Thứ sáu, ngày 17/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Đầu tư tác phẩm báo chí chất lượng cao dự Giải báo chí Quốc gia:
Những cách làm… (06/09/2016-15:18)
    (NLBTH) -Cần coi việc đoạt Giải báo chí Quốc gia là một đẳng cấp ở “sân chơi” báo chí lớn nhất nước như ý kiến của nhiều nhà báo. Thế nhưng đã qua 10 mùa giải, Thanh Hóa mới chỉ có 2 giải C. Câu hỏi đặt ra là vì sao? Hãy nhìn cách làm từ một số cơ quan báo chí, hội nhà báo.
 Niềm vui của các tác giả nhận Giải báo chí Quốc gia lần thứ X - năm 2015.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm Giải báo chí Quốc gia diễn ra tại Hà Nội mới đây, nhiều ý kiến từ lãnh đạo Hội Nhà báo và cơ quan báo chí đã làm bật những vấn đề có tính cốt lõi để “giật giải” là: Độ “máu”, sự đầu tư đúng hướng của lãnh đạo; tính nghiêm túc của tác giả khi tham gia; còn là cách nhìn nhận đề tài, quyết tâm đeo bám khi trong tác nghiệp...

Hãy nhìn kinh nghiệm từ Hội Nhà báo Nghệ An láng giềng - đơn vị vừa có tác phẩm đoạt Giải A Giải báo chí Quốc gia, và là Giải A thứ 2, chưa kể một số giải khác trong 10 năm qua.

 

 

 Bên cạnh kiến thức, nhà báo còn phải biết “dấn thân”để có những chi tiết làm nên tác
phẩm báo chí chất lượng cao.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An Trần Duy Ngoãn, để có kết quả đó, Hội nhà báo đã phải cùng cơ quan báo chí trăn trở, “thổi lửa” vào hội viên. Cũng cần đến một cơ chế khuyến khích lợi ích vật chất thỏa đáng. Hội Nhà báo Nghệ An đã đề xuất cơ chế và được tỉnh đồng ý thưởng cho tác phẩm báo chí đoạt giải từ 2 đến 3 lần giá trị tác phẩm được trao. Đây cũng là cách làm mà nhiều Hội Nhà báo địa phương đã chọn. Giá trị tiền thưởng lớn, nhưng lớn hơn đó là tác giả thấy mình được tỉnh trân trọng, đánh giá đúng năng lực.

Bên cạnh kiến thức, nhà báo còn phải biết “dấn thân”để có những chi tiết làm nên tác phẩm báo chí
chất lượng cao.

Là một tỉnh đặc biệt khó khăn, nhưng Hội Nhà báo Lào Cai nhiều năm có tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia. Chỉ trong 2 mùa giải gần đây Lào Cai có tới 4 tác phẩm đoạt giải. Chủ tịch Hội Nhà báo - Giám đốc Đài PT&TH Lào Cai Phan Quang Hưng đưa ra một kinh nghiệm, đó là nhà báo trong tác nghiệp phải tránh nhìn nhận theo lối mòn. Thậm chí đó là lối mòn, định kiến sai lầm. Ví dụ như lâu nay một đặc điểm nổi bật của báo chí khi viết về đề tài miền núi - dân tộc thường gắn liền với nghèo đói, lạc hậu, ỷ lại hoặc huyền bí hóa các yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào, mà tại sao không đi sâu khai thác những nhân tố, mô hình mới trong đồng bào dân tộc thiểu số đang rất nỗ lực đi lên. Những tác phẩm báo chí của Lào Cai đoạt Giải báo chí Quốc gia bởi đã “thoát ly” được lối mòn tệ hại đó.

Còn theo Tổng biên tập Báo Đồng Nai Trần Huy Thanh - tờ báo “gặt hái” khá nhiều thành công từ Giải báo chí Quốc gia, thì: “Để giành Giải báo chí Quốc gia phải tự tin vào khả năng làm báo chuyên nghiệp, không tự ti mình là tờ báo địa phương. Cũng đừng quá tham những đề tài “đao to, búa lớn”.

Ở Báo Đồng Nai trước mỗi mùa giải, Ban biên tập đều có định hướng, gợi mở đề tài, xây dựng đề cương chi tiết và khuyến khích phóng viên có kinh nghiệm về lĩnh vực, năng lực tiếp cận, xử lý thông tin và thể hiện bài viết một cách sinh động thực hiện. Tác phẩm gắn tên cá nhân, nhưng phải xác định đó sản phẩm tập thể. Đề tài chọn lựa phải có tính đặc thù, tính điển hình, nhưng vẫn là vấn đề có tính thời sự chung của cả nước. Hai tác phẩm của Báo Đồng Nai đoạt giải tại Giải báo chí Quốc gia lần thứ X mới đây là những ví dụ cụ thể. Trong lúc người tiêu dùng cả nước băn khoăn, lo lắng về tình trạng các chủ cây xăng sử dụng công nghệ điện tử để “móc túi” khách hàng, Ban biên tập đã yêu cầu phóng viên đầu tư công sức đeo bám đề tài và đã có loạt bài 4 kỳ “Nhà khoa học với “cuộc chiến” chống gian lận xăng dầu” vạch trần thủ đoạn gian lận của các chủ cây xăng. Loạt bài này đã đoạt giải cao nhất thể loại báo điện tử. Tác phẩm thứ hai liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài. Sau một thời kỳ dài chạy theo thành tích giữa các địa phương về thu hút đầu tư, dẫn đến nhiều dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm cho môi trường nước ta, Báo Đồng Nai đã có loạt bài “Thu hút đầu tư nước ngoài: Hết thời “ai vào cũng gật”.

