Bài 1: Nghị quyết của ý Đảng - lòng dân
Mô hình trồng dứa xen cây dó bầu ở xã Thành Vân (Thạch Thành). Ảnh: Minh Đạo
Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết 09 (NQ09) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020” được gọi là “Nghị quyết của ý Đảng, lòng dân”. Bởi sau hơn 3 năm triển khai, NQ 09 đã và đang minh chứng là một quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân và để lại những dấu ấn rõ nét trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi xứ Thanh.
Để giảm nghèo nhanh, bền vững, NQ 09 xác định nhiệm vụ, giải pháp thực hiện rất cụ thể, rõ ràng, không chồng chéo để từng cấp, từng ngành, đơn vị, cá nhân thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi (MN) với diện tích tự nhiên gần bằng 2/3, dân số bằng 1/3 toàn tỉnh (hơn 1,1 triệu người); trong đó có 6 dân tộc thiểu số: Thái, Mường, Dao, Thổ, Mông, Khơ Mú, với hơn 645.000 người. MN xứ Thanh có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của tỉnh và cả nước.
Tuy nhiên, hầu hết địa bàn các huyện MN là đồi núi, sông suối, giao thông cách trở, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Cơ sở hạ tầng thấp kém, trình độ dân trí chưa cao, tập quán canh tác lạc hậu, thiếu kiến thức sản xuất, kinh nghiệm làm ăn..., nên đời sống của người nghèo còn rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện MN còn cao, năm 2012 là 27,99%, gấp 2,9 lần bình quân cả nước và gấp 1,7 lần bình quân toàn tỉnh. Trong 11 huyện thì có tới 7 huyện nghèo (huyện 30a) và là tỉnh có số huyện nghèo cao nhất cả nước.
Nhằm giúp các hộ MN thoát nghèo nhanh, bền vững, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách kích cầu; các đồng chí lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Tháng 9 - 2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lên tận Mường Chanh - một trong những xã vùng biên đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát thăm, động viên đồng bào nơi đây; đồng thời tìm hiểu thực tế để chỉ đạo các cấp, cùng người dân xã Mường Chanh tập trung phát triển kinh tế sớm thoát nghèo để nhân ra diện rộng. Tại tỉnh ta, các thế hệ cán bộ lãnh đạo qua các thời kỳ luôn trăn trở làm sao để MN phát triển nhanh hơn. Từ các chỉ thị, nghị quyết (NQ) của Trung ương, sự quan tâm chỉ đạo của Tổng Bí thư và thực tế đúc rút kinh nghiệm qua lãnh đạo, chỉ đạo nhiều năm, ngày 4-11-2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã ban hành NQ 09 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện MN Thanh Hóa đến năm 2020”.
Để giảm nghèo nhanh, bền vững, NQ 09 xác định nhiệm vụ, giải pháp thực hiện rất cụ thể, rõ ràng, không chồng chéo để từng cấp, từng ngành, đơn vị, cá nhân thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Đó là: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương MN; các chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển sản xuất trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã, huyện bảo đảm về cơ cấu, số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và các lĩnh vực y tế, văn hóa; bài trừ các tệ nạn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội để giảm nghèo nhanh và bền vững.
Với nội dung mang tầm chiến lược của NQ 09 nên cả hệ thống chính trị đã “vào cuộc” với tinh thần, trách nhiệm cao nhất; trong đó trách nhiệm chính là của các cấp ủy, chính quyền và người dân các huyện MN bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Bởi, trước đó, một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận người dân nhận thức về công tác xóa đói, giảm nghèo còn hạn chế, ý thức tự vươn lên thoát nghèo của một số hộ dân chưa cao; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số cán bộ còn hạn chế, tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt, thiếu hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nên kết quả giảm nghèo chưa cao.
Nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trên, tập trung triển khai sớm đưa NQ 09 vào cuộc sống, mỗi cán bộ, đảng viên nhanh chóng chuyển từ nhận thức thành hành động bằng việc làm cụ thể. Đó là, từ chương trình hành động thực hiện NQ của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hành động phù hợp, gắn với tổ chức, cá nhân đảm nhiệm từng phần việc cụ thể để triển khai thực hiện. Các cơ quan thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền triển khai thực hiện NQ. Các huyện, thị xã, thành phố miền xuôi kết nghĩa và xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, giúp các huyện MN giảm nghèo....
