Những định hướng đổi mới then chốt trong mô hình kinh doanh, chiến lược nội dung và phương thức phát triển công nghệ cùng giải pháp tháo gỡ nút thắt về cơ chế… đều là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Những định hướng đổi mới then chốt
+ Báo Thanh Niên, xuất thân từ tờ báo in và sau đó mới làm điện tử, nhưng là một trong những tờ báo in chuyển đổi số khá sớm và hiệu quả cả về quy trình làm việc và kênh đăng tải, đặc biệt là mấy năm gần đây. Xin Tổng Biên tập chia sẻ đôi điều về lộ trình chuyển đổi số của tờ báo?
- Chuyển đổi số là tất yếu. Báo chí tham gia chuyển đổi số khá sớm do tính chất gần gũi với ngành công nghệ thông tin. Với báo Thanh Niên, chuyển đổi số là phương tiện để tăng hiệu quả, hiệu suất của truyền thông, qua đó làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị của tờ báo. Chuyển đổi số có thể thay đổi theo giai đoạn về phương thức thực hiện, nhưng vẫn phải xuất phát từ cái gốc là nội dung. Mà nội dung thì gắn với quy trình sản xuất. Cho nên chúng tôi quan niệm cần xây dựng được quy trình sản xuất mới đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trên toàn bộ hệ sinh thái đa nền tảng.
Bắt đầu là nhận thức và kỹ năng của phóng viên phải được thay đổi, để sản phẩm của họ phù hợp với các nhu cầu đọc kiểu mới. Tiếp theo là cơ chế vận hành toà soạn phải thay đổi để tối ưu nguồn lực, trong đó phức tạp nhất là cơ cấu tổ chức bộ máy: phân công nhiệm vụ như thế nào giữa các ban chuyên môn và toà soạn trong điều kiện phải đưa tin nhanh, đưa tin đa dạng trên nhiều kênh cùng một lúc? Rồi việc giám sát nội dung, theo dõi và xử lý phản hồi cũng hết sức quan trọng để hạn chế thấp nhất sai sót.
Khi đã giải quyết được về cơ bản những vấn đề mang tính hệ thống như trên, công nghệ là bước tiếp theo giúp cho toàn bộ quá trình tái cơ cấu, tái định nghĩa nói trên vận hành mượt mà, tiết kiệm được sức lực và thời gian. Ngoài ra, công nghệ còn là chìa khoá để tạo ra và tăng nguồn thu quảng cáo, khi mà các doanh nghiệp đã dứt khoát “đặt cược” vào các nền tảng quảng cáo số, trong đó báo chí chỉ là một trong số các kênh lan toả. Đó là những định hướng đổi mới then chốt trong quá trình chuyển đổi số ở Báo Thanh Niên chúng tôi.
+ Để có được kết quả đó, Báo Thanh niên cũng đã trả không ít “học phí” với nhiều cách làm khác nhau, nhiều thử nghiệm khác nhau... Mỗi kỳ đổi mới, thử nghiệm ấy, thưa ông điều quan trọng nhất phải chăng là sự đồng lòng của BBT, thay đổi bắt đầu từ con người?
- Chính xác là như vậy. Chuyển đổi số khi bước vào giai đoạn tăng tốc sẽ vừa đem lại những hiệu quả lớn bất ngờ, đồng thời cũng chứa đựng những rủi ro nhất định. Hiệu quả trước tiên là sự thay đổi nhận thức và hành động khi phù hợp với quy luật khách quan của sự vận động sẽ tạo ra một nền móng mới cho mỗi cơ quan báo chí có điều kiện phát triển ổn định về dài hạn, sau khi vượt qua cú sốc lấy đà ban đầu. Nhưng rủi ro cũng có thể xuất hiện ở những dự án cụ thể, những kế hoạch cụ thể trong cả khâu thiết kế và triển khai. Rủi ro về tài chính, đặc biệt với các dự án đầu tư công nghệ; rủi ro về quản trị (khi các giải pháp tái cơ cấu tác động đến đội ngũ người làm báo).
Nếu BBT không nhất trí về tầm nhìn, về quyết tâm, về chính sách thì khi gặp khó khăn trước mắt sẽ chùn bước, đi chậm lại, hoặc sẽ chọn lựa những quyết sách nửa vời, hoặc sẽ không thuyết phục, lôi cuốn được đội ngũ bên dưới…. Làm công tác tư tưởng thông qua giải thích, vận động; tạo động lực bằng cơ chế thưởng và phạt, tuyển dụng và chấm dứt sử dụng lao động… bao giờ cũng là những nguyên lý muôn thuở nhưng chưa bao giờ quan trọng như lúc này.
