Thứ sáu, ngày 03/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Hồng Vinh: Một trong những người xung kích đổi mới báo Đảng (14/02/2017-10:27)
    PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh - một trong những nhà báo lâu năm của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay. Sự nghiệp báo chí của ông gắn liền với những năm tháng đổi mới của tờ báo Đảng - tờ báo “anh cả” của làng báo Việt Nam và nâng tầm vị trí của Hội Nhà báo Việt Nam khi ông làm Chủ tịch.

Chân dung nhà báo Hồng Vinh

Cây bút gắn liền với những dấu mốc lịch sử

Trưởng thành từ “người lính” dưới bóng cây đa ở số 71 phố Hàng Trống, cạnh Hồ Gươm thơ mộng, trong những năm tháng đất nước sục sôi chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, năm 1971, theo chỉ đạo của Ban Biên tập Báo Nhân Dân, ông có mặt ở các tuyến đường trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Với vai trò người cầm bút, đồng thời là người lính vượt qua nhiều hiểm nguy, ông đã đến với nhiều đơn vị thanh niên xung phong, bộ đội phòng không, vận tải,... ghi chép tư liệu và phản ánh kịp thời khí thế “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “quyết tử cho đường quyết thông” của các đơn vị bảo vệ con đường huyết mạch cửa ngõ vào hệ thống đường Trường Sơn - mang tên “Quyết Thắng” và các tuyến số 10, 33, 37... mù mịt đạn bom suốt ngày đêm.

Những phóng sự ông viết ngay dưới những căn hầm bên ngọn đèn dầu lạc, khói bám đen cả mũi và trong viết về ý chí sắt đá của những con người “thép” quyết khai thông mạch máu giao thông trong mọi tình huống hiểm nghèo, đã kịp thời được chuyển ra đăng Báo Nhân Dân và đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sau những ngày tháng gian khổ trên chiến trường, từ những con đường “Quyết thắng” đến chiến trường Bình Trị - Thiên khói lửa, tháng 9/1972, ông được điều động ra Hà Nội nhập vào tổ “phóng viên quân sự” của Báo Nhân Dân phản ánh cuộc chiến đấu hào hùng của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm (1972) đập tan cuộc không kích chiến lược bằng pháo đài bay B52 của đế quốc Mỹ, làm nên kỳ tích “Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào tháng 1/1973.

Năm 1982, ông được cử đi làm nghiên cứu sinh về báo chí tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Trở về nước, ông được Ban Biên tập cử lần lượt phụ trách các Ban: Thư ký, Quốc tế, Chính trị - xã hội (trước đó ông phụ trách các Ban Văn hóa - Văn nghệ, Khoa giáo), đặc biệt làm phóng viênthường trú ở Nam Bộ và Tây Nguyên sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng năm 1975.

Một nhà báo chân chính thì dù thời nào anh cũng phải tự xác định mình như một người chiến sĩ sẵn sàng xung trận, ngọn bút vừa phải góp phần bồi đắp tâm hồn cho xã hội, vừa phải góp phần làm trong sạch môi trường xã hội - Nhà báo Hồng Vinh tâm sự.

Một trong những kỷ niệm sâu sắc trong hành trình làm báo là tháng 7/1992, ông được cử làm Trưởng đoàn nhà báo ra Trường Sa phản ánh cuộc bầu cử Quốc hội khóa VIII. Đến nay, ông vẫn lưu giữ tấm thẻ cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội tại huyện đảo Trường Sa, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Kỷ niệm sâu sắc đó, được ông ghi lại trong bài thơ “Tấm thẻ cử tri Trường Sa”

“Cứ mỗi mùa bầu cử
Tôi nhớ hoài đảo xa
Lại lục tìm tấm thẻ
Làm cử tri Trường Sa!...”

Những gian nan, vui buồn, sướng khổ... của người làm báo, đã được ông phản ánh trong cuốn sách gồm 700 trang khổ rộng mang tên “Đất nước qua những chặng đường làm báo”, xuất bản vào năm 2007.

Nhà quản lý với tầm nhìn đột phá

Năm 1996, với trọng trách Uỷ viên Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị phân công làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời làm báo của ông. Trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước, ông cùng Ban Biên tập và tập thể cán bộ, phóng viên đưa Báo Nhân Dân từ 4 trang tăng lên 8 trang, đồng thời xuất bản thêm ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần và Nhân Dân hằng tháng.

