Cuộc chiến chống tin giả vẫn đang tiếp diễn
Hoang mang tập thể
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích hữu dụng, những thông tin tích cực, hằng ngày, người sử dụng mạng xã hội bị chi phối bởi hàng nghìn tin giả được phát tán trên mạng xã hội. Tháng 03/2019, trên mạng xã hội Facebook, chủ shop quần áo online đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi “tẩy chay” thịt lợn.
Qua xác minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định những hình ảnh của trang Facebook này lấy lại từ nhiều báo điện tử về bệnh sán dây ở lợn xảy ra tại tỉnh Bình Phước vào tháng 11/2018. Chủ sở hữu trang này đã bị Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) triệu tập làm rõ thông tin sai sự thật.
Những câu chuyện thiếu kiểm chứng về trẻ em bị nhiễm sán ở một địa phương được chia sẻ một cách rầm rộ trên Facebook với những dòng comment đầy hoang mang. Hình ảnh miếng thịt lợn nổi hạch trắng với khẩu hiệu quốc dân “mọi người ơi, hãy tẩy chay”. Nhiều người đu theo câu chuyện này, tiếp tục chia sẻ những clip gây cảm xúc lo lắng như: thịt bò có sán, ốc có sán, xoài chín có sán... và cùng kêu gọi tẩy chay những sản phẩm đó v.v.. gây hậu quả lớn đến toàn xã hội.
Hay như cách diễn đạt chưa rõ ý của vị PGS,TS, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để chống ngập úng, nên trang bị mỗi gia đình một cái lu nước to. Ngay sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh meme (chế giễu) về vị này, thu hút hàng triệu lượt tương tác nói xấu, cười nhạo từ người dùng mạng xã hội khi đánh trúng chủ đề “người lãnh đạo”.
Có thể nói, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội vẫn dễ tin và dễ hoang mang về những thông tin thiếu kiểm chứng. Một chuyện không đến mức quá nghiêm trọng, nhưng vẫn bị phóng đại lên, mọi người tự cho mình trách nhiệm chia sẻ thông tin là một lần thể hiện trách nhiệm đến cộng đồng, mà bất chấp đúng hay sai. Từ những lần như vậy, “cộng đồng mạng” bị biến thành một đám đông dễ bị kích động, sẵn sàng tấn công mọi ý kiến phản biện hay sự thật.
Cuộc chiến chống tin giả vẫn đang tiếp diễn
Khảo sát do hãng Ipsos công bố ngày 11/6/2019, 86% số người dùng internet trên toàn thế giới thừa nhận, họ bị lừa do“tin giả”, chủ yếu xuất phát trên mạng xã hội Facebook. Khảo sát được thực hiện với sự tham gia của 25.000 người dùng internet thuộc 25 quốc gia có Mỹ, Trung Quốc, Nga,...
“Vũ khí cảm xúc”
Cuốn sổ tay báo chí Journalism, Fake News & Disinformation (Báo chí, tin giả và tin xuyên tạc) do UNESCO xuất bản năm 2019 phân loại thông tin gồm: thông tin báo chí, tin sai, tin giả, tin xuyên tạc và tin kém chất lượng, tin gây hại. Tin giả (Fake news) là thông tin được cố tình ngụy tạo và xuất bản nhằm lừa dối, khiến người khác hiểu sai, khiến họ tin vào những thông tin sai hoặc nghi ngờ những thông tin đã được kiểm chứng.
Tin giả giờ không chỉ là loại tin sai trái, cố tình gây hiểu nhầm, được lan truyền dưới hình dạng tin tức. Nó đã trở thành “vũ khí cảm xúc” được dùng để tác động và làm mất uy tín, phủ định vai trò của báo chí. Nhiều người cho rằng, đọc tin tức trên mạng xã hội có thể đi sâu vào ngõ, ngách của vấn đề, nhưng khi thông tin tràn ngập đến “bội thực” sẽ dẫn đến “nhiễu thông tin”. Tin giả không chỉ liên quan tới lĩnh vực chính trị mà cả kinh doanh, các vấn đề xã hội bởi vậy, tác hại của nó là không giới hạn và khó đo lường hết. Tin giả thường xuất hiện trên các nền tảng miễn phí, nơi thiếu đi sự quản lý thông tin, do đó mạng xã hội là môi trường hoàn hảo để tin giả phát triển.
Tại hội thảo “Báo chí trong kỷ nguyên mạng xã hội: Đổi mới hoạt động và kinh doanh báo chí trước thách thức của truyền thông xã hội”, ngày 14/6, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang trực tiếp ảnh hưởng tới “môi trường sinh thái” của truyền thông đại chúng, khiến “bữa tiệc” thông tin của công chúng thay đổi mạnh mẽ. Báo chí đang phải đối mặt với sự tác động to lớn của truyền thông xã hội, đặt ra không ít thách thức cho nhà báo trước vấn nạn tin giả. Vấn nạn này đang hoành hành khắp nơi, tác động đến tâm lý chung của công chúng, khiến các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan báo chí lúng túng trong xử lý thông tin. Không ít trường hợp, thông tin trên mạng xã hội hoặc một số tờ báo chạy theo hiệu ứng câu khách, đưa tin thất thiệt, thổi phồng một vấn đề nào đó hoặc cắt gọt câu nói của đối tượng được phỏng vấn, gây ra bức xúc trong dư luận.
Báo chí vượt trội mạng xã hội bằng độ tin cậy, tính thuyết phục
“Lấy chính trừ tà”, định hướng thông tin
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, cuộc chiến chống tin giả đang được các nước trên thế giới quyết liệt thực hiện bằng các biện pháp mạnh tay. Như Singapore Luật chống tin giả quy định hình phạt lên tới 10 năm tù giam và phạt tiền gần 740.000 USD với những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.
Ở Indonesia, chính quyền Tổng thống Joko Widodo tổ chức các cuộc họp báo hằng tuần về tin giả và tiến hành nhiều vụ bắt giữ với những kẻ gieo rắc thông tin sai lệch.
Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, quy định “Tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.
Giờ đây, mỗi bài đăng, lượt thích hay chia sẻ, đều bao gồm trách nhiệm của người đăng tải, chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống tin giả, bên cạnh các biện pháp quản lý hành chính vẫn cần những thông tin dẫn dắt, định hướng dư luận từ báo chí.
Thực tế cho thấy, các cơ quan báo chí phải đổi mới, sáng tạo và sử dụng nền tảng công nghệ mới, mới chuyển tải được thông tin chính xác, tin cậy, tính định hướng cao đến công chúng. Đây là đòi hỏi rất nóng bỏng với các cơ quan báo chí, từng nhà báo hôm nay.
Chúng ta không thể làm báo với phương thức truyền thống. Nếu nhà báo chỉ làm phương thức truyền thống, chắc chắn bị mạng xã hội vượt qua. Báo chí không thể thắng mạng xã hội bằng tốc độ đưa tin nhưng sẽ vượt trội mạng xã hội bằng độ tin cậy, tính thuyết phục.
Tính thuyết phục của báo chí chính là con đường sống của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, cuộc chiến chống tin giả ngày càng cam go, khốc liệt. Do đó, trong “cuộc đua” về thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội, báo chí luôn có những lợi thế./.
Theo: Nam Dương/ Tạp chí Người làm báo