Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Sửa đổi để lấy lại niềm tin (19/06/2020-11:04)
    (NLBTH) - Quốc hội vừa chính thức thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó có nội dung đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm kinh doanh. Đây là tin vui cho nhiều người từng là nạn nhân và đang có nguy cơ trở thành nạn nhân của dịch vụ này cũng như cả xã hội, để cùng nhau hướng tới một cuộc sống với chất lượng cao hơn.

Dù là ngành nghề được phép hoạt động, và thực tế việc đòi nợ thuê đã hỗ trợ một số chủ nợ đòi lại được số tiền khó đòi, nhưng chi phí thì lại rất cao, thậm chí lên tới 50% giá trị món nợ đòi được. Vì vậy có thể xem đây là hình thức làm giầu bất hợp pháp dành cho những đối tượng hoạt động dưới vỏ bọc của sự hợp pháp.

Để diễn ra tình trạng này là do vẫn còn thiếu sự chặt chẽ trong quản lý, giám sát từ cộng đồng dân cư, thiếu chế tài để xử lý vi phạm.

Thời gian qua nhiều công ty đòi nợ thuê đã nghĩ ra những slogan rất phản cảm in lên tờ rơi, xe ô tô và tại trụ sở. Có những thời điểm xe của công ty đòi nợ thuê diễu hành số đông trên phố làm mất trật tự xã hội, gây bất an cho người dân.

Đề cập về mặt trái của dịch vụ đòi nợ thuê, nhiều người đánh giá lợi ích mà ngành, nghề này đem lại không tương xứng với tác động tiêu cực của nó đối với xã hội cũng như nguồn lực Nhà nước phải bỏ ra để khắc phục, trấn áp, xử lý hậu quả tội phạm.

Tại một số cuộc họp báo thông tin tình hình tội phạm và trật tự xã hội thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đề cập đến vấn nạn đòi nợ thuê, cho biết việc xử lý, khắc phục hậu quả mà tội phạm núp bóng dịch vụ này gây ra là khá khó khăn.

Hiện nay cả nước có 217 doanh nghiệp thực hiện loại hình dịch vụ đòi nợ thuê, chủ yếu là biến tướng cho vay nặng lãi.

Với mức độ, tính chất nguy hiểm trong hoạt động của một số công ty đòi nợ thuê thời gian qua, dự báo nếu tiếp tục sẽ còn gia tăng nhiều hơn các vụ bạo lực và phức tạp xã hội, người dân sẽ mất niềm tin vào pháp luật.

Dừng hoạt động của loại hình dịch vụ đòi nợ thuê chính là sự chủ động “đóng cửa” một nguy cơ, nhằm tạo ra sự đồng thuận xã hội, góp phần nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là sau khi cấm hoạt động loại hình dịch vụ này cũng sẽ nảy sinh những hệ lụy khác, đòi hỏi nhà đầu tư và mỗi người dân phải nâng cao hiểu biết hơn để có thể bảo vệ mình trước nguy cơ bị chiếm đoạt tài chính.

Đặc biệt, chế tài liên quan đến hoạt động đầu tư, tài chính cần chặt chẽ, nghiêm khắc hơn, trách nhiệm xử lý của cơ quan chức năng phải cao hơn, để người dân có niềm tin thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính mà không còn phải quá lo lắng về nguy cơ rủi ro như trước đây.

Tuệ Vũ

 

Các tin khác:
  • Làm được phải gắn với giữ được (17/06/2020-12:19)
  • Không để tái diễn hình ảnh xấu (15/06/2020-17:49)
  • Chọn nghề và xu hướng đám đông (13/06/2020-22:23)
  • Yêu thương trong thời đại số (12/06/2020-12:14)
  • Cần đặt thể diện lên trên lợi ích cá nhân (10/06/2020-9:43)
  • Thay đổi để hướng tới lợi ích cộng đồng (08/06/2020-10:20)
  • Dung dưỡng cho trào lưu (06/06/2020-19:24)
  • Nâng tầm trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng (05/06/2020-10:12)
  • Xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm quản lý cán bộ, đảng viên (03/06/2020-10:21)
  • Tăng cường sức mạnh bảo vệ trẻ em (01/06/2020-9:47)