Thứ bảy, ngày 28/12/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Công tác hội
Tránh luật hóa những vấn đề thuộc đạo đức (26/09/2018-11:33)
    Góp ý vào dự thảo bản “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam” - Nhà báo - TS. Hồ Bất Khuất cho biết:
Nhà báo - TS. Hồ Bất Khuất.
 

Ðúng là cụ thể hóa điều 5 trong 10 điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam là rất khó; nếu làm không khéo lại có thêm một “luật” (để quản lý) nữa treo trên đầu các nhà báo. Tôi đồng ý với ý kiến của  Nhà báo Quốc Dũng (báo Nhân Dân) là khó để quy định chi tiết về sự “chuẩn mực” khi tham gia MXH. Ở đây, cần phải nói rõ thế này: MXH đã trở thành một “đế chế truyền thông” vì vậy khó có nhà báo nào hoạt động hiệu quả mà lại nằm ngoài sự ảnh hưởng của nó.

Nếu nhà báo tham gia MXH buộc phải có chuẩn mực, theo tôi chỉ cần thế này thôi: được định danh (tên, tuổi, ảnh chân dung), thông tin trung thực, chính xác (nếu lỡ đưa tin sai phải đính chính và xin lỗi ngay), ứng xử có văn hóa (không chửi đổng và dùng từ “chưa biên tập”). Ngoài những điều đó ra, nhà báo cũng như hàng tỷ cư dân mạng khác – tham gia bình đẳng, thoải mái vào tất cả các hoạt động trên MXH.

Còn về trách nhiệm – Ðương nhiên nhà báo phải có trách nhiệm cao hơn cư dân mạng bình thường vì nhà báo thể hiện trình độ nghiệp vụ của mình ở đây; ít ra phải thể hiện được tính chuyên nghiệp của mình. Trên thực tế, một số nhà báo chưa làm tròn trách nhiệm vì chưa dám nói hết sự thật, hoặc lẩn tránh trước những vấn đề gai góc được bàn luận trên MXH. Mỗi nhà báo nên xem trang cá nhân (facebook, blog, website…) là một “tờ báo” riêng của mình; ở đây anh (chị) vừa là phóng viên, vừa là biên tập viên, đồng thời là Tổng biên tập. Phải có thái độ và tâm thế như thế mới làm tròn trách nhiệm của một nhà báo tham gia MXH.

Hội Nhà báo Việt Nam muốn cụ thể hóa điều 5 trong 10 điều quy định đạo đức người làm báo là một nỗ lực cần được ghi nhận. Tuy nhiên, nên tránh luật hóa những vấn đề liên quan đến đạo đức, nhất là đạo đức của người làm báo. Ở đây, phải đề cao sự tự nhận thức và bản lĩnh bảo vệ sự thật. Nghĩa là khi một nhà báo cảm thấy mình đúng thì hãy để anh ta (chị ta) tự lập luận để bảo vệ mình trước các cơ quan chức năng và dư luận xã hội. Ðừng bắt nhà báo nín nhịn và chịu hàm oan một cách tức tưởi trước sự chỉ đạo của một cá nhân hay tổ chức nào đó.

Làm báo hiện nay khó khăn, phức tạp hơn trước đây nên Hội Nhà báo Việt Nam cần tăng cường chăm chút về mặt tinh thần để các hội viên cảm thấy có hứng khởi để hành nghề. Nói như vậy, nghĩa là tôi mong việc cụ thể hóa điều 5 mang lại không khí hồ hởi, phấn khởi khi làm nghề chứ không phải là sự lo lắng. Ðây cũng là một yêu cầu khó đối với các chuyên gia trong lĩnh vực luật pháp và đạo đức. Chỉ mong rằng, các chuyên gia gặt hái được thành công.

Theo Hà Vân/Báo Nhà báo và Công luận

 

 

 

Các tin khác:
  • Khuyến khích nhà báo tham gia MXH trách nhiệm, chuẩn mực với tư cách và phẩm chất của người làm báo (26/09/2018-11:30)
  • “Bản Quy tắc cần giúp người làm báo đón nhận, tham gia MXH một cách bản lĩnh, tích cực nhất” (24/09/2018-8:34)
  • Cần nhìn nhận “chuẩn” về vai trò của Hội Nhà báo để có sự điều chỉnh phù hợp, hiệu quả (07/09/2018-7:55)
  • Tăng cường lãnh đạo chuyên trách và “trẻ hóa” đội ngũ cán bộ quản lý của tổ chức Hội (06/07/2018-21:01)
  • Cán bộ chủ chốt quyết định hiệu quả và vị trí của Hội (29/06/2018-8:37)
  • Đạo đức nghề báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 (26/06/2018-10:58)
  • Xây “mái nhà chung” cho người làm báo thường trú (25/06/2018-10:44)
  • Tập hợp bằng “sân chơi” nghiệp vụ (25/06/2018-10:41)
  • Nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo để giữ sự trong sạch cho nghề (20/06/2018-8:28)
  • Quản lý bằng quy định riêng không có gì mâu thuẫn với quy định chung (19/06/2018-14:26)