Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Ngăn chặn sự tự tung, tự tác (11/09/2018-7:44)
    (NLBTH) - Các địa phương sẽ không còn được tự tung tự tác trong tổ chức lễ hội. Một chế tài mạnh vừa ban hành hy vọng sẽ góp phần hạn chế vấn nạn lễ hội “chui”, lễ hội biến tướng đang gây đau đầu cho cơ quan quản lý.
Cảnh chen lấn, xô đẩy trong các mùa lễ khai ấn đền Trần (tại Khu di tích đền Trần,
phường Lộc Vương, T.P Nam Định). Ảnh: Trần Loan/vanhoadoanh nghiepvn.vn

Ngày 29/8/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó quy định rõ danh mục những lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội truyền thống... ở quy mô, mức độ, tính chất, thời gian như thế nào thì phải đăng ký với những cơ quan chức năng tương ứng trước khi tổ chức. Theo đó có ba cấp được cấp phép tổ chức lễ hội gồm: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố.

Đáng chú ý, Nghị định quy định rõ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký được quyền yêu cầu dừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp tổ chức sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội; tổ chức lễ hội gây mất an ninh - trật tự, an toàn xã hội, vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, gây cháy nổ, làm chết người, xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương; có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội gây hoang mang trong nhân dân...

Ở Việt Nam mỗi năm diễn ra hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ gây tốn kém và ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự, trị an. Thanh Hóa có hơn 1.500 di tích, danh thắng, trong đó nhiều di tích có lễ hội. Một số nơi không có di tích nhưng vẫn tổ chức lễ hội dưới hình thức hội làng.

Hội chứng lễ hội theo kiểu… “con gà tức nhau tiếng gáy” không chỉ gây lãng phí, tốn kém, con ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa. Một số nơi còn “sáng tạo” ra những hoạt động không phù hợp thuần phong, mỹ tục, giá trị lịch sử, văn hóa nhằm thương mại hóa lễ hội. Có lễ hội lồng ghép nội dung phản cảm, bạo lực hoặc bị lợi dụng để thực hiện mê tín, dị đoan, nhưng cơ quan quản lý lễ hội không nắm bắt được hoặc nắm bắt không kịp thời dẫn đến lúng túng trong xử lý.

Nghị định số 110/2018/NĐ-CP sau khi ban hành đang đem lại hy vọng ngăn chặn sự tự tung, tự tác của một số địa phương trong tổ chức lễ hội. Thế nhưng để thiết chế này thực sự đi vào cuộc sống, phải cần đến sự thay đổi nhận thức của người dân và quyết tâm từ cơ quan quản lý cũng như chính quyền nơi có lễ hội.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Căn cốt vẫn là đổi mới người thầy (10/09/2018-10:15)
  • Phẩm hạnh lao dốc (09/09/2018-12:07)
  • Thắp lửa tình người… (05/09/2018-10:02)
  • Một câu hỏi cũ (04/09/2018-9:39)
  • Hài hòa giới tính và dân tộc (31/08/2018-8:27)
  • Xoá rào cản nhỏ, để thực hiện quyết tâm lớn (28/08/2018-8:20)
  • Tiết chế cảm xúc (27/08/2018-14:17)
  • Nhất quán với người tài (24/08/2018-9:26)
  • Niềm tin tự tâm mình (21/08/2018-7:55)
  • Nhìn từ sự giả dối… (20/08/2018-11:17)