Chủ nhật, ngày 12/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Báo xuân và những đề tài chưa bao giờ cũ…. (31/01/2019-7:58)
    Xuân Kỷ Hợi 2019, tôi đã ấp ủ những đề tài miền núi quen thuộc. Đó là cuộc sống người dân miền núi chuẩn bị đón tết, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong ngày xuân. Đó là cuộc sống của đồng bào Mông huyện Mường Lát, niềm vui của người dân vùng lũ trong năm mới với những ngôi nhà mới được Nhà nước, các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Hình ảnh tác giả trong những chuyến đi cơ sở

Mường Lát và Quan Sơn là 2 địa phương tôi lựa chọn đăng ký đề tài thực hiện. Điểm dừng chân đầu tiên trong những ngày cuối năm là huyện Quan Sơn. Theo chân những người cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh, tôi được chứng kiến lễ bàn giao nhà Chữ thập đỏ cho hộ dân bản Bo Hiềng, xã Na Mèo và thị trấn huyện Quan Sơn. Trong ngôi nhà sàn mới dựng còn thơm mùi gỗ mới, dưới sự chứng kiến lãnh đạo xã, của bà con nhân dân bản Bo Hiềng, anh Vi Văn Mạnh xúc động đón nhận món quà và số tiền 40 triệu đồng do bà Trịnh Thị Tiếp, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa thay mặt lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam trao hỗ trợ. Anh Mạnh là quân nhân xuất ngũ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật thường xuyên. Ngôi nhà của gia đình anh Mạnh vốn đã dột nát, do ảnh hưởng đợt mưa lũ cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua đã hư hỏng nặng. Được sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ Quảng Nam cùng anh em họ hàng, ngôi nhà xây dựng với tổng số tiền 180 triệu đồng đã hoàn thành. Xuân mới cận kề, từ nay gia đình anh Mạnh đã không còn lo lắng về nhà ở, chỉ lo làm ăn. Cũng như gia đình anh Mạnh, gia đình ông Vi Văn Trực, tiểu khu 6, thị trấn Quan Sơn được hỗ trợ xây ngôi nhà mới khang trang sau đợt mưa lũ vừa qua. Đây là cái Tết đầu tiên rất ý nghĩa khi gia đình ông Trực đón xuân trong ngôi nhà mới.


Không chỉ gia đình anh Mạnh, ông Trực mà còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện xây dựng ngôi nhà kiên cố đã và đang nhận được sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân xây tặng căn nhà “Chữ thập đỏ”. Hoạt động xây tặng “Nhà Chữ thập đỏ” là một trong hoạt động hưởng ứng phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động dịp Xuân Kỷ Hợi 2019 và nhận được sự hưởng ứng của các cấp Hội Chữ thập đỏ trên cả nước cũng như các tổ chức, cá nhân, tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước hướng về hoàn cảnh khó khăn, số phận kém may mắn.

Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến đi những ngày cuối năm là huyện Mường Lát, nơi có hơn 90% dân số là người Mông sinh sống đều khắp 9 xã, thị trấn. Khi tôi bày tỏ muốn tìm hiểu về cây khèn Mông, cách đồng bào đang gìn giữ và phát huy nó ra sao, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Lát Trương Thị Huyên giới thiệu với tôi về Pù Nhi. Cuộc sống của đồng bào nơi đây dẫu còn nhiều khó khăn, nhiều tập quán lạc hậu còn ăn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào, những giá trị văn hóa truyền thống ít dần bị mai một. Nhưng có một “báu vật” được xem hồn cốt làm nên bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Mông vẫn được những người dân nơi đây gìn giữ, có những người dành tất cả tình yêu, niềm đam mê cho nó - Đó là cây Khèn.


Sau những ngày mưa lũ, Pù Nhi đã yên bình trở lại, bên ven đường những bông hoa tím ngắt nở rộ. Mùa này, bà con đã thu hoạch mùa màng xong, dăm ba chị người Mông ngồi bên bậc cửa, trên tay cầm mảnh vải sặc sỡ đương khâu dở, tiếng cười nói rôm rả. Người tôi tìm đến là Hơ Pó Dinh - người làm khèn và thổi khèn nổi tiếng ở Pù Nhi. Nhà Pó Dinh ở đội 3 bản Na Tao, chỉ cách trung tâm xã độ 1 cây nhưng con đường đất dốc đá chỉ đủ cho chiếc xe máy đi qua cũng đủ tôi toát mồ hôi. Nhà Pó Dinh cheo len bên sườn núi, phía trước là khu ruộng bậc thang vừa thu hoạch lúa xong. Biết thổi khèn từ khi 18 tuổi nhưng đến năm 39 tuổi anh mới có “duyên” với làm khèn, năm nay anh đã tuổi 40. Trong quan niệm của đồng bào Mông, khèn được xem là vật thiêng mang giá trị tâm linh, gắn liền với đời sống tinh thần. Khèn được dùng nhiều vào dịp lễ, tết, gắn kết tình yêu đôi lứa. Cây khèn cũng theo người Mông lên nương, lên rẫy, để khi mệt nhọc tiếng khèn cất lên xóa tan mọi muộn phiền, thay cho những lời nói, tâm tư và cả những ước mơ. Đặc biệt, cây khèn là vật không thể thiếu trong tang lễ của đồng bào Mông. Pó Dinh nói “Tiếng khèn là công cụ để người sống và người chết giao tiếp với nhau. Chỉ đường dẫn lỗi cho linh hồn người chết đến với “thần tiên”, thanh thản”.

Giữa đại ngàn bao la hùng vĩ của núi rừng, Hơ Pó Dinh cất lên tiếng khèn tha thiết, lúc trầm bổng, lúc rộn ràng khiến người nghe cảm thấy chộn rộn, cảm nhận mùa xuân đang chạm khẽ, len lỏi vào từng nếp nhà của đồng bào Mông nơi đây. Tôi bỗng mường tượng ra những chàng trai, cô gái Mông xúng xính trong trang phục dân tộc, dập dìu bên nhau trên con đường đến chợ, hay tụ tập trên một bãi đất trống. Chàng cất tiếng khèn thay cho lời muốn nói, nàng e lệ đôi má đào ửng hồng trong nắng mai. Đó như một thứ đặc sản trong văn hóa tinh thần của đồng bào Mông, như một phần máu thịt không thể tách rời. Và sau chuyến đi ấy, tôi có được bài viết đăng trên số báo tết.


Thảo Nguyên


 

Các tin khác:
  • Tìm đề tài cho báo xuân (31/01/2019-7:55)
  • "Quả đấm thép" của ảnh báo chí (29/01/2019-7:48)
  • Năm 2019 tiếp tục nỗ lực, tạo môi trường báo chí phát triển lành mạnh (19/01/2019-16:31)
  • Một sự chuyển dịch không thể khác được (17/01/2019-5:03)
  • Ảnh báo chí phải có nội dung, khơi gợi cảm xúc (16/01/2019-10:46)
  • Nhà báo có phong cách chính là một thứ tài sản của tòa soạn (16/01/2019-10:44)
  • Phải đổi mới và đổi mới liên tục, đó là điều cốt lõi trong truyền hình hiện đại (16/01/2019-10:42)
  • Báo chí thời số hóa - thách thức báo chí địa phương (14/01/2019-12:10)
  • Nữ nhà báo áo lính và "'túi kinh nghiệm" về nghề (10/01/2019-11:23)
  • Phóng sự và Đỗ Doãn Hoàng (07/01/2019-1:22)