Phải đi học, nó nghĩ thế, nhưng học gì cho nhanh và hiệu quả? Rồi nó quyết đinh đi học nghề theo suy nghĩ làm thợ tốt còn hơn làm thầy tồi.
Nhờ mối quan hệ nên tôi xin cho nó vào học lớp trung cấp nghề lọc hóa dầu của Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cơ sở Thanh Hóa. Nó học chăm chỉ với mong muốn ra trường sẽ được tiếp nhận làm công nhân ở Liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn. Một sự “đón đầu” không chỉ mình nó nghĩ đến, nhưng không phải ai cũng toại nguyện.
Sự tuyển dụng khắt khe của Liên doanh khiến nó không thể có cơ hội, tuổi thì ngày càng nhiều. Loay hoay xin việc mãi nhưng cửa các cơ quan thuộc chuyên ngành nó học không chịu mở ra. Kỹ sư còn phải chờ, thì tấm bằng của nó còn… khuya! Cuộc “cách mạng” nghề nghiệp bất thành, buộc nó phải chuyển hướng sang làm gia trại như một số người trong làng. Một hướng đi phù hợp, nhưng do vốn ít, kinh nghiệm thiếu dẫn đến khi được giá thì gia súc, gia cầm dính dịch bệnh, năm không dịch thì rớt giá. Trắng tay, nó thành con nợ của ngân hàng. Thật tiếc cho một đứa em có ý chí nhưng không gặp may.
Hôm trước chả biết nhớ môi trường làm việc cũ hay ai tư vấn mà nó điện thoại cho tôi bảo bây giờ đi lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc lương cao lắm, mỗi tháng mấy chục triệu, nhưng em hết tuổi rồi. Vã lại đi qua con đường chính thức phải đặt cọc, nhưng cũng không chắc chắn. Nếu tìm cách ra bên ngoài làm, dù rủi ro nhưng lương cao, trong xã nhiều đứa đến hạn về nước đã trốn ở lại, thu nhập tốt lắm.
Thuyết minh một hồi rồi nó đề xuất hay em xuất cảnh qua con đường du lịch rồi trốn ở lại bên đó, liên hệ với mấy đứa trong xã tìm việc cho. Tôi lạnh hết cả người, chả biết nó nghe đâu mà dại thế. Nó nhìn ngắn quá, hay bí quá nghĩ liều?
Trốn chui, trốn lủi để làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài là con đường cụt nhưng vẫn có nhiều người nghĩ đến, thậm chí đánh cược cả tính mạng mình, danh dự gia đình. Họ không có lựa chọn sáng sủa hơn sao?
Từ năm 2010 đến nay số lao động của Thanh Hoá đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS là 6.753 người, đứng thứ hai cả nước. Nhưng Thanh Hóa cũng có tới 1.189 lao động tự ý chuyển chủ hoặc không về nước đúng thời hạn, ở lại Hàn Quốc làm việc và cư trú bất hợp pháp. Một hình ảnh xấu xí khiến năm 2018 Thanh Hóa có tới 5 huyện, thành phố không được tham gia kỳ thi tiếng Hàn, ảnh hưởng đến hình ảnh của tỉnh cũng như quyền lợi của nhiều lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc.
Một con đường cụt, và em họ tôi cùng nhiều lao động khác đang có ý định làm cho nó trở nên chật hẹp, xấu xí hơn.
Phải có cách nào để họ không nghĩ đến điều tiêu cực đó? Một bài toán chắc chắn là khó, cần sự tham gia trách nhiệm cùng lúc của nhiều ngành, nhiều người.
An Nhiên