Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu với nhân dân (07/10/2018-16:10)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng năm 2018 - Giải Búa liềm vàng

Bài 1: Giảm bức xúc, tăng trách nhiệm

Thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; Quyết định số 1737-QĐ/TU ngày 11-11-2014 của Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành quy định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện tổ chức hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn với nhân dân. Thực hiện các quy định trên, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, lắng nghe, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội.

 

Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân xã Đông Quang, huyện Đông Sơn.  

 

Giải tỏa những băn khoăn, bức xúc của nhân dân

Sau khi ban hành Kế hoạch số 187/KH-MTTQ-BTT ngày 1-9-2017 về tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn với nhân dân năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức tập huấn triển khai đến ban thường trực ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố và chủ tịch ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn trong tỉnh; phối hợp với UBND tỉnh ban hành Công văn số 11093/UBND-THKH ngày 14-9-2017, về hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với MTTQ cùng cấp hướng dẫn chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trực thuộc tổ chức thực hiện.

Ở cấp huyện, ban thường trực ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố đã bám sát nội dung hướng dẫn của tỉnh để xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn với nhân dân năm 2017 phù hợp với địa phương mình, lựa chọn từ 1 đến 2 xã, phường, thị trấn để tổ chức làm thí điểm, rút kinh nghiệm, tổ chức ra diện rộng trên toàn địa bàn.

Cuối năm 2017 phường Ba Đình là một trong những đơn vị của TP Thanh Hóa triển khai sớm việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với người dân. Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến đã phản ánh, chất vấn đồng chí Hoàng Đình Hùng, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường về  những vấn đề bà con đang quan tâm như: Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh buôn bán gây mất trật tự, mỹ quan đô thị; việc xã hội hóa  xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, cống rãnh thoát nước ở một số tuyến phố; có tiếp tục thi công xây dựng nhà văn hóa phố Đào Duy Từ 2 hay dừng lại? Đồng chí chủ tịch UBND phường đã lắng nghe tất cả các ý kiến của bà con và có câu trả lời thỏa đáng. Đồng chí khẳng định: Việc thi công xây dựng nhà văn hóa phố Đào Duy Từ 2 vẫn được thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình làm đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc do chuyển diện tích từ 80m2 lên 170m2, kinh phí xây dựng từ 880 triệu đồng lên 1,2 tỷ đồng và thay đổi chủ đầu tư nên phải hoàn chỉnh một số thủ tục cần thiết, vì vậy công trình chưa được hoàn thành theo kế hoạch.

 Bác Nguyễn Công Cẩn, trưởng phố Đào Duy Từ 2, nhận xét: Những điều bà con còn băn khoăn thì qua cuộc đối thoại đã được giải tỏa. Đồng chí chủ tịch phường trả lời khá rõ ràng và đầy đủ, giúp mọi người hiểu rõ được nội dung của sự việc. Đối với công tác chỉnh trang đô thị, đồng chí chủ tịch phường cam kết chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ tháo dỡ các công trình lấn chiếm đất công, đồng thời vận động nhân dân đóng góp thêm kinh phí làm rãnh thoát nước bảo đảm mỹ quan đô thị... Các vấn đề khác về đầu tư hệ thống điện chiếu sáng ở một số tuyến phố, sáp nhập phố,  đấu tranh với tệ nạn xã hội cũng được đồng chí chủ tịch phường giải thích trước nhân dân và cam kết các giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Theo đồng chí  Hoàng Đình Hùng, hội nghị đối thoại là bước đột phá trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng gần dân, sát cơ sở, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Khi nảy sinh những vấn đề bất cập, thay vì người dân phải tìm đến các cơ quan công quyền để giải quyết thì nay chính quyền đã chủ động tìm đến người dân để lắng nghe, đồng thời giải đáp để dân hiểu và tin tưởng hơn. Việc trao đổi thông tin hai chiều giúp mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân gần gũi, cởi mở hơn, từ đó tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Mới đây nhất, ngày 17-9-2018, xã Đông Quang (huyện Đông Sơn) là đơn vị lần thứ hai tổ chức hội nghị chính quyền đối thoại với người dân, thu hút gần 100 người dân tham gia với 14 lượt ý kiến chất vấn, đối thoại. Trong đó, nhiều câu hỏi xoáy vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền trong việc tiếp tục hoàn thiện và giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới; tình trạng một số đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu tại một số chi bộ; cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao. Bà con đề nghị chính quyền có giải pháp khắc phục tình trạng bỏ ruộng, gây lãng phí đất canh tác;  vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự; vẫn còn tình trạng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, cây, con giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ chưa được giải quyết triệt để... gây bức xúc trong nhân dân.

