Sự tiến bộ của kỹ thuật số và mạng Internet đang hỗ trợ báo chí phát triển nhanh chóng, không hòa nhập với nền tảng truyền thông số hiện nay, báo chí sẽ khó để hoạt động, nếu không muốn nói là lạc lõng.
Tuy nhiên, sử dụng hạ tầng số như thế nào cho phù hợp, để phát huy tác dụng, là điều hết sức quan trọng bên cạnh những quy định của pháp luật, đòi hỏi người làm báo phải đề cao vấn đề đạo đức, tâm nghềcủa mình.
Trong tác nghiệp có nhiều thứ cám dỗ, người làm báo phải biết lựa chọn sáng suốt giữa nhanh và đúng; sự chủ động và chủ quan, lệ thuộc. Người làmbáo càng phải ý thức rõ vị trí, tác động của mình trong đời sống xã hội, chứ không nên biến mình thành “người săn tin” trên mạng Internet.
Sự sai sót trên báo in đã gây tổn hại lớn, vớicách làm báo thiếu kiểm chứng được tiếp tay từ công nghệ số còn gây tổn hại nghiêm trọng khi nó bị sao chép, “xào xáo” phát hành trên diện rộng.
Phải khẳng định, đạo đức nghề nghiệp là nền tảng của mọi nền báo chí, trong kỷ nguyên số vấn đề này càng phải đặt lên hàng đầu. Cùng với Luật Báo chí, đạo đức nghề nghiệp có vai trò to lớn trong hoạt động tác nghiệp của từng nhà báo, người làm báo.Thực hiện quy định tại Điều 8 Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng và ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phù hợp với pháp luật hiện hành, đang được các cấp Hội và cơ quan báo chí quán triệt, triển khai thực hiện. Đó là sự cần thiết về một chuẩn mực đạo đức bên cạnh những quy định của pháp luật, có tác dụng hỗ trợ trong việc thực thi pháp luật về báo chí. Nâng cao hơn nữa tâm thế, ứng xử, sự nhập cuộc và lòng tự trọng của mỗi nhà báo, mỗi người làm báo trong việc sử dụng công nghệ số phục vụ nghề nghiệp một cách khách quan, chính trực, là góp phần quan trọng để những quy định pháp luật về báo chí và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đi vào cuộc sống.
Anh Vũ