Thứ năm, ngày 21/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Thực hiện nghiêm công tác bổ nhiệm cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ trong thời kỳ mới (13/09/2017-7:59)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng

Bài 1: Thừa cấp phó - đâu là nguyên nhân?

 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra vùng thâm canh lúa
năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại huyện Triệu Sơn. Ảnh: Thu Hòa

"Lạm phát” cấp phó ở Thanh Hóa thời gian qua đã gây bức xúc, bất bình trong dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả điều hành, thực hiện nhiệm vụ ở các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ... Vậy, đâu là nguyên nhân?

Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thanh Hóa đã triển khai bài bản, quyết liệt việc rà soát, đánh giá và tiến hành tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, với những kết quả bước đầu khá rõ nét.

Ngày 27-7-2015 Chủ tịch UBND tỉnh có Văn bản chỉ đạo số 7369/UBND-VX về việc tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận công chức, hợp đồng lao động và bổ nhiệm chức danh phó trưởng phòng, ban, đơn vị thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện. Theo đó yêu cầu giám đốc các sở, chủ tịch UBND các huyện rà soát, thống kê số lượng chức danh phó các phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở, trực thuộc UBND cấp huyện. Theo số liệu tổng hợp, báo cáo của các sở, các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện đến ngày 31-12-2015, trong 10 nhóm số lượng cấp phó được thống kê ở các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ, các đơn vị thuộc và trực thuộc sở, UBND huyện do giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp huyện quyết định, nhóm ít thì thừa 4 người (cấp phó các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh), nhóm nhiều lên đến 164 người (cấp phó các trường tiểu học trực thuộc UBND các huyện). Đáng chú ý, cấp phó thừa nhiều nằm trong nhóm các đơn vị thuộc thẩm quyền quyết định của chủ tịch UBND cấp huyện (cấp phó các trường THCS, tiểu học,  mầm non và cấp phó các đơn vị sự nghiệp khác trực thuộc UBND cấp huyện).

Thực tế hiện nay, bên cạnh những cơ quan, đơn vị, địa phương vượt số lượng cấp phó, vẫn còn một số đơn vị trực thuộc các sở, các trung tâm, ban thuộc các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, các đơn vị sự nghiệp khác trực thuộc UBND các huyện, do chưa có quy định cụ thể về số lượng cấp phó nên chưa xác định được số lượng cấp phó thừa là bao nhiêu.

Tình trạng “lạm phát” cấp phó ở Thanh Hóa thời gian qua đã gây bức xúc, bất bình trong dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả điều hành, thực hiện nhiệm vụ ở các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ.

Tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa có tới 8 phó giám đốc sở. Ông Nguyễn Huy Thành, Trưởng Phòng Tổ chức  cán bộ sở, diễn giải: Trước đây, sở được thành lập trên cơ sở hợp nhất của 4 sở và 2 cơ quan ngang sở (cơ quan trực thuộc UBND tỉnh), số lượng phó giám đốc khi hợp nhất của từng giai đoạn dao động từ 9 đến 11 đồng chí. Cụ thể, năm 1996, Sở NN&PTNT được thành lập trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Sở Nông nghiệp, Sở Lâm nghiệp, Sở Thủy lợi, khi đó cán bộ lãnh đạo sở gồm giám đốc và 9 phó giám đốc. Năm 2008, sáp nhập thêm Sở Thủy sản vào Sở NN&PTNT; chuyển Chi cục Kiểm lâm trực thuộc UBND tỉnh về trực thuộc Sở NN&PTNT; tiếp nhận Chi cục Di dân và Phát triển kinh tế mới và tổ chức lại để thành lập Chi cục Phát triển nông thôn; khi đó lãnh đạo sở gồm giám đốc và 11 phó giám đốc. Năm 2016, sở có giám đốc và 8 phó giám đốc, cụ thể: Giám đốc phụ trách chung; một phó giám đốc được Bộ NN&PTNT điều động biệt phái về công tác tại Thanh Hóa thời hạn 2 năm (kể từ 1-6-2015) phụ trách lĩnh vực đê điều, phòng, chống thiên tai; một phó giám đốc sở kiêm chi cục trưởng chi cục kiểm lâm, phụ trách lĩnh vực kiểm lâm, diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; một phó giám đốc phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp; một phó giám đốc, phụ trách lĩnh vực trồng trọt,  bảo vệ thực vật, chất lượng về giống, sản phẩm trồng trọt, phân bón, khuyến nông lĩnh vực trồng trọt, khoa học và công nghệ; một phó giám đốc phụ trách lĩnh vực chăn nuôi, thú y, chất lượng về giống, sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, khuyến nông lĩnh vực chăn nuôi; một phó giám đốc phụ trách lĩnh vực phát triển nông thôn, diêm nghiệp, chế biến và thương mại nông sản, lâm sản, thủy sản và muối, cơ điện nông nghiệp, môi trường trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn, diễn biến đất nông nghiệp, đất diêm nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản, công nghệ thông tin của sở, công tác văn phòng, tài chính cơ quan sở; ông Nguyễn Trọng Hải được bổ nhiệm phó giám đốc sở từ ngày 10-6-2016 thay ông Trần Quang Trung phó giám đốc sở (nghỉ hưu từ ngày 1-8-2015), phụ trách lĩnh vực thủy lợi, xây dựng cơ bản, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; bà Hoàng Thị Yến được bổ nhiệm phó giám đốc sở từ ngày 16-6-2016 thay ông Lê Đức Giang phó giám đốc sở (được điều động làm Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa từ ngày 1-1-2016) phụ trách lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chất lượng về giống, sản phẩm thủy sản, thức ăn nuôi trồng thủy sản, khuyến ngư, công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn lĩnh vực thủy sản. Việc bổ nhiệm thừa cấp phó như trên là do xuất phát từ nhu cầu thực tế, đặc thù khối lượng công việc nhiều, đa ngành, đa lĩnh vực, nông nghiệp chiếm phần lớn. Vì vậy, sở cần có số lượng cấp phó vượt so với quy định để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại huyện Yên Định từ năm 2014-2015 huyện bổ nhiệm thừa 3 cấp phó ở phòng NN&PTNT, tài chính - kế hoạch và nội vụ. Theo bà Lê Thị Thúy, trưởng phòng nội vụ huyện lý giải, là do thời điểm trên huyện phải tập trung nhân lực, vật lực để sớm về đích nông thôn mới; hơn nữa một cán bộ cấp phó được cử đi học, nên không có người làm trong khi đó khối lượng công việc nhiều, huyện phải bổ sung thêm cấp phó để đảm đương nhiệm vụ của phòng...

Không chỉ tại các đơn vị, địa phương kể trên, mà tại những nơi khác khi chúng tôi đến tìm hiểu đều đưa ra các lý do có tính đặc thù của địa phương, đơn vị mình để biện minh cho việc  bổ nhiệm số lượng cấp phó vượt so với quy định. Song, qua tìm hiểu thực tế và như đánh giá của đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh, nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng bổ nhiệm cấp phó vượt so với quy định được xác định là do trách nhiệm của người đứng đầu chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước, của UBND tỉnh; do lợi ích cục bộ; việc bổ nhiệm cấp phó vượt so với quy định không xuất phát từ vị trí việc làm, yêu cầu nhiệm vụ. Có nguyên nhân xuất phát từ quan hệ tình cảm, quan hệ xã hội. Nhiều đơn vị không triển khai thực hiện quyết định của UBND tỉnh, quy định của Chính phủ, của liên bộ về cơ cấu tổ chức, số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của đơn vị và các tổ chức trực thuộc. Ngoài ra, do một số văn bản quy phạm pháp luật, quyết định của UBND tỉnh chưa quy định rõ số lượng cấp phó của các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là số lượng cấp phó các đơn vị thuộc và trực thuộc sở, UBND cấp huyện, hoặc các quy định của UBND tỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện quy định đồng loạt các phòng có trưởng phòng, không quá 2 phó trưởng phòng là chưa sát thực tế và phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ và tính chất đặc thù của các phòng, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc sở, UBND các huyện miền núi, đồng bằng, UBND thị xã, thành phố có khối lượng công việc khác nhau. Việc bổ nhiệm cấp phó vượt so với quy định còn có nguyên nhân xuất phát từ yêu cầu tăng cường công tác tham mưu thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực, như: Đất đai, tài chính – kế hoạch... nhưng không báo cáo xin chủ trương và được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh. Một số trường học do số học sinh, số lớp học giảm dẫn đến hạng trường giảm và thừa cán bộ quản lý so với quy định, nhưng UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa thực hiện tốt việc điều động cán bộ quản lý (hiệu phó) từ các trường thừa sang các trường thiếu, trong khi đó vẫn tiếp tục bổ nhiệm cán bộ quản lý cho các trường còn thiếu...