Tại hội nghị đối thoại, đồng chí Lê Doãn Kính, Chủ tịch UBND xã Đông Quang, khẳng định: Các nội dung liên quan đến công việc được giao, lãnh đạo UBND xã sẽ giao cho các cán bộ thuộc lĩnh vực phụ trách để triển khai thực hiện. Những vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp như: Tình trạng ruộng sâu trũng, không thuận tiện trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, dẫn đến tình trạng bỏ ruộng tập trung chủ yếu ở thôn 5, xã đã họp bàn với thôn, nhất trí giao cho thôn nạo vét kênh mương để khơi thông dòng chảy, mở rộng đường giao thông nhằm khắc phục tình trạng trên. Với nguồn ngân sách xã còn hạn chế, xã chủ trương sẽ tập trung xử lý những nơi nào cần thiết trước chứ không đầu tư dàn trải. Đối với vấn đề vệ sinh môi trường, lãnh đạo xã đang nghiên cứu để xây dựng thêm 1 bãi rác thải ở cách xa khu dân cư; đồng thời, yêu cầu đơn vị thu gom rác thải đúng thời gian quy định...

Sau khi nghe trả lời của chủ tịch UBND xã, ông Ngô Đình Lương, thôn 2, xã Đông Quang nhận xét: Các vấn đề người dân chất vấn đã được đồng chí chủ tịch UBND xã nhận trách nhiệm, giải trình và hứa sẽ có giải pháp khắc phục. Điều đó thể hiện tinh thần cầu thị của người đứng đầu địa phương, giúp mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân gần gũi, cởi mở hơn, từ đó tạo sự đồng thuận giải quyết các vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội.

Tăng trách nhiệm thực thi công vụ

Đến nay đồng chí Hà Văn Năng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa) còn nhớ:  Tại hội nghị đối thoại cuối năm 2017 với sự tham gia của hơn 200 người dân, vấn đề mà bà con quan tâm là việc xử lý rác thải tại bãi rác của xã Hoằng Trung, “hàng xóm” của làng Trinh Nga và bãi chứa rác thải thôn Xuân Hội, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) giáp ranh khu dân cư làng Thanh Nga (xã Hoằng Trinh) đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề vệ sinh môi trường của xã, người dân đã có ý kiến rất nhiều lần tại các cuộc tiếp xúc cử tri mà vẫn chưa được giải quyết triệt để. Việc kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng gây ảnh hưởng đến chất lượng giống cây trồng, vật nuôi. Hay tình trạng vi phạm đất đai đã tồn đọng từ nhiều năm nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm; hiện tượng lén lút khai thác đá trái phép ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, khu an táng của người dân; hay việc các chủ rừng rào chặn đường lên khu an táng của người dân trong xã...

Ngay trong buổi đối thoại, đồng chí Hà Văn Năng đã cam kết và chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng trực thuộc giải quyết ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền.  Sau hội nghị đối thoại, đồng chí chủ tịch UBND xã cùng tập thể lãnh đạo đã tập trung quyết liệt việc xử lý các hộ vi phạm hành lang kênh mương, hành lang an toàn giao thông; xử lý việc khai thác đá lén lút của hộ gia đình trên địa bàn xã bằng việc yêu cầu hộ gia đình vi phạm ký cam kết không tái phạm với UBND xã; giải quyết ổn thỏa một số vướng mắc giữa chủ rừng với các hộ dân có phần mộ tại khu an táng...  Đối với những nội dung vượt thẩm quyền như quy hoạch bãi rác liên quan đến các xã, huyện lân cận, UBND xã đã báo cáo tại các cuộc họp HĐND, UBND huyện, đến nay sự việc đã từng bước được giải quyết.

Đồng chí Hà Văn Năng cũng cho biết, qua hội nghị đối thoại, có những ý kiến đã phản ánh thẳng thắn về thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức xã, qua đó giúp cho lãnh đạo xã nắm bắt, chấn chỉnh kịp thời. Từ đó, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức được nâng lên. Người dân tin tưởng, mạnh dạn hơn trong việc phát biểu, góp ý tại các cuộc họp thôn, họp xã.

