Sự thân thiện của cán bộ, công chức sẽ góp phần giảm đi bức xúc của dân
(hình ảnh chỉ có tính minh họa)
Thậm chí khi đề cập đến đạo đức của một số cán bộ, công chức trong thực thi công vụ có người đã liên hệ đến hai từ “công hầu” một cách đầy xót xa!
Nếu như người cán bộ, công chức nhận thức đúng vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong quá trình thực thi công vụ, có thái độ ôn hòa, đúng mực khi giải thích, chia sẻ những thắc mắc của người dân... thì chắc chắn đã không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như vậy.
Hình ảnh, lề lối, tác phong người cán bộ chưa bao giờ lại câu thúc sửa đổi đến vậy, và nếu không kịp thời, thì nguy cơ mất niềm tin của nhân dân là rất lớn.
Mới đây thành phố Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố với mục đích định hướng chuẩn mực trong giải quyết công việc và nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động có trách nhiệm, tận tình, thân thiện. Trong các quy tắc ứng xử của cán bộ Hà Nội không chỉ có yêu cầu về trang phục, còn là thái độ, ngôn ngữ, tác phong sao để không gây căng thẳng, bức xúc cho người dân. Trước đó thành phố Cần Thơ và tỉnh Cà Mau cũng ban hành quy định một số chuẩn mực của cán bộ công chức.
Nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng hình ảnh người cán bộ của dân phải xác định là nhiệm vụ thường xuyên, phải được các cơ quan, nhất là người đứng đầu quan tâm giáo dục. Khi môi trường văn hóa đang có những thay đổi, yêu cầu cuộc sống, yêu cầu của nền hành chính công vụ cao hơn, thì cán bộ công chức, viên chức, người lao động càng phải bắt kịp để phục vụ nhân dân tốt hơn. Thậm chí vấn đề này không chỉ dừng lại ở quy định có tính đạo đức nữa, mà phải được luật hóa để răn đe, xử lý.
Sau thành phố Hà Nội, Cần Thơ và tỉnh Cà Mau, rất nhiều người hy vọng “làn gió mới” trong việc chấn chỉnh nâng cao đạo đức công vụ sẽ lan tỏa ra khắp nước để siết chặt hơn kỷ cương hành chính, xây dựng môi trường văn hóa thực sự góp phần thu hút đầu tư.
Lam Vũ