Tác giả (ngoài cùng bên trái ảnh) cùng các nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa.
Dẫu đã được các đồng nghiệp chia sẻ những kinh nghiệm tác nghiệp ở Trường Sa vào dịp cuối năm, song tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi đặt chân đến nơi đây. Buổi chiều ngày xuất quân lên đường đến Trường Sa, quân cảng Cam Ranh nhộn nhịp như ngày hội. Gương mặt những chàng lính trẻ trong giây phút chia tay bùi ngùi, xúc động, xen lẫn những cái bắt tay ấm nồng là những lời chúc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ âm vang trên cầu cảng,cánh phóng viên chúng tôi mỗi người tìm một điểm để ghi lại khoảnh khắc đầy xúc động, những rất đỗi tự hào của những chàng lính trẻ khi được làm nghĩa vụ của mình nơi sóng gió Trường Sa. Nhận lệnh xuất phát, các tàu: HQ 571, HQ 996, HQ 561 và KN 490 lần lượt nhổ neo, thẳng hướng ra biển lớn. Sóng biển dập dềnh vỗ vào mạn tàu như chào đón đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân mang quà
Tết ra tặng bộ đội trên các điểm đảo của huyện đảo Trường Sa. Sau những hồi còi kéo dài chào đất liền 4 con tàu nối đuôi nhau thẳng tiến.
Ra đến cửa vịnh Cam Ranh, gió thổi ào ào, những con sóng xô nhau đập vào thân tàu, làm cho tàu lắc lư, chao đảo. Nhưng điều đó cũng chẳng ngăn cản được cánh phóng viên chúng tôi, những người lần đầu ra Trường Sa trèo lên trên boong tàu để được tận mắt quan sát sự mênh mông của biển trời Tổ quốc thân yêu. Sau 2 ngày, 2 đêm, tàu Trường Sa - HQ 571 đã hạ neo tại đảo Song Tử Tây, nhìn từ xa, đảo như một khu rừng nhỏ mọc lên giữa đại dương bao la. Từ phía tàu 571 nhìn vào phía đảo chúng tôi thấy chiếc xuồng CQ cắm cờ đỏ sao vàng từ âu tầu trong đảo lao vun vút giữa mênh mông sóng nước để ra đón đoàn. Đứng trên boong tàu ai nấy rưng rưng xúc động khi thấy hình ảnh Tổ quốc hiện hữu nơi đầu sóng, ngọn gió. Vậy là lần đầu tiên tôi đã đến Trường Sa – Tổ quốc nơi đầu sóng, mà tôi chỉ đọc trên những trang sách.
Giữa đại dương bao la, sắc xanh của cây cối trên Song Tử Tây ngập tràn với những cây phong ba, bàng vuông, tra… biểu tượng sức sống mãnh liệt trước phong ba bão táp ở Trường Sa. Theo đại tá Bùi Đình Dương - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết: Khi người Việt ra Trường Sa xác lập chủ quyền, đảo ở đây chỉ có chim trời, cá biển và rất hiếm cây xanh. Nhưng hôm nay, cả 9 đảo nổi trên quần đảo Trường Sa như đảo Trường Sa, An Bang, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca đều có điện, đường bê tông, nhà văn hóa, đặc biệt là mầu xanh của cây lá. Ở đây trồng được cây đã khó, giữ được cây phát triển xanh tốt thì còn khó gấp bội. Mỗi đảo lại có khí hậu, chất đất phù hợp với từng loại cây khác nhau. Như ở đảo Song Tử Tây, Sơn Ca… thì hợp với cây phong ba, bão táp, cây bàng vuông, trong khi đó đảo Nam Yết, Sinh Tồn lại phù hợp với cây mù u, cây dừa, tra …
Giao lưu giữa cán bộ, chiến sỹ và những cán bộ đến từ đất liền
Đưa chúng tôi đi thăm đảo Song Tử Tây, trung tá Nguyễn Đức Độ - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây giải thích, dù thời tiết khắc nghiệt nhưng ở đây chúng tôi vẫn quyết tâm gây dựng mầu xanh cho đảo. Chỉ tay về phía những hàng cây trước mặt, Trung tá Độ nói: Đây là cây phong ba, kia là cây bão táp. Sở dĩ có tên như vậy là do cây chịu được sóng gió của biển cả, mặc dù thời tiết khắc nghiệt nhưng những cây này vẫn luôn xanh tốt.
Một trong những loại cây được coi là đặc sản trên quần đảo Trường Sa, đấy là bàng vuông. Loại cây này rất phù hợp với môi trường ở đây, lá xanh tốt quanh năm có thể dùng gói bánh chưng. Mỗi lần trổ hoa, vẻ đẹp chẳng kém hoa quỳnh, khi kết trái lại có hình vuông 4 cạnh, lúc chín có màu tím, nhìn rất lạ mắt. Đêm trên đảo Sơn Ca được mấy chiến sĩ mách có cây bàng vuông đang trổ hoa rất đẹp, vậy là cánh phóng viên chúng tôi ai nấy cầm máy ảnh, máy quay điện thoại, chọn cho mình được khung hình ưng ý nhất, nhiều phóng viên kiên nhẫn, kỳ công ngồi đợi cả tiếng đồng hồ dưới gốc để chờ hoa nở. Có lẽ với những đặc tính đó nên cây bàng vuông đã cùng với cây phong ba, bão táp trở thành một biểu tượng của Trường Sa bất khuất kiên cường.