Còn có những cách nhìn, thực tiễn kinh nghiệm khác từ một số cơ quan báo chí ở Trung ương. Đại diện Liên Chi hội nhà báo Báo Công an Nhân dân nhấn mạnh: Tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia phải bám được “mạch nguồn” chủ đạo của đời sống chính trị - xã hội trong năm; những vấn đề xảy ra trong đời sống được xã hội quan tâm. Trong cách thực hiện phải “chạm” đến trái tim độc giả, lay động họ bằng ngôn từ, bằng cách thức thể hiện, khiến độc giả không thấy dài mà ngại, không thấy nhiều số liệu mà bỏ.

Đại diện kênh VTV6 cũng đặt ra rằng, đề tài của các tác phẩm tham dự Giải cần phải là những đề tài “nóng”của cuộc sống. Đó không chỉ là những đề tài đang được dư luận cực kỳ quan tâm, gây tranh cãi, bàn luận, còn cần phải là những vấn đề thậm chí mang tính quốc gia, vận mệnh. Cái “nóng” của đề tài đòi hỏi phải tác nghiệp nhanh, kịp thời điểm. Sau khi chọn được để tài, định hướng nội dung cũng cần phải rất sắc bén, nắm bắt đúng thời điểm thời sự để định hướng đi cho tác phẩm, làm sao để tác phẩm đó nói đúng đươc suy nghĩ, tình cảm của dư luận cũng như có tác động cổ vũ xã hội tích cực.

Với Báo Nông thôn ngày nay - tờ báo đã giành 10 giải qua 10 lần tổ chức Giải báo chí Quốc gia, Tổng biên tập Lưu Quang Định luôn đề cao việc “đi trước nửa bước, cộng hưởng sức mạnh của truyền thông”.

Để luôn đi trước nửa bước thì tòa soạn cần phải chuẩn bị chu đáo 4 - 5 bước tiếp theo (như kỳ xuất bản, sự kiện tương tác…), bởi trước vấn đề hay, các báo khác cũng quan tâm khai thác, và sẵn sàng vượt lên nếu mình bỏ lửng vấn đề. Bằng cách này, các tác giả và cơ quan báo chí có chuyên đề hay, đi trước, chấp nhận để cái tôi cá nhân, hay danh tiếng của mình xuống dưới mục tiêu cao hơn là hiệu quả của tương tác truyền thông đối với xã hội trong vấn đề mà chuỗi tác phẩm đang đề cập. Một khi có hiệu ứng xã hội tốt, cộng đồng sẽ không quên người đi đầu.

Còn một cách làm khác theo nhà báo Lưu Quang Định, đó là nhà báo phải biết “đãi cát tìm vàng” đề cao tính phát hiện vấn đề ẩn giấu dưới vẻ bình thường của cuộc sống. Đồng thời biết định lượng hóa vấn đề thay vì hài lòng với định tính (tức là “chém gió” - như cách nói của nhà báo Lưu Quang Định).

Còn phải quan tâm hơn đến tít bài. Không nên đặt những tít quá dài, quá rõ ràng khiến độc giả chỉ đọc tít đã biết nhà báo giải quyết vấn đề theo hướng nào. Đây đang là hạn chế của nhiều tờ báo, nhất là báo Đảng địa phương.

Một kinh nghiệm nữa mà nhà báo Lưu Quang Định tiết lộ, đó là phải luôn “Đứng trên vai người khổng lồ”. Nhà báo khôn ngoan phải biết tranh thủ ý kiến nhận định, đánh giá của chuyên gia giỏi trong lĩnh vực đề tài phản ánh. Là người của công chúng càng tốt. Đó là những ý kiến có tính thuyết phục cao đối với độc giả, giới chức cũng dễ bị thuyết phục.

Những ý kiến rất hay từ thực tiễn cách làm.

Muốn gặt lúa phải bắt đầu từ gieo mạ và những công đoạn vất vả khác. Nghề báo cũng cần những sự đầu tư, hy sinh tương tự.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Báo Đầu tư có lần cho biết: “Tôi từng ước ao Báo Đầu tư chỉ cần đoạt giải khuyến khích thôi, nhưng phải mất 5 năm điều đó mới thành hiện thực. Năm 2012 tác phẩm đầu tiên của Báo Đầu tư đoạt Giải khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia, cả cơ quan đã sung sướng đến vỡ òa”. Ước mơ giản dị là vậy, thế mà chỉ 3 mùa giải sau Báo Đầu tư đã có tác phẩm đoạt Giải A.

Hội Nhà báo Thanh Hóa cũng đã có những bước khởi đầu như thế, và đang cần đến một “độ máu” nghề của lãnh đạo cơ quan báo chí và tác giả, cũng như thêm cơ chế động lực để tác phẩm báo chí của nhà báo ở xứ Thanh được xướng tên gắn liền với vinh danh cao quý.

Anh Vũ

 

Các tin khác:
  • Đi tìm đề tài cho phóng sự (06/09/2016-11:12)
  • Phỏng vấn luôn là thể loại hấp dẫn (05/09/2016-16:13)
  • "Đã gặp khó quên..." (03/09/2016-15:43)
  • Trăn trở nghiệp báo (31/08/2016-21:55)
  • Báo chí và những “chuyện tử tế” (30/08/2016-21:45)
  • Làm báo thời cạnh tranh thông tin (30/08/2016-10:39)
  • Nước mắt người nghèo và trách nhiệm của nhà báo (27/08/2016-21:15)
  • Nhà báo phải biết tự bảo vệ mình trong tác nghiệp (26/08/2016-10:42)
  • Hành trình khám phá dòng sông Chu trên đất Lào (26/08/2016-10:21)
  • Sống động khi đồng hành cùng thính giả (26/08/2016-8:18)