Nghị định 39/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động của công ty tài chính và cho thuê tài chính đã cho phép sự ra đời các công ty tài chính ở khắp nơi. Cùng với đó, Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng đã tạo điều kiện thành lập các công ty đòi nợ thuê, và trong chừng mực nào đó trở thành lực lượng tiếp tay cho hoạt động phi pháp của công ty tài chính.
Pháp luật cho phép ra đời dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội, nhưng đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm quản lý không chỉ của cơ quan cấp phép, mà còn của chính quyền, đặc biệt là nhân dân trong phát hiện, tố giác tội phạm lợi dụng quy định của pháp luật để trục lợi. Mọi sự lơ là đều dẫn đến tác dụng ngược, và trên thực tế nhiều công ty tài chính đang lợi dụng điều đó để tự tung tự tác. Các công ty này cho vay đơn giản, nhưng được bảo đảm bằng thứ quyền lực khủng khiếp, phổ biến là khủng bố bằng chất bẩn. Người dân lo sợ, trật tự xã hội bị đảo lộn, tuy nhiên chế tài để xử lý lại chưa theo kịp.
Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh - trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, thì mức phạt cao nhất có thể áp dụng cho vi phạm này chỉ hai triệu đồng. Một số tiền rất nhỏ so với lãi suất phi pháp mà chúng có được nên không đủ sức răn đe.
Trên địa bàn Thanh Hóa hiện có 144 công ty tài chính hoạt động theo Nghị định 39/2014/NĐ-CP cùng nhiều chi nhánh thứ cấp. Vì thế người dân rất dễ dàng tiếp cận hình thức cho vay không cần thế chấp tài sản, giải ngân chỉ sau 5 phút thông qua các hình thức quảng cáo tự phát trên đường của các công ty này. Đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro, vi phạm pháp luật về tài chính nghiêm trong. Nếu như chính quyền và cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm hơn trong kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty tài chính, công ty đòi nợ thuê; Công ty vệ sinh môi trường và mỗi người dân cùng có ý thức tháo bóc các tờ quảng cáo cho vay theo hình thức này ở nơi công cộng, thì người dân có muốn cũng khó tiếp cận được những ổ “tín dụng đen”. Thế nhưng nhiều người dân lại thường có tâm lý lo sợ bị phiền hà, cơ quan chức năng thì chưa đủ cơ chế quyền lực để khống chế điều đó.
Rất nhiều gia đình đã táng gia bại sản vì “tín dụng đen”, nhưng dường như đó vẫn là câu chuyện riêng, chứ chưa thật sự lay thức trách nhiệm cộng đồng.
Trong khi chờ đợi sửa đổi quy định của pháp luật cho phù hợp, thì nâng cao trách nhiệm của cơ quan cấp phép, chính quyền các cấp trong kiểm tra, giám sát hoạt động của công ty tài chính, công ty đòi nợ, đi đôi với việc đấu tranh, tố giác tội phạm “tín dụng đen” của cộng đồng dân cư là giải pháp khả dĩ.
Lam Vũ