Thứ bảy, ngày 27/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Thước đo cao quý nhất cho phẩm cách nhà báo (01/07/2019-9:08)
    Trong hơn 20 năm làm báo toàn tâm và liên tục của tôi vừa qua, có lẽ, chưa bao giờ người cầm bút đứng trước nhiều áp lực và cám dỗ như bây giờ.

Thử thách về sự lấn lướt của mạng xã hội, nỗi cam go của báo giấy bên bờ vực teo tóp thị phần từng ngày. Và nhiều khó khăn khác nữa. Nó khiến nhiều người đã làm báo đứng trước ngã ba đường của sự chuyển nghề, của sự đổ đời vào các tặc lưỡi để “dòng đời xô đẩy”. Thiện lành nhất, có lẽ là việc nhiều người nghĩ, thôi thì cơm áo không đùa với khách thơ, ta xếp bút nghiên, tìm một sinh kế khả dĩ - cốt sao không bị đạo đức, luật pháp lên án là được. Sự chuyển dịch âm thầm và trên diện rộng này, không dễ nhìn thấy bằng sự tha hóa hay bằng một cái gì đó như kiểu án tù cho nhà báo nhận hối lộ nào cả. Nhưng sự cay đắng thì cũng gần giống nhau.

Có lần, tôi được mời giảng ở một khóa học gồm 400 hiệu trưởng các nhà trường về khủng hoảng truyền thông, một nhà giáo tâm huyết đã mạnh dạn hỏi: “Lúc có loạn mới biết anh hùng, bây giờ mà ai còn trụ lại rồi say sưa với nghề, thì mới là đáng quý. Vậy, xin hỏi, phẩm giá của người làm báo thể hiện ở điểm nào?”.

Cuộc tranh luận nổ ra quyết liệt hơn, khi một cô hiệu trưởng má phấn môi son ấm ức, có dịp, một ngày tôi phải tiếp đến 12 phóng viên, nhà báo, họ lần lượt và trịnh trọng đến, miệt mài truy vấn các khoản thu đầu năm và đòi xem hóa đơn tài chính nhập rau nhập thịt vào bếp ăn từng bữa ra sao. Sau đó chẳng có bài nào được in trên báo hay tạp chí cả. Họ có băng nhóm, “phím” cho nhau lần lượt đến, khi có dấu hiệu “gõ ra tiền”.

Tôi đem câu hỏi về phẩm cách của người cầm bút trong thời này ra hỏi ở một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Các nhà báo nói nhiều về khát vọng làm một cái gì đó hữu ích cho cộng đồng. Nếu chỉ duy nhất cầm bút viết báo vì lý do mưu sinh, thì tôi nghĩ, mai có nghề nào ra tiền hơn một tí, họ sẽ bỏ nghề báo ngay. Vấn đề là làm sao vẫn lo cơm áo gạo tiền mà vẫn có được nhiều tác phẩm lay động lòng người, đem lại những chuyển biến tích cực và quyết liệt cho hiện thực nhiều lúc còn lấm láp, lầm than hay bất công kia. Khi một bài báo cứu nhiều mạng người, đem lại sự minh bạch cho cộng đồng và cởi bỏ nhiều oan khuất, thì người cầm bút lâm vào một cái sự râm ran không gì sung sướng và hưng phấn bằng. Họ chợt tin rằng, đúng, báo chí hóa ra là quyền lực thứ tư trong xã hội thật. Làm một cái gì đó hữu ích cho Đời - đó là thước đo quan trọng nhất cho phẩm cách của người cầm bút. Tố cáo một loại tội phạm, một loại hiểm họa mới; điều tra, đề nghị bắt giữ, xử tù và trục xuất kẻ xấu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Cùng kiến nghị sửa luật để toàn bộ dân chúng được bảo vệ bởi cái Đạo Luật có vai quan trọng bậc nhất mà nước nhà từng có được kia. Đây có thể gọi là thiên chức đầy kiêu hãnh của báo chí.