Khi mà bạn đọc là trung tâm của mọi chiến lược tăng trưởng
+ Hiện nay các cơ quan báo chí đứng trước nhiều lựa chọn: Tăng trưởng theo chiều rộng (tăng lượng traffic) hay phát triển theo chiều sâu (bạn đọc trung thành)... Quan điểm của ông trong vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Cùng với sự lớn mạnh của báo điện tử, một mô hình kinh doanh mới cũng hình thành, đó là các loại quảng cáo hiển thị gắn với lượt xem (traffic) đem lại nguồn thu đáng kể cho các cơ quan báo chí cho đến cả bây giờ. Trong nhiều trường hợp, một sự kết hợp khôn ngoan giữa thu quảng cáo, thu phí đọc báo và các nguồn thu khác đã tạo ra niềm tin cho các tờ báo về triển vọng vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay và hứa hẹn về một mô hình phát triển bền vững hơn.
Điều kiện quan trọng để mô hình này hoạt động, chính là mỗi tờ báo phải tạo ra được sự gắn kết liên tục với bạn đọc, hiện thực hoá bằng một cộng đồng bạn đọc trung thành với những giá trị mà tờ báo đó đại diện. Khoản phí đọc báo mà bạn đọc trả (tốt nhất là định kỳ) giống như sự cam kết hai chiều về chất lượng và kỳ vọng giữa bạn đọc với cơ quan báo chí.
Lúc này, số lượng bạn đọc, bao gồm cả bạn đọc vãng lai, bạn đọc trung thành và bạn đọc yêu thích, mới cho hình dung tốt nhất về tiềm lực tăng trưởng của tờ báo. Điều thú vị là nhận thức mới này cũng đưa cách tiếp cận của người làm báo điện tử lại gần với người làm báo in truyền thống, khi mà bạn đọc là trung tâm của mọi chiến lược tăng trưởng.
+ Bạn đọc là trung tâm của mọi chiến lược tăng trưởng nhưng để có lượng bạn đọc trung thành quả thực không dễ trong bối cảnh hiện nay, thưa Tổng Biên tập?
- Lựa chọn mô hình tăng trưởng nào, một mặt tuỳ thuộc vào chiến lược của mỗi cơ quan báo chí, không thể có công thức thành công chung cho tất cả. Mô hình thu phí bạn đọc chưa chắc đã hiệu quả với mọi tờ báo Việt Nam ở thời điểm hiện nay. Môi trường báo chí còn chứa đựng quá nhiều yếu tố cản trở sự hình thành các cộng đồng bạn đọc dựa trên giá trị. Tuy vậy, dự báo của chúng tôi là năm 2023 sẽ đánh dấu sự khởi động thực chất của mô hình này trên thực tế, dù hiệu quả rõ rệt có lẽ sẽ chỉ đánh giá được sau 2-3 năm nữa.
Quan trọng ở thời điểm này là mỗi Ban biên tập phải xác định tốc độ và mục tiêu phù hợp để không bị “hiệu ứng tuyết lăn” cuốn theo khi chưa chuẩn bị sẵn sàng. Không phải dựng lên được “tường thu phí” là có bạn đọc trung thành, cũng không thể tự cho rằng chất lượng nội dung của mình tốt hay khác biệt là sẽ có bạn đọc trung thành…
Sự gắn kết giữa bạn đọc với báo điện tử đòi hỏi cách tiếp cận tổng thể kết hợp nghiên cứu phát triển nội dung với duy trì các hoạt động tương tác online và offline, xây dựng thương hiệu, sự tham gia sâu của các giải pháp công nghệ… Tất cả những việc đó đều phát sinh chi phí rất lớn, cả về tài lực và nhân lực. Khó là vậy.
+ Tôi rất quan tâm về giải pháp ông từng đặt ra đó là cần tháo gỡ nút thắt về cơ chế để báo chí tự thân vận động đi lên mới là “kế sâu rễ bền gốc”. Cơ chế thúc đẩy quan trọng nhất, theo ông là gì thời điểm này?
- Câu chuyện này đã được đặt ra ở các cấp lãnh đạo, quản lý quốc gia, đó là xây dựng các tập đoàn báo chí - truyền thông mạnh. Việc triển khai chủ trương trên rõ ràng đã rất chậm trễ. Cho dù vì nguyên nhân gì thì cũng cần sớm tháo gỡ để báo chí Việt Nam tranh thủ được những tiến bộ công nghệ 4.0 hiện nay. Kéo dài thêm nữa sẽ không có lợi cho sự phát triển chung của đất nước, trong đó các cơ quan báo chí có vai trò rất trọng yếu đối với sự ổn định chính trị, tư tưởng của nhân dân, cán bộ.
Cơ chế thúc đẩy cụ thể thì các cơ quan chức năng sẽ tính toán, nhưng theo tôi cần thiết là chính sách ưu đãi để hợp tác, liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp. Ở giai đoạn quá độ về chuyển đổi số hiện nay, tình hình kinh tế báo chí rất khó khăn nên mọi biện pháp làm giảm nhẹ thuế Thu nhập doanh nghiệp và Thu nhập cá nhân sẽ có tác động tích cực đến tâm lý người làm báo và định hướng phát triển của các cơ quan báo chí.
+Vâng, trân trọng cảm ơn ông!
Theo Vân Hà (Thực hiện)/Báo NB&CL
https://www.congluan.vn/chuyen-doi-so-co-the-thay-doi-theo-giai-doan-nhung-phai-xuat-phat-tu-cai-goc-noi-dung-post229103.html