Thứ năm, ngày 21/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhà báo với biển đảo quê hương
Nhà báo và tình yêu biển đảo (12/06/2021-9:48)
    Chưa bao giờ các nhà báo lại viết nhiều về biển đảo như thời gian qua. Tác phẩm đoạt giải A báo chí nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm nay cũng là một tác phẩm có nội dung viết về biển đảo.
Nhà báo hải quân Nguyễn Trọng Thiết - Ảnh do tác giả cung cấp

 Nhà báo hải quân Nguyễn Trọng Thiết:

“Lần nào ra đảo tôi cũng khóc”

Thiếu tá nhà báo hải quân Nguyễn Trọng Thiết đã đi khắp 21 đảo, 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa trong 22 năm làm lính biển. Với anh, Trường Sa là nơi anh “mắc nợ suốt đời”. Anh nói:

- Tôi ra Trường Sa lần đầu năm 1999. Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi về chuyến đi đầu tiên đó và tất cả những chuyến đi sau này là anh em trên đảo đều lo lắng, quan tâm, động viên chúng tôi, những người được phân công ra đảo để... động viên họ. Lính đảo nhớ đất liền, nhớ nhà, nhớ cha mẹ, vợ con, bạn gái... nên dồn hết sự yêu thương chăm sóc cho chúng tôi. Họ luôn động viên chúng tôi: “Đất liền cứ yên tâm, anh em chúng tôi ở đây không một giây một phút nào quên nhiệm vụ giữ đảo, giữ biển. Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu và hi sinh vì Tổ quốc, cái thiếu thốn duy nhất là tình cảm quê nhà”...

Lần nào ra đảo tôi cũng khóc, có những chuyến đi 40 ngày, lên sáu đảo, khóc hết cả 1.000 hải lý. Những người đàn ông dạn dày sóng gió, đủ thứ va chạm trong cuộc đời, tưởng như chai sạn nhưng vẫn phải bật khóc vì thấy mình mắc nợ với đồng đội.

* Có phải vì quá yêu Trường Sa mà ngoài việc viết hàng trăm bài trên báo Hải Quân, anh còn thường xuyên cập nhật hình ảnh, cuộc sống, tâm tư của lính biển trên các báo bạn?

- Tôi thấy nhân dân ta còn quá ít thông tin về chủ quyền biển đảo, về vẻ đẹp và tài nguyên phong phú của Trường Sa, của thềm lục địa, quá ít thông tin về tinh thần chiến đấu, sức mạnh của hải quân ta và quyết tâm bảo vệ biển đảo quê hương của các đồng đội tôi. Chính vì thế, tôi ngày càng có ý thức chủ động viết bài, cung cấp hình ảnh, video... về cuộc sống hằng ngày trên đảo, về rèn luyện chiến đấu, về thiên nhiên của Trường Sa yêu dấu.

Nói các bạn đồng nghiệp có thể buồn cười, nhưng tôi đã in 1.000 tấm ảnh hoa bàng vuông, đặc sản Trường Sa, biểu tượng của vẻ đẹp và sức sống Trường Sa để tặng tất cả bạn bè, đồng nghiệp mà tôi quý mến. Tôi còn phóng to tặng cả... dãy quán cà phê trước báo Hải Quân, treo ở chỗ dễ thấy nhất để ai cũng biết một chút hiện diện dù rất bé nhỏ của Trường Sa ở đất liền.

* Đó là với tư cách một nhà báo, còn với tư cách một người lính, anh thấy có thể làm gì ngay cho Trường Sa, cho các đồng đội của anh?

- Tôi đã có bảy chuyến ra Trường Sa, qua tất cả các đảo có người, cả đảo chìm đảo nổi. Và tôi biết tất cả những gì tôi phải trải qua trong các chuyến đi chỉ là một phần rất nhỏ những gì đồng đội tôi đang trải qua hằng ngày, hằng tháng, hằng năm, hay thậm chí hàng chục năm (như một số đảo trưởng và chỉ huy nhà giàn).

