Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Hai mặt của tấm huy chương (19/11/2017-19:41)
    (NLBTH) - Thầy giáo được xã hội quý trọng vào bậc nhất trong những người thầy, ví như “người chèo đò” trên “dòng sông tri thức”. Người thầy chân chính phải biết nâng niu điều đó, xem như tấm huy chương cao quý mà xã hội dành tặng. Ngược lại, sẽ là sự trần trụi, thậm chí là suy nghĩ tầm thường dành cho họ.
Việc tặng hoa giáo viên ngày càng ít đi, thay vào đó là những chiếc phong bì,
những món quà vật chất (ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Nghề dạy học với những phát sinh tiêu cực đang tạo ra những tấm huy chương với hai mặt khác nhau ngày thêm rõ nét hơn. Bên cạnh nhiều nhà giáo chân chính, tận tụy, còn nhiều người chưa chuyên tâm với nghề, xem nghề là phương tiện để phục vụ những mục đích cá nhân.

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để cả xã hội tôn vinh nghề dạy học, nhưng tôn vinh thế nào cho văn hóa, thì không phải ai cũng lựa chọn đúng.

Nhiều nhà giáo cao tuổi thường kể lại câu chuyện tặng quà của học trò như một thứ kỷ niệm ngọt ngào, nhất là với những nhà giáo dạy học ở nông thôn.

Quà là những thứ mà học sinh tự làm, thậm chí là khâu áo, quần bằng tay, đen áo len bằng tay trong nhiều ngày để tặng giáo viên vào dịp 20/11. Thứ quà mộc mạc còn là những bông hoa hái từ vườn nhà bó đơn sơ đặt trên bàn giáo viên trong ngày 20/11. Tất nhiên mỗi hoàn cảnh kinh tế, mỗi giai đoạn có một cách tri ân khác nhau, và khi cuộc sống thay đổi, cách tặng quà cũng thay đổi theo hướng thực chất đến mức thực dụng.

Những năm trước hoa là thứ bán rất chạy, thậm chí khan hiếm trong dịp ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhưng bây giờ không còn cảnh ấy nữa, bởi xu hướng tặng quà giáo viên không nhất thiết phải có hoa. Chiếc phong bì thay cho tất cả, và đằng sau chiếc phong bì là suy nghĩ của người đưa tặng. Đồng tiền là phương tiện dùng để mua bán, và khi phụ huynh và học sinh bỏ đi bó hoa, thay vào đó bằng đồng tiền, rõ ràng là đã có sự định lượng, thậm chí là ngã giá. Ở cấp học thấp là “ngã giá” để có sự quan tâm của giáo viên đến con cái họ nhiều hơn trong việc ăn, việc ngủ ở trường. Ở cấp học cao hơn là điểm sổ để làm đẹp học bạ nhằm xét tuyển vào những trường đại học ưng ý...

Phụ huynh đang tự làm khổ mình, và cũng có cả những người thầy đang làm xấu mình trong mắt phụ huynh.

Một xã hội học tập cần có sự chân thành, tôn vinh đúng cách từ học sinh, từ phụ huynh, cũng cần có môi trường sư phạm thực sự từ nhà trường, do chính những người thầy tạo ra. Nếu như chúng ta nhìn nhận điều đó một cách chân thành hơn, dành tâm huyết hơn, môi trường giáo dục sẽ tốt đẹp, xuất hiện nhiều hơn những mặt phải cao quý của tấm huy chương, chứ không phải là thứ mặt trái sần sùi như những gì mà lâu nay báo chí thường lên tiếng.

Anh Vũ

 

Các tin khác:
  • Người “chèo đò” trên dòng sông tri thức (18/11/2017-12:04)
  • Hệ lụy không hề vặt (16/11/2017-20:33)
  • Nhìn vào tình trạng gia tăng tham nhũng (15/11/2017-6:50)
  • Sự phòng vệ và lòng trắc ẩn (14/11/2017-10:41)
  • Thu hồi “đất vàng”, dẹp dự án “treo” (13/11/2017-7:44)
  • Ẩm thực - đọc sách, và nghịch lý từ sự tiếp nhận (07/11/2017-10:29)
  • Cần sự đồng thuận để tinh gọn bộ máy (06/11/2017-8:38)
  • Nhìn vào án phạt để điều chỉnh (03/11/2017-7:52)
  • Xin đừng chạy theo thứ phú quý phù du (31/10/2017-8:09)
  • Siết lại việc kiểm tra kê khai tài sản (29/10/2017-19:25)