Người tham gia giao thông ở Việt Nam thường có thói quen tạo sự thuận lợi cho mình
mà không tuân thủ các quy định về ATGT (ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)
Đây là con đường to đẹp nhất nội đô thành phố Thanh Hóa, có hai chiều giao thông, nhưng vẫn tắc vào giờ đi làm ca sáng và tan tầm chiều.
Khoảng mươi ngày nay người tham gia giao thông bớt ức chế hơn mỗi khi lưu thông trên đại lộ Lê Lợi bởi lực lượng cảnh sát giao thông đã thực hiện phân luồng. Những rào chắn được dựng trên cầu Đông Hương và một số điểm giao cắt trên tuyến đường. Người tham gia giao thông đi từ hướng công viên Hội An, khu dân cư phía sau chợ Vườn Hoa, làng Bào Ngoại và đường Tống Duy Tân muốn sang đường phải đi thêm một đoạn ngắn mới rẽ, không được tùy tiện đi theo ý thích của mình như trước.
Việc phân luồng có thể gây ức chế cho số ít người, nhưng tạo sự thuận lợi cho rất nhiều phương tiện khác không phải chờ đợi, cũng bớt ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn bởi tắc đường.
Phân luồng giao thông là văn minh đô thị, đã thực hiện ở nhiều đô thị lớn, nhưng dường như sự văn minh ấy chưa được nhiều người dân ở thành phố Thanh Hóa chấp nhận. Vào mỗi dịp nghỉ lễ, tết hoặc có sự kiện tôi vẫn thấy những hàng rào di động được dựng ở một số điểm đường nhằm chống ùn tắc cục bộ. Nhưng dựng rào chắn là việc của lực lượng cảnh sát giao thông, còn chấp hành như thế nào lại là việc của người tham gia giao thông. Ngay sau khi người dựng rào rời đi, những chiếc rào bị kéo dồn vào một vị trí nào đó, hoặc chí ít bị xé ra, phương tiện lại hỗn loạn như cũ, tạo ra sự phản cảm rất lớn.
Những hình ảnh trên đại lộ Lê Lợi gần đây cũng đang cho thấy một sự xấu xí không kém, dù những tấm rào chắn đã được dùng thép buộc liên hoàn với nhau, nhưng nó vẫn bị một số người dân tháo rời tạo khoảng cách đủ cho xe đi qua.
Hình ảnh mỗi sáng mai cảnh sát giao thông phải buộc lại những rào chắn giống như dã tràng xây lâu đài cát trên bãi biển, cứ xong nước lại cuốn trôi.
Lực lượng chấp pháp về giao thông đang tạo ra một hình ảnh văn minh cho đô thị, nhưng sự ích kỷ của một bộ phận người vì tiện lợi nhất thời đang đi ngược lại lợi ích chung. Có thể họ chưa nhận thức đầy đủ đó là sự vi phạm pháp luật, mà chỉ là phản ứng thông thường như mỗi khi họ gặp điều gì đó cản trở mình.
Khi cuộc sống còn sự dễ dãi, tình trạng xử phạt không nghiêm, thì hành vi xé rào còn là căn bệnh khó chữa.
Lam Vũ