Sân chơi cho trẻ vẫn là điều hết sức khó khăn ở nhiều địa phương
(ảnh chí có tính minh họa, từ internet)
Việc có thêm 4 học sinh bị đuối nước mới đây trên dòng sông Mã tiếp tục gieo vào lòng chúng ta nỗi đau khắc khoải.
Đến bao giờ những cái chết do đuối nước mới chịu dừng lại, mới thôi cướp đi những đứa trẻ vô tội. Dù rằng cơ quan bảo vệ trẻ em đã đưa ra nhiều giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước, nhưng sự khó khăn trong việc kiến tạo các điều kiện vật chất vẫn bị xem như “chiếc vòng kim cô” thít lại.
Báo chí từng thông tin có một bé trai bị tai nạn ở công trường bỏ hoang. Bé trai nghỉ hè khi mà người lớn trong nhà đều phải đi làm. Trong lần vượt cổng thành công em đến một công trường bỏ hoang gần nhà rồi bị tai nạn. Trớ trêu thay bé trai này lại chính là con trai một chuyên gia phòng, chống tai nạn thương tích.
Chúng ta đã nói nhiều về tai nạn thương tích và nguy cơ đuối nước ở trẻ. Dường như mỗi phụ huynh đều có những thời điểm được gọi là “lên dây cót” cho con em mình với hy vọng sẽ giúp các em phòng vệ tốt hơn.
Nhưng khi mà những cái đầu non nớt, sự ham vui của trẻ luôn khác biệt với lo lắng của người lớn, sẽ tạo ra xung đột. Người lớn quá lo lắng, nhưng cũng chỉ là sự phòng vệ trong tâm thức, họ không có nhiều thời gian, không đủ biện pháp, và không có đủ cơ sở vật chất để có thể quản lý những đứa trẻ một cách tốt nhất. Họ chỉ có thể hy vọng chúng sẽ ở yên trong ngôi nhà, nhưng thực tế thì không như thế.
Nhiều chuyên gia tâm lý trẻ em khuyến cáo không nên quá lo lắng dẫn đến những việc làm tiêu cực như cấm đoán, nhốt trẻ ở nhà. Điều cần là trang bị cho chúng kỹ năng, tạo điều kiện để chúng được hòa vào các sân chơi.
Thế nhưng đó là vấn đề rất khó khăn hiện nay. Khi trường học quá chú ý đến các môn văn hóa, thì giáo dục thể chất, trang bị kỹ năng ứng phó với rủi ro sẽ bị xem nhẹ. Nhiều đứa trẻ bị biến thành con “gà gô” biết nói khi bước ra khỏi cổng trường. Chúng xa lạ và yếu ớt trước các nguy cơ xâm hại từ môi trường sống.
Còn cơ sở vật chật cho trẻ cũng là một điều hết sức khó khăn. Ngay tại T.P Thanh Hóa còn khó khăn thì nói gì đến các huyện, thị. Một số điểm vui chơi dành cho trẻ đã đã hoàn thiện thì hoạt động chưa hiệu quả.
Có nhiều lý do, nhưng nhìn chung là cơ sở vật chất tại điểm vui chơi cộng đồng thường nghèo nàn, hoạt động không hấp dẫn trẻ. Ở một số nơi, chính quyền địa phương, các đoàn thể chưa cho thấy sự quan tâm đúng mức đến việc này.
Để mang lại những ngày hè vui chơi an toàn cho trẻ, trước hết phụ thuộc vào nhận thức, quan điểm của người đứng đầu mỗi gia đình. Tiếp đó là vai trò của chính quyền cơ sở trong việc tạo dựng được những sân chơi bổ ích đúng nghĩa.
Việc đầu tư một điểm vui chơi cho trẻ không mất quá nhiều kinh phí. Xu hướng phổ biến hiện nay là xã hội hóa. Quan trọng là cần tạo được sức hút từ việc bố trí quỹ đất, các cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào hạ tầng này.
Một mùa hè nữa lại về, hy vọng bằng sự thay đổi nhận thức, chúng ta sẽ bớt phải nghe thêm nữa những hung tin từ trẻ.
Lam Vũ