Đối với các huyện MN, ban thường vụ huyện ủy tập trung triển khai NQ gắn với chương trình hành động thực hiện NQ. Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn từng thôn, bản xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với khả năng, điều kiện của mỗi cấp, ngành, địa phương. Giao cho thủ trưởng đơn vị, các tổ chức chính trị, xã hội; từng đồng chí trong cấp ủy, từng cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên có trách nhiệm giúp cơ sở và từng hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bằng việc làm cụ thể với tinh thần “cầm tay chỉ việc”; “tạo cần câu và dạy cách câu cá chứ không cho cá”. Cùng với đó là tập trung tuyên truyền các hộ nghèo đề cao ý thức tự lực, tự cường, vượt qua tâm lý tự ti, mặc cảm, cam phận với đói nghèo. Đồng thời phát huy vai trò các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng phê phán những hộ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đủ điều kiện thoát nghèo nhưng không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thông qua tuyên truyền, vận động, các hộ nghèo tự xác định không thể cứ ngồi trông chờ, ỷ lại nữa mà xây dựng quyết tâm vượt qua mặc cảm, khắc phục hạn chế, hòa nhập cùng các hộ làm ăn khá, giỏi, sớm hôm chuyên cần lao động, không sống theo kiểu “được chăng hay chớ” nữa, mà sản xuất, chi tiêu có kế hoạch để nhanh chóng thoát nghèo. Ví như hộ ông Lương Phúc Thẩm, ở bản Sáng, xã Quang Chiểu (Mường Lát), được tuyên truyền, vận động, trợ giúp của các hộ có điều kiện trong bản và được vay vốn của ngân hàng mua các loại cây, con nuôi, trồng, chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên ngô, lúa tốt tươi, bò, lợn, gà nuôi dưới tán rừng phát triển; rừng không bị đốt phá, mà được bảo vệ... nên gia đình đã xin ra khỏi hộ nghèo. Nhiều hộ khác trong xã cũng chăm chỉ làm ăn thoát nghèo. Do đó, nếu như năm 2010, xã Quang Chiểu có tới 51,61% hộ nghèo, thì sau 5 năm giảm chỉ còn 13,12%.
Vậy là, khi ý Đảng hợp lòng dân thì không còn trở ngại nào có thể ngăn cản. Tất cả đã tạo thành sức mạnh, niềm tin trong khối đại đoàn kết toàn dân, bằng việc làm rất thiết thực.
Kết quả thực hiện NQ 09 như được nhân lên và tạo thêm niềm tin mới. Đó là, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm đáng kể. Không chỉ người nghèo (có hộ thiếu đói lúc giáp hạt) nay đã “no cái bụng” mà các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa có nhiều chuyển biến tiến bộ; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tình đoàn kết, hữu nghị hai bên biên giới Việt - Lào được tăng cường...
Ông Hà Văn Thương, dân tộc Thái, 64 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Quan Sơn (một trong những huyện nghèo nhất cả nước), nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh..., nói trong niềm vui, phấn khởi: “NQ 09 như luồng gió mới, tạo thêm niềm tin, sức mạnh để cán bộ, người dân hồ hởi chung sức, chung lòng vượt khó vươn lên thoát nghèo không chỉ về vật chất mà cả tinh thần. Cùng với tập trung phát triển kinh tế, các tri thức bản địa còn nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, phát hành các tài liệu về văn hóa truyền thống kết hợp với văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó chống lại sự xâm nhập văn hóa phản động, các luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân của các thế lực thù địch; tạo sân chơi lành mạnh để đồng bào có thêm động lực phát triển kinh tế vững bền”.
Kết quả trên khẳng định NQ 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra đời đã hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, tự tin, phấn khởi thi đua xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng ngay tại mảnh đất quê hương mình!
Theo Minh Đạo/Báo Thanh Hóa
Bài 2: Những “hạt giống đỏ” trên mặt trận giảm nghèo
Trồng thanh long mang lại thu nhập cao cho người dân
xã Xuân Du (Như Thanh). Ảnh: Trần Thanh
Đồng bào các dân tộc khu vực miền núi xứ Thanh không “đơn độc” trong “cuộc chiến” với cái nghèo, mà luôn có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên. Trong đó, vai trò của mỗi đảng viên được ví như những “hạt giống đỏ” trên mặt trận giảm nghèo.
