Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Vấn đề sử dụng thông tin mạng xã hội trong tác nghiệp báo chí (02/07/2019-8:10)
    Trước đây, mọi người truy cập internet chỉ để trao đổi thư từ, nắm bắt thông tin, giải trí và mua sắm. Ngày nay, khoảng 2 tỷ dân số thế giới còn đăng nhập các trang mạng xã hội để giao tiếp với người khác. Đây là thói quen của các “cư dân mạng”, đặc biệt là tại các nước đang phát triển”.
Cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội - Ảnh:TL

Báo chí và mạng xã hội

Với tính chất phức tạp, việc sử dụng thông tin mạng xã hội trong tác phẩm báo chí cần cẩn trọng và tuân theo những nguyên tắc nhất định để vừa tránh được những sai phạm như thông tin sai sự thật, thông tin không đầy đủ, vi phạm tính nhân văn,… vừa tạo được hiệu quả thông tin của bài viết.

Luật Báo chí 2016 và văn bản pháp luật hiện hành đã có một số quy định về việc đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí; về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cho báo chí; về trách nhiệm trước pháp luật của cơ quan báo chí đối với thông tin được đăng, phát trên báo chí của mình đã hướng dẫn cơ quan báo chí, nhà báo khi khai thác, xác minh, chọn lựa thông tin đăng, phát trên báo chí phải theo một quy chuẩn chung, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đảm bảo tính chính xác, chân thực của thông tin báo chí và tạo hành lang pháp lý rõ ràng để báo chí tác nghiệp thuận lợi. Theo đó, cơ quan báo chí buộc phải viện dẫn nguồn tin (cá nhân, tổ chức, cơ quan nào cung cấp) khi đăng tải, tức là những thông tin được sử dụng làm tư liệu phải được xác minh có nguồn gốc rõ ràng. 

Điều 2, điều 3, trong Quy chế Xác định nguồn tin trên báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 52/2008/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ rõ: “Cơ quan báo chí, tác giả bài báo phải viện dẫn nguồn tin được sử dụng để đăng, phát trên báo chí. Khi viện dẫn nguồn tin phải thể hiện rõ nguồn tin cho cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cung cấp hoặc thể hiện rõ là theo nguồn tin riêng của phóng viên, nguồn tin riêng của cơ quan báo chí và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ và tính xác thực của nguồn tin”.

Mặt khác, “đối với các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử và các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo nguồn tài liệu của mình nhưng phải viện dẫn nguồn tin theo đúng quy định tại Điều 2 của Quy chế này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã đăng, phát. Cơ quan báo chí phải đảm bảo tính nguyên vẹn, chính xác của thông tin được cung cấp; không được đăng, phát những thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ cho rằng những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân.

Để  sử dụng hiệu quả thông tin tư liệu mạng xã hội 

Một nguyên tắc tiên quyết là các cơ quan báo chí cần tuân thủ tuyệt đối theo các quy định của pháp luật về việc sử dụng thông tin nói chung và thông tin tư liệu mạng xã hội nói riêng trong quá trình duyệt tin bài của phóng viên, nhà báo. 

Thứ hai, về tính xác thực của tư liệu được lấy từ mạng xã hội. Sau khi xác nhận về nguồn gốc thông tin (Facebook cá nhân, số điện thoại, email, địa chỉ người cung cấp), nhà báo cần phải xác nhận về tính chân thực của nguồn tin. Người viết cần liên hệ qua số điện thoại, thư điện tử,… hay gặp trực tiếp để phỏng vấn nhân vật nhằm xác minh thông tin một lần nữa, đồng thời khai thác thêm những dữ kiện mới để làm chất liệu cho những bài viết tiếp theo. Bởi lẽ, thông tin khi đăng tải trên mạng xã hội hoàn toàn có thể xóa đi hoặc thay đổi một cách dễ dàng; ảnh chụp màn hình của thông tin trên trang mạng xã hội tại thời điểm nó xuất hiện là tất yếu cần thiết để làm bằng chứng hoặc phục vụ cho các thao tác về sau.

Kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà báo - Ảnh minh họa

Thứ ba, bên cạnh trách nhiệm kiểm chứng và xác thực thông tin mạng xã hội được sử dụng trong bài viết, phóng viên cần hiểu biết, tôn trọng và thực hiện đúng những quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo do Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành.

Thực hiện Điều 8 Luật Báo chí năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, trên cơ sở các quy định của Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Bộ quy tắc gồm 3 chương và 7 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, trong đó quy định cụ thể 4 việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội và 8 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội để luôn nhắc nhở những người làm báo phải cẩn trọng khi vừa tham gia mạng xã hội như một chủ thể vừa là người khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thông tin dồi dào ấy để phản ánh trên báo chí.

Bởi suy cho cùng, sử dụng tư liệu mạng xã hội là tạo ra hai tầng thông tin tác động đến đám đông công chúng. Những thông tin tư liệu mạng xã hội tự bản thân nó đã tạo ra một tầng thông tin có tác động lan truyền và kích thích đám đông công chúng mạnh mẽ. Khi phóng viên sử dụng thông tin mạng xã hội đó thì đồng nghĩa với việc tiếp tục tạo ra một tầng thông tin thứ hai và khuếch đại thông tin đó đến với công chúng. Thông tin không chỉ dừng lại ở cấp độ thông báo về sự kiện, vấn đề mà còn xác thực tính chính xác, phân tích, giải thích, giải đáp, bình luận về sự kiện, vấn đề.

Trong tác phẩm “Tâm lý học đám đông”, Gustave Le Bon đã chỉ ra rằng: Đám đông thường có khuynh hướng hành động theo quán tính, theo cảm xúc, với ít lý trí và nhiều tình cảm. Những cá nhân trong đám đông thường dễ hùa theo những kích thích ban đầu mang kịch tính để tạo nên một niềm tin tức thời vô điều kiện về thông tin đó mà không cần kiểm chứng.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều thông tin sai lệch trong đời sống nói chung và trên mạng xã hội nói riêng được đám đông công chúng nghe theo và tin ngay. Việc khẳng định, kiểm chứng, phân tích và định hướng thông tin trên mạng xã hội đang dần trở thành một vai trò không thể thiếu trong đời sống báo chí. Để thực hiện tốt vai trò tác động đó thì việc đặt ra và thực hiện theo những quy tắc chung là điều tất yếu cần có trong ý thức của những người cầm bút nói chung và người làm báo nói riêng.

ThS. Trần Minh Tuấn - GV Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Được gì sau những chuyến đi (01/07/2019-9:13)
  • Thước đo cao quý nhất cho phẩm cách nhà báo (01/07/2019-9:08)
  • Hơn nửa tháng đến các “thành lũy thép” trên biển (01/07/2019-8:55)
  • “Báo chí tự chủ không phải là tự kiếm tiền nuôi nhau“ (27/06/2019-22:54)
  • Cứ viết bằng cảm xúc - đơn giản nhưng là chân thật nhất (27/06/2019-22:49)
  • Nhà báo Đăng Khoa và hành trình lật tẩy trường “ma” GWIS (25/06/2019-22:47)
  • Một số xu hướng nghiệp vụ, nhìn từ Giải Báo chí Quốc gia năm 2018 (22/06/2019-22:02)
  • "Vì bạn đọc, chúng ta phải thay đổi" (22/06/2019-21:58)
  • Trao niềm tin, nhận yêu thương (19/06/2019-20:50)
  • Chuyện tác nghiệp nơi vạn dặm biển khơi (19/06/2019-22:47)