Vửa rồi, tôi đã hỏi một đồng nghiệp, cá giá của cậu mà các đối tượng đưa ra để mua chuộc/hối lộ khoảng độ bao nhiêu tiền? Câu ta khảng khái: giá nào cũng vẫn rẻ. Chưa nói về đạo đức, chỉ riêng khía cạnh tiền, tớ đã chẳng tội gì đánh đổi cả danh dự, nhân phẩm, cả tương lai và quyền tự do công dân của mình để lấy vài đồng bạc lẻ. Cụ thể, nếu đe dọa, tống tiền, nhận hối lộ vài triệu hay vài chục triệu, thì hai ba chục năm làm nhà báo nghiêm túc và ít nhiều danh tiếng của tớ sẽ đứng bên bờ… đi ở tù. Tớ đã ngồi tính kỹ ra, là mỗi năm tuyệt vời của tuổi trẻ làm báo mà tớ vẫn tự hào ấy, được kẻ đưa hối lộ mua với giá bao nhiêu tiền? - 1 triệu đồng hay 10 triệu đồng? Nghĩ kỹ thì việc tớ không bán rẻ mọi thứ đang ngời ngời của mình, trước hết là vì một phép tính thông minh. Sau nữa là vì cái danh dự của người cầm bút, đó là tài sản của mình, đồng thời của cha mẹ và con cháu, bạn bè và cả các thế hệ học trò của mình nữa chứ. Nếu đứng trước bài toán cân não: đồng tiền và sự sống; nếu không đe dọa tống tiền người khác thì sẽ chết đói vì không có gì ăn hay chết rét vì không có gì mặc, thì lúc ấy may ra tớ mới tính đánh đổi danh dự của người cầm “quyền lực thứ tư” (báo chí) lấy một cái gì đó. Cái thứ “xôi thịt” đó, nếu đoạt lấy, tớ phải chọn một cục to, chứ không thể nào có cái giá vài triệu đồng.

Có lần, một đồng nghiệp của tôi phải thốt lên: “Niệm khúc cho danh dự của người cầm bút”. Bởi anh ta đã bảo vệ quyền lợi cho một cựu binh thiệt thòi và oan khuất suốt nhiều năm. Vị cựu binh từ chiến trường đánh Mỹ trở về với các chiến công như bắn B41 diệt một trận 5 xe tăng và xe bọc thép của địch. Mảnh đạn găm đầy người, tai ù điếc, chất độc hóa học nhiễm trong cơ thể, 7 lần sinh con thì 6 cái quái thai và những đứa trẻ yểu mệnh ra đời. Sau khi bài báo được in, chính quyền địa phương đã lập hồ sơ, xin xác nhận, bí mật “điều tra ngược” tố cáo nhà báo kia viết không chính xác, không trung thực, quy chụp làm người dân hoang mang, nói xấu phong trào đền ơn đáp nghĩa ở địa phương, bịa tạc sự đau khổ bệnh tật của cựu binh và gia đình đang “lao động và học tập bình thường”.

Mọi “phản pháo” đều có báo cáo, xác nhận, hồ sơ kèm theo đầy đủ. Văn bản được gửi lên Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ủy ban các cấp tỉnh, huyện, xã và dĩ nhiên là Ban biên tập tòa báo của chúng tôi. Thông tin về “các vị tướng” đồng đội của cựu binh kia “cũng bức xúc vì loạt bài báo” tiếp tục được tung ra để tạo dư luận.

Tuy nhiên, sự thật thì chỉ có một. Sau thời gian dài trở lại vùng đất mà vị cựu binh đang gây “ầm ĩ dư luận” kia để củng cố hồ sơ, bí mật ghi hình các nhân chứng và vạch mặt kế hoạch “phản công trên diện rộng” của cơ quan chức năng sở tại, các cuộc đối chất đã được tổ chức. Tài liệu được hai bên công bố và “vả” nhau chan chat, hơn 10 ban, ngành của tỉnh đó đã đối chất với nhóm nhà báo, trước sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương và giới truyền thông. Cuối cùng, thì tháng 4/2018, vị cựu binh oan khuất đã chính thức được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông tên là Nguyễn Xước Hiện.

Thử hỏi, bạn tôi đã chiến đấu vì cái gì? Vì sự thật và vì danh dự của người cầm bút đang bảo vệ sự thật đó. Rồi tự sự thật lên tiếng giải oan cho một người hùng nửa thế kỷ đói nghèo lầm than vì bị lãng quên. Và câu chuyện ở đây đang chuyển sang cái nhận thức của người cán bộ địa phương trong ứng xử với nhà báo.

 


Ở đâu đó và đôi khi, người ta nghĩ rằng cứ dùng “báo cáo” của cơ quan có chức năng, rồi đồng loạt mượn mồm người có chức trách “phán như đúng rồi” về một vấn đề gì đó, rồi lớn tiếng kêu kiện báo chí lên tỉnh, lên bộ và lên các cấp cao hơn là nhà báo sẽ sợ. Là sự thật sẽ bị lấp liếm kiểu cả vú lấp miệng em. Xin thưa, sự thật chỉ có một. Và với nhà báo tử tế, thì không có lý do gì để họ bảo vệ một cái điêu trá hay tạo dựng sự kiện “biến có thành không, biến không thành có”. Khi không lý giải được động cơ đê hèn hay “xôi thịt” của nhà báo trong vụ việc trên, thì cần phải có nhận thức đủ dùng để tin rằng, nhà báo - họ công bố tài liệu vì muốn bảo vệ sự thật, bảo vệ người yếu thế. Và họ đã đứng về phe nước mắt trong các “cuộc chiến” dạng này.