Cuộc sống trên đảo đã đỡ khó khăn hơn hẳn những năm đầu tôi biết, càng khác hẳn những năm 1980, sóng điện thoại đã nối tình cảm của lính đảo với đất liền, để một người mất cha thì cả nhà giàn cùng khóc, vợ một người sinh con thì cả đảo cùng vui. Nhưng những người lính càng ngày càng thấm thía “không thể giữ đảo, giữ biển chỉ bằng tình yêu”. Khi xảy ra chiến sự, người lính không thể dựa vào địa hình địa vật để chiến đấu như trên đất liền. Phải có phương tiện và vũ khí hiện đại, đủ mạnh để chống lại kẻ xâm lược.

Chúng tôi biết các vị lãnh đạo Nhà nước đã khóc khi nhìn thấy những người tay không, một tấc không đi, một li không rời để giữ đảo, rồi lần lượt ngã xuống. Hải quân VN đã và đang được hiện đại hóa dần dần. Nhưng chúng tôi vẫn luôn luôn cần thấy cả đất nước đứng sau lưng những người lính. Chúng tôi cần, mỗi ngày, mở trang báo, gọi điện cho người thân, biết rằng cả nước biết chúng tôi đang giữ đảo, canh biển như thế nào, và hãy vững lòng tin vào những người con ở nơi xa xôi này.

 

Trao giải cuộc thi “Tôi yêu nghề báo”

Sáng 19-6 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã diễn ra lễ tổng kết, trao giải cuộc thi “Tôi yêu nghề báo” năm 2011. Giải do khoa báo chí - truyền thông (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) và Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức.

Cuộc thi năm nay thu hút 526 tác phẩm của 454 phóng viên, sinh viên, bác sĩ, luật sư, giáo viên... từ 37 tỉnh thành trên cả nước tham gia. Tác giả Nguyễn Tập (đang du học ở Mỹ) đã giành giải đặc biệt của cuộc thi với phần thưởng 10 triệu đồng với tác phẩm Ác mộng Haiti viết về cảm nghĩ từ chuyến đi tác nghiệp trong thảm họa động đất ở Haiti năm 2010.

Phước Tuần

NnU5fvFn.jpg
Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm

Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm:

“Chủ quyền biển đảo luôn ám ảnh tôi”

Giải A báo chí quốc gia năm 2011 đã thuộc về nhà báo Nguyễn Đăng Lâm (TTXVN tại Quảng Ngãi) với loạt bài “Lý Sơn - bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa”. “Giải thưởng này thuộc về tất cả những ai đau đáu với chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa như tôi” - ông nói.

* Ông còn nhớ lần đầu tiên mình ra Lý Sơn là lúc nào không, cảm giác khi ấy thế nào?

- Đó là một ngày đầu hè năm 1991, cách đây đúng 20 năm. Khi đứng trước Âm Linh tự, cảm giác ban đầu thật bình thường như những đình làng, miếu mạo trong đất liền... Nhưng sau đó chính Âm Linh tự đã ám ảnh tôi... Đến khi lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn được phục dựng, tôi càng hiểu hơn vì sao vùng đất này lại trở thành nỗi trăn trở.

Chính Lý Sơn đã cho tôi thêm những tư liệu mới về con người ở đảo giàu lòng yêu nước, ý thức coi trọng, giữ gìn báu vật của cha ông về chủ quyền biển đảo quê hương. Hàng trăm năm nay các tộc họ trên đất đảo đã và đang gìn giữ, bảo vệ, lưu truyền từ đời này đến đời khác cả một hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú. Lý Sơn chính là bảo tàng sống về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

* Ông nói chính lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã “tiếp sức” làm trỗi dậy ý thức về chủ quyền biển đảo?

- Nếu ai đã từng một lần chứng kiến lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra ngay trên đất đảo Lý Sơn, tôi đoan chắc họ sẽ tưởng tượng cảnh cắm mốc, đo đạc hải trình của những hùng binh Hoàng Sa thuở ấy. Điều này đã thúc giục tôi phải xâu chuỗi lại toàn bộ các sự kiện từ hệ thống văn hóa vật thể (Âm Linh tự, các nhà thờ tộc họ) đến hệ thống văn hóa phi vật thể (lễ khao lề thế lính Hoàng Sa) và cuối cùng là tờ lệnh quý báu mà tộc họ Đặng Lên ở Lý Sơn đã gìn giữ suốt mấy trăm năm trước khi hiến tặng cho Nhà nước. Tờ lệnh quý báu này đã giúp nhiều người biết đến đảo Lý Sơn hơn, biết nhiều hơn về việc Hoàng Sa - Trường Sa là do những con dân Lý Sơn cai quản từ hơn 300 năm về trước.