Không chỉ thực hiện đối thoại định kỳ, việc đối thoại trực tiếp đã được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền lắng nghe sâu sát hơn những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tháo gỡ kịp thời những vấn đề nóng, hạn chế bức xúc xã hội, phát sinh khiếu kiện. Cách đây chưa lâu,  nhằm tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại Khu du lịch biển Hải Tiến, đồng thời tổ chức lực lượng ra quân thực hiện đợt cao điểm giải tỏa lều quán, xe đẩy bán hàng rong vi phạm,  ngày 11-5-2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Hoằng Hóa đã tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa tổ chức buổi tiếp xúc, đối thoại với người dân xã Hải Tiến. Các ý kiến của nhân dân đã được người đứng đầu chính quyền tiếp thu, trao đổi, giải trình làm rõ. Tại buổi đối thoại, lãnh đạo huyện Hoằng Hóa đồng thời đã tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu đúng về chủ trương của huyện trong việc lập lại trật tự tại Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến là nhằm xây dựng Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến trở thành khu du lịch trọng điểm, văn minh, hiện đại, là điểm đến hấp dẫn của du khách; cũng là nhằm tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con. Qua buổi đối thoại, người dân đã hiểu, chia sẻ và đồng thuận hơn với chủ trương của huyện.

Năm 2017 - năm đầu triển khai tổ chức hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn với nhân dân, toàn tỉnh có 622/635 xã, phường, thị trấn (đạt 98%) tổ chức được hội nghị đối thoại; còn lại 13 xã không thể tổ chức được vì chưa kiện toàn được chức danh chủ tịch UBND hoặc chủ tịch UBND ốm. Tại các hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn với nhân dân, đã có 64.431 người tham dự với 6.259 ý kiến đối thoại, góp ý, tập trung vào một số nhóm vấn đề bức xúc trong cuộc sống, như: Công tác cán bộ, về tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức xã; lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính, đất đai, tài nguyên và môi trường, quy chế dân chủ, liên quan trực tiếp đến cuộc sống và quyền lợi của người dân, trong đó có 5.718 ý kiến được giải đáp trực tiếp tại hội nghị (đạt 80%); 541 ý kiến được nghiên cứu trả lời bằng văn bản theo thẩm quyền (chiếm 20%).

Các ý kiến phản ánh, góp ý, trao đổi của nhân dân đều được đồng chí chủ tịch UBND chủ trì lắng nghe, tôn trọng, tiếp thu và trả lời trực tiếp tại hội nghị và trả lời bằng văn bản, cơ bản đã tháo gỡ được những vấn đề còn khúc mắc, băn khoăn trong nhân dân. Qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương. Kết thúc hội nghị đối thoại ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn đã ban hành thông báo kết quả hội nghị đến các ban công tác mặt trận và cho nhân dân biết, làm cơ sở để nhân dân và mặt trận giám sát việc thực hiện những cam kết của chủ tịch UBND tại hội nghị.

Phan Nga - Việt Linh/Báo Thanh Hoá



 

 

Bài 2: Để hoạt động đối thoại mang lại hiệu quả nhiều mặt

Thông qua đối thoại giúp cho người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị, đề xuất của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân về xây dựng Đảng, chính quyền và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của các đơn vị, địa phương trong tỉnh; đồng thời tiếp nhận, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị hợp pháp chính đáng của nhân dân.

Nhân dân thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến (Hà Trung) đồng lòng xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu.  Ảnh: Phan Nga

 

Đối thoại trực tiếp là cầu nối quan trọng để cấp ủy, chính quyền gần dân, sát dân hơn. Qua tiếp xúc, đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, kịp thời giải đáp, giải quyết những băn khoăn, vướng mắc, bức xúc, nổi cộm. Đối thoại cũng là một kênh tuyên truyền, vận động quần chúng hiệu quả trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội. Song để hoạt động đối thoại mang lại hiệu quả nhiều mặt, có nhiều điều cần quan tâm.

Tránh hình thức 

Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ tỉnh, tuy mới triển khai, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền cấp xã với người dân đã tạo được làn gió mới ở cơ sở, không khí đối thoại mang tính xây dựng cao, gắn với thực tiễn địa phương và thẩm quyền của người đứng đầu chính quyền cấp xã. Việc tổ chức hội nghị đối thoại đã thật sự phát huy vai trò làm chủ của  nhân dân trong tham gia xây dựng chính quyền. Đây là dịp để người đứng đầu UBND cấp xã, phường, thị trấn trực tiếp lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Đồng thời, giúp cho các cấp, các ngành rà soát lại, bổ sung nhiệm vụ công tác điều hành, quản lý hành chính ngày càng sát hợp với tình hình thực tiễn, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ và tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Thông qua đối thoại, vai trò cầu nối giữa chính quyền và người dân của MTTQ cũng được nâng lên, vai trò giám sát và phản biện xã hội, việc thực hiện dân chủ cơ sở và vai trò tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân được phát huy.

