Tôi từng xem bộ phim tài liệu kể về một phụ nữ đoạt giải trong cuộc thi nhan sắc được mời làm đại diện cho một thương hiệu Việt tham gia hội chợ quốc tế. Trong khi người đẹp nhiều nước mặc những trang phục khoe thân, uống rượu mạnh và hút thuốc lá, thì chị kiên quyết từ chối và liên tục “diện” tà áo dài dù trời khá lạnh. Trong phát biểu của mình chị luôn đề cao vẻ đẹp tâm hồn Việt, cốt cách, phẩm hạnh của người phụ nữ Á đông. Chị được báo chí quốc tế khen ngợi, trở thành hình ảnh mãi đẹp trong lòng công chúng.
Bây giờ những người đẹp như thế không nhiều. Không quá lâu lại rộ tin hoa khôi này, người đẹp cuộc thi kia dính scandal, phần đa là tình ái nhuốm màu vật chất, chụp ảnh khoe thân núp bóng thông điệp nào đó hoặc phát ngôn gây sốc...
Có những luồng ý kiến khác nhau quanh cái đẹp và ứng xử với cái đẹp, rằng đẹp thì có quyền khác người. Hành trình đến với cái đẹp cần được xem như một “áp phe”, sao cho có lợi nhất. Sự lệch lạc, biến thái trong suy nghĩ đã xô đẩy, biến cái đẹp ở nhiều người trở thành một thứ như hàng hóa...
Người xưa nói cái nết đánh chết cái đẹp. Cái nết chính là nhân cách, là tâm hồn. Người phụ càng đẹp càng cần phải có “cơ chế” để nuôi dưỡng cái đẹp, nhân lên cái đẹp, từ hình ảnh, lời nói đến việc làm… Tiếc rằng có những người đẹp đã không chiến thắng được dục vọng, đánh mất hình ảnh trong lòng công chúng một cách quá dễ dàng theo kiểu “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Tìm đủ cách để có danh hiệu, rồi lại tính toán với danh hiệu, khiến cho thân bại, danh liệt.
Phẩm hạnh là thứ rất quan trọng ở con người, càng nổi tiếng phẩm hạnh càng cần phải đủ lớn. Qua việc á quân Cuộc thi người mẫu thời trang năm 2018 bị tước danh hiệu cho thấy phẩm hạnh ở nhiều người đẹp đang trở nên rất mong manh và có nguy cơ... lao dốc không phanh.
Sân khấu sắc đẹp để nâng bước người phụ nữ đẹp hơn, nổi tiếng hơn, nhưng chắc chắn không phải là nơi cho họ dựa vào để làm việc xấu xa, băng hoại.
Cần ý thức đủ lớn và bản lĩnh chiến thắng dục vọng để người phụ nử đẹp hơn, là điều công chúng mong chờ.
An Nhiên