Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Áp lực… “hóa rồng” (19/06/2019-13:06)
    (NLBTH) - Mới đầu hè, nhiều đứa trẻ hàng xóm còn ngủ đến lừng chừng sáng, hỏi có thèm được như thế không, bé nhà tôi bảo cũng muốn lắm, nhưng nó lại có mục tiêu cao hơn, là kỳ thi vượt cấp sau đây một năm.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Nó muốn vào được trường điểm của thành phố, giống những bạn học trong lớp.

Còn những một năm học nữa cơ mà, tôi bảo. Con bé chẳng chịu nghe, nó chỉ tin là trong lớp nó có rất nhiều bạn đang bất chấp nắng đổ lửa “cõng sách” đi học mỗi ngày, không hùa theo, thì các suất vào lớp tốt, trường tốt sẽ chẳng đến lượt nó.

Một nền giáo dục còn nặng tư tưởng “nhồi nhét”, nói hơi quá là đang tạo ra những bầy “gà gô”, những chú rô bốt học đường.

Chúng sẽ như thế nào nhỉ? Mà nói thật là cũng chẳng dám nghĩ đến điều đó, cứ làm tròn chức phận của người bố có con đang đi học cái đã.

Nghĩa là có bận đến mấy cũng phải tìm ra lý do rời nhiệm sở đúng giờ để đón con từ lớp học thêm nọ sang lớp kia. Có những chiều con tôi học tới 2 ca liên tục, đến ăn ở nhà còn không kịp, mẹ cháu phải chuẩn bị cặp lồng cơm, bố lái xe, con thì ăn.

Kỳ nghỉ hè dài 3 tháng với con tôi và nhiều đứa trẻ khác dường như chỉ tồn tại trên giấy. Nhiều lớp học ở đô thị sau kỳ thi vượt cấp vào THPT lại đã rộn ràng. Trong đó có những lớp dành cho học sinh có nhu cầu thật sự, nhưng không ít lớp cũng mở cửa để đón những học sinh miễn cưỡng.

Bố mẹ chúng biết năm sau giáo viên ấy sẽ dạy con mình, nên chẳng có lý do gì để không ngay từ bây giờ… “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Không đủ điểm vào trường đại học nhóm một, thì có nhóm hai, nhóm ba… Nhìn chung là sẽ khó để mà trượt đại học, nhưng trung học thì không như thế. Không vào được trường công thì phải chấp nhận học dân lập, thậm chí là trường nghề. Mà như thế thì đâu có oách.

Mỗi sáng những đứa trẻ khác trong khu dân cư rẽ vào một con đường, còn mình thì đi trên con đường khác. Con đường đi học được xem như là hạng hai. Điều đó sẽ đe dọa đến tâm lý lửa tuổi, bố mẹ nào chả lo.

Áp lực vượt cấp vào trường công lập, vào trường điểm, lớp tốt ngày càng đè nặng lên suy nghĩ của nhiều người. Chẳng mấy ai muốn con mình lại phải chịu tiếng là học trường dân lập, học trường nghề cả.

Kỳ thi vào lớp 10 vừa rồi, bước ra khỏi phòng thi học sinh làm được bài cũng chưa dám vui, không làm được bài thì nức nở. Người lớn cũng nức nở.

Nhìn đấy mà lo, sớm nhồi nhét con chữ bằng mọi cách là vừa. Muốn vượt “vũ môn” để mong “hóa rồng”, rõ là phải cố gắng bằng nhiều cách.

Học đi con, khó khăn mấy bố mẹ cũng cố lo đang là suy nghĩ của nhiều người.

An Nhiên

 

Các tin khác:
  • Tăng cường kỷ luật, lấy lại hình ảnh (17/06/2019-15:43)
  • Pháp luật và vận động (14/06/2019-10:03)
  • Sự thực thi yếu ớt (11/06/2019-15:10)
  • Nâng cao trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng (10/06/2019-11:25)
  • Không tạo tiền lệ xấu (08/06/2019-10:03)
  • Tinh thần đi họp (04/06/2019-9:50)
  • Tự trọng bằng cấp (03/06/2019-7:56)
  • Nâng cao trách nhiệm về thuế (31/05/2019-20:27)
  • Tư tưởng đánh đổi (29/05/2019-9:16)
  • Hành động thực sự (27/05/2019-8:35)