Người lớn đang tạo ra áp lực khoa bảng với cho con trẻ (ảnh chỉ có tính minh họa)
Hình ảnh nhộm nhoạm trong thi cử một thời đã lùi vào dĩ vãng khi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo có những đổi mới trong công tác coi thi và đánh giá chất lượng giáo dục. Bây giờ người ta không còn đi ném bài, mà có muốn ném cũng khó khi công tác an ninh thi được thắt chặt. Người lớn chỉ còn cách đứng chờ đợi ở đâu đó với những khuôn mặt căng thẳng, âu lo.
Khi mà học sinh ngày một nhiều hơn nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập vẫn không tăng, khiến áp lực thi cử ngày càng cao. Do vậy, người lớn tìm đủ cách để con em mình có một vị trí ở trường công lập, thậm chí là trường chuyên, cho dù biết vào trường chuyên với một số môn chuyên đang bị “quay lưng”, thì vẫn có môi trường để học tập như cách giải thích, và vẫn được xem như thứ để “trang sức”. Những kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lam Sơn gần đây khi nhìn vào bảng điểm dễ nhận ra sự bi hài khi không ít học sinh chỉ đạt 0,25 điểm/môn thi vẫn đi tìm vận may ở một kỳ “vượt vũ môn” mà sự cạnh tranh đến mức khốc liệt.
Không biết người lớn nghĩ gì khi để con em mình tham gia vào những kỳ thi như thế. Chúng dễ sốc khi nhận được điểm số thấp và có thể sẽ hoang mang ở kỳ thi tiếp theo. Chỉ còn ít ngày nữa cả tỉnh sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Một kỳ thi thấp hơn, nhưng không phải dễ dàng khi ở nhiều trường số dư thí sinh tới vài chục phần trăm. Biết năng lực con em mình có hạn nhưng phần đa phụ huynh vẫn nộp hồ sơ, thậm chí nộp hồ sơ cho con vào trường điểm.
Trong khi hệ thống THPT công lập quá tải, nhưng các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề vẫn rơi vào cảnh không tuyển đủ thí sinh. Vì sao cứ nhất thiết phải chen chân vào con đường hẹp trong khi con đường nào cũng dẫn tới đích, miễn là có ý chí.
Tâm lý sính khoa cử, thích làm thầy hơn làm thợ dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ của người lớn, và đó là lý do để giải thích vì sao người ta lại có những cuộc “hành xác” con trẻ bằng việc cho đi học thêm vài ca một ngày. Nhiều người lớn không tiếc tiền chỉ với mục đích con mình vào được trường tốt.
Khi mà việc thừa thầy thiếu thợ ngày một báo động hơn, nhiều cử nhân, kỹ sư buộc lòng chuyển hướng lao động, nhưng nhiều người vẫn cố lăn vào vết xe đổ đó. Những trường cao đẳng nghề vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa, những trung tâm giáo dục thường xuyên được đầu tư trang thiết bị dạy học tốt, và cơ hội bước từ nhà trường đến nhà máy cũng rất cao, nhưng đang bị “chặn đường” bằng một thứ tư duy theo kiểu chạy theo. Người lớn đang cố làm thay cho con trẻ, mà lẽ ra họ chỉ nên tư vấn, định hướng.
Lam Vũ