Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Dân vận khéo giúp dân thoát nghèo (13/10/2017-14:41)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng

Với phương châm ‘Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm’, ‘trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân’, nhiều năm qua những người làm công tác dân vận từ tỉnh xuống cơ sở đã vượt qua mọi khó khăn để không chỉ tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng mà còn có những cách làm linh hoạt gắn liền với tình hình thực tế ở các địa phương để giúp dân xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần ngày càng nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân.

Nói đi đôi với làm

Đi khắp các tuyến đường từ trung tâm huyện lỵ đến các bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Như Xuân, chúng tôi đều cảm nhận được sức sống mới đang hiện hữu trên vùng quê nơi đây. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, không khó bắt gặp hình ảnh màu xanh trải dài tít tắp của những đồi cây ăn quả thay cho những vườn tạp trước kia. Và bằng những hướng đi thích hợp, trong những năm qua huyện Như Xuân đã “đánh thức” được những vùng đất hoang hóa, giàu tiềm năng bị “ngủ quên” bấy lâu nay.

Xã Hóa Quỳ là một trong những xã điển hình của huyện trong việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Hiện nay ngoài 3 trang trại cấp tỉnh về lợn, bò, gà, trên địa bàn xã còn có rất nhiều mô hình gia trại khác. Không còn hình ảnh người dân thờ ơ với những mảnh vườn bị bỏ hoang, trồng những cây kém hiệu quả hay mong đợi vào rừng hái măng, bán đi để lấy tiền, mua gạo sinh sống qua ngày nữa. Người dân nơi đây thực sự đã có sự thay đổi lớn trong suy nghĩ đến cách làm, xóa bỏ được tư tưởng trông chờ ỉ lại đã ăn sâu, bén rễ vào trong nếp sống xưa. Để có được những thành quả đó có vai trò đóng góp không nhỏ của những người làm công tác dân vận khéo.

Ông Lê Phúc Hải - Quyền Chủ tịch UBND xã cho biết: Bắt tay vào xây dựng NTM ở điểm xuất phát thấp với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao 75% nên làm NTM ở Hóa Quỳ là vô cùng khó khăn. Mà khó khăn nhất vẫn nằm ở nhận thức của bà con cho rằng việc thực hiện 19 tiêu chí NTM ở đây là “điều không tưởng”. Sự ì ạch của một bộ phận đảng viên, đặc biệt là tư tưởng trông chờ ỉ lại trong người dân ở nơi đây còn nhiều. Chính vì vậy, cái đói, cái nghèo cứ bám lấy cuộc sống ở nơi này hết đời này sang đời khác... Nhưng không thể lùi bước trước những khó khăn, không thể bó tay ngồi nhìn, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nói chung trong việc thụ hưởng Nghị quyết 30 a, Chương trình 135 của Chính phủ và sau khi có Nghị quyết 03 của Huyện ủy Như Xuân về cải tạo vườn tạp gắn với Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020” đã thực sự giúp cho đời sống người dân có sự thay đổi đáng kể.

“Nhưng để dân hiểu, dân làm theo thì công tác tuyên truyền là vô cùng quan trọng. Và không chỉ tuyên truyền bằng lý thuyết mà lãnh đạo cấp ủy, chính quyền còn tuyên truyền bằng hành động, bằng thực tế cụ thể. Xã cử mỗi thôn là một tổ, 13 thôn là 13 tổ, cứ thứ 5 hàng tuần sẽ chia làm các tổ xuống các thôn để cầm tay, chỉ việc cho nhân dân và cũng kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người dân. Xã cũng tuyên truyền, vận động giao cho các đảng viên phụ trách, động viên các hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo”, ông Lê Phúc Hải cho biết thêm

Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục lồng ghép nhiều nguồn lực để ưu tiên cho hộ nghèo, hộ khó khăn vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ tích cực đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây con mạnh mẽ đã làm thay đổi căn bản mức sống của người dân Hóa Quỳ. Nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh phát triển mang lại thu nhập cho người lao động. Từ chỗ thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm thì đến nay đã lên đến 25,5 triệu đồng/ người/ năm, giảm hộ nghèo theo chuẩn mới còn 5,7%. Văn hóa - xã hội có thêm nhiều khởi sắc. Tình hình an ninh, chính trị được ổn định.

