Kiên quyết thu hồi “đất vàng” sử dụng sai mục đích và dự án “treo” để tài nguyên không
bị lãng phí, người dân bớt bức xúc (ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)
Những năm gần đây Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương rà soát, đề xuất chấm dứt hoạt động, thu hồi đất các dự án vi phạm nhằm loại bỏ nhà đầu tư kém năng lực về tài chính không triển khai dự án; và trên thực tế đã chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của 189 dự án với diện tích khoảng 4.580 ha. Một sự quyết liệt cần thiết, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều diện tích “đất vàng” bị bỏ hoang hay doanh nghiệp được giao đất “xí phần” để phục vụ mục đích khác trước mắt. Trong số những dự án “treo”, dự án chậm tiến độ phải kể đến như dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới ven sông Hạc, khách sạn 5 sao - văn phòng làm việc - văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại tại phường Đông Hương (thành phố Thanh Hóa); khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân (huyện Tĩnh Gia); đô thị du lịch biển Tiên Trang (huyện Quảng Xương). Những dự án này từng tạo được sự chú ý, hy vọng cho người dân khi khởi công, nhưng sau nhiều năm lại đang tạo ra sự thất vọng không hề nhỏ, đi kèm là việc sản xuất của người dân trong vùng dự án đình trệ, đời sống khó khăn.
Thu hồi đất để đất thực sự phát huy tác dụng không chỉ nhằm ngăn chặn nguy cơ hoang hóa, lãng phí, còn giải tỏa sự bức xúc cho người dân. Đó cũng là lý do mà tỉnh Thanh Hóa đặt ra, yêu cầu giải quyết kịp thời, nghiêm túc.
Chủ trì cuộc họp với các ngành, địa phương liên quan nhằm chấm dứt hoạt động các dự án vi phạm Luật Đầu tư và thu hồi đất đối với các dự án vi phạm quy định của Luật Đất đai trên địa bàn cuối tuần trước, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng khẳng định việc chấm dứt, thu hồi các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư và giao đất vi phạm là rất cần thiết, bảo đảm công bằng và làm trong sạch môi trường đầu tư của tỉnh.
Muốn làm tốt, làm triệt để, các ngành, địa phương cần phát huy hết trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ này. Phải coi xử lý các dự án vi phạm là việc làm thường xuyên.
Đối với những dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa thực hiện các thủ tục tiếp theo, quá thời gian quy định, thì thực hiện thu hồi theo quy định. Đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng, xem xét lại quy trình thực hiện để tháo gỡ cho doanh nghiệp; nếu không đủ điều kiện thì tổ chức thu hồi dự án.
Trách nhiệm chính trong những việc này thuộc về các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, BQL lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, xong trước tháng 12/2017 tổng hợp cáo UBND tỉnh xem xét. Những dự án sử dụng đất không đúng quy định và không thu hồi được, Sở Tài nguyên và Môi trường phải chịu trách nhiệm trước HĐND tỉnh.
Một quyết định mạnh của Thanh Hóa, phần còn lại chỉ là sự xác lập tâm thế, quyết tâm để làm, và làm phải khác, phải hiệu quả hơn trước.
Anh Vũ