậm chí chỉ cần mua đồ xong người bán sẽ nấu cho ăn. Một sự hứng khởi, không hẳn bởi chi phí ít, hơn thế đó là cảm giác của sự mộc mạc, chân tình. Đó chính là lý do mà chúng tôi thường đến đây nhiều lần trong năm.
Nhưng cuộc sống đã trở nên gấp gáp, tính toán hơn khi khách du lịch tìm đến đây nhiều hơn. Mọi thứ đều được định lượng bằng tiền, có mức phí phục vụ, thậm chí là khá chát.
Sự hứng khởi của tôi, và của nhiều du khách khác đang dần phai nhạt. Khi mà du lịch dưa vào cộng đồng đang ngày một phát triển mạnh hơn, trở thành xu thế ở nhiều địa phương khác, thì ở nhiều khu du lịch biển của chúng ta đang có xu hướng tụt lùi.
Chuyến đi dài ngày qua những vùng sông nước phía Tây Nam bộ trong dịp nghỉ lễ mới đây càng khiến sự tiếc nuối cho những điểm du lịch sinh thái nơi quê nhà trở thành xót xa khi chúng tôi được phục vụ, nói đúng hơn là tận hưởng sản vật của vùng đất này bằng tâm trạng thoải mái nhất. Nhiều người hứng thú, và họ tin là họ sẽ còn trở lại.
Những bến cá, những làng chài ven biển ở Thanh Hóa tôi từng đến là cảm giác ấm áp, sự chân chất, nhưng nó đã dần mất đi khi người dân ở đây dần nhận thức ra rằng khách du lịch chính là chiếc bánh. Đã không có một tổ chức nào, sự bài bản nào trong cách tổ chức và quản lý để biến những làng chài tự phát phục vụ khách du lịch trở thành những điểm du lịch làng nghề chài lưới, ẩm thực biển một cách có quy cũ để bán những sản phẩm ấy cho du khách bằng những tuor du lich nghiêm túc và hấp dẫn. Nhiều du khách không còn trở lại, và tôi cũng không còn thấy hào hứng với những người dân làng chài ở đây.
Trong tour du lịch ở miền sông nước phương Nam dù biết rằng tôi đã bỏ tiền để mua tour, và những thứ chúng tôi sử dụng đều trong gói tour, nhưng vẫn cảm thấy hài lòng, vì không thấy mình bị qua mặt, bị "chặt chém". Khách đến du lịch nhiều sản phẩm bản địa cũng sẽ được tiêu thụ nhiều hơn, cả công ty lữ hành và cộng đồng dân cư cũng hưởng lợi.
Những làng chài từng hấp dẫn du khách, cũng chính là nơi mà các công ty lữ hành có thể liên kết để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn thông qua những tour du lịch ngắn ngày, vừa có doanh thu, vừa tiêu thụ đưcợ sản phẩm lại góp phần xây dựng thương hiệu du lịch cho tỉnh. Thậm chí chính những ngư dân ở đây cũng có thể liên kết để làm việc này nhằm kéo khách du lịch thoát khỏi những bãi tắm, những quán ăn, nhưng khách sạn quanh đó đến trải nghiệm. Những điều nhiều làng chài đã làm được, nhưng chưa phải là câu chuyện ở những làng chài ven biển xứ Thanh.
An Nhiên