Để kịp thời khắc phục tình trạng tồn tại trong thực hiện bổ nhiệm số lượng cấp phó thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành quy định khung số lượng cấp phó các phòng, ban, đơn vị trực thuộc các sở, đơn vị trực thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND các huyện là thật sự cần thiết để có căn cứ và thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh.

 

 

 

Bài 2: Xử lý dứt điểm việc bổ nhiệm thừa cấp phó, thực hiện nghiêm công tác bổ nhiệm cán bộ

 

Lãnh đạo huyện Yên Định, kiểm tra mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Định Tường (Yên Định).
Ảnh: Thùy Dương

Chủ động, cương quyết xử lý dứt điểm tình trạng bổ nhiệm thừa cấp phó các sở, ngành cấp tỉnh và các phòng, ban thuộc ngành, đơn vị, địa phương. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện nghiêm công tác bổ nhiệm cán bộ là những việc mà Thanh Hóa đã và đang thực hiện nhằm bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ trong tình hình mới.

Xử lý các trường hợp bổ nhiệm thừa, tinh  gọn bộ máy

Chúng tôi trở lại một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, sau khi đã thực hiện quy định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về khung số lượng cấp phó các phòng, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc các sở, cơ quan ngang sở, cơ quan thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh, theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, tăng công việc.

Tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa, từ tháng 11 đến tháng 12-2016, sở đã thực hiện 3 quyết định: Quyết định của Bộ NN&PTNT điều chuyển ông Phạm Đức Luận, phó giám đốc sở về công tác tại Tổng cục Thủy lợi giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều; quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Nam, phó giám đốc sở giữ chức giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Thanh Hóa và ông Lê Văn Đốc, phó giám đốc sở nghỉ hưu theo quy định. Như vậy, hiện nay, sở có 5 phó giám đốc, ngoài lĩnh vực chuyên môn đang phụ trách còn phải kiêm thêm một số công việc trước đây, 3 phó giám đốc trên phụ trách. Sau khi điều chuyển cấp phó thừa, nhiệm vụ của cấp phó hiện tại tăng thêm, bản thân các đồng chí lãnh đạo Sở NN&PTNT phải tích cực nghiên cứu tài liệu, trau dồi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm... để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Được biết, trong các tháng vừa qua, ngoài việc xử lý cấp phó thừa, sở đã ban hành báo cáo tự kiểm tra công tác tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức và bổ nhiệm trưởng, phó các phòng, đơn vị trực thuộc sở. Qua đó, công chức được tiếp nhận, tuyển dụng đúng quy định của pháp luật và đảm bảo thẩm quyền theo phân cấp của UBND tỉnh và đều được bố trí công tác đúng yêu cầu vị trí việc làm đã xây dựng trước khi tuyển dụng.

