Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Nhìn từ việc lạm thu
Đằng sau con dấu (29/07/2017-6:18)
    (NLBTH) - Trong khi việc lạm thu ở xã Hà Vinh (Hà Trung), Minh Lộc (Hậu Lộc) và một số địa phương khác trong tỉnh chưa lắng xuống, dư luận lại bức xúc trở lại khi báo chí vừa phản ánh việc lạm thu trong xây dựng nhà văn hóa ở thôn Liên Minh, xã Mỹ Lộc (Hậu Lộc).
Con dấu để nhằm xác tín niềm tin, tạo tính pháp lý, nhưng ở một số nơi, nó đang
khiến người dân phải oằn mình móc túi (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Tại đây mỗi khẩu phải đóng tới 750.000 đồng theo yêu cầu của lãnh đạo thôn, người già, trẻ em trên 6 tháng tuổi, người tàn tật, thương bệnh binh cũng không ngoại lệ. Người nộp chậm vì lý do đi làm ăn xa thì phải nộp thêm tiền lãi.

Có một điểm chung trong việc lạm thu tại các địa phương trên, đó là các khoản thu tự nguyện nhưng lại hoàn toàn bắt buộc trong việc thu và nộp, và nó bị ràng buộc bởi một thứ mà gần như gia đình nào cũng cần đến trong việc sản xuất, kinh doanh, công tác, học hành, thậm chí là khai sinh cho con trẻ, chứng tử cho người chết, đó là con dấu.

Pháp luật quy định người dân chỉ phải nộp những khoản thuế bắt buộc theo quy định của Nhà nước và những khoản phí do Hội đồng nhân dân nghị quyết thông qua, còn những khoản đóng góp tự nguyện do thôn, bản, chi bộ cơ sở bàn bạc công khai với dân, với đảng viên và thống nhất mức đóng góp.

Quy định là thế, nhưng dường như ở không ít nơi việc này đang bị lạm quyền, thậm chí là bất chấp để làm sai. Người dân bất bình nhưng nhiều người vẫn phải chấp nhận, bởi người dân cần đến sự đảm bảo của chính quyền thông qua chữ ký của người có trách nhiệm và con dấu trên những văn bản giao dịch của họ. Thường lãnh đạo xã chỉ ký, đóng dấu khi có sự xác nhận của trưởng thôn nơi công dân cư trú. Nhưng khi các khoản thu chưa nộp đủ thì khó để mà trưởng thôn xác nhận, cho dù đó là những khoản đóng góp tự nguyện.

Nắm rõ tâm lý cần đến con dấu của chính quyền, một số thôn, phố đã gia tăng các khoản thu, và nhiều khi khoản thu vượt quá mức chi tiêu.

Những khoản đóng góp tự nguyện cho các mục đích an sinh xã hội tại địa phương cần phải được bàn bạc công khai, dân chủ thống nhất theo mặt bằng kinh tế ở địa phương. Người nộp tiền có quyền giám sát việc thực thi và khi hoàn thành địa phương phải có trách nhiệm quyết toán công khai. Thay cho những việc làm đó, không ít nơi chính quyền lại đơn phương áp đặt các khoản thu và sử dụng quyền xác nhận của mình cho công dân lên xã xin dấu như một công cụ. Nộp đủ tiền, thôn xác nhận, lên xã mới có chữ ký, có dấu. Một quy định nhiều khi không có văn bản, nhưng đã thành nếp, gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân trong các giao dịch của mình.

Một khi quan hệ này còn tồn tại một cách máy móc và có sự tính toán, thì lạm thu còn xảy ra.

Anh Vũ

 

Các tin khác:
  • Giữ gìn hình ảnh công bộc của dân (24/07/2017-18:41)
  • Mùa khoa bảng và sự chạnh lòng (22/07/2017-15:44)
  • Cần chữa căn bệnh chủ quan (21/07/2017-7:52)
  • Lối sống và nỗi niềm ngôn ngữ (18/07/2017-9:53)
  • Trước tiên cần “thông tắc” ý thức (17/07/2017-7:40)
  • Góc khuất du lịch và vấn đề tăng trưởng (14/07/2017-8:47)
  • Đồng tiền và lòng tự trọng (11/07/2017-8:58)
  • Đơn giản thực chất (09/07/2017-20:27)
  • Sự lãng phí, hoài nghi và yêu cầu đặt ra (07/07/2017-7:53)
  • Tư duy du lịch nhìn từ nhà vệ sinh công cộng (03/07/2017-12:19)