Đó cũng là cách làm rất có hiệu quả ở xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy. Ông Quách Lục Bình - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Triển khai các mô hình dân vận khéo gắn với xây dựng NTM, Đảng ủy, các tổ chức quần chúng chú trọng tuyên truyền theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Các cán bộ, đảng viên đề cao trách nhiệm nêu gương, xung kích đi đầu trong các phong trào thi đua. Với 51% là người dân tộc Mường, còn lại là dân tộc Kinh, trong những năm qua nhờ làm tốt công tác dân vận khéo, người dân nơi đây đã chủ động hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình. Bà Nguyễn Thị Lựu - nguyên trưởng thôn Phúc Ngọc - cho biết: Gia đình trước kia trồng lúa, mía, qua thời gian, được sự quan tâm, tuyên truyền vận động của xã, tôi đã chủ động mở rộng quy mô kinh tế trang trại. Bản thân tôi luôn xác định, là một đảng viên, trưởng thôn ngoài việc luôn phải gương mẫu trong từng lời nói, phải gương mẫu trong việc làm. Bản thân có làm được thì nói dân mới nghe. Từ mô hình nuôi bò trước đây, nay cô đã mở rộng thêm diện tích với 120 gốc bưởi, 400 gốc cam, 50 gốc táo, thanh long, trồng mía... với tổng diện tích 4 ha đã mang lại thu nhập cao cho gia đình. Gia đình cũng tạo việc làm cho 3 - 4 lao động trong thời vụ”. Cùng với gia đình bà Lựu, trong xã Cẩm Ngọc còn có rất nhiều gia đình khác đi lên từ việc phát triển những mô hình kinh tế trang trại, như các gia đình anh: Dương Văn Khoa ở thôn Song với mô hình rau quả sạch, Dương Văn Hùng - thôn Sống với vườn rừng, Nguyễn Văn Quang với phát triển mô hình gia trại, ong...

Đó cũng chỉ là hai trong rất nhiều mô hình điển hình trong toàn tỉnh về việc gắn công tác dân vận khéo với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhờ có những cách làm cụ thể, linh hoạt gắn với tình hình thực tế ở từng địa phương mà đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân.

Trách nhiệm, niềm tin

Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong những năm qua, Thanh Hóa đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận, đặc biệt là việc vận động cán bộ, đảng viên chung sức xây dựng NTM và xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững. Để thực hiện được mục tiêu trên, Đảng bộ đã xác định làm tốt công tác dân vận, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, trước hết là làm cho cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, góp phần đáng kể cho nhân dân trong việc việc xóa đói giảm nghèo, là cơ hội để người dân chung tay cùng với Nhà nước xây dựng NTM giàu đẹp, dân chủ, văn minh.

Đồng chí Vi Thị Phượng - Trưởng ban Dân vận huyện Như Xuân cho biết: Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 03 của Huyện ủy về cải tạo vườn tạp và trồng mới cây ăn quả, làm đổi thay cho nhiều gia đình trên địa bàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội là sự cố gắng vươn lên thoát nghèo của người dân với nhiều mô hình điển hình phù hợp với tình hình thực tế mang lại hiệu quả cao. Để người dân noi theo, những người làm công tác dân vận từ huyện xuống cơ sở luôn xác định đây không không phải công việc một sớm một chiều. Những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn, có những nơi người dân không đồng hành cùng. Thế nhưng nhờ sự phối hợp tốt với các ban, ngành khác, xác định những người làm công tác dân vận thì phải luôn gương mẫu đi đầu, có uy tín, trách nhiệm và cầm tay chỉ việc cho người dân. Sự tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của những người làm công tác dân vận trong xóa đói giảm nghèo đã được người dân ghi nhận.