Về thăm xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) - vùng quê gắn liền với địa điểm được cho là diễn ra Hội thề Lũng Nhai trong Khởi nghĩa Lam Sơn và cũng là địa phương giảm nghèo nhanh của huyện. Giữa bốn bề rừng xanh, đồi mía, những công trình trường học, công sở xã, trạm y tế, đường giao thông nông thôn kiên cố, khang trang hiện ra. Dường như cái nghèo với bóng dáng của những ngôi nhà tranh, vách đất chỉ còn trong ký ức của mỗi người dân nơi đây. Khái quát ngắn gọn về công tác giảm nghèo của xã, đồng chí Lê Xuân Đấu, bí thư đảng ủy xã, nói: Đúng với tinh thần Nghị quyết (NQ) 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh, bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”, đảng bộ xã đã bàn bạc thống nhất lựa chọn công thức “cấp ủy đảng sâu sát, đảng viên giúp đỡ” để các hộ nghèo có hướng đi phù hợp trong sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ bản chất của NQ 09. Cùng với việc quán triệt sâu rộng NQ trong toàn đảng bộ và mọi tầng lớp nhân dân, các cấp ủy đảng ở Ngọc Phụng đã chủ động rà soát, xác định nguyên nhân nghèo của từng hộ dân để có những giải pháp tác động phù hợp.
Thôn Hòa Lâm có 327 hộ dân, vào thời điểm năm 2012 trong thôn còn 16 hộ nghèo. Được hỏi về cách giảm nghèo của thôn, đồng chí Lê Xuân Trực, bí thư chi bộ, trưởng thôn Hòa Lâm, chia sẻ: “Tiếp thu tinh thần của NQ 09, cấp ủy thôn đã họp ra NQ chuyên đề về giảm nghèo. Đồng thời, phân công các đảng viên trong chi bộ giúp đỡ các hộ nghèo và giao cho ban công tác mặt trận thôn đến từng hộ nghèo vận động các gia đình cho con em tham gia xuất khẩu lao động, học cách sản xuất, làm ăn mới. Chẳng hạn hộ ông Hoàng Văn Chiến, cấp ủy giao cho đảng viên Nguyễn Bá Nha giúp đỡ hay hộ các bà Hàn Thị Thanh, Vũ Thị Nga giao cho đảng viên Lê Trọng Quyền giúp đỡ...”. Từ việc phát huy được vai trò của cấp ủy đảng, mỗi đảng viên trong chi bộ nên tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm nhanh. Hiện trong thôn Hòa Lâm chỉ còn 1 hộ nghèo.
Năm 2003, khi Nhà nước lấy đất để xây dựng Công trình Thủy lợi – Thủy điện Cửa Đạt, gia đình bà Hàn Thị Thanh đã chuyển xuống sinh sống tại thôn Hòa Lâm. Đông con, không nghề nghiệp, cuộc sống của gia đình bà gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Được sự giúp đỡ của chi bộ và đảng viên Lê Trọng Quyền, gia đình bà Thanh đã thoát được nghèo. Ngoài ra, được các đồng chí trong ban công tác mặt trận thôn Hòa Lâm phân tích, vận động, tuyên truyền, bà Thanh đã cho con tham gia xuất khẩu lao động. “Tưởng sẽ không thoát được nghèo, nhưng được sự giúp đỡ của các đồng chí đảng viên, cán bộ thôn và 30 triệu đồng vay ngân hàng tôi đã học được nghề tráng bánh đa, chăn nuôi lợn sinh sản. Có nghề và nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, cuối năm ngoái gia đình tôi đã xin rút khỏi danh sách hộ nghèo” – bà Thanh chia sẻ.
Như đồng chí bí thư đảng ủy xã Lê Xuân Đấu đã từng chia sẻ: “Vấn đề cốt lõi của NQ 09 chính là nâng cao thu nhập, đời sống cho người nghèo”. Với tinh thần ấy, Ngọc Phụng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, xã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, như: Cụm chăn nuôi gia súc quy mô lớn; trồng cây công nghiệp, ăn quả, ớt xuất khẩu... Những mô hình kinh tế này không những mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 4,83%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 26 triệu đồng/năm. Đây thực sự là những con số rất ấn tượng về công tác giảm nghèo ở một xã miền núi như Ngọc Phụng.