Đôi khi và ở đâu đó, vì không hiểu như vậy được, cán bộ cơ sở đã tìm cách chống chế bằng các cuộc họp, các hành vi sưu tầm tài liệu và ra báo cáo lấp liếm. Họ nghĩ rằng, giấy trắng mực đen, nhiều ban, ngành “đức cao vọng trọng” cũng phản đối và bày tỏ ý kiến, thì nhà báo sẽ bị khuất phục. Nếu không căng thẳng tranh biện đòi quyền “chủ trì” các cuộc đối chất, nếu không dám hứa đăng tiếp 7 bài nữa để bảo vệ chân lý, nếu không dám quả quyết sẽ gặp bộ trưởng và Chính phủ để bảo vệ sự thật đến cùng, thì thử hỏi nhà báo kia, tòa báo kia có “an toàn” được trong hành trình đi tìm sự thật trân quý kia không?

Có bao nhiêu địa phương vẫn giữ thói ứng xử với báo chí hống hách như trên? Nếu vụ việc kia được đăng tải ở một tờ báo địa phương và ông Tổng Biên tập bị “áp chế”/phủ đầu ngay từ đầu, thì thử hỏi họ có dám chiến đấu đến cùng để bảo vệ một phận người anh hùng và đau khổ như vậy không? Họ có tự bảo vệ được danh dự người cầm bút cho chính mình và cơ quan mình không? Quả là không dễ trả lời các câu hỏi trên.

Trong ngành tòa án, người ta có án lệ, có các vụ xử điểm. Trong ứng xử với báo chí, ở nhiều địa phương, không ít cán bộ hữu trách vẫn nghĩ là mình có đủ quyền và trình độ để chỉnh huấn nhà báo theo ý muốn chủ quan và ích kỷ của họ. Ý thức chính trị, bảo vệ bí mật quốc gia, các yếu tố đạo đức và luật pháp thì người cầm bút nào cũng phải tôn trọng. Nhưng đừng mượn các lý do “cao siêu” nào đó để lấp liếm sự thật về thói ích kỷ, sự vô cảm và nhiều khuất tất của cán bộ cơ sở. Đi đến cùng sự thật để bảo vệ danh dự của ngòi bút, đồng thời bảo vệ chính nhân vật, câu chuyện, vấn đề mà nhà báo đưa ra. Điều này nó cũng rưng rưng giống như việc đưa ra một “án lệ” cho các cuộc tranh biện nảy lửa không ít khi còn tồn tại giữa cán bộ cơ sở và người cầm bút dũng cảm. Rằng, nếu không dám ủng hộ lẽ phải với các giá trị nhân văn mà cộng đồng và nhân loại tiến bộ đang hướng tới, thì trong cách ứng xử với báo chí truyền thông của mình, các vị ấy cũng không nên dùng quyền lực (với các mệnh lệnh hành chính và các văn bản báo cáo thiếu trung thực) để vu vạ cho người cầm bút chân chính. Mà các bên nên gặp nhau ở một bến đỗ: đó là sự tử tế.

Muốn được như vậy, thì tối thiểu nhà báo phải biết trong danh dự, đừng để các cám dỗ tiền bạc, hay quyền lực, hay một cái gì đó tầm thường ích kỷ nó mua chuộc hoặc khuất phục. Và dĩ nhiên, người cán bộ cơ sở, nếu không “truyền lửa” được cho người cầm bút chân chính hướng tới các giá trị nhân văn quý giá, thì ít ra họ cũng phải biết sửa mình để hướng tới các điều đó. Người ta bảo, mưa rơi không cần phiên dịch. Con đường ngắn và giản dị nhất cho bài toán “gặp nhau” này, ấy là tinh thần thượng tôn đạo đức và sự hiểu biết.


Đỗ Doãn Hoàng

 

Các tin khác:
  • Hơn nửa tháng đến các “thành lũy thép” trên biển (01/07/2019-8:55)
  • “Báo chí tự chủ không phải là tự kiếm tiền nuôi nhau“ (27/06/2019-22:54)
  • Cứ viết bằng cảm xúc - đơn giản nhưng là chân thật nhất (27/06/2019-22:49)
  • Nhà báo Đăng Khoa và hành trình lật tẩy trường “ma” GWIS (25/06/2019-22:47)
  • Một số xu hướng nghiệp vụ, nhìn từ Giải Báo chí Quốc gia năm 2018 (22/06/2019-22:02)
  • "Vì bạn đọc, chúng ta phải thay đổi" (22/06/2019-21:58)
  • Trao niềm tin, nhận yêu thương (19/06/2019-20:50)
  • Chuyện tác nghiệp nơi vạn dặm biển khơi (19/06/2019-22:47)
  • Bức tranh' sống động về đất nước (19/06/2019-13:01)
  • Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm và văn hóa (19/06/2019-12:58)