* Cảm nghĩ của ông khi được nhận giải A báo chí quốc gia?

- Thật ra chủ quyền về Hoàng Sa - Trường Sa là một đề tài luôn “nóng”, nhất là với giới báo chí. Chính vì lẽ đó cụm từ “chủ quyền biển đảo” luôn ám ảnh không riêng gì bản thân tôi mà rất nhiều đồng nghiệp khác. Chỉ có điều tôi may mắn hơn khi biết tìm cách xâu chuỗi lại các sự kiện liên quan với nhau, từ đó lẫy ra ý thức về chủ quyền biển đảo. Loạt bài viết về những giá trị lịch sử văn hóa biển đảo tại Lý Sơn nhằm góp thêm một tiếng nói để độc giả, bạn bè trong và ngoài nước hiểu hơn về Lý Sơn của Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tháng trước, khi Tuổi Trẻ khởi động chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, tôi nhớ thượng tá Đỗ Minh Tuấn, trưởng ban thanh niên Quân chủng hải quân, có nói đại ý: “Nhiều doanh nhân khi ở đất liền cũng băn khoăn chuyện nộp thuế, ra đây rồi mới thấy rằng mình còn nợ đất nước nhiều quá”. Ai đã ra Trường Sa và thềm lục địa, khi chia tay đều thấy mình mắc nợ với mảnh đất giữa trùng dương này.

Chuyến đi hồi tháng 5-2009, khi chúng tôi vào đảo Thuyền Chài, chuẩn bị chia tay, chợt anh Nguyễn Văn Dũng - thượng úy, điểm trưởng điểm B - tâm sự với một đồng nghiệp của chúng tôi làm ở báo Giáo Dục Và Thời Đại rằng giữa trùng khơi, đối mặt với bao hiểm nguy anh không hề ngán ngại, nhưng nghĩ đến cảnh vợ anh, ở quê nhà huyện Yên Hưng (Quảng Ninh), dạy học ở một ngôi trường cách nhà 40km, mỗi ngày phải dậy từ sớm, mang con nhỏ 4 tuổi đi gửi rồi chạy xe đến trường.

Mùa mưa rét, có khi tối mịt mới về nhà. Đang nghe câu chuyện của Dũng, trung úy Đỗ Văn Huyên - cũng là sĩ quan trên đảo Thuyền Chài - tâm sự ở quê vợ anh cũng là giáo viên, cũng đi dạy xa nhà, hai con nhỏ đứa 2 tuổi, đứa 9 tuổi. Cứ nghĩ đến chuyện vợ đi dạy xa và hai đứa con bé nhỏ ở nhà là lại thấy âu lo.

Trở về, tôi lên đề cương cho một chuyến đi tìm hiểu câu chuyện này và mong muốn Bộ GD-ĐT có một chính sách phối hợp với Quân chủng hải quân, rằng với những sĩ quan thâm niên, công tác lâu dài ở Trường Sa, có lẽ nên có một chính sách ưu tiên cho vợ của họ được dạy gần nhà.

Đó cũng là một cách “Góp đá xây Trường Sa” vậy. Bởi xây Trường Sa vững chãi cũng nên bắt đầu từ chuyện để người lính yên tâm hơn khi nghĩ về hậu phương.

 

Theo Tuổi trẻ
Các tin khác:
  • Tác nghiệp nơi đầu sóng (12/07/2018-11:21)
  • Chúng tôi đi làm ký sự “Biển, đảo quê Thanh” (01/02/2018-15:21)
  • Những người “trai Sông Mã” bảo vệ biển, đảo Việt Nam (31/01/2018-7:17)
  • Đau đáu Hoàng Sa (20/01/2018-7:40)
  • Trường Sa hôm nay (05/10/2017-23:07)
  • Vĩnh biệt ‘nhà báo của Trường Sa’ Nguyễn Đình Quân (08/09/2017-14:19)
  • Kết hợp quân - dân trong bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo (25/08/2017-8:54)
  • Trường Sa - đã gặp, không quên (11/07/2017-8:51)
  • Tác nghiệp nơi đảo xa (11/07/2017-8:43)
  • Nhà báo với Trường Sa (19/06/2017-8:49)