Với kinh nghiệm làm cán bộ thôn nhiều năm, theo ông Nguyễn Thế Tình - Trưởng thôn Thanh Tân, xã Hóa Quỳ thì làm cán bộ thôn ở thời NTM vẫn là khó, là khổ nhất nhưng cũng là vui nhất. Vui vì sau quá trình tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện thôn về NTM đầu tiên của xã. Ông chia sẻ thêm: “Trước đây, thôn Thành Tân cũng là thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm tới 60%. Vậy làm sao để vận động để bà con xóa đói, giảm nghèo, cả là một quá trình. Trước hết là phải nêu cao được sự gương mẫu, uy tín, trách nhiệm của trưởng thôn, đầu tiên người làm trưởng thôn, đảng viên trong thôn phải là những người đầu tàu trong các phong trào, kiên quyết không có đảng viên nằm trong diện hộ đói, hộ nghèo. Có như vậy, nói dân mới nghe được”. Đầu tiên ông tuyên truyền vận động bà con trong việc xóa đói giảm nghèo, cũng có những người không đồng thuận để làm theo, bởi vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ ỉ lại. Thế nhưng họp một lần chưa thông, thì thôn phải họp khi nào người dân thông được mục đích, ý nghĩa của việc xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng NTM xong. Bản thân ông đi nhiều lần, rồi “mưa dầm thấm lâu”, người dân cũng đã tích cực hơn trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập đời sống cho bà con. Khi đời sống của người dân được nâng cao, người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, không đổ rác bừa bãi; thuê đổ đất để trồng hoa ven đường. Đồng thời bà con cũng tự nguyện hơn trong việc góp sức người, sức của trong việc xây dựng tuyến điện cao áp sáng nông thôn.

 Mô hình trồng cây ăn quả của anh Nguyêễn Văn Đại, xã Nga Liên.JPG
Mô hình trồng cây ăn quả của anh Nguyễn Văn Đại, xã Nga Liên.

Ở xã Nga Liên, huyện Nga Sơn được nhiều người biết đến không chỉ bởi vùng quê này có tới 98% đồng bào theo đạo công giáo mà đời sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày. Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác dân vận khéo, nhiều người dân đã tích cực trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất sang mô hình trang trại tổng hợp, nuôi tôm thẻ và bước sang năm thứ ba trồng cây đào cảnh, cây quất cho thu nhập cao nhiều lần so với trồng lúa. Trong việc mở rộng đường, nhiều gia đình sẵn sàng hiến đất, lùi nhà và thậm chí đập cả những cổng nhà có giá trị vài chục triệu mà không đòi hỏi quyền lợi gì. Trong khi đó, đây đây ở nhiều nơi, việc đền bù giải phóng mặt bằng là việc làm rất khó khăn thì nhờ huy động được cả hệ thống chính trị, công tác dân vận khéo đã làm thay đổi nhận thức của người dân... Chính vì thế qua đợt lấy ý kiến về mức độ hài lòng của người dân với chính quyền, tỉ lệ hài lòng chiếm trên 90%. Có được kết quả đó, cần phải khẳng định tất cả là nhờ công tác dân vận khéo.

Khẳng định rằng, trong những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, phong trào thi đua "Dân vận khéo" được các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc đổi mới nội dung và phương thức vận động quần chúng theo hướng sâu sát cơ sở; thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia. Các nội dung, phần việc “Dân vận khéo” được chú ý lồng ghép với các phong trào thi đua và các cuộc vận động với nhiều hình thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội; nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả được phổ biến, nhân rộng. Những kết quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) đã đề ra, lòng tin của nhân dân đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các cấp được nâng lên.

Theo Thu Thủy/Báo VH&ĐS


 

Các tin khác:
  • Nghị quyết 09 và kết quả giảm nghèo nhanh, bền vững ở các huyện miền núi (05/10/2017-14:36)
  • Cần những giải pháp đồng bộ (05/10/2017-14:32)
  • Tâm huyết của người chiến sỹ quân hàm xanh kết nạp 107 đảng viên người dân tộc Mông (05/10/2017-14:29)
  • Thực hiện sắp xếp lại công đoàn giáo dục cấp huyện (02/10/2017-14:36)
  • Xây dựng thôn, bản nông thôn mới ở miền núi: Khi “ý đảng hợp lòng dân” (25/09/2017-8:59)
  • Xóa bản trắng đảng viên ở đồng bào Mông Mường Lát (25/09/2017-8:56)
  • Những trưởng bản 8X nơi biên giới (25/09/2017-8:52)
  • Phát triển đảng viên vùng biển và những vấn đề đặt ra (21/09/2017-8:19)
  • Thanh Hóa xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu (21/09/2017-8:07)
  • Khó khăn nguồn đảng viên kế cận tại các chi bộ nông thôn (21/09/2017-8:00)