Có thể coi đây là bước ngoặt lớn trong sự phát triển về chất của báo, vì không đơn thuần chỉ là tăng trang, tăng số lượng ấn phẩm, mà điều quan trọng là các ấn phẩm của báo đã có thêm nhiều chuyên mục mới, lượng thông tin đa dạng, phong phú hơn, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin đối nội, đối ngoại của đông đảo bạn đọc trong cả nước.

Theo hướng đó, ông lại xây dựng và triển khai Đề án xuất bản Báo Nhân Dân điện tử tiếng Việt vào 21/6/1997 và đúng một năm sau ra báo điện tử tiếng Anh. Cũng trên cương vị Tổng Biên tập, ông còn thể hiện tầm nhìn xa khi xây dựng các cơ quan đại diện thường trú nước ngoài đầu tiên của Báo Nhân Dân tại Paris, Băng Cốc và Bắc Kinh.

Năm 2000, nhà báo Hồng Vinh được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2000 - 2005, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Liên đoàn báo chí ASEAN giai đoạn 2003 - 2005. Năm 2001, ông được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX. Một trọng trách mới nặng nề hơn rất nhiều đến với ông khi được giao nhiệm vụ là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác báo chí và xuất bản; đồng thời vẫn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Với trọng trách là Chủ tịch Hội, năm 2003, Hội Nhà báo Việt Nam đã giúp Hội Nhà báo Lào xây dựng Trung tâm làm việc tại Thủ đô Viêng Chăn, thể hiện tình cảm keo sơn giữa hai Hội Nhà báo Việt - Lào.
Không chỉ tham gia các diễn đàn báo chí quốc tế và khu vực, ông cùng Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức 3 cuộc Hội thảo quốc tế với chủ đề “Báo chí với vai trò xây dựng đất nước và phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc”.

Tuy kiêm nhiệm Chủ tịch Hội, nhưng ông luôn bám sát hoạt động công tác Hội, chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động, nhất là trên lĩnh vực nghiệp vụ, chuyên môn; qua đó nâng cao vai trò, vị trí của Hội. Ông cùng Ban Thường vụ xây dựng đề án “Đổi mới tổ chức và phương hướng hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí”; trên cơ sở đó, tăng cường giúp các Hội địa phương bồi dưỡng tri thức và kỹ năng thao tác nghiệp vụ cho hội viên nhà báo các cấp.

Một trong những dấu ấn quan trọng của Ban Thường vụ Hội dưới thời ông là Chủ tịch, đã xây dựng tờ trình đề xuất Ban Bí thư ra Chỉ thị số 37 về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam. Với văn bản có tính pháp lý đó, các tổ chức Hội Nhà báo địa phương tham mưu đắc lực giúp cấp ủy và chính quyền từng bước khắc phục nạn “ba không” (không trụ sở, không biên chế, không kinh phí). Một lần nữa, vai trò Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp được khẳng định rõ thêm nội hàm; là chỗ dựa vô cùng quan trọng để các cấp Hội triển khai có hiệu quả tôn chỉ mục đích của mình.

Cũng từ thực tiễn Giải báo chí toàn quốc hằng năm của Hội Nhà báo Việt Nam, các thế hệ lãnh đạo Hội kế tiếp đã trình Đề án nâng tầm Giải báo chí toàn quốc thành Giải báo chí quốc gia và được Thủ tướng phê duyệt. Từ đó, Hội đã triển khai có kết quả trong 10 năm qua, kịp thời vinh danh các tác giả có những tác phẩm phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập và đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.

Với Hồng Vinh, dù ở cương vị Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội Nhà báo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), hay đại biểu Quốc hội; ông vẫn luôn giữ trong mình ngọn lửa đam mê nghề nghiệp cùng nghĩa vụ và trách nhiệm của một nhà báo lớn trước đất nước và xã hội./.

Theo Nam Dương/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Nội dung câu view trên báo chí sẽ không còn đất sống? (11/02/2017-11:41)
  • Chất văn trên trang báo ngày xuân (11/02/2017-10:18)
  • Xuân mới nhiều ước vọng… (11/02/2017-10:13)
  • Để nghề báo thêm vinh quang và cao quý (18/01/2017-8:31)
  • Báo chí đang nhìn lại mình và tìm hướng đi mới (18/01/2017-7:50)
  • Cái gì bền vững sẽ là bền vững… (03/01/2017-6:37)
  • Sinh động, sát thực tế đời sống (31/12/2016-8:54)
  • “Dăm hôm lại đau tim một lần…” (23/12/2016-9:50)
  • Phải viết làm sao để chạm tới trái tim độc giả?! (17/12/2016-7:46)
  • Tôi thích ảnh gắn với cuộc sống (15/12/2016-7:43)