Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Y đức, nhìn từ con số (17/06/2017-9:26)
    (NLBTH) - Lợi dụng bệnh viện để thực hiện dịch vụ y tế không được phép; không giữ hình ảnh người thầy thuốc ngay trong cơ sở y tế hay nhầm lẫn không đáng có trong điều trị dẫn đến bức xúc của người bệnh và thân nhân là lề trái ở bệnh viện, trong đó có một số bệnh viện ở Thanh Hóa mà báo chí đã thông tin trong thời gian qua.
Thầy thuốc cũng như thầy giáo luôn là hình ảnh cao đẹp trong lòng nhân dân,
bởi thế cần nâng niu, giữ gìn (hình ảnh chỉ có tính minh họa)

Gần đây nhất Sở Y tế Thanh Hóa đã kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thường Xuân sau khi bác sỹ này có hành vi làm xấu xí hình ảnh, đạo đức, lối sống người thầy thuốc.

Đã đến lúc nhiều cơ sở y tế, nhiều cán bộ y tế phải xem xét lại mình cả về chuyên môn lẫn lối sống. Đó là sự cần thiết để lấy lại niềm tin của người bệnh. Đây không phải là một sự quy chụp. Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra con số hết sức đáng lo ngại với hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo, khiển trách, đuổi khỏi ngành trong thời gian qua.

Biết rằng ở ngành nào cũng có những tồn tại, hạn chế, nhưng rõ ràng với ngành Y tế, y đức là vấn đề hết sức quan trọng, mà nếu không giữ gìn, sẽ không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người, gây ra tình trạng mất trật tự xã hội.

Người bệnh thường phản ánh y tá hay điều dưỡng viên, thậm chí cả bác sỹ có nhiều lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng người bệnh, xem bệnh nhân đến bệnh viện và được điều trị như là một đặc ân, và người bệnh phải “biết điều” trở lại. Trong khi đó ở nhiều nước bác sỹ không những tôn trọng, tươi cười, phục vụ tận tâm, mà khi khám chữa bệnh xong còn cảm ơn người bệnh vì đã đến với họ.

Hiện nay hầu hết bệnh viện đều gắn camera giám sát và có đường dây nóng, thông qua đó đã phát hiện ra những sai phạm của cán bộ y tế, tuy nhiên vẫn có nhiều bệnh nhân cam chịu. Suy nghĩ của họ nhìn chung là lệ thuộc, lo sợ theo kiểu có bệnh phải vái tứ phương, bởi vậy khi phải vào điều trị tại bệnh viện họ luôn tâm niệm phải bắc một cây cầu thân thiện với thầy thuốc. Điều đó đã khiến bệnh nhân không chỉ đánh mất quyền của mình trong điều trị, mà còn là sự tiếp tay để những yêu cầu phi lý trong bệnh viện sinh sôi.

Một con số được công bố từ người đứng đầu ngành Y tế không thể xem chỉ là sự tham khảo, hay nói để thỏa mãn ý kiến của cử tri, mà chính là sự câu thúc trách nhiệm đến toàn ngành, để hình ảnh người thầy thuốc luôn là hình ảnh cao quý và được tôn trọng.

Anh Vũ

 

 

 

 

Các tin khác:
  • Lắng lòng con trẻ để bảo vệ trẻ em đúng cách, đúng quy định của pháp luật (12/06/2017-7:55)
  • Tạo cơ chế giám sát ngăn chặn “hung thần” (09/06/2017-8:12)
  • Cần câu, con cá và câu chuyện giải cứu (07/06/2017-8:15)
  • Không để khẩu hiệu rơi vào “ma trận” hình thức (05/06/2017-6:32)
  • Sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhiều phụ huynh học sinh (02/06/2017-15:17)
  • Không ngược dòng lợi ích của dân (29/05/2017-12:13)
  • Sống cảnh “trường học bốn mùa” (26/05/2017-10:20)
  • Pháp luật giao thông và câu chuyện nhận thức (21/05/2017-15:01)
  • Tay nghề và câu chuyện niềm tin (16/05/2017-11:56)
  • Đừng nhìn vào đồng tiền công vụ (15/05/2017-12:14)