Tuy nhiên, qua lần đầu tiên tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn với nhân dân (năm 2017) nên công tác chuẩn bị, quy trình, cách thức tổ chức đối thoại trực tiếp ở mỗi địa phương, cơ sở còn khác nhau; nhiều nơi công tác điều hành của chủ tịch ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn còn lúng túng chưa định hướng được trọng tâm nội dung đối thoại, thiếu sự thống nhất trong chỉ đạo phối hợp với văn phòng UBND xã, phường, thị trấn trong quá trình chuẩn bị và tổ chức hội nghị. Nhiều nơi chưa dành nhiều thời gian cho đối thoại với nhân dân, còn nặng về báo cáo đánh giá kết quả tình hình kinh tế - xã hội. Còn một số đồng chí chủ tịch UBND xã chưa nắm chắc các chủ trương nên lúng túng khi trả lời, chưa đi vào nội dung cụ thể vấn đề nhân dân có ý kiến đối thoại, còn biểu hiện né tránh... 

Bên cạnh đó, theo quan sát của chúng tôi, một số nơi người dân còn lẫn lộn giữa đối thoại với tiếp xúc cử tri, chất vấn cả những nội dung không thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND xã, các ý kiến đối thoại còn quá tập trung vào các vấn đề liên quan đến giải quyết quyền lợi của người dân (điện, đường, trường, trạm, chế độ chính sách), chưa nêu được những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, điều hành chung của chính quyền địa phương, cũng như ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Trong khi mục đích của cuộc đối thoại, ngoài giải quyết các vấn đề bức xúc còn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.

Đánh giá rút kinh nghiệm sau các cuộc đối thoại, bên cạnh ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của cơ sở trong việc tổ chức, điều hành hội nghị đáp ứng đúng tinh thần đối thoại, Ủy ban MTTQ tỉnh đã đề nghị chính quyền một số địa phương trong trả lời cần ngắn gọn, đi vào cụ thể, trọng tâm từng vấn đề mà nhân dân nêu; cái gì thuộc thẩm quyền trách nhiệm của cơ sở, cái gì làm được, cái gì không và yêu cầu phải xác định rõ thời gian giải quyết, không né tránh vấn đề hoặc trả lời chung chung. 

Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Thuyết, Trưởng Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh, cho rằng: Do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, MTTQ chưa đầy đủ về chủ trương tổ chức hội nghị đối thoại, còn có tư tưởng sợ hội nghị đối thoại làm phức tạp tình hình cơ sở, do vậy công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chưa đồng bộ theo kế hoạch. Năng lực của một số đồng chí chủ tịch MTTQ còn hạn chế nên việc chủ trì, điều hành hội nghị chưa linh hoạt; chủ tịch UBND một số xã đôi khi còn trả lời vòng vo, né tránh, chưa thỏa mãn nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí của nhân dân tham gia các hội nghị đối thoại không đồng đều, nên đặt ra nhiều câu hỏi không đúng trọng tâm, vượt xa thẩm quyền của người đối thoại.  Ở một số nơi sự phối hợp giữa MTTQ với chính quyền còn hạn chế dẫn tới triển khai chậm, cán bộ còn tâm lý ngại đối thoại nên việc xây dựng kế hoạch chưa bảo đảm, thành phần tham gia đối thoại chủ yếu là cán bộ khối xóm, trưởng các chi hội đoàn thể, cán bộ, công chức, chưa có nhiều đại biểu là người dân tham gia. Việc đối thoại giữa lãnh đạo xã với người dân một số nơi còn nặng tính phản ánh, tiếp xúc, chưa rõ tính đối thoại, chưa gợi mở được cho người dân tham gia chất vấn về những vấn đề liên quan đến cơ sở và trách nhiệm của chính quyền. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Thuyết thì vấn đề quan trọng là sau đối thoại MTTQ các cấp phải làm tốt vai trò giám sát việc thực hiện “lời hứa” trước dân của chính quyền địa phương, hướng tới mục tiêu chung là kịp thời giải quyết bức xúc, nảy sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền cơ sở.