Trong cuộc hành trình điểm đảo phía bắc quần đảo Trường Sa, nhóm phóng viên chúng tôi có đến đảo chìm Đá Nam, Đá Thị. Từ chỗ tàu 571 thả neo, để đến phải đi xuồng hơn 1 hải lý, việc đưa phóng viên lên đảo tác nghiệp cũng là bài toán đối với cán bộ, chiến sĩ tàu Trường Sa - HQ 571. Thiếu tá Đinh Hữu Đoan - thuyền trưởng cầm trên tay chiếc bộ đàm nói vọng xuống, biển động các phóng viên cần phải lấy túi ni lông đựng các thiết bị để tránh nước biển vào; chú ý mặc áo phao cẩn thận, khi xuống xuồng có sự hướng dẫn của thuyền viên. Lúc nào xuồng nhô lên thì thẳng chân bước, để thuyền viên chủ động giữ người, không được bám vào thành tàu sẽ bị xuồng va vào, hoặc rơi xuống biển. Đứng trên boong tàu nhìn chiếc xuồng CP 571 chòng chành, lúc nhô lên, lúc thụt xuống bị sóng dồn ra xa, cánh nhà báo, phóng viên chúng tôi cảm thấy sợ khi bước xuống xuồng. Nhưng rồi cảm giác ấy cũng qua nhanh, khi thấy được những động tác thuần thục, chuyên nghiệp của cán bộ, chiến sĩ khi đỡ và đưa từng người xuống xuồng. Khi xuồng đủ 16 người, thuyền phó tàu 571 Nguyễn Văn Kỳ chỉnh tay lái để đưa phóng viên vào đảo, đúng lúc cơn giông ập đến, những cột sóng nổi lên, mưa tát vào mặt, có lúc nước biển phả vào miệng mỗi khi xuồng vượt sóng. Vị ngọt nước mưa và mặn mòi của nước biển cho tôi có một cảm giác khó tả, mà chỉ tác nghiệp ở Trường Sa mới có. Sau khi khéo léo vượt qua những cơn sóng, chiếc xuồng cũng đã vào đến bãi cạn, sóng êm dần, nước trong xanh lộ rõ những rạn san hô dưới đáy. Có lên đảo chìm mới hiểu hết những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ công tác nơi đây. Đảo như ngôi nhà nổi trên mặt nước. Trên đảo chỉ có đá, từng diện tích nhỏ cũng được tận dụng để đặt những khay nhựa, thùng xốp trồng rau. Giữa sóng gió trùng dương, thượng úy Lê Anh Sơn - Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị cho biết: Vào mùa mưa, bộ đội huy động đủ các loại xô, chậu, xoong, nồi hứng nước, vừa hứng vừa canh chừng kẻo tràn ra ngoài. Mùa nắng, nước khan hiếm, tiêu chuẩn bộ đội chỉ được sử dụng 5 lít/ngày/người. Vì tiêu chuẩn “eo hẹp” nên cán bộ, chiến sĩ chủ yếu để dành nước đánh răng và rửa mặt. Còn muốn tắm, giặt thì bộ đội phải xuống biển, sau đó dội lại bằng nước ngọt. Nước ngọt sau khi dùng xong được đổ vào thùng đựng rác để tưới rau. Vào khoảng tháng 5, tháng 6, nắng như đổ lửa, nước khô cạn, bộ đội có lúc “tắm chay”.
Trên khắp các đảo, cánh phóng viên chung tôi đến đều thấy những “khẩu hiệu thép” thể hiện sự quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương: “Còn đảo, còn tàu, còn người, còn Tổ quốc”, “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, “Vững tay súng bảo vệ vững chắc biển đảo được giao”,“Tất cả vì Trường Sa thân yêu”,… Những khẩu hiệu ấy không chỉ của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân nơi đây mà còn là ý chí, quyết tâm của cả dân tộc bởi Trường Sa là máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Với cánh nhà báo chúng tôi, được tác nghiệp tại các điểm đảo Trường Trường đều có chung một tâm trạng là xúc động trước những khó khăn, gian khổ và ý chí kiên cường của người lính đảo…Cảm xúc của sự vui mừng ngày gặp mặt, lưu luyến khi tàu nhổ neo trở về đất liền. Với tôi được tác nghiệp ở Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào của người làm báo. Đến với Trường Sa của Tổ quốc, để thấu hiểu hơn ý chí kiên cường , khắc phục khó khăn, vững chắc tay súng của những người lính Trường Sa; để hiểu hơn về giá trị chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Minh Hiếu