Thảo luận tại Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: TTXVN
Cũng dễ hiểu, bởi lâu nay công tác cán bộ của chúng ta dù đã được chú trọng, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về chiến lược cán bộ đã nâng tầm một bước chất lượng cán bộ, nhưng nhìn chung ở nhiều nơi, trong nhiều thời điểm cán bộ vẫn chưa theo kịp yêu cầu công việc.
Với những gì diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều ngành, cho thấy số cán bộ đi lên bằng năng lực bản thân chưa phải là phổ biến, mà còn có những cán bộ “leo” lên các vị trí lãnh đạo, quản lý, chỉ huy bằng quan hệ, sự nâng đỡ. Sau khi “leo” lên những vị trí này nhiều cán bộ đã bộc lộ tư tưởng sai lệch, hành động không phù hợp gây bức xúc trong nhân dân khiến một số người có năng lực, phẩm chất đạo đức bất bình, thậm chí xin ra khỏi cơ quan.
Nghị quyết mà Đảng đề ra rất đúng, nhưng việc triển khai thực hiện ở một số tổ chức cơ sở Đảng lại chưa trúng. Đây là vấn đề phải rút kinh nghiệm để Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về công tác cán bộ sau khi ban hành sẽ được quán triệt, triển khai thực hiện, đi vào cuộc sống một cách thực sự làm thay đổi chất lượng đội ngũ cán bộ góp phần xây dựng Đảng ta mạnh hơn.
Mà muốn thế, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy phải thay đổi nhận thức, coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm. Mặt khác, xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Xử lý hài hoà mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu…
Điểm nhấn tại Hội nghị lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ. Coi đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, bởi bởi lâu nay trong đánh giá cán bộ, nhìn chúng còn định tính mà chưa định lượng.
Công tác cán bộ mà Hội nghị lần thứ bảy (khóa XII) thảo luận và đề ra là rất đúng, vấn đề còn lại là các cấp ủy Đảng sẽ thực hiện vấn đề này như thế nào cho trúng, đáp ứng sự mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cát Vũ