Trước khi NQ 09 ra đời, các cấp ủy đảng, chính quyền các huyện miền núi tỉnh Thanh vẫn loay hoay đi tìm lời giải cho “bài toán” giảm nghèo và huyện Như Thanh cũng không phải là ngoài lệ. Nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh cho địa phương thì nhiều, nhưng do chưa phát huy được vai trò các cấp ủy đảng, MTTQ, các đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên nên công tác giảm nghèo vẫn chưa có bước chuyển biến rõ nét về chất lượng. Kể từ khi có NQ 09 “soi đường”, các xã ở Như Thanh đã tìm được hướng đi cho công cuộc giảm nghèo. Triển khai tổ chức thực hiện, Huyện ủy Như Thanh đã ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn lộ trình thực hiện đến từng xã, thị trấn. Đồng thời, UBND huyện ban hành kế hoạch chương trình hành động về thực hiện nghị quyết, giao chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm cho các địa phương; phân công cho thành viên trong ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện phụ trách từng xã; các tổ chức đoàn thể cấp huyện chỉ đạo cơ sở để thực hiện kế hoạch giảm nghèo được giao.
Nhằm thực hiện hiệu quả NQ 09, Đảng ủy xã Xuân Du đã linh hoạt trong việc phân công nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể gắn với nâng cao vai trò trách nhiệm của từng chi bộ, mỗi đảng viên để chia sẻ, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên. Được đảng ủy xã phân công giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo làm chủ hộ trên địa bàn, Hội Phụ nữ xã Xuân Du đã cử cán bộ xuống cơ sở khảo sát nhu cầu, nguyện vọng thoát nghèo của chị em. Đồng thời, bàn bạc với các chi hội phụ nữ thôn xây dựng kế hoạch, lựa chọn những mô hình giảm nghèo phù hợp để chị em tham gia. Xác định cho “cần câu, chứ không cho con cá”, đồng nghĩa với việc không hỗ trợ về tiền bạc, hội phụ nữ xã triển khai xây dựng mô hình phụ nữ trồng cây đào phai ở các thôn 5, 6 và mô hình phụ nữ trồng sắn dây ở thôn 2, 3. Các chị em phụ nữ nghèo làm chủ hộ được ưu tiên tham gia các mô hình. Mặt khác để hỗ trợ chị em về kinh nghiệm, kiến thức trong phát triển sản xuất, kinh doanh, hội phụ nữ xã cũng đã thành lập các câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”, câu lạc bộ “hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo”. Đến thăm gia đình chị Trịnh Thị Tý, ở thôn 5, đúng lúc chị đang chăm sóc vườn đào sau nhà, chị chia sẻ: “Khi hội phụ nữ xã triển khai mô hình phụ nữ trồng cây đào phai tôi đăng ký ngay. Không chỉ được học tập kiến thức, kinh nghiệm về trồng đào, tôi còn được hội phụ nữ xã đứng ra tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội cho vay 10 triệu đồng để đầu tư trồng đào. Có vốn tôi đã cải tạo 6 sào đất ruộng của gia đình để trồng hơn 600 gốc đào, xen với cây thanh long ruột đỏ. Riêng cây đào phai gia đình tôi đã thu hoạch được 1 lứa, với giá trị hơn 40 triệu đồng”. Từ chỗ không có việc làm, thu nhập bấp bênh giờ gia đình chị Lý đã có thu nhập ổn định và năm 2016 thoát được nghèo nhờ cây đào phai – vốn là cây trồng thế mạnh của vùng đất Xuân Du. Với sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị, chi bộ thôn và vai trò của mỗi đảng viên, hội viên các mô hình giảm nghèo xuất hiện ngày càng nhiều và được duy trì ở Xuân Du, như: Đào tết, lúa chất lượng, hiệu quả cao, ớt xuất khẩu, thanh long ruột đỏ. Đặc biệt, với cây đào phai, trên địa bàn xã có hộ dân thu nhập gần 400 triệu đồng vào dịp tết.