Tương tự, tại Sở Y tế, đồng chí Nguyễn Bá Cẩn, phó giám đốc sở cho biết: Thực hiện quy định của UBND tỉnh về rà soát và có giải pháp điều động, sắp xếp, bố trí nhân sự cấp phó phòng, ban theo số lượng quy định đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, từ tháng 11-2016 Sở Y tế đã điều động 4 phó trưởng phòng  về các vị trí công việc khác phù hợp. Chẳng hạn như: Ông Lê Doãn Hồng, Phó trưởng Phòng Quản lý Dược điều động về khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa; ông Thiều Đình Đức, Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ điều giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nông Cống; ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ giữ chức Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa; ông Mai Văn Quang, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ y điều chuyển giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Thanh Hóa. Những người được điều chuyển đến vị trí công tác mới phù hợp với lĩnh vực chuyên môn đào tạo, giữ chức vụ tương đương và hiện đang phát huy tốt vai trò trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sở cũng đồng thời xin chủ trương của tỉnh bổ sung thêm một số biên chế ở cơ sở về cơ quan văn phòng sở để đáp ứng đúng, đủ số định biên theo quy định của tỉnh. 

Tại huyện Yên Định, sau khi có kết luận của Thanh tra tỉnh về việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển đối với công chức, viên chức và hợp đồng lao động, cuối năm 2016, huyện đã điều chuyển 3 phó trưởng phòng bổ nhiệm thừa sang các vị trí công việc mới phù hợp. Sau hơn 1 năm xử lý, khắc phục tồn tại theo đúng quy định, hiện nay các phòng, ban của huyện đã nỗ lực khắc phục khó khăn, ổn định tổ chức, tự sắp xếp công việc phù hợp, tăng trách nhiệm quản lý điều hành của lãnh đạo phòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo hướng hiệu lực, hiệu quả. 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Thời gian qua, nhìn chung công tác xử lý cấp phó thừa, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ trên địa bàn tỉnh đã được triển khai toàn diện trên tinh thần chủ động, kiên quyết. Trên cơ sở quy định của Trung ương và xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc điều động cấp phó thừa nhằm bố trí, sắp xếp lại cán bộ trong các cơ quan, đơn vị một cách khoa học, đúng người, đúng việc đã phát huy được hiệu quả cao nhất trong thực thi nhiệm vụ. Việc sắp xếp, kiện toàn về nhân sự của các đơn vị đảm bảo tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 6-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Trong đó, Nghị quyết 39 nêu rõ, một trong những nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức là quy định rõ số lượng cấp phó phù hợp trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương.

Cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị trên, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 14-KH/TU ngày 7-4-2016 thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, đoàn thể, cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng quan liêu, chồng chéo, không rõ về chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời gắn liền với tinh giản biên chế, sắp xếp và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quản lý chặt chẽ biên chế được giao; thu hút những người có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 727-QĐ/TU ngày 4-5-2017 quy định khung số lượng cấp phó các cơ quan Đảng, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội và đơn vị trực thuộc cấp tỉnh, cấp huyện. Theo đó, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm phân bổ biên chế cán bộ, công chức cho từng phòng, ban và tương đương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm và tính chất, đặc điểm, khối lượng công việc. Đối với những phòng và tương đương hiện có số lượng cấp phó vượt quy định, phải xây dựng kế hoạch bố trí, điều động, luân chuyển giữa các đơn vị thuộc phạm vi quản lý bảo đảm đến ngày 31-12-2017 điều chuyển xong số lượng cấp phó vượt so với quy định. Trong thời gian đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị thực hiện quy định trên, đảm bảo đến trước thời gian trên sẽ xử lý xong.          

Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, sở cũng đã trình UBND tỉnh ban hành các quyết định số 4512/QĐ-UBND ngày 21-11-2016 quy định khung số lượng cấp phó các phòng, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc các sở, cơ quan ngang sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh; số 4513/QĐ-UBND ngày 21-11-2016 quy định khung số lượng cấp phó các phòng, ban, đơn vị thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; số 4514/QĐ-UBND ngày 21-11-2016 quy định khung số lượng cấp phó các phòng, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc UBND cấp huyện. Theo đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ khung số lượng, phụ lục quy định chi tiết số lượng cấp phó và số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp thực tế (số biên chế hiện có) để bổ nhiệm cấp phó của từng phòng, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí việc làm và tính chất, đặc điểm, khối lượng công việc, thực trạng đội ngũ công chức, viên chức của các phòng, ban, đơn vị. Trong trường hợp được cấp có thẩm quyền giao bổ sung chức năng, nhiệm vụ, biên chế công chức, biên chế sự nghiệp, thay đổi hạng đơn vị sự nghiệp hoặc giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan ngang sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh có sự điều chỉnh tăng, giảm biên chế công chức, biên chế sự nghiệp giữa các phòng, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc có liên quan đến tăng, giảm số lượng cấp phó theo các quyết định này thì giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan ngang sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định và chỉ thực hiện việc bổ nhiệm cấp phó sau khi Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc (biên chế sự nghiệp) được giao để phân bổ cho các đơn vị (khoa, trung tâm và tổ chức tương đương) trực thuộc làm cơ sở để thực hiện bổ nhiệm cấp phó đảm bảo đúng các quyết định này. Đối với các phòng, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc các sở, cơ quan ngang sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh hiện có số lượng cấp phó nhiều hơn số lượng cấp phó quy định tại các quyết định nêu trên, yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan ngang sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch bố trí, điều động, luân chuyển giữa các phòng, ban, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; đảm bảo đến 30-9-2017 thực hiện điều chuyển xong số lượng cấp phó vượt so với quy định và chỉ được bổ sung thêm cấp phó khi số lượng chưa đạt đủ số lượng quy định.

Bên cạnh việc chú trọng sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng  đa ngành, đa lĩnh vực gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai chặt chẽ, nghiêm túc các nhiệm vụ cải cách hành chính mà mấu chốt quyết định thành công là nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Do đó, nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, thanh tra, kiểm tra công vụ luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn coi trọng - đồng chí Đầu Thanh Tùng thông tin thêm.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lại Thế Nguyên, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: Từ việc bổ nhiệm cấp phó thừa, tỉnh Thanh Hóa đã nghiêm túc rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc về công tác cán bộ trong thời gian tới, đó là tiếp tục chủ động thực hiện nghiêm công tác bổ nhiệm cán bộ đúng quy định gắn với sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Công tác cán bộ phải hết sức thận trọng, bài bản theo đúng quy định, quy trình của Đảng, Nhà nước. Chú trọng nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc đề xuất, bổ nhiệm cán bộ cấp phó, đảm bảo đúng số lượng và có chất lượng, tiêu chuẩn, điều kiện để bố trí sắp xếp cán bộ hợp lý. Quá trình thực hiện đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cần đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, chính xác, nhằm lựa chọn được những cán bộ đủ đức, đủ tài hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đi đôi với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các quy định của Nhà nước, của tỉnh về công tác cán bộ; kiên quyết xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm người đứng đầu nếu không thực hiện đúng các quy định trên.

Việc sắp xếp lại tổ chức, tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế luôn là vấn đề khó khăn, phức tạp vì liên quan trực tiếp đến con người. Tuy nhiên, với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, công tác bổ nhiệm cán bộ gắn với cải cách, kiện toàn, tinh gọn bộ máy cán bộ ở Thanh Hóa đang được quan tâm thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Theo Thùy Dương và Ngọc Anh/Báo Thanh Hóa

 

 

Các tin khác:
  • Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ - góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng (06/09/2017-14:57)
  • Qua hơn hai năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp (06/09/2017-14:53)
  • Phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số (06/09/2017-14:40)
  • Phát triển Đảng viên vùng đồng bào công giáo (06/09/2017-14:36)
  • Một chi bộ 15 năm liên tục đạt danh hiệu vững mạnh trong sạch (06/09/2017-14:34)
  • ‘Lửa’ Thành Công tôi luyện nên tập thể, cá nhân điển hình (06/09/2017-14:33)
  • Chuyện ‘Chi bộ lim xanh’ (06/09/2017-14:31)
  • Hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ ở Thanh Hóa (06/09/2017-14:29)
  • Người Mông trên đỉnh Hin Phăng (06/09/2017-14:26)
  • Thanh Hóa sắp xếp trường, lớp học, giáo viên (06/09/2017-14:17)