Đưa hoạt động đối thoại đi vào nền nếp

Khi nói về việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa chính quyền và người dân, đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Thanh Hóa cho biết: Khác với tiếp xúc cử tri, hội nghị đối thoại là dân hỏi, chính quyền trả lời, những vấn đề thuộc thẩm quyền được giải đáp ngay tại hội nghị, những vấn đề không thuộc thẩm quyền hoặc cần kiểm tra, làm rõ, chủ tịch UBND phường, xã phải trả lời ngay sau hội nghị cho người dân được biết. Qua thực tiễn cho thấy nếu thực hiện tốt quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, đây sẽ là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, giúp hạn chế đơn, thư khiếu nại, tố cáo, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân để góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gần dân, do dân, vì dân.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Xuân Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Sơn, bày tỏ: Việc tổ chức đối thoại giữa chính quyền cấp xã với người dân là cần thiết, việc trao đổi thông tin hai chiều giúp mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân gần gũi, cởi mở hơn, từ đó tạo đồng thuận giải quyết vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để lãnh đạo chính quyền trau dồi các kỹ năng, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong điều hành, lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân.

Là người trong cuộc, đồng chí Hà Văn Năng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trinh  (Hoằng Hóa) ví von mỗi cuộc đối thoại là một kỳ sát hạch, người dân đánh giá cán bộ có “thuộc bài”, “trả bài” đầy đủ không, có nghĩa là anh có nắm chắc tình hình, công tác chỉ đạo, điều hành đã đúng, trúng với những vấn đề, yêu cầu thực tiễn địa phương chưa. Qua đối thoại, không chỉ người đứng đầu mà mỗi cán bộ, công chức đã có những đổi mới trong lề lối, tác phong làm việc khoa học hơn, sắp xếp công việc hợp lý hơn. 

Để tăng hiệu quả đối thoại, theo đồng chí Hoàng Văn Tâm, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ huyện Hoằng Hóa: Việc thực hiện lời hứa hay không thực hiện lời hứa thuộc thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền  với người dân tại các hội nghị đối thoại cần được xem xét khi đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hàng năm, phải coi đó là thước đo về năng lực, trình độ, thái độ, trách nhiệm, khả năng  hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ chính trị đã được giao.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối thoại, đưa hoạt động đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đi vào nền nếp,  ngày 17-9-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 2543–QĐ/TU về  Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Quy chế quy định đối tượng, mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức và chế độ tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện kết luận sau hội nghị đối thoại. 

Theo quy chế người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền  cấp tỉnh, cấp huyện đối thoại  định kỳ với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân định kỳ ít nhất 1 lần/năm. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền  cấp xã đối thoại  định kỳ với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân định kỳ ít nhất 2 lần/năm vào thời điểm cuối tháng 6 và tháng 12 hằng năm. Việc đối thoại đột xuất được thực hiện trong trường hợp phát sinh các vấn đề cần được giải quyết.  Thông qua đối thoại giúp cho người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị, đề xuất của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân về xây dựng Đảng, chính quyền và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của các đơn vị, địa phương trong tỉnh; đồng thời tiếp nhận, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị hợp pháp chính đáng của nhân dân. Qua việc đối thoại, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Góp phần tăng cường sự thống nhất về tư tưởng chính trị, tạo sự đồng thuận  trong xã hội, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân...

Quy định cũng nêu cụ thể: Chậm nhất sau 20 ngày làm việc sau khi có thông báo kết luận của người chủ trì đối thoại, các cơ quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả tiếp thu, giải quyết đến người có ý kiến tại hội nghị đối thoại, báo cáo với bí thư cấp ủy, chủ tịch HĐND, UBND cùng cấp để  theo dõi chỉ đạo, đồng thời gửi cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp để theo dõi, giám sát.

Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định 2543–QĐ/TU được kỳ vọng hoạt động đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân sẽ đi vào nền nếp, với chất lượng, hiệu quả của mỗi cuộc đối thoại ngày càng được nâng cao. 

Phan Nga và Việt Linh/Báo Thanh Hoá


 

Các tin khác:
  • Cán bộ then chốt không phải là người địa phương - những cách làm thực tiễn (03/10/2018-7:43)
  • Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế (16/09/2018-9:17)
  • Phát triển Đảng viên là học sinh, sinh viên còn đó những khó khăn (16/09/2018-8:57)
  • Phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp (16/09/2018-8:45)
  • Phát huy hiệu quả từ việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá (08/05/2018-7:18)
  • Nâng tầm Giải báo chí về xây dựng Đảng trên địa bàn Thanh Hóa (04/03/2018-21:16)