NQ 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020” đã hơn nửa chặng đường. Kinh nghiệm giảm nghèo ở Thường Xuân và Như Thanh cho thấy, khi có sự lãnh đạo sát sao của cấp ủy đảng, nhất là vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên các tổ chức đoàn thể thì “cuộc chiến” với cái nghèo ắt thắng lợi.
Theo Trần Thanh/Báo Thanh Hóa
Bài cuối: Nhân lên niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng
Phát triển kinh tế vườn, rừng - hướng thoát nghèo bền vững của nhân dân
xã Cát Vân (Như Xuân). Ảnh: Xuân Minh
Công cuộc xóa đói giảm nghèo là cả quá trình lâu dài và không dễ thực hiện, thế nhưng với kết quả “ấn tượng” bước đầu mà các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đạt được sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 09 (NQ 09) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi Thanh Hóa một lần nữa khẳng định, khi nghị quyết hợp lòng dân sẽ nhân lên niềm tin, sức mạnh toàn dân để việc lớn hay nhỏ, dễ hay khó cũng đều đi đến thành công.
Những ngày cuối tháng tám, chúng tôi ngược miền Tây Thanh Hóa. Sáng sớm, núi rừng như ngập chìm trong sương khói, từ xa “cổng trời” Mường Lát hiện ra với những nương sắn, đồi ngô, ruộng lúa bậc thang, cánh rừng xoan, lát xanh ngút ngàn vươn mình đón nắng. Xa xa tiếng trẻ em cười đùa ríu rít dưới mái trường tươi màu ngói mới... tất cả như một nét chấm phá vẽ nên bức tranh ấm no của đồng bào vùng cao xứ Thanh.
Là một trong 7 huyện nghèo nhất tỉnh, Mường Lát có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, địa hình chia cắt, trình độ dân trí còn hạn chế với nhiều tập tục lạc hậu khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây đã nghèo lại càng thêm khó khăn. Thế nhưng, từ khi có “luồng gió mới” từ những chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ, của tỉnh, trong đó phải kể đến NQ 09 ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020” đã tạo ra một “cú hích” giúp người dân nơi đây từng bước thoát nghèo bền vững.
Đồng chí Lương Minh Thông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mường Lát tiếp chúng tôi với tinh thần phấn khởi khi thông tin về kết quả và quá trình địa phương triển khai NQ 09, bởi Mường Lát đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đều nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của nghị quyết cũng như những giải pháp, mục tiêu cụ thể về giảm nghèo nhanh, bền vững ở địa phương mình, từ đó, cân đối các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đồng thời tổ chức lồng ghép, phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách của tỉnh, huyện. Từ thực tiễn rút ra bài học kinh nghiệm, huyện Mường Lát luôn chú trọng phát triển các mô hình sản xuất mang lại kinh tế cao, bởi vì đây là những mô hình thiết thực, sát sườn với đời sống người dân. Cụ thể, huyện đã triển khai có hiệu quả 11 mô hình giảm nghèo ở các xã với trên 2.500 hộ gia đình tham gia, nhiều mô hình thành công ngoài mong đợi, tiêu biểu như sản xuất thâm canh cây lúa nước trên ruộng bậc thang bằng sử dụng phân viên nén dúi sâu; gieo mạ có che phủ nilon; sử dụng giống lúa mới tại bản Khằm (xã Trung Lý); bản Chai (xã Mường Chanh), bản Pá Hộc (xã Nhi Sơn) năng suất lúa vụ chiêm - xuân bình quân từ 22 tạ/ha/vụ (năm 2012) tăng lên trên 40 tạ/ha/vụ (năm 2016); mô hình chăn nuôi bò sinh sản bán chăn thả; mô hình trồng cỏ, chăn nuôi bò sinh sản tại 5 bản thuộc 3 xã Trung Lý, Nhi Sơn, Tén Tằn; mô hình chăn nuôi gia súc dưới tán rừng...
Cùng triển khai, thực hiện NQ 09, nhưng hướng đi ở huyện Lang Chánh có những nét riêng, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Huyện đã đẩy mạnh việc thực hiện lồng ghép chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững; các chương trình hỗ trợ như: 30a, 135, 134, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thanh Hóa... Cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, huyện đã hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học - kỹ thuật, từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác của bà con. Đến nay, đội ngũ cán bộ ở nhiều xã trong huyện đã tự tìm tòi, học hỏi, áp dụng mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Toàn huyện đã triển khai 19 mô hình, mở ra những hướng sản xuất mới nâng cao thu nhập cho người dân. Giai đoạn 2010 - 2015, bằng các chương trình, dự án hỗ trợ của Chương trình 30a, 134, 135, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; đã xây dựng được 38 công trình giao thông, thủy lợi; duy tu, bảo dưỡng 4 công trình; hỗ trợ làm nhà ở cho 1.441 hộ nghèo; 1.900 hộ được hỗ trợ mua trâu bò sinh sản, mua cây, con giống, phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... góp phần giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo; nếu như năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo là 57,02% thì đến năm 2015 giảm còn 22,68% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 là 38,03%).
Không chỉ Mường Lát, Lang Chánh có sự thay đổi nhanh chóng, NQ 09 đã và đang mở ra con đường thoát nghèo cho các huyện miền Tây Thanh Hóa. Nhiều huyện đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể, sát thực tế để công tác giảm nghèo nhanh, bền vững đi vào chiều sâu, thực chất. Trong đó, các huyện chú trọng đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả, như phục tráng rừng luồng ở Quan Hóa, Lang Chánh; trồng dưa hấu, nuôi lợn cỏ ở Như Xuân; nuôi vịt Cổ Lũng ở Bá Thước; trồng thanh long ruột đỏ, trồng nghệ dược liệu ở Thạch Thành, Cẩm Thủy; trồng vầu, chuối tiêu hồng, khoai mán ở Quan Sơn...
Một trong những nội dung nữa được cụ thể hóa rõ nét, sinh động trong NQ 09, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó là chương trình kết nghĩa, sự chung tay giúp sức của 16 đơn vị là các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố miền xuôi giúp đồng bào các dân tộc ở 11 huyện miền núi vươn lên thoát nghèo. Thông qua việc kết nghĩa, hợp tác giữa các huyện đã mang lại “luồng sinh khí mới”, không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ về nhân lực, vật lực mà còn chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành, trong sản xuất, chăn nuôi; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từ đó đã tạo thêm động lực mạnh mẽ để kinh tế - xã hội miền núi phát triển.
Đến nay NQ 09 được đánh giá là phù hợp với thực tiễn, đáp ứng sự mong mỏi và sự kỳ vọng của đảng bộ và nhân dân, nhân lên niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo ở khu vực miền núi xứ Thanh; diện mạo khu vực miền núi của tỉnh thực sự đang đổi mới, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, có khoảng 31.000 hộ nghèo và trên 7.000 hộ cận nghèo được thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm; 9.725 hộ được hỗ trợ nhà ở; số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86,5%; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 98%...
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; việc gắn kết, lồng ghép nguồn vốn từ các dự án phát triển sản xuất của chương trình giảm nghèo với nhau chưa đạt hiệu quả; hoạt động phát triển sản xuất chủ yếu là cho không; một số cơ chế chính sách chưa sát, chưa điều chỉnh kịp thời so với thực tế ở cơ sở, đầu tư còn dàn trải...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả NQ 09, theo đồng chí Lương Văn Tưởng, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về chương trình giảm nghèo tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân gắn với thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của các cấp, ngành, ý chí vươn lên thoát nghèo trong nhân dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo; sử dụng có hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo; nhân rộng các phong trào, mô hình giảm nghèo, những cách làm linh hoạt, sáng tạo của các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, đồng thời phê phán những hộ gia đình còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách của Nhà nước...
Có thể khẳng định, NQ 09 đã và đang đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Qua thực hiện nghị quyết đã nâng cao vai trò của người đứng đầu trong công tác giảm nghèo, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác giảm nghèo. Những kết quả, thành tựu đạt được trong thực hiện NQ 09 tuy mới chỉ là những “bước khởi đầu” cho một chặng đường dài, nhưng đây chính là tiền đề quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội miền Tây Thanh Hóa phát triển, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững khu vực miền núi của tỉnh.
Theo Xuân Minh/Báo Thanh Hóa